Cách xoa bụng chữa đau dạ dày tại nhà là một phương pháp dân gian được nhiều người áp dụng. Cơ chế hoạt động của phương pháp này dựa trên việc tác động lên các huyệt đạo ở vùng bụng, giúp thư giãn cơ trơn của dạ dày, tăng cường tuần hoàn máu đến vùng bị tổn thương, từ đó giảm đau và hỗ trợ quá trình tiêu hóa.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Hướng dẫn cách xoa bụng chữa đau dạ dày
Những người mắc bệnh dạ dày thường gặp phải các cơn đau dạ dày cùng với các triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, bụng đầy hơi, khó tiêu, chán ăn, và buồn nôn. Những dấu hiệu này có thể xuất hiện liên tục hoặc chỉ thỉnh thoảng, nhưng đều tác động đến sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Người bị đau dạ dày có thể thực hiện một số cách chữa dân gian tại nhà, chẳng hạn như cách xoa bụng chữa đau dạ dày. Đây là một phương pháp đơn giản, chỉ cần áp tay vào các huyệt đạo trên bụng và xoa nhẹ với lực vừa phải.
1.1 Xoa bụng day ấn huyệt Trung Quản
Vị trí của huyệt Trung Quản là trên bụng, thuộc nhâm mạch, tại trung điểm của đường nối giữa mỏ ác và rốn. Việc day ấn huyệt này trong 1 - 3 phút sẽ giúp giảm đau, kích thích nhu động ruột, tăng tiết dịch vị và hỗ trợ dạ dày co bóp.
1.2 Xoa bụng day ấn huyệt Kiến Lý
Người bệnh có thể nằm ngửa hoặc nửa nằm nửa ngồi, sau đó dùng ngón tay cái hay ngón giữa để ấn huyệt Kiến Lý từ 1 đến 3 phút. Để xác định vị trí huyệt này, mọi người hãy lấy điểm nối 3/8 dưới và 5/8 trên của đoạn nối rốn và điểm giao nhau của 2 bờ sườn.
Huyệt Kiến Lý có tác dụng vận tỳ lý khí, hỗ trợ phòng ngừa các triệu chứng như đầy bụng, chán ăn, khó tiêu, và buồn nôn.
1.3 Xoa bụng day ấn huyệt Tam Lý
Huyệt tam lý, nằm dưới phía bên ngoài gối, thuộc kinh túc dương minh vị trong Đông y. Để xác định vị trí chính xác, mọi người dùng bàn tay trái (hoặc phải) úp lên đầu gối trái (hoặc phải), huyệt nằm dưới 3 thốn, cách bờ xương ống chân 1 thốn.
Khi ấn vào huyệt, mọi người sẽ cảm nhận được cảm giác tê tức lan tỏa xuống bàn chân. Bấm huyệt tam lý thường xuyên kết hợp với xoa bụng có tác dụng điều trị các bệnh về đường tiêu hóa, bổ tỳ, chống co thắt dạ dày, tăng cường tuần hoàn máu và nâng cao sức khỏe tổng thể.
1.4 Xoa bụng day ấn huyệt Thiên Khu
Huyệt Thiên Khu nằm cách rốn khoảng 2 thốn theo chiều ngang, có tác dụng điều hòa hoạt động vị tràng, giúp giảm đau bụng quanh rốn, bụng sôi, đầy hơi, khó tiêu, chán ăn, táo bón, tiêu chảy và buồn nôn. Để ấn huyệt này, mọi người có thể nằm ngửa hoặc nửa nằm, nửa ngồi, sau đó dùng hai ngón cái hoặc hai ngón giữa nhấn đồng thời vào hai huyệt Thiên Khu trong khoảng 1 phút.
1.5 Cách xoa bụng chữa đau dạ dày kết hợp với ấn huyệt nội quan
Huyệt nội quan, thuộc kinh thủ quyết âm tâm bào theo quan niệm Đông y, có vị trí đặc trưng: đo lên 2 tấc từ lằn chỉ cổ tay, giữa hai gân cơ gan tay lớn và bé. Để tác động lên huyệt này, mọi người chỉ cần dùng ngón cái day ấn và giữ trong 2 phút, cảm giác tê tức sẽ xuất hiện.
Ngoài các huyệt đã nêu, mọi người có thể thực hiện cách xoa bụng chữa đau dạ dày bằng cách xoa đều khắp vùng bụng, lấy rốn làm trung tâm, di chuyển tay theo chiều kim đồng hồ từ trong ra ngoài và ngược lại khoảng 100 vòng. Động tác này giúp làm ấm bụng, là mẹo dân gian đơn giản, dễ dàng áp dụng và giảm đau hiệu quả.

2. Các phương pháp giảm đau dạ dày tại nhà khác
Xoa bụng có thể giúp giảm đau nhanh chóng, tuy nhiên để đạt hiệu quả cao hơn, người bệnh nên tham khảo thêm các phương pháp chữa đau dạ dày khác. Ví dụ:
2.1 Làm ấm bụng để giảm đau dạ dày nhanh chóng
Nếu cách xoa bụng chữa đau dạ dày chưa đem lại hiệu quả, người bệnh có thể chuyển sang làm ấm vùng bụng để làm dịu cơn đau. Đây là một cách truyền thống mà nhiều người xưa đã sử dụng, bao gồm các cách sau đây:
- Dùng một chai nước ấm lăn nhẹ trên bụng và xoa theo chiều kim đồng hồ khi bụng đã bắt đầu ấm lên.
- Rang một ít muối cho nóng, rồi bọc trong một miếng vải sạch và chườm lên vùng bụng đang đau.
Khi nhiệt độ ấm lan tỏa khắp vùng bụng, điều này sẽ thúc đẩy lưu thông máu, giúp giảm đáng kể cơn co thắt dạ dày.
2.2 Uống nước muối pha loãng
Bên cạnh hai phương pháp đã nêu, mọi người có thể thử uống nước muối ấm pha loãng khi cảm thấy đau dạ dày. Chỉ cần hòa một ít muối với nước ấm rồi uống từng ngụm nhỏ. Mọi người có thể uống nhiều lần trong ngày, nhưng không nên quá lạm dụng. Nước muối ấm sẽ giúp làm sạch đường ruột, giảm co thắt dạ dày và hỗ trợ giảm đau dạ dày hiệu quả.
2.3 Dùng thuốc điều trị
Khi bệnh trở nên nặng hơn, người bệnh cần dùng thuốc điều trị theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Những loại thuốc phổ biến trong điều trị đau dạ dày hiện nay bao gồm: thuốc kháng axit, thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày và kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn HP.

Để giảm thiểu nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ không mong muốn, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa Tiêu hóa để được kiểm tra, đánh giá tình trạng đau bụng và nhận sự tư vấn từ bác sĩ về phương pháp điều trị và thuốc thích hợp.
2.4 Cải thiện chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt
Để ngăn ngừa bệnh dạ dày tái phát, mọi người cần chú ý thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt. Dưới đây là một số gợi ý để cải thiện lối sống:
- Tránh xa các món ăn có vị chua, cay, nóng, thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ và khó tiêu hóa.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, cà phê và thuốc lá.
- Giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi, tránh tình trạng stress kéo dài.
- Duy trì thói quen vận động và tập luyện để nâng cao sức khỏe.
Sử dụng thuốc phù hợp kết hợp với thói quen ăn uống và sinh hoạt khoa học sẽ giúp giảm nhanh triệu chứng đau dạ dày.
2.5 Chữa bệnh bằng thảo dược thiên nhiên
Cha ông ta cũng đã truyền lại nhiều bài thuốc chữa đau bụng từ các dược liệu tự nhiên như hạt bưởi, nghệ, cẩm tím, chuối xanh,... Những nguyên liệu này không chỉ dễ tìm mà còn an toàn và lành tính cho sức khỏe.
Dùng chuối xanh chữa đau dạ dày là phương pháp phổ biến, nhờ khả năng tạo ra lớp màng nhầy bảo vệ dạ dày, ngăn virus HP tấn công, đồng thời giảm cảm giác đau và viêm. Mọi người có thể chế biến chuối xanh bằng cách luộc, ăn trực tiếp, ép nước uống, hoặc phơi khô rồi nghiền thành bột, pha với nước ấm để uống. Tất cả đều mang lại hiệu quả tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.