Nguyên nhân đau dạ dày vào ban đêm

Mục lục

Đau dạ dày vào ban đêm là một vấn đề khá phổ biến xuất phát từ nhiều nguyên nhân như chế độ ăn uống, học tập… ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được cải thiện khi được điều trị nguyên nhân và thay đổi chế độ ăn uống. Do đó, người bệnh nên đi khám bác sĩ để được kiểm tra và có phương án điều trị phù hợp với bản thân.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Đặc điểm cơn đau ở dạ dày

Mọi người thường gặp phải hai loại cơn đau dạ dày, bao gồm:

1.1 Đau bụng quặn thắt

Cơn đau này có đặc điểm lặp lại theo chu kỳ và diễn ra một cách gay gắt, thường xuất hiện đột ngột, tăng cường độ đến đỉnh điểm rồi giảm dần. Giữa các chu kỳ đau có những khoảng lặng. Tần suất, thời gian và cường độ của cơn đau có sự thay đổi đáng kể giữa các lần. Nguyên nhân chủ yếu là do sự sức căng của ruột gây ra.  

1.2 Đau bụng liên tục

Các cơn đau đặc trưng bởi tính liên tục với sự thay đổi cường độ tăng lên hoặc giảm xuống, nhưng không có thời gian yên tĩnh. Người bệnh thường cảm thấy đau nhức nhối, bỏng rát, gặm nhấm, đói hoặc buốt. 


Đau dạ dày ban đêm là tình trạng khá phổ biến gây ra những ảnh hưởng trong sinh hoạt và giấc ngủ.
Đau dạ dày ban đêm là tình trạng khá phổ biến gây ra những ảnh hưởng trong sinh hoạt và giấc ngủ.

2. Một số nguyên nhân gây đau dạ dày ban đêm

2.1. Do thói quen ăn uống không lành mạnh

Một nguyên nhân phổ biến khiến người bệnh đau dạ dày vào ban đêm chính là thói quen ăn uống không lành mạnh. Các loại thực phẩm được coi là “thủ phạm” gây ra tình trạng này bao gồm:

  • Thực phẩm ôi thiu, mốc: Các loại nấm và vi khuẩn sẽ phát triển mạnh trong môi trường thực phẩm ôi thiu. Khi xâm nhập vào dạ dày, chúng sẽ gây ra ngộ độc thực phẩm và dẫn đến đau bụng dữ dội. Ngoài ra, người bị ngộ độc cũng có thể gặp các triệu chứng như nôn, buồn nôn và tiêu chảy.
  • Thức ăn khó tiêu hóa: Khi ăn các món chiên rán chứa nhiều chất béo, dầu mỡ và đồ cay nóng vào buổi tối, quá trình tiêu hóa sẽ trở nên khó khăn hơn. Những thực phẩm này sẽ ở lại trong dạ dày lâu hơn dẫn đến việc dạ dày phải tiết ra lượng axit nhiều hơn bình thường để xử lý. Do đó, nhiều người bệnh sẽ trải qua tình trạng chướng bụng và đau bụng âm ỉ.
  • Ăn tối quá no: Vào buổi tối, mọi người thường ít hoạt động và chủ yếu nghỉ ngơi nên sau khi ăn no, dạ dày sẽ chứa nhiều thức ăn gây ra những cơn đau khó chịu. Hơn nữa, thực phẩm sẽ diễn ra quá trình lên men làm gia tăng lượng axit trong dạ dày, từ đó hình thành các vết loét.

2.2. Đau ở dạ dày ban đêm do mắc phải các bệnh dạ dày

Các cơn đau dạ dày vào ban đêm xuất phát từ những bệnh lý dạ dày như sau.

  • Bệnh viêm loét dạ dày: Cảm giác nóng rát ở vùng dạ dày là hậu quả của các vết loét dạ dày. Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi dạ dày rỗng hoặc sau khi ăn, đặc biệt là sau những bữa ăn nhiều dầu mỡ hoặc thực phẩm chế biến sẵn. Ban đêm là thời gian giữa các bữa ăn kéo dài nhất nên người bệnh thường cảm thấy cơn đau trở nên kéo dài hơn.
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD):  Bệnh trào ngược dạ dày thực quản phát sinh từ việc ăn quá nhiều, nằm ngay sau khi ăn hoặc tiêu thụ những thức ăn khó tiêu. Khi acid dạ dày sản sinh với lượng lớn, thực phẩm sẽ bị đẩy ngược lên thực quản, từ đó gây ra triệu chứng như ợ chua, ợ hơi, cảm giác nóng rát sau xương ức và đau bụng cồn cào. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến viêm và loét thực quản.
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS): Sau mỗi bữa ăn, người bệnh bị hội chứng ruột kích thích thường trải qua triệu chứng chướng bụng và đầy hơi. Việc ăn nhiều vào buổi tối làm tình trạng đau ở dạ dày trở nên trầm trọng hơn và gia tăng các triệu chứng này.
  • Bệnh Crohn: Bệnh Crohn cũng có thể là nguyên nhân gây đau dạ dày vào ban đêm, bên cạnh viêm loét dạ dày và các tình trạng khác. Đây là một tình trạng viêm niêm mạc đường tiêu hóa, dẫn đến các cơn đau bụng và sự sụt cân làm cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi.

2.3. Do chế độ học tập, làm việc không hợp lý

Thức khuya sẽ khiến các cơ quan trong cơ thể bao gồm cả dạ dày phải làm việc nhiều hơn. Đáng lẽ đây phải là khoảng thời gian để các cơ quan nghỉ ngơi sau một ngày dài căng thẳng. Dần dần, dạ dày sẽ rơi vào tình trạng quá tải do hoạt động liên tục, từ đó gây ra những cơn đau ở dạ dày vào ban đêm.

Ngoài ra, tinh thần bị căng thẳng và lo âu cũng làm dạ dày sản xuất nhiều acid hơn. Nếu không được trung hòa, acid này sẽ làm tổn thương lớp niêm mạc, gây loét dạ dày và tạo ra những cơn đau vào ban đêm. 

Đau dạ dày ban đêm.
Đau dạ dày ban đêm.

2.4. Đau dạ dày ban đêm do các bệnh lý khác

Đau dạ dày có thể do một số bệnh lý sau đây gây ra.

  • Sỏi mật: Khi người bệnh đến khám với triệu chứng đau dạ dày vào ban đêm, một trong những nguyên nhân phổ biến là sỏi mật. Sỏi mật gây tắc nghẽn ống mật gây ra những cơn đau dữ dội kéo dài ở vùng dạ dày. Những cơn đau này thường tăng lên sau khi ăn một bữa ăn với nhiều chất béo và xảy ra khi người bệnh đang ngủ. Cơn đau thường đi kèm với các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa, sốt cao, vàng da, và phân có màu trắng.
  • Sỏi thận: Khi viên sỏi bắt đầu di chuyển vào niệu quản, cơn đau nhói đột ngột sẽ xuất hiện ở lưng của bệnh nhân. Cơn đau này sẽ lan nhanh tới dạ dày và bụng với mức độ đau sẽ thay đổi theo đường đi của sỏi thận trong đường tiết niệu.
  • Các tình trạng về tim: Tình trạng này rất ít khi xảy ra và những người thiếu máu cơ tim có khả năng bị đau dạ dày.
  • Viêm ruột thừa: Đau bụng do viêm ruột thừa bắt đầu từ khu vực quanh rốn và sau đó di chuyển xuống phía dưới bên phải. Cơn đau sẽ tăng lên khi người bệnh vận động. Do đó, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời. Nếu để lâu, tính mạng của người bệnh sẽ gặp nguy hiểm do vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc.

3. Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Nhiều người bệnh thắc mắc nửa đêm đau dạ dày phải làm sao? Trong hầu hết các trường hợp, đau dạ dày vào ban đêm không yêu cầu phải đến bác sĩ ngay lập tức. Để giải quyết vấn đề này, bệnh nhân cần điều trị nguyên nhân gây bệnh, kết hợp với điều chỉnh lối sống và thay đổi chế độ ăn uống.

Lúc này, người bệnh có thể áp dụng một số cách giảm đau dạ dày ban đêm tại nhà để cải thiện triệu chứng tạm thời như:  

  • Uống nước ấm.
  • Nhai gừng tươi hoặc uống nước gừng tươi ấm pha mật ong.
  • Uống nước dừa.
  • Chườm ấm.

Thông thường, các cơn đau chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài trong nhiều giờ hoặc tái diễn nhiều lần trong một tuần, ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày, nhất là giấc ngủ thì bệnh nhân cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có phương án điều trị phù hợp.

Nếu cơn đau dạ dày kèm theo các triệu chứng dưới đây xảy ra vào ban đêm thì người bệnh hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để nhận được sự can thiệp kịp thời.

  • Đau dữ dội không rõ nguyên nhân, cơn đau không thuyên giảm kể cả khi đã dùng thuốc.
  • Sốt.
  • Bụng chướng, đau khi chạm vào.
  • Vàng mắt, vàng da.
  • Buồn nôn, nôn, đặc biệt là nôn có máu.
  • Đi ngoài có máu trong phân.
  • Đau trong thời gian mang thai. 

Đau dạ dày ban đêm kèm đi ngoài có máu trong phân thì bạn cần phải đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
Đau dạ dày ban đêm kèm đi ngoài có máu trong phân thì bạn cần phải đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

4. Phòng ngừa đau dạ dày ban đêm

Người bệnh cần thực hiện các biện pháp dưới đây để ngăn ngừa đau dạ dày vào ban đêm:  

  • Duy trì tinh thần thoải mái, giảm thiểu những căng thẳng không đáng có.
  • Để giảm nguy cơ đau dạ dày vào ban đêm, một số phương pháp thay đổi chế độ ăn uống nên được áp dụng bao gồm: Tránh ăn quá no trước khi đi ngủ; kê cao đầu khi ngủ; hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, không uống cà phê và rượu vào buổi tối; không nên ăn quá nhiều trong bữa tối. 
Người bệnh nên đi gặp bác sĩ để được khám và điều trị nếu cơn đau dạ dày vào ban đêm xảy ra thường xuyên.
Người bệnh nên đi gặp bác sĩ để được khám và điều trị nếu cơn đau dạ dày vào ban đêm xảy ra thường xuyên.

Không chỉ là dấu hiệu của các vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa, đau dạ dày vào ban đêm còn là dấu hiệu của nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác. Do đó, khi cơn đau xảy ra thường xuyên, người bệnh nên tìm đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Nguồn tham khảo: healthline.com, medicalnewstoday.com, medicinenet.com

Chia sẻ