Rối loạn kinh nguyệt sau sinh có thể gây ra lo lắng cho các bà mẹ về nguy cơ biến chứng sau khi sinh, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sức khỏe và chăm sóc con nhỏ trong giai đoạn hậu sản. Để giúp các bà mẹ giảm bớt lo lắng, bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết và hữu ích về tình trạng này.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK I Nguyễn Thị Mận, Khoa Sản Phụ Khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng
1. Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là gì?
Kinh nguyệt ở phụ nữ phản ánh tình trạng hoạt động nội tiết của trục vùng dưới đồi - tuyến yên - buồng trứng, cũng như tình trạng của niêm mạc tử cung. Kinh nguyệt đóng vai trò như một thước đo sức khỏe sinh sản và khả năng sinh dục của cơ thể phụ nữ.
Sau khi sinh và trong quá trình nuôi con bú, đặc biệt là trong 1-2 năm đầu, kinh nguyệt của người mẹ có thể không ổn định, với những biểu hiện như chu kỳ không đều (tháng có tháng không, tháng tới muộn, tháng tới sớm), lượng máu thất thường (lúc nhiều, lúc ít), màu sắc máu biến đổi từ đỏ tươi sang nâu hoặc đen thẫm. Các triệu chứng khác như đau bụng kinh hoặc rong kinh kéo dài cũng có thể xảy ra.
Thông thường, phụ nữ có thể có kinh nguyệt trở lại sau khoảng 6 tuần sau sinh, khi mức độ các hormon như progesteron, estrogen và gonadotropin màng đệm người (HCG) trở lại mức bình thường. Tuy nhiên, thời điểm kinh nguyệt quay trở lại sau sinh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như việc cho con bú, lượng hormone trong cơ thể và lối sống của người mẹ. Dù gặp phải rối loạn kinh nguyệt sau sinh, điều này vẫn được coi là bình thường trong hầu hết các trường hợp.
2. Những nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt sau sinh
Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt sau sinh có thể bao gồm:
- Thay đổi hormone trong quá trình mang thai: Quá trình mang thai đòi hỏi cơ thể phụ nữ phải trải qua nhiều thay đổi về hormone để phát triển thai nhi và sau đó là sản xuất sữa mẹ. Những thay đổi này có thể dẫn đến rối loạn kinh nguyệt sau khi sinh.
- Mất cân bằng hormone: Nếu người mẹ đã từng trải qua sự mất cân bằng hormone trước khi mang thai, khả năng cao họ cũng sẽ gặp phải rối loạn kinh nguyệt sau khi sinh. Thông thường, sự mất cân bằng này kéo dài trong vài tháng đầu sau khi sinh do cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn.
- Ảnh hưởng của việc cho con bú: Cho con bú và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ có thể ức chế sự rụng trứng và trì hoãn chu kỳ kinh nguyệt. Phụ nữ cho con bú hoàn toàn có thể không có kinh trở lại cho đến 6 tháng hoặc thậm chí muộn hơn. Trong khi đó, những người không cho con bú thường có kinh nguyệt trở lại sau khoảng 6 tuần.
- Áp lực chăm sóc con nhỏ: Gánh nặng chăm sóc con nhỏ khi cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn có thể khiến người mẹ cảm thấy stress liên tục, dẫn đến căng thẳng, cáu giận hoặc buồn chán. Những cảm xúc này cũng có thể gây ra sự mất cân bằng hormone nội tiết, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và gây rối loạn kinh nguyệt sau sinh.

3. Mất bao lâu sau sinh mới có kinh nguyệt trở lại?
Thời gian kinh nguyệt trở lại sau sinh là một vấn đề được nhiều bà mẹ quan tâm. Theo nghiên cứu năm 2011 dựa trên dữ liệu từ 6 nghiên cứu trước đó, phụ nữ thường bắt đầu có kinh nguyệt trở lại từ khoảng 45 đến 94 ngày sau sinh, trung bình là 74 ngày sau khi sinh.
Tuy nhiên, không có câu trả lời cụ thể cho thời điểm chính xác kinh nguyệt sẽ trở lại sau sinh, bởi mỗi người phụ nữ có sự khác biệt về thời gian này, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Mẹ có cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ hay không?
- Tần suất cho con bú thế nào?
- Bé có bú bình không và mẹ cho bé bú bình với tần suất như thế nào?
- Cơ thể mẹ phản ứng với sự thay đổi hormone như thế nào?
Theo các bác sĩ cho biết, đối với những bà mẹ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ, hormone prolactin sẽ ngăn cản quá trình rụng trứng và do đó kinh nguyệt không xuất hiện trong thời gian này. Thông thường, kinh nguyệt có thể không trở lại trong khoảng từ 6 tháng đến 1 năm. Nếu mẹ không cho bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ hoặc kết hợp cho bú sữa công thức, kinh nguyệt có thể trở lại sớm hơn, thường là khoảng từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 12 sau sinh.
4. Rối loạn kinh nguyệt sau sinh có nguy hiểm không và khi nào cần gặp bác sĩ?
Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là hiện tượng sinh lý bình thường, thường gặp ở phụ nữ sau quá trình mang thai, sinh nở và cho con bú. Sự thay đổi này là do cơ thể phụ nữ trải qua nhiều biến đổi hormone trong thời gian này.
Thông thường, tình trạng rối loạn kinh nguyệt sẽ dần ổn định khi người mẹ ngừng cho con bú. Tuy nhiên, nếu tình trạng rối loạn kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường hoặc có xu hướng nghiêm trọng hơn, điều này có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn như u xơ tử cung. Ngoài ra, tình trạng chảy máu kéo dài có thể dẫn đến mất máu nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp này, người mẹ cần đi khám bác sĩ sớm để xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp.
Rối loạn kinh nguyệt sau sinh có thể là một phần của quá trình thay đổi sinh lý bình thường sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu những dấu hiệu này đi kèm với các biểu hiện bất thường như thời gian hành kinh kéo dài hơn bình thường, lượng máu kinh nhiều bất thường, ra máu âm đạo giữa các chu kỳ kinh, máu có mùi hôi khó chịu, đây có thể là dấu hiệu của các bệnh phụ khoa nguy hiểm. Việc thăm khám và điều trị kịp thời tại cơ sở y tế là cần thiết để đảm bảo sức khỏe phụ khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.