Đau nhức xương khớp vào mùa lạnh là một trong những tình trạng rất phổ biến ở người cao tuổi và người ở độ tuổi trung niên. Tình trạng đau nhức các khớp khiến bệnh nhân gặp phải nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, từ đó khiến bệnh nhân bất tiện trong nhiều hoạt động. Tuy vậy, nhiều người bệnh không biết làm thế nào để cải thiện tình trạng.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Trung Hiếu - Trưởng khoa Phẫu thuật khớp háng và khung chậu Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao miền Bắc Vinmec, Trưởng đơn nguyên Phẫu thuật chi dưới và cột sống khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao, Giảng viên bộ môn Chấn thương Chỉnh hình, Viện Khoa học Sức khỏe, Đại học VinUniversity, Phó Giám đốc chuyên môn Lab Công nghệ 3D trong Y học, Đại học VinUniversity.
1. Vì sao bệnh nhân bị đau xương khớp vào mùa lạnh?
Đau nhức xương khớp trong mùa lạnh xảy ra do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là ảnh hưởng tới người ở độ tuổi trung niên và người già. Nguyên nhân đau nhức xương khớp vào mùa lạnh chủ yếu là do những tác nhân sau:
- Kém lưu thông máu: Khả năng lưu thông máu trong cơ thể trở nên kém hơn bình thường khi thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ hạ xuống thấp. Lúc này, cơ thể sẽ cố gắng dự trữ năng lượng, từ đó khiến khí lạnh tiếp xúc với da và làm mạch máu co lại. Khi máu kém lưu thông, dịch khớp và máu nuôi khớp cũng bị ảnh hưởng. Quá trình này sẽ làm tổn thương sụn và màng hoạt dịch khớp, gây ra đau xương khớp.
- Rối loạn tuần hoàn: Tuần hoàn tại vị trí các khớp, tuần hoàn dịch khớp, độ nhớt máu, thay đổi vận mạch, muối kết tủa do nồng độ chất trung gian thay đổi là những nguyên nhân gây ra đau nhức xương khớp vào mùa lạnh.
- Co rút gân cơ khớp: Khi độ ẩm tăng cao vào mùa lạnh sẽ làm co rút hoặc cứng gân, cơ khớp. Khi này, các khớp sẽ bị khô cứng, gây hạn chế vận động và đau nhức.
- Các bệnh khớp mãn tính: Ở người cao tuổi, hệ miễn dịch suy giảm kết hợp với các bệnh khớp mãn tính là một trong những nguyên nhân gây ra đau xương khớp. Tình trạng này chủ yếu là do khớp bị thoái hóa vì tuổi tác, làm giảm lưu thông khí huyết.

2. Triệu chứng đau nhức xương khớp
Một số triệu chứng điển hình của tình trạng đau nhức xương khớp vào mùa lạnh gồm:
- Đau nhức: Đau nhức xảy ra tại các vị trí thường cử động nhiều như đầu gối, cổ tay, ngón tay. Bệnh nhân thường đau buốt từ trong xương, các khớp cũng sưng, đỏ, tê cứng và vận động bị cản trở.
Lâu nay, nhiều người lầm tưởng bệnh đau nhức xương khớp chỉ là căn bệnh ở người trung niên, cao tuổi, những người lao động nặng. Thực tế, căn bệnh này đang diễn ra phức tạp ở cả những người trẻ.
Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II, Vũ Tú Nam , chuyên khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình , Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

- Có âm thanh phát ra từ khớp: Khi trời lạnh, xương khớp có thể phát ra tiếng khi cử động.
- Cứng khớp: Đau nhức xương khớp vào mùa lạnh thường gây ra cứng khớp. Đặc biệt, cứng khớp thường xảy ra vào buổi sáng khi thức dậy, khiến bệnh nhân khó duỗi khớp. Bệnh nhân cần phải xoa bóp và vận động khớp nhẹ nhàng mới có thể vận động được.
- Nhạy cảm với các cơn đau: Bệnh nhân mắc khớp mãn tính thường nhạy cảm hơn với các cơn đau khớp. Nguyên do là vì sụn khớp đã bị bào mòn, khiến đầu xương bị trơ ra và nhạy cảm hơn.

3. Cách trị đau nhức xương khớp vào mùa lạnh
Tình trạng này gây ra một số triệu chứng như đau nhức, tê buốt chân tay hay cột sống và làm cản trở hoạt động trong công việc và sinh hoạt thường ngày. Do đó, bệnh nhân nên thực hiện một số biện pháp sau để cải thiện tình trạng.
- Chườm nóng: Bệnh nhân có thể đắp nóng hoặc chườm nóng trong khoảng 20 phút. Phương pháp này có thể giúp làm giảm đau xương khớp.
- Xoa bóp: Các loại dầu như dầu gừng, dầu khuynh diệp, rượu thuốc xoa bóp có thể được dùng tại các vùng khớp đau nhức để làm nóng khớp, từ đó làm tăng cường lưu thông khí huyết và lưu thông máu.
- Tắm nước nóng: Một trong những cách trị đau xương khớp khi mùa lạnh tới là tắm nước nóng từ 15-20 phút. Tuy nhiên, cần chú ý nhiệt độ nước vừa phải, không tắm quá lâu và quá muộn.
- Phẫu thuật nâng xương sống: Đây là phương pháp được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có xương sống tiêu giảm do chấn thương hoặc loãng xương, từ đó gây ra các cơn đau nghiêm trọng và biến dạng cột sống. Cách này được thực hiện bằng cách bơm xi măng sinh học vào cột sống bị tổn thương để ổn định phần lưng trên và nâng xương sống.

4. Cách phòng ngừa đau xương khớp
Để phòng ngừa các cơn đau nhức ở xương khớp do mùa lạnh mang lại và các triệu chứng khó chịu, bệnh nhân cần chú ý những điều sau:
- Luôn giữ ấm cơ thể: Bệnh nhân cần chú ý giữ ấm cơ thể để tránh bị nhiễm lạnh. Nhiễm lạnh có thể gây ra một số bệnh lý về hô hấp, nhiễm khuẩn. Mắc các bệnh này sẽ làm suy giảm hệ miễn dịch, đồng thời ảnh hưởng tới các khớp ở đầu gối, bàn tay và bàn chân.
- Nghỉ ngơi hợp lý: Bệnh nhân nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, giảm vận động để giảm áp lực cho khớp. Tuy nhiên, cũng cần chú ý tránh ngồi hoặc nằm quá lâu ở một tư thế. Điều này có thể làm tê cứng các khớp, gây đau mỏi. Vận động nhẹ nhàng hợp lý có thể giúp ngăn ngừa các bệnh về xương khớp như thoái hóa.
- Ăn uống hợp lý: Chế độ ăn uống đủ chất, duy trì cân nặng, hạn chế thừa cân, béo phì sẽ giảm áp lực cho khớp, qua đó phòng ngừa đau xương khớp hiệu quả. Bệnh nhân cũng nên uống nhiều nước, tăng cường thực phẩm giàu canxi, vitamin C, vitamin D và collagen. Ngoài ra, cần hạn chế những thực phẩm cay nóng, nhiều gia vị để tăng cường hệ miễn dịch và nuôi dưỡng khớp.
- Tập luyện: Khi đau xương khớp, nếu hạn chế cử động sẽ khiến tình trạng cứng khớp trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, bệnh nhân nên có chế độ tập luyện hợp lý, nhẹ nhàng thay vì hạn chế vận động. Điều này sẽ giúp lưu thông máu tốt hơn, qua đó tăng cường máu nuôi dưỡng khớp và dịch khớp. Yoga, thái cực quyền, dưỡng sinh, bơi lội, đạp xe, đi bộ là những bài tập vừa giúp giảm đau, cải thiện chức năng khớp và tăng cường sức khỏe.
- Dùng thuốc: Các loại thuốc trị đau xương khớp có thể là giải pháp tốt cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tốt nhất hãy đi khám để được bác sĩ kê đơn các loại thuốc phù hợp. Bệnh nhân cần tránh tự ý mua và dùng thuốc để uống. Ngoài ra, các bài thuốc dân gian hay thực phẩm hỗ trợ cũng cần phải tránh vì có thể không chữa được bệnh mà còn gây ra tác dụng phụ, từ đó khiến bệnh nặng thêm.

Có thể thấy, đau nhức xương khớp vào mùa lạnh gây ra nhiều khó khăn, bất tiện trong cuộc sống hàng ngày. Khi thấy có các dấu hiệu của tình trạng này, bệnh nhân cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị bằng các phương pháp hợp lý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.