Hệ tiêu hóa ở người là một trong những kỳ quan sinh học đáng kinh ngạc, đảm nhiệm vai trò chuyển hóa thực phẩm thành năng lượng và dưỡng chất nuôi cơ thể. Hành trình khám phá hệ tiêu hóa sẽ đi qua từng bộ phận, từ miệng, thực quản, dạ dày đến ruột - nơi diễn ra những quá trình kỳ diệu giúp chúng ta duy trì sự sống và sức khỏe mỗi ngày.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của ThS. BS Phạm Thị Thu Hương, Trưởng Đơn nguyên Nội Tiêu hóa - Gan mật, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City.
1. Hệ tiêu hoá ở người bắt đầu từ đâu?
Quá trình tiêu hóa thực sự bắt đầu ngay từ khi chúng ta nhìn, ngửi hoặc nghĩ đến thức ăn. Lúc này, tuyến nước bọt được kích thích, tiết ra khoảng 1,5 lít nước bọt mỗi ngày. Nước bọt chứa amylase - một enzym giúp phân giải tinh bột ngay từ miệng, chuẩn bị cho quá trình tiêu hóa tiếp theo.
Trung bình, mỗi người tiêu thụ từ 1 đến 2,7 kg thức ăn mỗi ngày, tương đương hơn 28.800 kg trong suốt cuộc đời. Toàn bộ lượng thực phẩm này đi qua hệ tiêu hóa - một hệ thống phức tạp gồm 10 cơ quan như: miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già và các cơ quan hỗ trợ như gan và tụy, với tổng chiều dài từ 9 đến 10 mét.

2. Hệ tiêu hóa gồm những cơ quan nào?
Hệ tiêu hóa ở người gồm nhiều cơ quan: bắt đầu từ miệng - nơi tiếp nhận thức ăn và kết thúc ở hậu môn - nơi thải các chất không tiêu hóa ra ngoài. Hệ thống này có nhiệm vụ phá vỡ thức ăn, hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết để cung cấp năng lượng và duy trì hoạt động sống.
Nhờ sự kết hợp giữa cơ chế nhai và nghiền thức ăn (cơ học) cùng các enzyme hỗ trợ phân hủy sinh học, thức ăn được phá vỡ và hấp thu vào cơ thể. Dưới đây là vai trò cụ thể của các cơ quan tiêu hóa:
2.1 Cổ họng
Cổ họng đóng vai trò trung gian trong hệ tiêu hóa khi tiếp nhận thức ăn từ miệng và chuyển xuống thực quản. Tuy không tham gia vào việc tiêu hóa hay hấp thụ dưỡng chất, cổ họng là mắt xích quan trọng đảm bảo thức ăn di chuyển đúng hướng trong hệ tiêu hóa.
2.2 Thực quản
Thực quản là một ống dài kết nối giữa cổ họng và dạ dày với chức năng chính là đưa thức ăn xuống dạ dày bằng các cơn co thắt nhu động. Ngoài ra, thực quản còn có một "van" cơ học (cơ vòng thực quản dưới) giúp ngăn thức ăn và trào ngược axit dạ dày trở lại lên trên.
2.3 Túi mật
Túi mật là một cơ quan nhỏ nằm sát gan, có chiều dài khoảng 80-100mm. Chức năng chính của túi mật là co bóp để đẩy dịch mật vào ống mật chủ, sau đó dẫn xuống tá tràng và ruột non. Dịch mật do gan tiết ra, khi được túi mật đẩy xuống sẽ giúp phân giải và tiêu hóa chất béo. Vì vậy, túi mật đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa chất béo của cơ thể.
2.4 Gan
Gan là một cơ quan quan trọng trong hệ tiêu hóa ở người, được ví như "nhà máy hóa chất" của cơ thể. Gan thực hiện nhiều chức năng thiết yếu như tổng hợp protein huyết tương, dự trữ glycogen để cung cấp năng lượng và thải độc để loại bỏ các chất độc hại. Ngoài ra, gan còn điều hòa nhiều phản ứng hóa sinh quan trọng, hỗ trợ hoạt động của toàn bộ cơ thể.
2.5 Dạ dày
Dạ dày là một cơ quan quan trọng có cấu trúc giống như một chiếc túi co giãn được tạo thành từ nhiều lớp cơ. Khi nhận thức ăn từ thực quản, dạ dày tiết ra acid với enzyme để trộn lẫn và thủy phân các protein cùng dưỡng chất cần thiết. Thức ăn thường được lưu trữ tại dạ dày trong một khoảng thời gian dài để hoàn thành quá trình phân hủy. Kết quả, thức ăn chuyển thành dạng chất lỏng hoặc bột nhão trước khi di chuyển xuống ruột non để tiếp tục tiêu hóa và hấp thụ.
2.6 Ruột non
Ruột non là nơi tiếp tục quá trình tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất. Cơ quan này dài khoảng 6 mét. Tại đây, thức ăn được phân hủy nhờ enzyme từ mật gan và tuyến tụy. Nhờ nhu động ruột, thức ăn di chuyển dọc theo ruột non, đồng thời được trộn đều với các dịch tiêu hóa.
Quá trình tiêu hóa tại ruột non bắt đầu ở tá tràng - nơi thức ăn được phân hủy. Sau đó, các dưỡng chất cần thiết được hấp thụ tại hỗng tràng và hồi tràng trước khi được chuyển vào máu để nuôi dưỡng cơ thể.
2.7 Đại tràng
Khi quá trình tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất kết thúc, phần thức ăn không được hấp thụ sẽ chuyển xuống đại tràng ở dạng lỏng. Tại đây, đại tràng thực hiện chức năng hút nước từ dịch để chuyển chất thải thành dạng rắn, hay còn gọi là phân. Thông thường, phân được xử lý trong đại tràng khoảng 36 giờ.
Phân chủ yếu gồm mảnh vụn thức ăn và vi khuẩn. Các vi khuẩn này không chỉ giúp xử lý chất thải, cặn lắng mà còn thực hiện nhiều chức năng hữu ích như tổng hợp vitamin, hỗ trợ tiêu hóa và bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn có hại.
2.8 Trực tràng
Trực tràng nằm ngay dưới đại tràng, dài khoảng 20cm, là nơi lưu giữ phân trước khi được thải ra ngoài. Khi phân di chuyển xuống trực tràng, các dây thần kinh đặc biệt sẽ bị kích thích và gửi tín hiệu đến não, báo hiệu cơ thể cần đi đại tiện.
Ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, chức năng này chưa phát triển hoàn thiện nên trẻ chưa thể kiểm soát việc đi đại tiện. Ở người lớn, khi muốn đi vệ sinh, não sẽ truyền tín hiệu làm giãn cơ vòng để đẩy phân ra khỏi cơ thể. Nếu cần nhịn, cơ vòng và trực tràng sẽ tạm thời điều chỉnh, giữ phân lại và bỏ qua cảm giác muốn đi vệ sinh cho đến khi sẵn sàng.
2.9 Hậu môn
Hậu môn là cơ quan cuối cùng của hệ tiêu hóa ở người, được cấu tạo từ cơ sàn chậu và cơ thắt hậu môn. Chức năng chính của cơ quan này là lưu trữ và đào thải phân ra ngoài cơ thể. Khi đi vệ sinh, hậu môn tiết ra dịch nhầy để bôi trơn, giúp phân di chuyển dễ dàng và giảm ma sát.
Quá trình tiêu hóa thức ăn ở con người là một hành trình dài và phức tạp, cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều cơ quan trong hệ tiêu hóa. Nếu một cơ quan gặp vấn đề, quá trình tiêu hóa và hấp thụ dưỡng chất có thể bị gián đoạn hoặc chậm lại, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe toàn diện.

3. Hệ tiêu hóa ở người và cách hoạt động
Khi cắn một miếng táo chín mọng, quá trình nhai sẽ giúp chia nhỏ miếng táo thành các phần nhỏ, dễ nuốt hơn. Trong lúc nhai, nước bọt trộn đều với thức ăn và lưỡi sẽ gom những mảnh nhỏ lại thành một khối nhỏ, đưa dần đến phía sau cổ họng. Khi nuốt, miếng táo được đẩy qua cổ họng vào thực quản.
Phía sau cổ họng là khí quản - nơi không khí ra vào cơ thể. Để tránh thức ăn đi nhầm vào khí quản gây sặc hoặc ho, nắp thanh quản sẽ tự động đóng lại, ngăn khí quản mở ra, đảm bảo miếng táo di chuyển an toàn vào thực quản.
Thực quản là một đường ống co giãn dài khoảng 25cm, đóng vai trò cầu nối đưa thức ăn từ cổ họng đến dạ dày. Các cơ ở thành thực quản hoạt động nhịp nhàng, tạo ra những cơn co thắt dạng sóng giúp đẩy thức ăn xuống. Đồng thời, các tuyến trong thực quản tiết ra chất nhầy, làm ẩm đường dẫn, giúp miếng táo di chuyển trơn tru và dễ dàng hơn đến dạ dày.
Dạ dày nằm ở phần cuối của thực quản và bên trái khoang bụng, là một cơ quan co giãn có hình dạng giống chữ J. Dạ dày được chia thành ba phần chính: tâm vị - nơi kết nối với thực quản; thân vị - phần lớn nhất chứa thức ăn và môn vị - nơi dẫn thức ăn đã tiêu hóa một phần vào ruột non.
Khi miếng táo đến dạ dày, các cơ của dạ dày bắt đầu co bóp để nghiền nát thức ăn, đồng thời trộn với axit và enzyme tiêu hóa. Quá trình này tạo thành một hỗn hợp lỏng gọi là dưỡng trấp, dễ dàng di chuyển xuống ruột non. Ngoài ra, dịch vị trong dạ dày còn có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn có hại, bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ nhiễm khuẩn từ thức ăn.
Sau khi được chuyển hóa thành chất lỏng ở dạ dày, miếng táo sẽ được đưa đến ruột non với đoạn đường dài khoảng 6 mét. Tại đây, thức ăn tiếp tục được phân hủy bởi enzyme từ tuyến tụy và mật từ gan. Nhu động ruột đảm bảo thức ăn di chuyển đều đặn dọc chiều dài ruột non và trộn lẫn với các dịch tiêu hóa, tạo thành một hỗn hợp loãng, giàu nước.
Ruột non chính là đích đến quan trọng của hành trình trong hệ tiêu hóa ở người - nơi các chất dinh dưỡng như carbohydrate, vitamin, khoáng chất, protein và chất béo được hấp thụ qua thành ruột, đi vào máu để nuôi dưỡng và cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Điểm đến tiếp theo của các chất dinh dưỡng sau khi được hấp thụ ở ruột non chính là gan - cơ quan đóng vai trò như "nhà máy lọc máu" của hệ tiêu hóa ở người. Máu giàu dinh dưỡng từ ruột non sẽ được gan xử lý, lọc bỏ và chuyển các chất độc hại thành các chất ít độc hơn hoặc không độc, đồng thời biến một phần chất thải thành dịch mật. Gan cũng là nơi dự trữ các loại vitamin và đường dưới dạng glycogen để cung cấp năng lượng khi cơ thể cần.
Phần bã thức ăn không được cơ thể sử dụng sẽ di chuyển xuống ruột già - "chiếc xe chở rác" của hệ tiêu hóa ở người. Ruột già dài khoảng 1,5m, là nơi xử lý phần bã còn lại. Tại đây, nước tiếp tục được hấp thụ, chất thải được cô đặc thành phân trước khi thải ra ngoài. Ở đáy ruột già có một ống nhỏ gọi là ruột thừa. Ruột thừa không có vai trò tiêu hóa nhưng đôi khi bị nhiễm trùng và cần phải cắt bỏ.
Ruột già là nơi xử lý phần chất thải còn lại mà cơ thể không hấp thụ được. Trước khi kết thúc hành trình tiêu hóa, ruột già cho phép cơ thể tái hấp thụ nước và một số khoáng chất qua thành ruột kết. Sau khi nước được loại bỏ, chất thải trở nên đặc hơn và định hình thành phân.
Phân sau đó được đẩy vào trực tràng, điểm cuối cùng của hệ tiêu hóa ở người. Tại đây, phân được lưu giữ cho đến khi cơ thể sẵn sàng đào thải ra ngoài qua hậu môn. Hành trình tiêu hóa kết thúc, hoàn thành chu trình chuyển hóa và loại bỏ chất thải từ thức ăn.
Tóm lại, hệ tiêu hóa ở người là một hệ thống hoạt động liên kết chặt chẽ. Nếu một trong các cơ quan gặp trục trặc, sự cân bằng của hệ tiêu hóa sẽ bị phá vỡ, dẫn đến các vấn đề sức khỏe. Những sự cố thường gặp bao gồm táo bón, tiêu chảy, đầy hơi, chậm tiêu, ợ nóng, sôi bụng và đau dạ dày. Khi gặp các triệu chứng này, người bệnh nên điều trị kịp thời để tránh làm suy giảm chức năng tiêu hóa và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.