Gãy sụn tăng trưởng có đáng lo không? Đây là một câu hỏi quan trọng, đặc biệt với trẻ em và thanh thiếu niên, vì sụn tăng trưởng đóng vai trò quyết định trong sự phát triển chiều dài cùng hình dạng của xương. Khi sụn tăng trưởng bị tổn thương, nguy cơ xương phát triển không đồng đều hoặc chậm phát triển là hoàn toàn có thể xảy ra.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Sụn tăng trưởng ở trẻ em và nguy cơ chấn thương
Sụn tăng trưởng hay còn gọi là đĩa tăng trưởng, là vùng mô mềm nằm gần đầu các xương dài như xương đùi, xương chày và xương cánh tay. Đây là nơi các tế bào phát triển và nhân lên, giúp xương dài ra và cơ thể trẻ cao lớn hơn. Đến khi trưởng thành, sụn tăng trưởng sẽ ngừng hoạt động, đóng lại và được thay thế bằng mô xương chắc chắn hơn.

Khi xương và sụn tăng trưởng của trẻ đang phát triển, trẻ có thể gặp chấn thương dẫn đến gãy xương hoặc gãy sụn tăng trưởng. Những chấn thương này có thể để lại tác động lâu dài, ảnh hưởng đến quá trình phát triển bình thường của xương. Vì vậy, cha mẹ cần chú ý đến vấn đề gãy sụn tăng trưởng có đáng lo không, đồng thời biết cách xử lý đúng để tránh các hậu quả không mong muốn từ chấn thương này.
2. Nguyên nhân dẫn tới gãy sụn tăng trưởng
Sụn tăng trưởng thường yếu hơn các mô mềm xung quanh như dây chằng nên trẻ em dễ gặp chấn thương ở vùng này. Gãy sụn tăng trưởng xảy ra tại phần sụn gần đầu xương - nơi chịu trách nhiệm phát triển chiều dài của xương. Theo các chuyên gia, gãy sụn tăng trưởng chiếm khoảng 15-30% trong tổng số các ca gãy xương ở trẻ em và thanh thiếu niên, cho thấy đây là một chấn thương khá phổ biến ở độ tuổi này.

Gãy sụn tăng trưởng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như va chạm mạnh, té ngã hoặc tập luyện thể thao cường độ cao. Những môn thể thao đòi hỏi vận động lặp đi lặp lại các động tác như bóng rổ, chạy điền kinh hoặc thể dục dụng cụ thường làm tăng nguy cơ gãy sụn tăng trưởng. Ngoài ra, các hoạt động như nhảy bạt nhún nếu không cẩn thận cũng dễ gây chấn thương ở trẻ em.
3. Gãy sụn tăng trưởng có đáng lo không?
Câu trả lời là có. Gãy sụn tăng trưởng là một vấn đề nghiêm trọng vì sụn tăng trưởng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều dài và hình dạng của xương ở trẻ em. Gãy sụn tăng trưởng không được điều trị kịp thời có thể gây ra các hậu quả như xương phát triển không đồng đều, lệch trục hoặc thậm chí ngừng tăng trưởng tại vị trí tổn thương.
Mức độ nguy hiểm của tình trạng này phụ thuộc vào mức độ và vị trí tổn thương. Các trường hợp nhẹ có thể tự phục hồi nếu được chăm sóc đúng cách nhưng những tổn thương nặng có thể để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến dáng đi và sự phát triển tổng thể của trẻ.
Vì vậy, khi trẻ bị gãy sụn tăng trưởng, cần đưa trẻ đến bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Việc xử lý đúng cách sẽ giúp bảo vệ quá trình phát triển của xương và tránh các biến chứng không mong muốn.

4. Những phương án điều trị gãy sụn tăng trưởng thường được áp dụng hiện nay
Khi trẻ bị gãy sụn tăng trưởng, phương pháp điều trị phổ biến thường là nắn chỉnh và bó bột hoặc sử dụng nẹp cố định. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể xem xét phẫu thuật nhưng điều này rất hiếm khi cần thiết. Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ, vị trí sụn bị gãy, mức độ chấn thương và khả năng nắn chỉnh xương.
Gãy sụn tăng trưởng có đáng lo không? Nhờ vào sự tiến bộ của y học hiện đại, đa số các ca gãy sụn tăng trưởng đều có thể phục hồi hoàn toàn mà không gây ảnh hưởng đến khả năng phát triển của trẻ.
Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý theo dõi trẻ và đưa đi khám ngay khi có dấu hiệu chấn thương. Điều này rất quan trọng để đảm bảo quá trình điều trị diễn ra đúng cách để trẻ phục hồi tốt và phát triển khỏe mạnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.