Hội chứng ruột kích thích hỗn hợp (IBS-M) là một dạng của hội chứng ruột kích thích, trong đó người bệnh trải qua cả hai triệu chứng táo bón và tiêu chảy xen kẽ. Đây là một tình trạng mãn tính ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây ra sự khó chịu ở vùng bụng, đầy hơi và thay đổi thói quen đại tiện.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Thế nào là hội chứng ruột kích thích hỗn hợp?
Khi gặp phải tình trạng tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài mà không có nguyên nhân rõ ràng, đây có thể là dấu hiệu của Hội chứng ruột kích thích (IBS). Đây là một rối loạn tiêu hóa kéo dài, gây cảm giác khó chịu và rối loạn đường ruột trong nhiều tháng. IBS được chia thành ba loại:
- IBS-D (Tiêu chảy)
- IBS-C (Táo bón)
- IBS-M (Hỗn hợp), hay còn gọi là IBS-A
Hội chứng ruột kích thích gây ra các triệu chứng như chuột rút, đau bụng và đầy hơi. Đối với hội chứng ruột kích thích hỗn hợp, người bệnh sẽ trải qua các triệu chứng đan xen giữa tiêu chảy và táo bón.

2. Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích hỗn hợp
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra hội chứng ruột kích thích (IBS) vì bệnh có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, tùy thuộc vào từng cá thể. Một vài nguyên nhân phổ biến thường là:
- Đặc điểm gen.
- Bị nhiễm trùng.
- Bị viêm.
- Rối loạn trong việc truyền tín hiệu giữa não và đường tiêu hóa.
- Yếu tố tâm lý như căng thẳng hoặc gặp chấn thương trong quá khứ.
- Chế độ ăn uống.
- Vi khuẩn đường ruột.
3. Chẩn đoán hội chứng ruột kích thích dạng hỗn hợp
Việc chẩn đoán hội chứng ruột kích thích dạng hỗn hợp (IBS-M) thường khó khăn vì các triệu chứng thay đổi giữa táo bón và tiêu chảy nên không có xét nghiệm nào xác định rõ ràng bệnh này. Bác sĩ thường dựa vào mô tả triệu chứng của bệnh nhân và kinh nghiệm điều trị để đưa ra chẩn đoán. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể hỏi về chế độ ăn, lối sống, tiền sử gia đình và các loại thuốc đang sử dụng. Một số xét nghiệm thông thường có thể thực hiện là:
- Xét nghiệm máu cơ bản để loại bỏ những bệnh khác.
- Xét nghiệm máu dành cho bệnh Celiac (Khi cơ thể không thể tiêu hóa Gluten).
- Kiểm tra phân trong trường hợp triệu chứng chính là tiêu chảy.
Nếu có các dấu hiệu nghiêm trọng như sụt cân, sốt, chảy máu hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh tiêu hóa, bác sĩ có thể yêu cầu nội soi để kiểm tra kỹ hơn.
4. Điều trị hội chứng ruột kích thích dạng hỗn hợp
Hiện tại, gần như không có cách chữa dứt điểm cho hội chứng ruột kích thích hỗn hợp. Vì vậy, mục tiêu chính là giảm các triệu chứng để người bệnh cảm thấy thoải mái hơn và có thể sinh hoạt bình thường mà không bị ảnh hưởng.
4.1. Thay đổi lối sống và dinh dưỡng
- Chế độ ăn uống: Thực hiện các thay đổi trong chế độ ăn uống như tăng cường chất xơ, giảm thực phẩm gây kích ứng (như rau họ cải thảo, đồ ngọt, cafein và rượu), chia ra nhiều lần ăn trong ngày và giữ một chế độ dinh dưỡng hợp lý.
- Thể dục: Thường xuyên tham gia vận động như bơi lội, đạp xe, chạy bộ có thể giúp cải thiện chức năng ruột và giảm căng thẳng.

4.2. Quản lý căng thẳng
- Thiền và yoga: Các kỹ thuật thư giãn như thiền và yoga có thể giúp giảm căng thẳng, cải thiện triệu chứng.
- Thiết lập biểu đồ ngày: Lập kế hoạch và quản lý thời gian một cách hiệu quả có thể giảm bớt căng thẳng hàng ngày.
4.3. Thuốc điều trị
- Thuốc ức chế co thắt ruột: Giúp kiểm soát triệu chứng đau bụng và tiêu chảy.
- Thuốc tăng cường chức năng ruột: Có thể được sử dụng để giúp điều chỉnh chức năng ruột và giảm táo bón.
- Thuốc chống lo âu và trầm cảm: Trong trường hợp căng thẳng và trầm cảm đóng vai trò lớn gây ra bệnh hội chứng ruột kích thích hỗn hợp, các loại thuốc này có thể được kê đơn để giảm triệu chứng.
4.4. Tư vấn tâm lý
Tìm kiếm sự hỗ trợ từ một tư vấn viên tâm lý có thể giúp người bệnh quản lý căng thẳng, lo âu và trầm cảm liên quan đến hội chứng ruột kích thích dạng hỗn hợp.
4.5. Tham khảo ý kiến bác sĩ
Nên thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia y tế về lựa chọn điều trị phù hợp nhất cho tình trạng cụ thể của người bệnh và theo dõi triệu chứng một cách đều đặn.
5. Chung sống với Hội chứng ruột kích thích hỗn hợp
Thuốc có thể quan trọng trong việc kiểm soát IBS-M đối với một số người nhưng điều chỉnh chế độ ăn uống cũng rất cần thiết để người bệnh cảm thấy tốt hơn. Việc đầu tiên là thay đổi chế độ ăn để xác định loại thực phẩm nào giúp cơ thể dễ chịu và loại nào gây rối loạn tiêu hóa, từ đó tránh những thực phẩm không phù hợp. Điều này giúp cải thiện cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần khi sống chung với bệnh.

Nếu bị đầy hơi, người bệnh có thể thử tránh các thực phẩm như đậu, hành tây, bắp cải, mận, bánh mì và một số loại khác để xem tình trạng có cải thiện không. Nhiều người mắc hội chứng ruột kích thích thực hiện chế độ ăn FODMAP thấp để giảm triệu chứng hoặc tránh thực phẩm chứa lactose (đường trong sữa). Nếu có triệu chứng mới hoặc có thay đổi trong quá trình sống chung với hội chứng ruột kích thích, người bệnh nên liên hệ bác sĩ để được tư vấn. Các phương pháp thư giãn như thiền cũng giúp giảm triệu chứng và căng thẳng hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.