Phân biệt tế bào gốc phôi và tế bào gốc trưởng thành là một vấn đề quan trọng trong nghiên cứu tế bào gốc. Cả hai loại tế bào này đều có tiềm năng ứng dụng to lớn trong y học tái sinh, tuy nhiên lại khác nhau về nguồn gốc cũng như là khả năng biệt hoá. Việc hiểu rõ những điểm khác biệt này sẽ giúp chúng ta đánh giá chính xác tiềm năng và hạn chế của từng loại tế bào gốc.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.
1. Tế bào gốc là gì?
Tế bào gốc đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra các tế bào mới để duy trì và tái tạo các mô khỏe mạnh trong cơ thể. Đồng thời, tế bào gốc có khả năng tạo ra các tế bào mới, thay thế các tế bào cũ hoặc bị tổn thương, góp phần sửa chữa và phục hồi những mô bị hư hại. Đây là nền tảng hình thành các loại tế bào chuyên biệt, từ đó cấu tạo nên các cơ quan trong cơ thể.
Tế bào gốc sở hữu những đặc điểm đặc biệt, khác biệt so với các loại tế bào khác, bao gồm:
- Khả năng tự tái tạo: Tế bào gốc có khả năng tự nhân đôi và tạo ra các tế bào giống hệt nhau.
- Khả năng phân chia kéo dài: Tế bào gốc có thể tiếp tục phân chia trong một khoảng thời gian dài mà không làm mất đi các đặc tính vốn có.
- Khả năng biệt hóa: Trong các điều kiện thích hợp, tế bào gốc có thể biệt hóa thành những loại tế bào chuyên biệt, đảm nhận các chức năng đặc thù. Các loại tế bào này bao gồm tế bào tim, tế bào gan, tế bào mỡ, tế bào xương, tế bào sụn, tế bào thần kinh và tế bào mô liên kết. Khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau được gọi là tính đa năng (multipotency).
Hiện nay, các nghiên cứu về cơ chế điều khiển quá trình biệt hóa của tế bào gốc đang mở ra nhiều triển vọng trong việc phát triển các phương pháp điều trị mới cho các bệnh lý phức tạp và tổn thương nặng. Những tiến bộ này hứa hẹn mang lại bước đột phá trong lĩnh vực y học tái tạo và điều trị.

2. Tế bào gốc phôi và tế bào gốc trưởng thành được lấy từ đâu?
Tế bào gốc có thể được lấy từ nhiều nguồn khác nhau để phục vụ nghiên cứu khoa học và các ứng dụng y học hiện đại. Dưới đây là các nguồn cung cấp tế bào gốc:
2.1 Tế bào gốc phôi
Loại tế bào này được lấy từ khối tế bào bên trong (inner cell mass) của phôi nang (blastocyst). Phôi nang hình thành khi trứng thụ tinh, hay hợp tử, phân chia liên tục từ hai tế bào, thành bốn tế bào và tiếp tục cho đến khi tạo thành một khối rỗng chứa khoảng 150 tế bào. Phôi nang bao gồm hai loại tế bào chính là lớp nuôi phôi (trophoblast) và khối tế bào bên trong. Trong đó, khối tế bào bên trong chứa các tế bào gốc đa năng (pluripotent), có thể được tách ra và nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, tạo nền tảng cho nghiên cứu và ứng dụng y học.
2.2 Tế bào gốc trưởng thành
Tế bào gốc trưởng thành hay còn gọi là tế bào gốc mô đặc hiệu, được tìm thấy trong các mô và cơ quan của cơ thể. Dù không phải tất cả các mô và cơ quan đều chứa tế bào gốc, nhiều trường hợp đã chứng minh tế bào gốc trưởng thành đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và sửa chữa các mô bị tổn thương do bệnh lý hoặc chấn thương. Tế bào gốc trưởng thành được thu thập từ các mẫu mô, sau đó phân lập thông qua kỹ thuật phân loại tế bào dựa trên dấu hiệu bề mặt (Fluorescence Activated Cell Sorting - FACS).
- Máu dây rốn: Dây rốn của trẻ sơ sinh là nguồn cung cấp phong phú các tế bào gốc máu. Nguồn máu này thường được thu thập và lưu trữ tại ngân hàng để sử dụng trong các nghiên cứu khoa học, điều trị trong tương lai cho người hiến hoặc các bệnh nhân khác.
- Nước ối: Đây cũng là nguồn cung cấp tế bào gốc đa năng dồi dào, có khả năng tái tạo vượt trội so với nhiều loại tế bào khác.
- Tế bào gốc đa năng cảm ứng (iPS cells): Tế bào gốc iPS được tạo ra từ các tế bào đã biệt hóa trong cơ thể, chẳng hạn như tế bào da, tế bào mỡ hoặc tế bào cơ. Các tế bào này được tái lập trình để trở về trạng thái giống tế bào gốc phôi, từ đó có khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau.

3. Làm thế nào để lấy được tế bào gốc trưởng thành?
Tế bào gốc trưởng thành thường được lấy từ vùng xương chậu, cụ thể là mào chậu. Để thu thập tế bào, một kim nhỏ được đưa vào xương chậu và tủy xương được hút ra qua kim. Phương pháp này có thể lấy mẫu từ một khu vực cụ thể. Sau khi thu được, tế bào gốc sẽ được tách ra khỏi các tế bào khác trong tủy và nuôi cấy hoặc mở rộng trong phòng thí nghiệm, quá trình này kéo dài từ 7 đến 21 ngày. Tế bào gốc sẽ kích hoạt sau khi được đặt trong môi trường mô đặc thù như mô xương. Khi phân chia, tế bào gốc này sẽ tạo ra các thể mới và tế bào tiền thân, những tế bào này có khả năng biệt hóa thành các tế bào mới với đặc điểm giống mô chủ.
4. Phân biệt tế bào gốc phôi và tế bào gốc trưởng thành
Trong cơ thể, một số cơ quan chứa các tế bào gốc được gọi là tế bào gốc trưởng thành. Các tế bào này tồn tại suốt đời và đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì, tái tạo và sửa chữa các mô cũng như cơ quan nơi các tế bào này hiện diện. Tuy nhiên, không phải tất cả các cơ quan đều được chứa tế bào gốc trưởng thành. Hơn nữa, khả năng phát triển của tế bào gốc trưởng thành thường bị giới hạn, khi chỉ có thể phân chia trong một khoảng thời gian nhất định và chỉ biệt hóa thành một số ít loại tế bào nhất định.
Trái lại, tế bào gốc phôi có khả năng phân chia gần như vô hạn. Đặc biệt, loại tế bào này này có thể biệt hóa thành mọi loại tế bào trong cơ thể, từ đó trở thành nguồn tế bào đa năng và linh hoạt nhất, phục vụ cho nghiên cứu khoa học và các liệu pháp ghép tế bào.
Chính những đặc tính vượt trội này khiến tế bào gốc phôi được đánh giá cao hơn về tiềm năng ứng dụng so với tế bào gốc trưởng thành, đặc biệt trong các lĩnh vực y học tái tạo và điều trị các bệnh lý phức tạp.
5. Tại sao các nhà khoa học muốn nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc?
Các nhà khoa học kỳ vọng rằng trong tương lai, tế bào gốc sẽ là chìa khóa để điều trị hiệu quả nhiều bệnh lý và chấn thương nghiêm trọng thông qua các liệu pháp tế bào. Hiện tại, việc thay thế các mô và cơ quan bị tổn thương phụ thuộc chủ yếu vào nguồn hiến tặng từ người. Tuy nhiên, khả năng tái tạo đặc biệt của tế bào gốc đã tạo động lực cho các nghiên cứu nhằm phát triển phương pháp thay thế và phục hồi mô, hỗ trợ điều trị các bệnh lý như Parkinson, Alzheimer, thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, chấn thương tủy sống, đột quỵ, bỏng, bệnh tim và tiểu đường.

Dù một số nghiên cứu trên động vật đã thu được kết quả tích cực, các thử nghiệm trên người vẫn còn rất hạn chế. Tuy vậy, những thử nghiệm ít ỏi này đã chứng minh tiềm năng ứng dụng to lớn của tế bào gốc. Các nhà khoa học tin rằng, nếu hiểu rõ cơ chế phức tạp của quá trình biệt hóa tế bào gốc, chúng ta có thể mở ra hướng điều trị cho những bệnh lý nghiêm trọng bắt nguồn từ rối loạn phân chia và biệt hóa tế bào, chẳng hạn như ung thư và các rối loạn phát triển.
Tế bào gốc phôi và tế bào gốc trưởng thành không chỉ mở ra cơ hội lớn cho y học tái tạo mà còn là nền tảng để phát triển các liệu pháp điều trị tiên tiến và phương pháp thử nghiệm thuốc hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.