Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Ngô Thị Oanh - Bác sĩ Nhi - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Viêm lợi ở trẻ là bệnh tưởng như đơn giản mà lại rất nguy hiểm, đặc biệt ở tuổi ăn dặm. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần theo dõi và phát hiện ra tình trạng bệnh lý răng miệng ở trẻ sớm nhất và có cách điều trị kịp thời.
1. Viêm lợi ở trẻ ăn dặm
Trẻ em ở độ tuổi ăn dặm là đối tượng rất dễ mắc các bệnh về răng miệng, trong đó phổ biến là viêm lợi. Trẻ bị sưng lợi có mủ, sốt, hay nhiệt miệng là các dấu hiệu nhận biết cho tình trạng này.
Nướu răng là hệ thống phần mềm bao quanh chân răng. Bệnh viêm lợi hay viêm nướu ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng phần mô xung quanh răng và không ảnh hưởng đến hệ thống nha chu như xương ổ răng, dây chằng nha chu và cement gốc răng.
Khi bị viêm, nướu sẽ sưng đau, chuyển từ màu hồng nhạt sang đỏ ửng hay xanh xám. Bề mặt nướu trở nên trơn láng, mất lấm tấm da cam. Nướu dễ chảy máu khi chải răng hay thăm khám, nặng hơn có thể gây chảy máu tự phát.
2. Tại sao trẻ dễ bị viêm lợi?
Nguyên nhân chủ yếu là do các em chưa được vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách. Trẻ không thể tự làm sạch được những vụn thức ăn hoặc những mảng cáu bẩn bám lâu ngày trên bề mặt răng cũng như trong các kẽ răng. Điều này khiến vi khuẩn ẩn trú trong các mảng bám vôi răng gây ra viêm lợi.
Đặc biệt ở các bé đang mọc răng, nướu răng rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương nên vi khuẩn sẽ càng dễ tấn công hơn.
Ngoài ra, các nguyên nhân khác như tình trạng dinh dưỡng kém, trẻ bị sốt vì mắc bệnh lý toàn thân, dùng thuốc chống động kinh,... cũng là nguyên nhân gây ra bệnh viêm nướu ở trẻ, làm ảnh hưởng tới sức khỏe răng miệng non nớt của các bé.
3. Triệu chứng viêm lợi ở trẻ nhỏ
Tùy thuộc vào cơ địa và tình trạng bệnh của trẻ nhỏ mà các triệu chứng sẽ xuất hiện khác nhau:
- Trẻ bị sưng lợi có mủ:
Ở giai đoạn phát triển ban đầu này, các bé vẫn ăn và chơi bình thường mà chưa có bất kỳ cảm giác khó chịu nào. Tất cả dấu hiệu đều đang ở mức sơ khai, chỉ khi bố mẹ để ý kỹ mới thấy lợi có biểu hiện chuyển từ màu hồng sang màu đỏ.
Bố mẹ có thể nhận biết bệnh viêm lợi ở trẻ em thông qua hiện tượng chảy máu chân răng khi đánh răng. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng chảy máu lợi là do các vi khuẩn sản sinh các độc tố, khiến cho lợi của bé trở nên nhạy cảm và dễ chảy máu.
- Trẻ bị viêm lợi và sốt:
Đây là dấu hiệu dễ nhận thấy ở trẻ nhỏ khi bị viêm lợi. Con sẽ quấy khóc, không chịu ăn uống hoặc ăn không ngon do những cơn đau âm ỉ từ sâu trong răng. Nướu của trẻ sưng tấy to hơn, chuyển sang màu đỏ thẫm mà bằng mắt thường sẽ thấy ngay sự bất thường.
Ở một số trẻ, ngoài các cơn đau còn kèm theo hiện tượng lở, loét nướu, lưỡi và miệng; mới nhìn vào các bậc phụ huynh có thể lầm tưởng đó là dấu hiệu của trẻ bị nóng, nhiệt miệng. Bệnh phát triển nặng làm cho bé khó chịu, xuất hiện những cơn sốt, mệt mỏi, làm xuất hiện hạch ở một số nơi gây đau.
Trẻ bị viêm lợi thường có hiện tượng chán ăn, ăn ít hoặc bỏ bữa do đau buốt ở lợi, có thể xuất hiện mùi hôi ở miệng nếu chỗ viêm mưng mủ. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bé.
4. Phòng tránh bệnh viêm nướu ở trẻ
Để giúp bé phòng tránh các tổn thương răng, nướu từ bệnh viêm nướu gây ra, các bậc phụ huynh cần ý thức được việc bảo vệ răng miệng cho bé từ khi còn nhỏ:
- Tập cho trẻ thói quen vệ sinh răng miệng sau khi ăn. Vệ sinh răng miệng hàng ngày, súc miệng nước muối và ngậm thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Khi chân răng sưng đau, cần kiểm tra và chữa trị sớm. Cho trẻ ăn thức ăn mềm dễ nhai, không ăn thức ăn cay nóng;
- Nên cho trẻ đi khám để lấy cao răng (vôi răng) định kỳ mỗi 3 tháng một lần. Trám răng sâu và chỉnh hình răng nếu có sai lệch và điều trị các bệnh lý nguyên nhân nếu có;
- Hạn chế cho trẻ mút tay, cắn móng tay, xỉa răng bằng tăm.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ ăn dặm, cần có sự chăm sóc kỹ lưỡng hơn từ cha mẹ, bằng cách:
- Vệ sinh răng miệng của bé sau khi bú bằng cách dùng gạc quấn vào ngón tay trỏ của mình nhúng vào nước sôi để nguội, chà răng và nướu của bé. Động tác này phải thực hiện thật nhẹ nhàng để tránh gây tổn thương niêm mạc miệng và tránh làm bé buồn nôn;
- Tránh để bé bú bình và ngậm ti giả với núm vú cứng sẽ gây tổn thương nướu cho bé. Bố mẹ không nên pha sữa quá nóng sẽ gây tổn thương tới lợi của bé. Vệ sinh, khử trùng các đồ đạc của trẻ sơ sinh;
- Đối với các con đang trong thời kỳ mọc răng, vì răng sữa sẽ rụng đi nhưng chúng vẫn có những ảnh hưởng rất lớn đến răng vĩnh viễn sẽ mọc sau này. Vì vậy, việc giữ vệ sinh răng sữa để tạo nền móng cho răng vĩnh viễn mọc lên đều đặn là hết sức quan trọng.
Cha mẹ nên có kế hoạch và dành thời gian đưa trẻ đến gặp nha sĩ định kỳ, có thể từ 3 - 6 tháng/lần để kiểm tra tốt nhất các vấn đề về răng miệng. Tuyệt đối không để khi các bệnh của bé đã trở nên nghiêm trọng mới đưa đến phòng khám.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.