Viêm khớp cùng chậu phải làm sao để cải thiện tình trạng bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống là câu hỏi được nhiều người quan tâm, đặc biệt là những bệnh nhân đang gặp khó khăn trong vận động do đau nhức vùng hông và lưng dưới. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp điều trị sẽ giúp bạn kiểm soát bệnh hiệu quả hơn.
Bài viết này được tư vấn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Tuyết Nhung - Bác sĩ Cơ - Xương - Khớp - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bác sĩ! em năm nay 22 tuổi và đang bị viêm khớp vùng chậu. Triệu chứng của em gồm đau buốt vùng mông khi ngồi lâu hoặc đứng dậy, sáng dậy dẫm chân xuống đất rất đau, mặc quần hay xỏ tất khó khăn. Thậm chí, chỉ cần hắt hơi hay chuyển mình khi nằm cũng đau dữ dội.
Người nhà em đã đưa đi tiêm thuốc với chi phí 1.800.000 đồng cho 2 mũi. Sau khi tiêm, em thấy đỡ hẳn đau nhức, dễ dàng ngồi xuống, đứng dậy và ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, gia đình lo ngại tác dụng phụ của tiêm thuốc như teo cơ hoặc tổn thương xương nên đã đưa em đến viện khám. Bác sĩ kê thuốc Nam sắc sẵn và em đã uống 40 túi trong 40 ngày, nhưng chỉ đỡ nhẹ. Một thời gian sau, tình trạng lại nặng hơn, sáng dậy em không đi nổi, phải dựa vào tường để di chuyển.
Sau đó, bà em dùng rượu gừng bóp vùng hông, giúp giảm đau nhức phần nào, nhưng hiện tại em vẫn đau nhói khi đi lại nhiều hoặc nằm quá lâu dù không còn đau dữ dội như trước. Em rất lo lắng vì nghe nói bệnh này là nan y, không thể chữa khỏi hoàn toàn và có thể khiến em không thể chạy được.
Mong bác sĩ tư vấn giúp em về vấn đề trên, cụ thể là viêm khớp cùng chậu phải làm sao để cải thiện tình trạng bệnh.
Phạm Vũ Long (1999)
Chào bác sĩ, em năm nay 21 tuổi và được chẩn đoán là viêm khớp vùng xương chậu. Em muốn hỏi liệu bệnh này có thể điều trị tại nhà được không? Mong bác sĩ giải đáp giúp em. Em xin cảm ơn!
Câu hỏi ẩn danh
Chào hai bạn! Cảm ơn hai bạn đã gửi câu hỏi đến Bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Không biết bạn dùng từ có chính xác không? Viêm khớp cùng chậu, chứ không phải viêm khớp vùng chậu. Bạn đã đi khám ở đâu? Làm những xét nghiệm cận lâm sàng gì để chẩn đoán? Viêm khớp cùng chậu ở lứa tuổi như bạn thường là dấu hiệu khởi đầu của viêm cột sống dính khớp.
Để chẩn đoán bệnh, ngoài việc chụp X-quang hoặc cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng và khớp cùng chậu, cần thực hiện thêm các xét nghiệm như đo các chỉ số phản ứng viêm (máu lắng, CRP), các xét nghiệm cơ bản khác, đặc biệt là xét nghiệm HLA-B27. Đây là một xét nghiệm gen quan trọng có độ đặc hiệu cao cho bệnh viêm cột sống dính khớp, với tỷ lệ dương tính hơn 90% ở những bệnh nhân mắc bệnh này.
Quá trình điều trị cần được thực hiện liên tục và lâu dài, chủ yếu sử dụng các loại thuốc giảm đau và thuốc chống viêm không steroid. Trong trường hợp bệnh không đáp ứng với các phương pháp này, có thể cần chuyển sang sử dụng thuốc sinh học để đạt hiệu quả tốt hơn.
Bên cạnh những thắc mắc về việc viêm khớp cùng chậu phải làm sao, người bệnh cũng thường đặt câu hỏi liệu viêm khớp cùng chậu có nên đi bộ không và bệnh này có chữa khỏi được không?
1. Viêm khớp cùng chậu có nên đi bộ không?
Viêm khớp cùng chậu là tình trạng viêm khớp nối giữa xương chậu và xương cùng, thường gây đau vùng thắt lưng, hông. Một câu hỏi thường gặp là người bị viêm khớp cùng chậu có nên đi bộ không? Theo các chuyên gia, đi bộ là một hình thức vận động tích cực, rất có lợi cho sức khỏe khớp. Sự chuyển động đều đặn khi đi bộ giúp kích hoạt các sụn khớp, bôi trơn khớp, giảm khô khớp, hạn chế tình trạng viêm và cứng khớp. Ngoài ra, đi bộ còn hỗ trợ giảm cân, giảm áp lực lên hệ thống xương khớp. Với người bị viêm khớp cùng chậu, đi bộ đúng cách và hợp lý có thể làm giảm đau rõ rệt.
Tuy nhiên, để đi bộ phát huy hiệu quả mà không gây tác dụng ngược, người bệnh cần tuân thủ một số lưu ý. Trước tiên, nếu khớp đang sưng, nóng đỏ và đau nhiều, việc đi bộ nên được tạm dừng cho đến khi tình trạng thuyên giảm. Khi khớp đã bớt sưng đau, bệnh nhân có thể bắt đầu đi bộ với tốc độ chậm trong khoảng 20 phút cho những buổi đầu. Trước khi đi bộ, cần khởi động nhẹ nhàng từ 10-15 phút để làm nóng cơ thể.
Khi cơ thể đã quen và không còn cảm giác đau nhiều, người bệnh có thể tăng dần tốc độ và thời gian đi bộ, nhưng không nên vượt quá 30-45 phút mỗi lần. Thời gian đi bộ nên chia làm hai buổi: sáng sớm và tối trước khi ngủ. Nếu cảm thấy đau trong lúc đi bộ, cần dừng lại ngay để tránh làm tình trạng viêm nặng hơn.
Ngoài ra, người bệnh nên chuẩn bị một đôi giày đi bộ mềm, nhẹ, thoải mái và chống trơn trượt. Chọn đoạn đường đi bộ bằng phẳng, không khí trong lành, có nhiều bóng cây mát mẻ để tạo cảm giác dễ chịu khi tập luyện.

2. Viêm khớp cùng chậu có chữa khỏi được không?
Viêm khớp cùng chậu là bệnh lý khá lành tính và có thể được cải thiện tốt nếu điều trị bằng các phương pháp bảo tồn. Khi bệnh nhân khám và điều trị sớm, khả năng khỏi bệnh hoàn toàn là rất cao. Ngoài các phương pháp điều trị chính, bệnh nhân cần duy trì lối sống lành mạnh như tập thể dục thường xuyên để ngăn ngừa thoái hóa khớp, áp dụng chế độ ăn uống khoa học để giảm cân, từ bỏ thuốc lá và hạn chế rượu bia. Quá trình phục hồi có thể kéo dài từ 2-4 tuần. Tuy nhiên, nếu không thay đổi lối sống và tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ, bệnh có nguy cơ tái phát.
Mặc dù viêm khớp cùng chậu thường gặp ở nữ giới, nam giới cũng không nên chủ quan. Để phòng ngừa bệnh, cần thực hiện các biện pháp sau: tập luyện đúng cách, tránh vận động sai tư thế, duy trì sức khỏe tổng thể và xây dựng chế độ sinh hoạt cũng như dinh dưỡng hợp lý. Ngoài ra, cần điều trị triệt để các bệnh lý liên quan như viêm đại tràng, trực tràng, bệnh phụ khoa hay thận tiết niệu (nếu có). Quan trọng nhất, hãy đi khám và điều trị ngay khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ viêm khớp cùng chậu để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất.
Như vậy, bài viết trên đã giải đáp những thắc mắc về bệnh viêm khớp cùng chậu, bao gồm cả việc viêm khớp cùng chậu phải làm sao. Nếu khu vực khớp cùng chậu xuất hiện các triệu chứng viêm, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị sớm nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.