Dị ứng gió là một tình trạng bệnh đang ngày càng trở nên phổ biến, gây ra nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, đồng thời có thể dẫn tới nhiều triệu chứng bệnh nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị từ sớm. Cần có những biện pháp phòng tránh để hạn chế nguy cơ mắc bệnh, cũng như phương án điều trị thích hợp
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng Vinmec.
1. Những điều cần biết tình trạng dị ứng gió
Dị ứng thời tiết là sự rối loạn của hệ miễn dịch trong cơ thể con người khi gặp phải những thay đổi đột ngột của thời tiết - bất ngờ trở nên nóng bức hoặc bất ngờ trở lạnh. Thông thường, cơ thể chúng ta có khả năng thích nghi với nhiệt độ trung bình dao động từ 20 đến 30 độ C. Do đó, nếu xảy ra thay đổi khiến cho nhiệt độ trong không khí tăng lên quá cao hoặc hạ xuống quá thấp, cơ thể sẽ không kịp thích nghi và gây ra sự rối loạn.
Trong đó, dị ứng gió mùa thường xảy ra mỗi khi trời trở lạnh và bắt đầu xuất hiện nhiều cơn gió buốt, khiến da trở nên khô nứt, sần sùi, kèm theo các triệu chứng ho, sổ mũi, …

2. Các nguyên nhân và triệu chứng của bệnh dị ứng với gió mùa
Tình trạng dị ứng gió thường là do cơ thể có sức đề kháng thấp và mắc phải một số bệnh về đường hô hấp khác như hen suyễn, viêm mũi dị ứng hoặc do cơ thể bị dị ứng với nhiệt độ thấp, dẫn đến xuất hiện triệu chứng dị ứng mỗi khi có gió mùa. Viêm mũi dị ứng là triệu chứng dễ gặp nhất, khiến cho người bệnh bị ngứa mũi, chảy nước mũi, dễ hắt hơi và mệt mỏi.
Ngoài ra nếu bị dị ứng với thời tiết lạnh, khi đi ngoài đường gặp gió to cũng có thể xuất hiện những tình trạng như nổi mề đay, mụn nước. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới tức ngực, khó thở - tình trạng người bệnh cần đến bệnh viện để bác sĩ chẩn đoán, đưa ra phương án điều trị kịp thời.

3. Mức độ nguy hiểm của tình trạng dị ứng gió
Giống như hầu hết các tình trạng dị ứng khác, người mắc bệnh dị ứng gió mùa hoặc gió lạnh mỗi khi thời tiết thay đổi cũng sẽ trải qua giai đoạn cấp tính với các triệu chứng bệnh xảy ra bất ngờ.
Nếu trong vòng 24 giờ cho đến dưới 6 tuần người bệnh chủ quan không tiến hành điều trị, bệnh có thể đổi sang dạng mãn tính, gây ra các triệu chứng nguy hiểm hơn như tuột huyết áp, phù nề, nhiễm trùng da hay thậm chí là sốc phản vệ, dẫn đến tử vong.
Bệnh lý này không có đặc điểm di truyền và có thể xảy ra với bất kỳ ai, ở bất kỳ lứa tuổi nào. Đặc biệt nếu có sẵn bệnh nền thì nguy cơ mắc bệnh sẽ càng tăng lên.
4. Điều trị và phòng ngừa dị ứng với gió mùa
Tình trạng dị ứng gió có nhiều biểu hiện và mức độ bệnh khác nhau, do đó cần phải tuân theo chẩn đoán của bác sĩ để việc điều trị phát huy tác dụng, hạn chế những biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Để giảm thiểu triệu chứng, người bệnh cần chú ý trong việc tiếp xúc với các chất có nguy cơ gây dị ứng như mỹ phẩm, chất tẩy rửa, phấn hoa, … đồng thời bổ sung thêm những loại thực phẩm có nhiều vitamin B6 và B12 để hạn chế tình trạng đau đầu.
Lựa chọn quần áo phù hợp cũng rất quan trọng - cần đảm bảo mặc đồ thông thoáng và đủ ấm. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên tăng cường sức đề kháng bằng những loại rau củ quả giàu chất xơ, uống nước ép bổ sung Vitamin C. Ngoài ra, để phòng ngừa nguy cơ bị dị ứng gió mùa, nên hạn chế ra ngoài đường khi thời tiết chuyển mùa.

Tập cho bản thân có thói quen sinh hoạt lành mạnh từ chế độ dinh dưỡng cho đến tập luyện thể dục thể thao, tránh đồ ăn cay nóng và hạn chế tối đa việc tiếp xúc với bia rượu, thuốc lá hoặc các chất kích thích là những điều cần thiết nếu muốn giảm nguy cơ mắc bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.