Rách sụn chêm trong có nguy hiểm không phụ thuộc vào mức độ chấn thương, thời gian bị (mới hay cũ) và liệu có tổn thương nào khác liên quan đến khớp gối hay không. Đây là tình trạng khá phổ biến, nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, có thể gây đau, hạn chế vận động cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng di chuyển của người bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rách sụn chêm trong
Sụn chêm là bộ phận nằm giữa xương đùi và xương chày, có cấu trúc hình bán nguyệt. Bộ phận này giúp khớp gối vững chắc hơn bằng cách hấp thu và phân tán lực đều lên khớp gối, giảm xóc và bảo vệ khớp khỏi tổn thương. Sụn chêm còn giúp trải đều dịch nhờn khớp gối tiết cũng như cung cấp dinh dưỡng cho sụn khớp. Ngoài ra, sụn chêm còn ngăn bao khớp và hoạt mạc bị kẹt vào kẽ khớp khi lấp đầy khe khớp gối.

Hai loại sụn chêm chính là sụn chêm trong và sụn chêm ngoài. Cả hai đều sẽ trượt ra phía sau bao khớp mỗi khi duỗi chân và xô ra trước khi có động tác gập chân. Rách sụn chêm xảy ra khi có những động tác duỗi, gập hoặc xoay đầu gối đột ngột trong lúc tập luyện, thi đấu thể thao.
Một số trường hợp như tai nạn giao thông, tai nạn lao động cũng có thể khiến sụn chêm bị rạn hoặc rách, đồng thời có thể xảy ra với cả người lớn lẫn trẻ em. Mỗi khi gặp phải tình trạng này, điều mà người bị thương quan tâm nhất là rách sụn chêm trong có nguy hiểm không và cần được điều trị như thế nào.
2. Những biến chứng có thể gặp phải khi bị rách sụn chêm trong
Thông thường, nếu vết rách sụn chêm nhỏ và nằm ở vùng được cung cấp nhiều máu (vùng rìa ngoài của sụn chêm) sẽ có khả năng tự lành. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có nguy cơ gặp phải các biến chứng như đau mãn tính, hạn chế vận động, tổn thương thêm cấu trúc khớp và thậm chí thoái hóa khớp gối sớm.
- Teo cơ tứ đầu đùi: Đau kéo dài do rách sụn chêm có thể khiến cơ tứ đầu đùi bị teo lại, làm giảm sức mạnh và khả năng duỗi chân, gây khó khăn trong việc đi lại.
- Gây đau nhức đầu gối: Rách sụn chêm trong thường gây đau dữ dội khi co duỗi gối, đi lại hoặc nghiêng người do áp lực và ma sát bất thường lên khớp gối.
- Dẫn đến nhiều tình trạng thương tổn hơn: Rách sụn chêm thường đi kèm với các chấn thương như đứt dây chằng chéo, phù tủy xương hoặc bong chỗ bám sụn, làm tăng mức độ nghiêm trọng của tổn thương.
- Thoái hóa khớp gối: Rách sụn chêm làm giảm khả năng chịu lực của khớp gối, dẫn đến tổn thương sụn khớp và làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp gối vĩnh viễn.

3. Các mức độ tổn thương nhằm xác định rách sụn chêm trong có nguy hiểm không?
Theo y học, rách sụn chêm thường được chia làm ba mức độ tùy theo mức độ tổn thương và khả năng phục hồi:
- Độ 1 (nhẹ nhất): Rách nhỏ ở vùng rìa ngoài của sụn chêm (vùng đỏ), nơi có nhiều mạch máu. Vết rách ở đây thường có khả năng tự lành mà không cần phẫu thuật.
- Độ 2 (trung bình): Rách ở vùng giữa, nơi có ít mạch máu hơn. Vết rách khó lành tự nhiên và có thể cần sự can thiệp y tế để hỗ trợ.
- Độ 3 (nặng nhất): Rách lớn ở vùng không có mạch máu (vùng trắng). Vết rách này không thể tự lành và thường yêu cầu phẫu thuật, chẳng hạn như cắt bỏ hoặc khâu lại sụn chêm.
Rách sụn chêm trong thường xảy ra nhiều hơn so với sụn chêm ngoài do sụn chêm trong chịu lực lớn hơn trong khớp gối. Việc điều trị phụ thuộc vào mức độ rách, vị trí và khả năng cung cấp máu của vùng tổn thương.
4. Những biện pháp chẩn đoán và điều trị tình trạng rách sụn chêm trong
Để xác định mức độ rách sụn chêm trong, bác sĩ thường sẽ tiến hành các bước xét nghiệm bao gồm nội soi khớp gối, chụp X-Quang để xem hình ảnh khe khớp, đồng thời chụp cộng hưởng MRI để phòng trường hợp có những tổn thương tại các vị trí khác. Tùy vào kết quả chẩn đoán mà bác sĩ điều trị sẽ chỉ định một số biện pháp thích hợp.

4.1. Điều trị không cần phẫu thuật
Đối với trường hợp rách sụn chêm ngoài độ 1, bệnh nhân không cần thiết phải tiến hành phẫu thuật do mức độ tổn thương thấp, vết thương phần lớn có nguồn mạch máu dồi dào nên có khả năng lành lại nhanh chóng. Người bệnh sẽ được chỉ định dùng các loại thuốc giúp giảm đau, giảm viêm và sưng kết hợp với vật lý trị liệu để khôi phục chức năng của khớp.
4.2. Khâu bảo tồn sụn chêm
Đây cũng là biện pháp chỉ định cho trường hợp rách sụn chêm ngoài độ 1, vết rách dọc và còn mới. Sau khi tiến hành liệu pháp này sẽ không cần phải thực hiện cắt sụn chêm, nhờ đó hạn chế được nguy cơ thoái hóa khớp, bảo tồn chức năng cho sụn. Bác sĩ thường thực hiện liệu pháp khâu sụn chêm sau khi đã phẫu thuật nội soi sụn chêm.
4.3. Phẫu thuật sụn chêm trong
Đối với trường hợp rách sụn chêm trong mức độ 2, vết rách lớn ở vị trí có ít mạch máu dẫn đến mất khả năng tự phục hồi và không thể chỉ dùng thuốc kết hợp với vật lý trị liệu, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để xử lý vết rách. Hai phương pháp phẫu thuật chủ đạo là mổ nội soi và mổ mở.

4.4. Cắt sụn chêm trong bị tổn thương
Với những vết rách sụn chêm trong kéo dài trên 6 tuần và nằm ở vùng không có mạch máu nuôi (Vô mạch), bác sĩ sẽ tiến hành chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần sụn chêm bị tổn thương.
Đó là những thông tin cơ bản giúp chúng ta xác định được rách sụn chêm trong có nguy hiểm không và cần phải điều trị như thế nào. Điều quan trọng nhất là phải đến gặp bác sĩ ngay sau khi bị chấn thương trong tập luyện, thi đấu thể thao dẫn tới đầu gối bị đau, sưng hoặc phát ra tiếng lục cục trong khớp khi chuyển động chân. Phát hiện càng sớm thì khả năng điều trị hiệu quả càng cao, giúp nhanh chóng phục hồi khả năng vận động để tránh bị ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.