Dấu hiệu thoái hóa khớp gối thường xuất hiện âm thầm và tiến triển dần theo thời gian. Ban đầu, người bệnh có thể chỉ cảm thấy đau nhẹ ở khớp gối, đặc biệt khi vận động mạnh hoặc mang vác vật nặng. Cơn đau thường thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, người bệnh cũng sẽ cảm thấy cứng khớp vào buổi sáng hoặc sau khi ngồi lâu.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Thoái hóa khớp gối là gì?
Thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng đến tất cả các khớp trên cơ thể, trong đó những khớp như cột sống, đầu gối, háng và tay thường bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Vậy thoái hóa khớp gối là gì? Thoái hóa khớp gối, hay còn được biết đến với thuật ngữ y khoa là thoái hóa sụn khớp gối, là một bệnh lý đặc trưng bởi sự suy giảm dần dần của lớp sụn khớp – một lớp mô sụn trơn bóng đóng vai trò đệm giữa các đầu xương khớp. Khi lớp sụn này bị bào mòn, các đầu xương sẽ cọ xát trực tiếp vào nhau, gây ra các triệu chứng điển hình như đau nhức, sưng tấy, cứng khớp, hạn chế vận động và thậm chí hình thành các gai xương.
Thoái hóa khớp gối có thể do tuổi tác, nhưng cũng có thể do béo phì, mang giày cao gót, yếu tố di truyền hoặc chấn thương thể thao. Cụ thể như:
- Áp lực lên khớp: Thừa cân và béo phì là những yếu tố nguy cơ hàng đầu. Cân nặng dư thừa tạo áp lực lên các khớp, đặc biệt là khớp gối, làm gia tăng quá trình thoái hóa sụn.
- Yếu tố di truyền: Các đột biến gen và bất thường về cấu trúc xương xung quanh khớp gối có thể làm tăng khả năng mắc bệnh.
- Giới tính: Phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ thoái hóa khớp gối cao hơn nam giới.
- Chấn thương lặp lại: Các hoạt động chèn ép lên khớp gối như quỳ, ngồi xổm, nâng vật nặng, đặc biệt là vật nặng trên 25kg, làm tăng nguy cơ tổn thương sụn khớp.
- Chấn thương thể thao: Các môn thể thao đòi hỏi vận động mạnh ở khớp gối như bóng đá, quần vợt, điền kinh... khiến các vận động viên dễ bị tổn thương khớp.
- Bệnh lý nền: Viêm khớp dạng thấp và một số rối loạn chuyển hóa như thừa sắt, thừa hormone tăng trưởng cũng là những yếu tố nguy cơ.
Nếu không can thiệp sớm, bệnh có thể gây đau đớn, biến dạng khớp và hạn chế khả năng cử động. Nếu thấy đau khớp, khó chịu, đặc biệt là khi các động tác gập duỗi trở nên khó khăn, bệnh nhân cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được khám và chữa trị.
2. Dấu hiệu thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp được chia thành bốn giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 và 2 là những giai đoạn đầu, bệnh nhân thường ít tìm đến bác sĩ. Thông thường, người bệnh chỉ đến khám khi bệnh đã phát triển đến giai đoạn 3 hoặc 4, lúc này bệnh đã nghiêm trọng.
Thoái hóa khớp gối trải qua các giai đoạn tiến triển khác nhau, mỗi giai đoạn mang những đặc trưng về tổn thương sụn khớp và dấu hiệu thoái hóa khớp gối riêng biệt:
- Giai đoạn 1: Ở giai đoạn này, quá trình thoái hóa sụn khớp diễn ra âm thầm. Người bệnh thường không cảm nhận được bất kỳ dấu hiệu thoái hóa khớp gối nào.
- Giai đoạn 2: Thoái hóa khớp bắt đầu biểu hiện rõ hơn. Qua hình ảnh X-quang, bác sĩ có thể quan sát thấy khoảng cách giữa các đầu xương khớp vẫn còn, chất lỏng hoạt dịch vẫn duy trì đủ để khớp có thể vận động bình thường. Tuy nhiên, ở giai đoạn 2, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như đau sau khi chạy bộ, cứng khớp sau khi không cử động trong vài giờ, cảm giác đau sau khi quỳ.
- Giai đoạn 3: Tổn thương sụn khớp trở nên nghiêm trọng hơn, khoảng cách giữa các đầu xương khớp bắt đầu thu hẹp. Các dấu hiệu thoái hóa khớp gối cũng rõ rệt hơn, bao gồm đau khớp thường xuyên, hạn chế vận động, sưng khớp khi vận động kéo dài, cứng khớp khi thức dậy vào buổi sáng.
- Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn cuối cùng của thoái hóa khớp, khi sụn khớp đã bị phá hủy gần như hoàn toàn. Người bệnh thường bị đau đớn dữ dội, hạn chế vận động nghiêm trọng, thậm chí có thể bị cứng khớp hoàn toàn.

3. Cách chữa thoái hóa khớp gối
Mục tiêu chính của cách chữa thoái hóa khớp gối là giảm đau, cải thiện chức năng khớp và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
- Điều trị bảo tồn:
- Giảm cân: Giảm cân là yếu tố quan trọng đầu tiên, giúp giảm áp lực lên khớp gối và làm chậm quá trình thoái hóa sụn khớp.
- Tập luyện: Các bài tập vật lý trị liệu được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân, giúp tăng cường cơ bắp xung quanh khớp, cải thiện độ linh hoạt và giảm đau.
- Điều trị bằng cách dùng thuốc:
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Acetaminophen, ibuprofen, naproxen sodium... có thể giảm đau tạm thời nhưng mọi người không nên dùng liên tục quá 10 ngày.
- Tiêm nội khớp: Tiêm corticosteroid hoặc axit hyaluronic trực tiếp vào khớp để giảm viêm và bôi trơn khớp.
- Liệu pháp thay thế: Các phương pháp như châm cứu, vật lý trị liệu, sử dụng kem bôi chứa capsaicin hoặc các chất bổ sung glucosamine, chondroitin có thể hỗ trợ điều trị.
- Điều trị phẫu thuật:
- Nội soi khớp: Sử dụng dụng cụ nội soi để loại bỏ sụn hư hỏng, sửa chữa dây chằng và làm sạch khớp.
- Cắt xương: Thay đổi hình dạng xương để cải thiện sự liên kết của khớp.
- Thay khớp gối: Thay thế khớp gối bị hư hỏng bằng khớp nhân tạo. Đây là phương pháp cuối cùng khi các phương pháp khác không hiệu quả.

Khi phát hiện dấu hiệu thoái hóa khớp, người bệnh nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc điều trị sớm sẽ mang lại hiệu quả cải thiện bệnh tốt hơn rất nhiều.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.