Đồng nhiễm viêm gan B và C ở bệnh nhân HIV/AIDS

Mục lục

Đồng nhiễm viêm gan B và C đang trở thành một vấn đề báo động, đặc biệt là ở người bệnh HIV. Có khoảng 5-20% bệnh nhân HIV nhiễm viêm gan B. Trong khi đó, tỉ lệ đồng nhiễm viêm gan C và HIV là khoảng 5-15%. Tỷ lệ đồng nhiễm viêm gan C ở người tiêm chích ma tuý có thể lên đến 90%. Tình trạng đồng nhiễm viêm gan sẽ làm tăng nguy cơ tử vong ở người bệnh HIV.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Đồng nhiễm viêm gan B và C có thể xảy ra trên bệnh nhân HIV

Viêm gan siêu vi là một tình trạng bệnh xảy ra do nhiều loại siêu vi có ái tính với tế bào gan gây ra. Căn bệnh này cũng gây ra hội chứng viêm hoặc hoại tử, nguy hiểm cho người bệnh. Dựa vào biểu hiện lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng, viêm gan siêu vi được phân thành 2 loại bao gồm:

  • Viêm gan siêu vi cấp tính: Các triệu chứng lâm sàng và bất thường trong kết quả xét nghiệm chức năng gan của bệnh nhân kéo dài không quá 6 tháng.
  • Viêm gan siêu vi mãn tính: Các triệu chứng lâm sàng và các bất thường trong kết quả xét nghiệm chức năng gan của người bệnh kéo dài trên 6 tháng.

Đồng nhiễm viêm gan B và C là một tình trạng rất thường gặp, đặc biệt là những khu vực lưu hành dịch bệnh. Nếu nhiễm cùng lúc viêm gan B và viêm gan C, bệnh có thể tiến triển rất nhanh. Từ đó, người bệnh có nguy cơ cao mắc các bệnh như xơ gan hoặc ung thư biểu mô tế bào gan. 

Nếu bệnh nhân đồng nhiễm cả hai loại viêm gan B và C sẽ có nguy cơ cao bị ung thư gan hoặc xơ gan.
Nếu bệnh nhân đồng nhiễm cả hai loại viêm gan B và C sẽ có nguy cơ cao bị ung thư gan hoặc xơ gan.

Virus gây ra bệnh viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV) là những nguyên nhân phổ biến gây bệnh gan mãn tính trên toàn cầu. Hai căn bệnh viêm gan virus này có chung con đường lây lan, vì vậy tình trạng đồng nhiễm rất thường gặp ở những người sống trong khu vực lưu hành HBV, đặc biệt là ở những nhóm bệnh nhân sau:

  • Người sử dụng ma túy dạng tiêm.
  • Người có nhiều bạn tình.
  • Người bệnh đã tiến hành lọc máu (thẩm phân máu).
  • Người bệnh trải qua ghép tạng.
  • Người bệnh HIV (dương tính với virus gây hội chứng suy giảm miễn dịch).

Hiện tại, số lượng bệnh nhân bị đồng nhiễm viêm gan B và viêm gan C vẫn chưa được thống kê chính xác. Tuỳ vào khu vực địa lý, tỷ lệ người bệnh đồng nhiễm hai căn bệnh này có thể dao động từ 9-30%.  

Tuy nhiên, con số này không thể phản ánh chính xác những người bệnh bị đồng nhiễm vì đặc tính nhiễm virus viêm gan B ẩn ở những bệnh nhân viêm gan C mạn tính (bệnh nhân có kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B - HBsAg - âm tính nhưng phát hiện được nồng độ HBV DNA trong huyết thanh)

2. Điều trị đồng nhiễm viêm gan B và C

Người bệnh mắc phải tình trạng này sẽ được điều trị tương tự như người mắc viêm gan C. Đối với bệnh nhân viêm gan B có HBeAg âm tính với chỉ số HBV DNA  ≥ 2000 UI/ml hoặc bệnh nhân viêm gan B có HBeAg dương tính với chỉ số HBV DNA ≥ 20.000UI/ml, người bệnh sẽ được điều trị phối hợp với thuốc kháng virus.

Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đồng nhiễm viêm gan C và B được điều trị đồng thời bằng cả hai loại thuốc Tenofovir và Ledipasvir cần phải được theo dõi chức năng thận thường xuyên. Lý do là vì tương tác giữa hai loại thuốc này có thể làm gia tăng độc tính cho thận. 

Tình trạng đồng nhiễm viêm gan B và viêm gan C là tình trạng rất thường gặp ở người bệnh.
Tình trạng đồng nhiễm viêm gan B và viêm gan C là tình trạng rất thường gặp ở người bệnh.

3. Đồng nhiễm viêm gan B và C ở bệnh nhân HIV/AIDS

Đối với trường hợp này, bệnh nhân cần được chẩn đoán riêng biệt viêm gan B và viêm gan C để có phương hướng điều trị thích hợp dựa trên kết quả xét nghiệm. Cụ thể:

3.1 Chẩn đoán viêm gan B mãn tính ở bệnh nhân HIV

Nếu kết quả xét nghiệm HBsAg dương tính hơn 6 tháng, bệnh nhân được xác định mắc viêm gan B mãn tính. Bệnh nhân sẽ được xác định mắc viêm gan B mạn tiến triển nếu HBsAg dương tính hơn 6 tháng và đi kèm các dấu hiệu sau:

  • Chỉ số AST và ALT tăng hơn 2 lần so với giá trị thông thường, tăng từng đợt hoặc liên tục trên 6 tháng.
  • Có bằng chứng cho thấy tình trạng tổn thương mô bệnh học tiến triển ở gan người bệnh.
  • Xơ gan không do căn nguyên khác. Xơ gan có thể được chẩn đoán bằng sinh thiết, đo độ đàn hồi gan, fibrotest hoặc đo chỉ số APRI.

3.2 Chẩn đoán viêm gan C mãn tính ở bệnh nhân HIV

Nếu kết quả xét nghiệm Anti HCV dương tính trên 6 tháng, bệnh nhân được xác định mắc viêm gan C mãn tính. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được xác định mắc viêm gan C mãn tính tiến triển nếu kết quả xét nghiệm đi kèm các dấu hiệu sau:

  • HCV RNA dương tính.
  • Có hoặc không có xơ gan dựa trên chỉ số APRI.
  • Sinh thiết gan có hình ảnh viêm gan mạn.
  • Xơ hoá có ý nghĩa (FibroScan).

Giống như viêm gan B, viêm gan C là một bệnh nhiễm trùng do virus tấn công vào gan. Bệnh này có thể gây ra tình trạng cấp tính và cả mãn tính. Đa số người mắc bệnh đều có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng khi mắc bệnh. Tuy nhiên theo thời gian, viêm gan C dần tiến triển thành mãn tính và có tới 85% bệnh nhân còn tồn tại virus gây bệnh tới cuối đời.

Nếu không điều trị, viêm gan C có thể diễn biến và phát triển thành các biến chứng, từ đó tăng nguy cơ tử vong. Viêm gan C diễn biến đơn thuần trong khoảng 30-40 năm ở người bình thường. Đối với bệnh nhân HIV đồng nhiễm viêm gan C, quá trình này chỉ mất 10-20 năm.

3.3 Điều trị đồng nhiễm viêm gan C và HIV

Tất cả bệnh nhân đồng nhiễm hai căn bệnh này đều phải được điều trị. Tuy nhiên, việc điều trị sẽ ưu tiên viêm gan C mãn tính để giảm nguy cơ tử vong do xơ gan hay ung thư gan. Người bệnh sẽ được điều trị tương tự như người bệnh mắc viêm gan C không đồng nhiễm HIV và ưu tiên sử dụng các phác đồ có DAAs.

Người bệnh HIV sẽ được điều trị bằng thuốc ARV trước cho tới khi chỉ số CD4 > 200 tế bào/mm3, hoặc tải lượng HIV RNA đạt dưới ngưỡng ức chế (nhỏ hơn 1000 bản sao/ml) thì có thể bắt đầu điều trị viêm gan C mãn tính.

Bệnh nhân HIV chưa được điều trị bằng thuốc ARV sẽ không được sử dụng phác đồ chứa Ritonavir. Ngoài ra, khi điều trị đồng nhiễm HIV và viêm gan C, mọi người cần lưu ý tương tác thuốc có thể xảy ra giữa thuốc DAAs và ARV.

4. Người mắc HIV cần phòng ngừa đồng nhiễm viêm gan B và C

Người bệnh mắc HIV cần đặc biệt cẩn trọng phòng ngừa tình trạng đồng nhiễm viêm gan B và C. Cụ thể, các cơ quan y tế và nhân viên y tế nên thực hiện các phương pháp sau:

  • Tư vấn phòng tránh lây nhiễm, các biến chứng và khả năng tái nhiễm mới.
  • Tư vấn lối sống và phác đồ cho bệnh nhân mắc HIV.
  • Áp dụng các biện pháp dự phòng để tránh lây nhiễm viêm gan B và C cho cộng đồng.
  • Dự phòng tái nhiễm, đặc biệt là tái nhiễm viêm gan C sau khi điều trị thành công.
  • Tư vấn bỏ rượu.
  • Xét nghiệm sàng lọc HBsAg và Anti HCV cho tất cả bệnh nhân HIV. Có thể thực hiện xét nghiệm mỗi năm một lần nếu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm HBsAg và Anti HCV âm tính trước đó hoặc bệnh nhân có nguy cơ  nhiễm viêm gan B, C.

Đối với người bệnh, cần lưu ý các điều sau:

  • Không tự ý uống các loại thuốc, kể cả các loại thuốc từ thảo dược.
  • Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đủ dinh dưỡng.
  • Tránh thừa cân và tập thể dục hàng ngày.
  • Nghỉ ngơi hợp lý.
  • Bỏ hoặc hạn chế hút thuốc.
  • Tiêm phòng vaccine ngừa viêm gan B.
  • Khi điều trị hai loại viêm gan B và C, bệnh nhân cần hỏi ý kiến bác sĩ, theo dõi chức năng gan thường xuyên để đánh giá biến chứng xơ gan, ung thư gan.
  • Khi điều trị viêm gan C, cần lựa chọn phác đồ phù hợp dựa trên khả năng tài chính, tác dụng phụ, tương tác thuốc và nguy cơ kháng thuốc. 
Tiêm phòng vaccine ngừa viêm gan B là một cách phòng ngừa đồng nhiễm viêm gan B và C rất hiệu quả, đặc biệt ở bệnh nhân HIV.
Tiêm phòng vaccine ngừa viêm gan B là một cách phòng ngừa đồng nhiễm viêm gan B và C rất hiệu quả, đặc biệt ở bệnh nhân HIV.

Nếu bệnh nhân là nam và có quan hệ tình dục đồng giới, nguy cơ đồng nhiễm viêm gan B và C sẽ cao hơn. Không chỉ thế, bệnh nhân có thể có nguy cơ mắc giang mai hoặc các bệnh lây qua đường tình dục khác. Các căn bệnh này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV cho người bệnh và khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn.  

Ngược lại, nếu bệnh nhân đã nhiễm HIV, người bệnh có thể khiến các bệnh lây qua đường tình dục trở nên trầm trọng hơn. Trong đó, viêm gan B và viêm gan C có thể làm tăng tốc độ xơ hoá và xơ gan nhanh hơn.

Tổng kết lại, đồng nhiễm viêm gan B và C sẽ làm gia tăng tỷ lệ tử vong và khiến HIV trở nên trầm trọng hơn ở những người đã mắc bệnh này, kể cả những bệnh nhân đang điều trị bằng ARV. Do đó, người bệnh HIV cần chủ động phòng ngừa đồng nhiễm viêm gan B và C này một cách hiệu quả. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ