Nồng độ Acid Uric 500 có bị Gout không?

Mục lục

"Nồng độ Acid Uric 500 có bị Gout không?" là câu hỏi thường gặp ở những người có kết quả xét nghiệm acid uric cao. Gout là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purin, đặc trưng bởi sự tích tụ tinh thể urat tại các khớp, gây viêm và đau đớn. Tuy nhiên, không phải cứ nồng độ acid uric cao là chắc chắn mắc bệnh Gout. Vậy chỉ số acid uric cao bao nhiêu thì bị Gout?

Được giải đáp bởi Bác sĩ Lê Duy Cường - Đơn nguyên sinh hóa - Khoa xét nghiệm - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bác sĩ. Em vừa đi khám ở bệnh viện do có biểu hiện buồn bủn rủn 10 ngón chân và ngón tay, thi thoảng đau đầu gối. Sau khi xét nghiệm máu thì nồng độ acid uric là 500. Em cũng rất hoang mang vì không biết là mình bị Gout hay chỉ là bị nồng độ Acid Uric tăng cao trong máu. Vậy bác sĩ cho em hỏi nồng độ Acid Uric 500 thì có bị Gout không ạ? Và chế độ ăn như thế nào cho hợp lý ạ?

Câu hỏi khách hàng ẩn danh

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến…  

Với câu hỏi “Nồng độ Acid Uric 500 có bị Gout không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Nếu nồng độ Acid Uric của bạn là 500 μmol/L là tăng cao so với giá trị tham chiếu cho nam giới (Nam: 208.3 - 428.4 μmol/L). Tuy nhiên, việc nồng độ Acid Uric 500 có bị Gout hay không: Nồng độ Acid Uric tăng chỉ là một trong nhiều tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh Gout. Do đó có nhiều trường hợp chỉ tăng Acid Uric đơn độc cũng chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh Gout.

Các biểu hiện ở khớp của bạn tương đối mơ hồ và không điển hình do đó chưa thể kết luận được là bạn bị Gout hay không. Bạn có thể đến khám chuyên khoa Cơ xương khớp để được tư vấn và kiểm tra lại nồng độ Acid Uric tăng cao.

Trong trường hợp bị Gout, bác sĩ chuyên khoa Cơ xương khớp sẽ tư vấn cho bạn chế độ ăn uống hợp lý. Ngay cả khi bạn không bị Gout, một chế độ sinh hoạt khoa học kết hợp ăn uống hợp lý sẽ giúp bạn phòng bệnh Gout hoặc giúp phòng cơn Gout cấp tái phát. Bạn có thể tham khảo các thông tin sau:

  • Sinh hoạt: tránh stress, tập thể dục đều đặn, duy trì BMI trong giới hạn bình thường.
  • Chế độ ăn uống: Hạn chế thức ăn chứa nhiều purin như phủ tạng động vật, các loại thịt đỏ, hải sản. Đặc biệt, nên tránh sử dụng rượu bia.
  • Ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước khoáng có kiềm.
  • Tránh dùng một số thuốc có thể làm tăng acid uric máu như lợi tiểu, aspirin liều thấp, corticoid kéo dài.
  • Điều trị các bệnh kèm theo như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường,..

Bên cạnh đó, để giúp bạn có thêm thông tin tham khảo, ngoài trả lời câu hỏi “Nồng độ Acid Uric 500 có bị Gout không?”, dưới đây là phần giải đáp chi tiết về các vấn đề liên quan bệnh gout và chỉ số Acid uric

1. Gout là bệnh gì?

Bệnh gout (gút), còn gọi là thống phong, là một dạng viêm khớp do rối loạn chuyển hóa purin, dẫn đến sự tích tụ acid uric trong máu. Khi nồng độ acid uric vượt quá giới hạn, các tinh thể urat sắc nhọn sẽ hình thành và lắng đọng tại các khớp, gây ra tình trạng viêm cấp tính kèm theo sưng, nóng, đỏ, đau dữ dội.

Gout thường ảnh hưởng đến khớp ngón chân cái, nhưng cũng có thể xảy ra ở đầu gối, mắt cá chân, bàn chân, bàn tay, cổ tay và khuỷu tay. Nếu không kiểm soát tốt triệu chứng của gout, bệnh có thể tiến triển thành gout mạn tính, gây tổn thương khớp nghiêm trọng và hình thành các hạt tophi dưới da. Vậy, chỉ số acid uric cao bao nhiêu thì bị gout? 

Xét nghiệm acid uric giúp hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh gout.
Xét nghiệm acid uric giúp hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh gout.

2.Chỉ số acid uric cao bao nhiêu thì bị gout?

Acid uric là sản phẩm chuyển hóa của purin trong cơ thể. Khi nồng độ acid uric trong máu vượt quá giới hạn cho phép, nguy cơ mắc bệnh gout sẽ tăng cao.

2.1 Chỉ số acid uric bình thường là bao nhiêu

  • Nam giới: 5,1 ± 1,0 mg/dL (tương đương ≤ 420 µmol/L).
  • Nữ giới: 4,0 ± 1,0 mg/dL (tương đương ≤ 360 µmol/L).
  • Tổng lượng acid uric trong cơ thể: Nam giới khoảng 1200 mg, nữ giới khoảng 600 mg.

2.2 Phân mức nồng độ acid uric và nguy cơ mắc bệnh gout

  • Mức an toàn (< 6,5 mg/dL, tương đương < 380 µmol/L): Đây là mức acid uric bình thường, ít nguy cơ mắc gout.
  • Mức cảnh báo (6,5 – 7,2 mg/dL, tương đương 380 – 420 µmol/L): Nồng độ acid uric ở ngưỡng có thể chấp nhận, nhưng cần kiểm soát chế độ ăn uống và sinh hoạt.
  • Mức nguy cơ cao (7,2 – 10 mg/dL, tương đương 420 – 580 µmol/L): Người bệnh có thể bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của gout cấp, như đau và sưng khớp tái phát nhiều lần.
  • Mức nguy hiểm (> 10 mg/dL, tương đương > 580 µmol/L): Đây là mức acid uric thường gặp ở bệnh nhân gout mạn tính. Các hạt tophi dưới da có thể xuất hiện, gây biến dạng khớp và tăng nguy cơ tổn thương thận.

2.3 Mục tiêu điều trị hạ acid uric máu

Với bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc gout, bác sĩ thường khuyến nghị giảm nồng độ acid uric xuống mức:

  • < 6 mg/dL (360 µmol/L) để kiểm soát bệnh hiệu quả.
  • < 5 mg/dL (300 µmol/L) đối với bệnh nhân có nhiều hạt tophi hoặc tổn thương khớp nặng. 
Nồng độ Acid Uric 500 có bị Gout không và chỉ số acid uric cao bao nhiêu thì bị gout là những thắc mắc chung của nhiều bệnh nhân.
Nồng độ Acid Uric 500 có bị Gout không và chỉ số acid uric cao bao nhiêu thì bị gout là những thắc mắc chung của nhiều bệnh nhân.

Việc kiểm soát nồng độ acid uric đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa và điều trị gout, giúp hạn chế các cơn gout cấp và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh Gout.

Nếu bạn còn thắc mắc về việc “Nồng độ Acid Uric 500 có bị Gout không?” nói chung và những vấn đề gout nói riêng, bạn có thể đến các cơ sở y tế chuyên khoa hoặc đến các bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để bác sĩ có chuyên môn tư vấn đầy đủ hơn. Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Vinmec. Trân trọng!

Trân trọng! 

Chia sẻ