Cách chữa tắc vòi trứng là một trong những vấn đề quan trọng liên quan đến sức khỏe phụ nữ, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản và chất lượng cuộc sống. Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị từ can thiệp y tế đến những giải pháp tự nhiên, giúp cải thiện tình trạng này và mang lại cơ hội làm mẹ cho nhiều phụ nữ.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Nguyễn Thị Tâm Lý - Bác sĩ Lâm sàng - Trung tâm Sức khỏe phụ nữ và Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
1. Tổng quan về tắc vòi trứng
Vòi trứng là một bộ phận thiết yếu trong hệ sinh sản của phụ nữ, đóng vai trò như cầu nối giúp tinh trùng và trứng gặp nhau để thụ tinh. Khi trứng đã thụ tinh, vòi trứng tiếp tục là con đường dẫn hợp tử vào tử cung, bắt đầu quá trình mang thai của phụ nữ.
Tắc vòi trứng xảy ra khi vòi trứng bị hẹp hoặc tắc nghẽn, làm ngăn cản sự gặp gỡ giữa tinh trùng và trứng, dẫn đến việc không thể thụ tinh. Theo thống kê, có đến 30% trường hợp vô sinh ở phụ nữ do tình trạng này gây ra. Vì vậy, việc chữa tắc vòi trứng là mối quan tâm quan trọng với nhiều chị em. Tuy nhiên, tắc vòi trứng thường không có triệu chứng rõ ràng nên nhiều người dễ nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác.

2. Nguyên nhân gây tắc vòi trứng
Nhìn chung, tắc vòi trứng thường là xảy ra do một số bệnh phụ khoa khác gây ảnh hưởng. Dưới đây là những bệnh lý phổ biến có thể dẫn đến tình trạng này.
2.1 Lạc nội mạc tử cung
Đây là tình trạng các tế bào nội mạc tử cung phát triển ở bên ngoài tử cung. Sau đó các tế bào này có thể gây dính, co kéo các mô xung quanh, dẫn đến tình trạng hẹp hoặc tắc vòi trứng.
2.2 Viêm vùng chậu
Theo thống kê, hơn 10% phụ nữ bị viêm vùng chậu gặp khó khăn trong việc mang thai. Khi bị viêm vùng chậu, mô sẹo có thể hình thành cả bên trong lẫn bên ngoài ống dẫn trứng. Ngoài ra, tình trạng viêm nhiễm còn có thể dẫn đến ứ dịch trong buồng trứng, tạo ra vật cản, làm khó khăn cho quá trình đưa trứng đã thụ tinh vào tử cung để làm tổ.
2.3 STDs
Một số bệnh lây qua đường tình dục (STDs) như lậu và chlamydia có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, thậm chí dẫn đến vô sinh. Nếu không được điều trị kịp thời, các bệnh này có thể gây viêm nhiễm ở khu vực vòi trứng, dẫn đến hình thành mô sẹo và gây tắc nghẽn. Khi vòi trứng bị tắc, việc thụ tinh trở nên khó khăn và quá trình chữa tắc vòi trứng cũng phức tạp hơn rất nhiều, ảnh hưởng lớn đến khả năng mang thai của phụ nữ.
2.4 Mang thai ngoài tử cung
Đối với phụ nữ mang thai ngoài tử cung, bác sĩ có thể áp dụng cách chữa tắc vòi trứng nội khoa bằng thuốc hoặc tiến hành phẫu thuật để loại bỏ khối thai ngoài tử cung, đồng thời cố gắng bảo tồn vòi trứng. Tuy nhiên, vị trí khối thai có thể để lại sẹo, dẫn đến nguy cơ tắc vòi trứng sau này.
Bên cạnh các nguyên nhân chính đã nêu, tắc vòi trứng cũng có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác như u xơ tử cung, phẫu thuật vùng bụng hoặc can thiệp vào ống dẫn trứng. Để phòng tránh các tình trạng này, chị em phụ nữ nên duy trì đời sống tình dục lành mạnh và an toàn nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa.

3. Phương pháp chẩn đoán
Trước khi đi đến các cách chữa tắc vòi trứng, bệnh nhân cần được bác sĩ chẩn đoán kỹ lưỡng. Hiện nay, có nhiều phương pháp để xác định tình trạng này, nhưng phổ biến nhất là ba phương pháp sau.
- Chụp X-quang tử cung và vòi trứng (HSG): Đây là phương pháp chẩn đoán phổ biến và hiệu quả nhất trong việc phát hiện tắc nghẽn vòi trứng. Để thực hiện, bác sĩ sẽ đưa một chất cản quang vào tử cung qua đường âm đạo. Chất lỏng này giúp hiển thị rõ hơn cấu trúc của ống dẫn trứng khi tiến hành chụp X-quang.
- Siêu âm tử cung - ống dẫn trứng bằng chất tương phản tạo bọt (HyFoSy): Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa một chất tương phản dạng bọt vào tử cung và vòi trứng qua đường âm đạo bằng một ống catheter nhỏ. Qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ quan sát đường đi của bọt để đánh giá độ thông của vòi trứng.
- Nội soi ổ bụng: Bác sĩ sẽ thực hiện cắt một vết mổ nhỏ để đưa ống nội soi đặc biệt vào cơ thể, quan sát trực tiếp tình trạng vòi trứng và các cơ quan sinh sản khác. Nội soi có thể giúp phát hiện các vấn đề tiềm ẩn khác ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, vì đây là phương pháp xâm lấn nên thường không được chọn là phương án xét nghiệm đầu tiên.

4. Các cách chữa tắc vòi trứng
Tùy thuộc vào mức độ tắc nghẽn và tình trạng cụ thể của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ lựa chọn các cách trị tắc vòi trứng phù hợp.
4.1 Phẫu thuật mở thông, tạo hình vòi trứng
Trong trường hợp vòi trứng bị tắc và tạo thành túi bịt, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật nội soi ổ bụng để gỡ dính, tái tạo lại loa vòi, giúp phục hồi sự lưu thông của vòi trứng. Phương pháp này cho phép bệnh nhân có thể mang thai tự nhiên trở lại.
4.2 Phẫu thuật cắt ống dẫn trứng
Nếu vòi trứng bị tắc nghẽn nặng và ứ dịch nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ hoàn toàn ống dẫn trứng. Dù mất khả năng thụ thai tự nhiên, bệnh nhân vẫn có thể có con nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
4.3 Cách chữa tắc vòi trứng: Phẫu thuật cắt nối ống dẫn trứng
Với những trường hợp chỉ một đoạn vòi trứng bị tắc, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ đoạn bị tắc và nối hai đầu còn lại với nhau. Nếu phẫu thuật thành công, bệnh nhân vẫn có khả năng mang thai tự nhiên.

5. Các cách chữa tắc vòi trứng tại nhà
Nhiều chị em lựa chọn các cách chữa tắc vòi trứng tại nhà, đặc biệt là khi bệnh mới ở giai đoạn đầu hoặc khi muốn hỗ trợ các phương pháp điều trị khác. Các bài thuốc dân gian trị tắc vòi trứng thường dễ thực hiện, ít gây tác dụng phụ và khá an toàn cho sức khỏe, giúp chị em yên tâm áp dụng để cải thiện tình trạng bệnh.
5.1 Ngải cứu
Ngải cứu là một phương pháp trị tắc vòi trứng được đánh giá cao trong Đông y nhờ tính hiệu quả và an toàn. Loại dược liệu này chứa nhiều chất có khả năng kháng viêm và tiêu diệt vi khuẩn, giúp giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn ống dẫn trứng. Các thành phần như acid amin, flavonoid và absinthin trong ngải cứu còn hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn gây bệnh, đồng thời giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể.
Chị em có thể áp dụng ngải cứu bằng cách kết hợp với muối để đun nước xông và rửa vùng kín. Ngoài ra, uống nước ngải cứu, chế biến ngải cứu trong các món ăn hàng ngày hoặc kết hợp với một số vị thuốc Đông y khác cũng là những cách chữa tắc vòi trứng tại nhà hiệu quả.

5.2 Các tư thế yoga
Tập yoga là một phương pháp đơn giản nhưng rất hữu ích trong việc điều hòa năng lượng và thúc đẩy lưu thông máu, hỗ trợ thông vòi trứng tự nhiên.
Yoga không chỉ giúp tăng cường tuần hoàn máu mà còn giảm nguy cơ nhiễm trùng vùng kín, hỗ trợ sức khỏe sinh sản cho chị em. Nếu cơ thể dẻo dai và không gặp vấn đề về xương khớp, chị em có thể thử các tư thế yoga như: tư thế cây cầu, tư thế gác chân lên tường, tư thế em bé và tư thế móc câu hẹp. Những động tác này giúp cải thiện lưu thông máu và hỗ trợ quá trình điều trị tắc vòi trứng.
5.3 Hoa chuối
Ăn hoa chuối là một cách chữa tắc vòi trứng mà nhiều phụ nữ áp dụng, giúp giảm nguy cơ hiếm muộn và vô sinh. Loại thực phẩm này rất giàu vitamin A, C, E, các khoáng chất, chất xơ, acid béo không bão hòa và protein, mang lại nhiều lợi ích cho hệ sinh sản nữ.
Theo y học cổ truyền, hoa chuối có tính lạnh, vị ngọt thanh, giúp hoạt lạc, lưu thông kinh mạch, bình can tiêu ứ. Với những chị em gặp vấn đề tắc ống dẫn trứng, việc bổ sung hoa chuối vào chế độ ăn uống giúp điều hòa kinh nguyệt, giảm viêm nhiễm và cải thiện tình trạng tắc nghẽn, nhất là khi có biểu hiện rối loạn tiêu hóa.
Trên đây là các cách chữa tắc vòi trứng mà chị em có thể áp dụng để bảo vệ sức khỏe sinh sản. Nhằm phòng tránh nguy cơ tắc vòi trứng, việc duy trì đời sống tình dục an toàn và kiểm tra sức khỏe định kỳ là rất quan trọng. Thông qua khám định kỳ, các bệnh tiềm ẩn có thể được phát hiện sớm, giúp quá trình điều trị trở nên hiệu quả hơn. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ để đạt được kết quả tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.