Đau thần kinh tọa có chữa hết không và cách điều trị

Mục lục

Đau thần kinh tọa có chữa hết không là thắc mắc của nhiều người mắc bệnh này. Hầu hết các trường hợp đều có thể cải thiện đáng kể và thậm chí khỏi hẳn nếu điều trị đúng cách. Với các trường hợp nhẹ, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc giảm đau, giãn cơ, kháng viêm kết hợp với vật lý trị liệu để giảm áp lực lên dây thần kinh và cải thiện vận động.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Tổng quan về tình trạng đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa là tình trạng đau dọc theo dây thần kinh tọa, bắt đầu từ thắt lưng, lan xuống hông, mông và chân. Thông thường, cơn đau chỉ xuất hiện ở một bên cơ thể.

Tình trạng này thường gặp ở người từ 30-50 tuổi, đặc biệt là nam giới, với tỷ lệ mắc cao gấp 3 lần nữ giới. Tuy nhiên, ngày càng nhiều người trẻ cũng bị đau thần kinh tọa do thói quen ngồi lâu, ít vận động hoặc lao động sai tư thế. 

Nam giới ở độ tuổi 30 - 50 có nguy cơ cao bị đau thần kinh tọa.
Nam giới ở độ tuổi 30 - 50 có nguy cơ cao bị đau thần kinh tọa.

Nguyên nhân chính gây bệnh là thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng (L4-L5, L5-S1), chiếm khoảng 80% trường hợp. Khi đĩa đệm bị thoát vị sẽ chèn ép vào rễ dây thần kinh tọa, gây đau và tê bì. Ngoài ra, hẹp ống sống, chấn thương cột sống hoặc khối u cũng có thể làm dây thần kinh tọa bị chèn ép, dẫn đến đau nhức kéo dài.

2. Đau thần kinh tọa có chữa hết không?

Đau thần kinh tọa có chữa hết không là điều nhiều người quan tâm. Theo các chuyên gia, khả năng điều trị dứt điểm bệnh này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguyên nhân gây bệnh, tuổi tác, mức độ tổn thương và bệnh nền của bệnh nhân. 

Đau thần kinh tọa có chữa hết không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác và mức độ tổn thương của bệnh nhân.
Đau thần kinh tọa có chữa hết không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác và mức độ tổn thương của bệnh nhân.

Những trường hợp đau thần kinh tọa cấp tính thường có thể cải thiện đáng kể nhờ các biện pháp tự chăm sóc. Các phương pháp phổ biến bao gồm sử dụng thuốc kháng viêm, giãn cơ, giảm đau kết hợp với đi bộ, tập thể dục nhẹ và chườm nóng hoặc lạnh. Tuy nhiên, người bệnh cần tránh lạm dụng thuốc giảm đau vì có thể khiến cơn đau nghiêm trọng hơn, làm tăng nguy cơ chuyển sang giai đoạn mãn tính. 

Người bệnh đau thần kinh tọa cấp tính có thể tự chăm sóc tại nhà bằng cách đi bộ.
Người bệnh đau thần kinh tọa cấp tính có thể tự chăm sóc tại nhà bằng cách đi bộ.

Với những bệnh nhân bị đau thần kinh tọa mãn tính, việc điều trị cần kết hợp giữa chăm sóc cá nhân và can thiệp y tế. Trong một số trường hợp nghiêm trọng như thoát vị đĩa đệm nặng, hội chứng chùm đuôi ngựa hay hẹp ống sống, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để khắc phục nguyên nhân gây đau và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

3. Cách điều trị tận gốc đau thần kinh tọa

3.1 Vật lý trị liệu trong điều trị đau thần kinh tọa

Phương pháp vật lý trị liệu giúp cải thiện sức mạnh cơ bắp ở lưng dưới, bụng, mông và hông, đồng thời tăng cường sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, liệu pháp này giúp kéo giãn các cơ và gân bị co cứng, hỗ trợ quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Mặc dù bệnh nhân có thể cần điều chỉnh hoạt động và nghỉ ngơi, nhưng duy trì vận động đều đặn là điều cần thiết để tránh tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

3.2 Tiêm steroid giảm đau thần kinh tọa

Tiêm steroid tại vùng thắt lưng là một phương pháp giúp giảm đau hiệu quả, đặc biệt khi đau do thoát vị đĩa đệm hoặc viêm dây thần kinh tọa. Nhờ giảm đau, người bệnh có thể dễ dàng tham gia vật lý trị liệu để phục hồi tốt hơn.

3.3 Phẫu thuật

Phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng khi cơn đau kéo dài và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận động hoặc xuất hiện biến chứng nguy hiểm. Nếu triệu chứng đau và yếu chân kéo dài hơn 6-8 tuần mà điều trị nội khoa không hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nhằm loại bỏ nguyên nhân gây đau. 

Phẫu thuật là lựa chọn điều trị đau thần kinh tọa cuối cùng.
Phẫu thuật là lựa chọn điều trị đau thần kinh tọa cuối cùng.

Trong số các phương pháp phẫu thuật, vi phẫu thuật loại bỏ nhân đệm (Microdiscectomy) được áp dụng phổ biến cho các trường hợp đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm thắt lưng. Thống kê cho thấy, khoảng 86% bệnh nhân đã cải thiện đáng kể sau phương pháp này. Đây là một dạng phẫu thuật xâm lấn tối thiểu với vết rạch nhỏ, giúp giảm tổn thương mô tối đa.  

Đau thần kinh tọa có chữa hết không? Câu trả lời là có, nhưng điều quan trọng là phát hiện và điều trị bệnh sớm. Các phương pháp điều trị như dùng thuốc giảm đau, vật lý trị liệu, châm cứu... sẽ giúp giảm áp lực lên dây thần kinh tọa, từ đó làm dịu cơn đau. Tuy nhiên, nếu để bệnh tiến triển nặng, các tổn thương có thể trở nên nghiêm trọng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống lâu dài. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ