Điều trị ung thư ảnh hưởng đến xương và khớp như thế nào có thể là vấn đề mà nhiều người bệnh chưa biết đến. Bên cạnh tác dụng phụ, các phương pháp điều trị ung thư còn gây ra nhiều vấn đề đến hệ thống cơ xương như làm mất mộ độ xương, đau và cứng khớp… Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết này nhé.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Điều trị ung thư ảnh hưởng đến xương và khớp như thế nào
1.1 Mất mật độ xương
Các phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị và liệu pháp hormone có thể khiến xương trở nên ít đặc và dễ gãy hơn, dẫn đến các vấn đề như loãng xương hoặc thiếu xương, làm tăng nguy cơ gãy xương. Nguy cơ này càng cao ở người bệnh lớn tuổi, điều trị kéo dài hoặc có lối sống không lành mạnh như ít vận động, hút thuốc, uống rượu quá mức, và chế độ dinh dưỡng kém.
Bên cạnh đó, hóa trị và xạ trị kéo dài còn gây mất xương và cơ, làm suy giảm sức mạnh cơ thể, tăng nguy cơ té ngã và gãy xương. Những ảnh hưởng này đòi hỏi phải có các biện pháp chăm sóc và quản lý sức khỏe xương một cách phù hợp trong quá trình điều trị ung thư.
Để bảo vệ sức khỏe xương trong quá trình điều trị, các bác sĩ thường khuyến nghị người bệnh bổ sung canxi và vitamin D thông qua chế độ ăn uống, thực phẩm chức năng kết hợp với các bài tập chịu lực và sử dụng thuốc như bisphosphonate hoặc các loại thuốc tăng cường xương khác để làm chậm quá trình mất xương.
Việc kiểm tra và đánh giá mật độ xương thường xuyên cũng rất quan trọng để phát hiện sớm các thay đổi và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Đồng thời, người bệnh nên thực hiện các biện pháp phòng tránh gãy xương như tập các bài giữ thăng bằng, tránh các hoạt động mạnh gây áp lực lên xương, loại bỏ những yếu tố dễ gây vấp ngã trong môi trường sống và sử dụng thiết bị hỗ trợ như gậy hoặc khung tập đi nếu cần.
Nếu xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ gãy xương như đau không dứt, sưng, bầm tím, hình dạng bất thường hoặc mất khả năng chịu trọng lượng, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
1.2 Đau khớp và cứng khớp
Cứng khớp và đau khớp là những tác dụng phụ có khả năng xảy ra từ nhiều phương pháp điều trị ung thư. Xạ trị và một số loại thuốc điều trị có nguy cơ gây viêm khớp, trong khi các loại thuốc hóa trị lại dẫn đến đau khớp. Hơn nữa, tình trạng thiếu vận động trong thời gian điều trị ung thư cũng khiến các khớp dễ bị cứng.

Lúc này, người bệnh cần dùng thuốc giảm đau không kê đơn hoặc thuốc kê đơn và áp dụng chườm nóng, lạnh lên vùng khớp để làm dịu cơn đau.
Các bài tập nhẹ nhàng như bơi lội hoặc yoga không chỉ giúp các khớp bớt cứng mà còn trở nên linh hoạt hơn. Đồng thời, việc vận động thể chất còn góp phần giảm cảm giác mệt mỏi và cải thiện tình trạng sức khỏe tổng thể.
3. Tác dụng phụ của phẫu thuật
Phẫu thuật điều trị ung thư thường bao gồm các phương pháp như cắt bỏ khối u, tái tạo mô, chuyển mô từ bộ phận này sang bộ phận khác, cấy ghép chân tay giả, cắt cụt hoặc phục hồi cột sống. Tuy nhiên, những ca phẫu thuật này có thể gây ra các tác dụng phụ ảnh hưởng đến khả năng vận động và sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như:
- Hạn chế vận động: Người bệnh gặp khó khăn trong việc đi lại hoặc thực hiện các hoạt động cơ bản.
- Giảm tính linh hoạt: Các khớp và cơ trở nên cứng hơn, kém linh hoạt.
- Cơ yếu đi: Cơ thể suy giảm sức mạnh sau phẫu thuật.
- Khó giữ thăng bằng: Ảnh hưởng đến việc di chuyển an toàn.
Những tác dụng phụ này có thể làm giảm chất lượng cuộc sống, đòi hỏi sự hỗ trợ từ các chương trình phục hồi chức năng để giúp người bệnh lấy lại khả năng vận động và linh hoạt.
4. Làm thế nào để quản lý những tác dụng phụ này
Mặc dù không thể ngăn ngừa hoàn toàn các tác dụng phụ chỉnh hình do điều trị ung thư, nhưng chúng có thể được kiểm soát và điều trị hiệu quả.
Tìm đến một nhà vật lý trị liệu chuyên về chỉnh hình và ung thư là một cách hỗ trợ quan trọng. Bệnh nhân sẽ được kiểm tra sức khỏe toàn diện, bao gồm đánh giá khả năng vận động, sức mạnh, thăng bằng và các chức năng cơ bản như đi lại hoặc di chuyển. Dựa trên kết quả này, bác sĩ sẽ xây dựng một kế hoạch điều trị phù hợp. Đồng thời, các liệu pháp thủ công cũng được áp dụng để cải thiện các vấn đề và giảm thiểu tác dụng phụ, giúp bệnh nhân phục hồi chức năng, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống cân bằng sẽ mang lại nhiều lợi ích bao gồm:
- Các thực phẩm giàu canxi như sản phẩm từ sữa, rau lá xanh và thực phẩm bổ sung.
- Vitamin D từ cá và thực phẩm tăng cường hoặc ánh sáng mặt trời.
- Protein từ các nguồn như thịt nạc, gia cầm, cá, đậu và các loại hạt.

Để giảm thiểu nguy cơ tác dụng phụ, việc duy trì một cân nặng khỏe mạnh là rất cần thiết. Ngoài ra, cân nặng vượt quá mức sẽ gây áp lực lên xương và khớp, làm tăng khả năng bị gãy xương.
Trong quá trình điều trị ung thư, việc tập thể dục thường gặp nhiều khó khăn nhưng nếu có thể, người bệnh nên thử những hoạt động sau:
- Những hoạt động nhẹ nhàng như đi bộ, bơi, đạp xe hoặc thái cực quyền.
- Các bài tập giúp tăng cường sức mạnh.
- Các bài tập kéo giãn và mở rộng phạm vi chuyển động.
Ngoài ra, căng thẳng được quản lý tốt sẽ có lợi cho sức khỏe tổng thể. Vì vậy, người bệnh nên thực hiện các bài tập thở sâu, thư giãn cơ hoặc yoga để thử nghiệm. Thêm vào đó, tham gia vào những hoạt động mang lại niềm vui và giúp thư giãn,như dành thời gian bên người thân, theo đuổi sở thích cá nhân hoặc tận hưởng thiên nhiên cũng hỗ trợ hiệu quả.

Trên đây là tất cả thông tin giải đáp thắc mắc “điều trị ung thư ảnh hưởng đến xương và khớp như thế nào”. Nhìn chung, trong quá trình điều trị ung thư, những tác dụng phụ từ hóa trị, xạ trị, điều trị nội tiết tố hoặc phẫu thuật sẽ gây ảnh hưởng đến xương và các khớp. Vì vậy, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để giảm thiểu và kiểm soát những vấn đề này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.