Phân độ suy thận theo mức lọc cầu thận: Những điều cần biết

Mục lục

Phân độ suy thận theo mức lọc cầu thận sẽ giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về tình trạng của người bệnh nhờ kết quả xét nghiệm. Đồng thời, đây còn là chỉ số rất có ý nghĩa quan trọng khi đánh giá các chức năng của thận. Vậy chỉ số lọc cầu thận bao nhiêu là dấu hiệu của suy thận sẽ được giải đáp chi tiết thông qua bài viết dưới đây.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.

1. Tổng quan về độ lọc cầu thận

Lưu lượng máu được thận lọc trong một khoảng thời gian (thường tính theo phút) được gọi là độ lọc cầu thận (Glomerular Filtration Rate hay GFR). Độ lọc cầu thận sẽ cho biết mức độ thận lọc bỏ chất thải ra khỏi máu và là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá chức năng thận. GFR cũng được dùng trong y học để xác định mức độ suy giảm chức năng thận và phân loại giai đoạn bệnh thận từ nhẹ đến mãn tính. 

Độ lọc cầu thận là chỉ số được dùng trong việc chẩn đoán tình trạng và chức năng thận của bệnh nhân.
Độ lọc cầu thận là chỉ số được dùng trong việc chẩn đoán tình trạng và chức năng thận của bệnh nhân.

Độ lọc cầu thận cao đồng nghĩa với việc thận hoạt động tốt và loại bỏ chất thải hiệu quả. Tuy nhiên, theo thời gian và tuổi tác, chỉ số GFR sẽ giảm dần và có sự khác biệt giữa nam và nữ.

2. Phân độ suy thận theo mức lọc cầu thận

Ở người trưởng thành, chỉ số độ lọc cầu thận (eGFR) sẽ ở mức trên 90 ml/ph/1,73m2. Giá trị eGFR trong khoảng 60-89 là độ lọc cầu thận bình thường hoặc giảm nhẹ (tùy thuộc vào tuổi tác) và có thể không có bệnh thận, nhưng vẫn cần kiểm tra định kỳ.  

Tuy nhiên, nếu một người có kết quả xét nghiệm cho thấy albumin niệu (protein trong nước tiểu), huyết niệu (máu trong nước tiểu) hoặc bất thường về cấu trúc thận hoặc có bệnh lý, thì chỉ số eGFR trên 60 có thể là dấu hiệu sớm của bệnh thận. Kết quả eGFR và albumin niệu thường được kết hợp để đánh giá chức năng thận và suy thận một cách toàn diện.

Suy thận được phân chia thành 5 giai đoạn dựa trên mức độ lọc cầu thận, phản ánh mức độ suy giảm chức năng thận như sau:

  • Giai đoạn 1 (mức lọc cầu thận ≥ 90 ml/phút): Thận hoạt động bình thường hoặc chỉ có tổn thương nhẹ. Bệnh nhân thường không có triệu chứng và chỉ cần theo dõi định kỳ để phát hiện biến chứng.
  • Giai đoạn 2 (mức lọc cầu thận từ 60-89 ml/phút): Suy thận nhẹ, với triệu chứng có thể rất nhẹ hoặc không rõ rệt.
  • Giai đoạn 3 (mức lọc cầu thận từ 30-59 ml/phút): Suy thận trung bình, xuất hiện các triệu chứng suy thận rõ rệt hơn như mệt mỏi và phù nề.
  • Giai đoạn 4 (mức lọc cầu thận từ 15-29 ml/phút): Suy thận nặng, các triệu chứng của bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, cần theo dõi chặt chẽ và chuẩn bị cho các phương án điều trị.
  • Giai đoạn 5 (mức lọc cầu thận < 15 ml/phút)): Đây là giai đoạn cuối của bệnh suy thận, bệnh nhân cần can thiệp y tế ngay lập tức như lọc máu hoặc ghép thận để duy trì sự sống.

Việc xác định suy thận dựa trên mức lọc cầu thận giúp bác sĩ xây dựng phương án điều trị phù hợp, bao gồm thời điểm cần thiết thực hiện lọc máu. 

Việc phân độ suy thận theo mức lọc cầu thận sẽ giúp bác sĩ lên kế hoạch điều trị tốt hơn.
Việc phân độ suy thận theo mức lọc cầu thận sẽ giúp bác sĩ lên kế hoạch điều trị tốt hơn.

Bên cạnh việc dựa trên chỉ số eGFR và mức lọc cầu thận, các bác sĩ còn xem xét các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân để xác định thời điểm cần thiết phải lọc máu. Một số triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Phù nề: Sưng ở chân, mắt cá, bàn chân, tay và mặt.
  • Tăng huyết áp: Huyết áp cao khó kiểm soát dù đã sử dụng thuốc.
  • Khó thở: Do dịch tích tụ trong phổi.
  • Buồn nôn và nôn: Gây ra bởi sự tích tụ của các chất độc trong cơ thể.
  • Mệt mỏi và suy nhược: Kết quả của tình trạng thiếu máu và tích tụ chất độc. 
Một số triệu chứng phổ biến bao gồm buồn nôn và nôn, do sự tích tụ các chất độc trong cơ thể gây ra.
Một số triệu chứng phổ biến bao gồm buồn nôn và nôn, do sự tích tụ các chất độc trong cơ thể gây ra.

3. Khi nào bệnh nhân cần lọc máu?

Lọc máu là một quá trình loại bỏ các chất thải và dịch thừa ra khỏi máu của người bệnh khi thận không còn khả năng thực hiện việc này. Lọc máu sẽ được chỉ định nếu bệnh nhân có độ lọc cầu thận dưới 15 ml/phút. Không chỉ vậy, lọc máu cũng được áp dụng cho bệnh nhân có các triệu chứng như tăng huyết áp không kiểm soát, tăng kali máu hay phù nề.

Khi bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận, lọc máu sẽ trở nên rất cần thiết trong quá trình duy trì sự sống cho bệnh nhân. Việc quyết định có lọc máu hay không sẽ không chỉ dựa vào độ lọc cầu thận, mà còn phụ thuộc vào sức khoẻ tổng thể cũng như các triệu chứng lâm sàng của người bệnh. 

Lọc máu là phương pháp giúp kéo dài sự sống cho người bệnh bị mất chức năng thận.
Lọc máu là phương pháp giúp kéo dài sự sống cho người bệnh bị mất chức năng thận.

Hiện tại, có hai phương pháp lọc máu chính được sử dụng bao gồm: Lọc máu ngoài cơ thể và lọc màng bụng.

  • Lọc máu ngoài cơ thể: Máu của người bệnh được đưa qua một máy lọc đặc biệt nhằm loại bỏ các chất thải của cơ thể cũng như dịch thừa. Sau khi lọc, máu được đưa trở lại cơ thể của người bệnh.
  • Lọc màng bụng: Dịch lọc sẽ được đưa vào khoang bụng thông qua một ống thông. Sau đó, dịch lọc được loại bỏ cùng với chất thải bên trong máu thông qua quá trình trao đổi ở màng bụng.

Nhìn chung, phân độ suy thận theo mức lọc cầu thận là một trong những cách để đánh giá và quản lý tình trạng bệnh lý về thận một cách hiệu quả. Nếu bệnh nhân hoặc người thân có dấu hiệu của bệnh suy thận, hãy trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Qua đó, bệnh nhân hoặc người thân có thể duy trì sức khỏe ổn định và góp phần ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của suy thận có thể xảy ra. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ