Rối loạn lipid máu có nguy hiểm không?

Mục lục

Rối loạn lipid máu hay còn gọi là mỡ máu là sự mất đi sự cân bằng riêng lẻ hoặc đồng thời các thành phần lipid. Đây là bệnh lý dẫn tới nhiều bệnh lý nguy hiểm: Xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não,.. Vậy rối loạn mỡ máu có nguy hiểm không?

1. Bệnh rối loạn lipid máu là gì?

Bệnh rối loạn lipid máu hay còn gọi là mỡ máu là sự mất đi sự cân bằng riêng lẻ hoặc đồng thời các thành phần lipid ( tăng cholesterol máu, tăng LDL-C, tăng triglycerid và giảm HDL-C trong máu).

Nguyên nhân gây rối loạn lipid máu như sau:

  • Nguyên nhân gây tăng cholesterol máu:
  • Chế độ ăn: Ăn quá nhiều mỡ động vật, thức ăn có chứa nhiều cholesterol ( phủ tạng động vật, mỡ động vật, trứng, bơ, sữa toàn phần,...), người béo phì ( dư thừa năng lượng).
  • Di truyền: Tăng cholesterol gia đình do thiếu hụt receptor LDL, tăng mỡ máu hỗn hợp gia đình, rối loạn hỗn hợp gen.
  • Nguyên nhân thứ phát bao gồm: Người bệnh mắc hội chứng thận hư, suy giáp, đái tháo đường, bệnh lý gan tắc nghẽn, bệnh gây rối loạn protein máu, myeloma, macroglobulinemia.
  • Nguyên nhân gây tăng triglyceride máu:
  • Người bệnh thiếu hụt gen lipase tiêu hủy lipoprotein hoặc apolipoprotein C-II
  • Tăng Triglycerid có tính chất gia đình.
  • Người béo phì ( Dư thừa năng lượng).
  • Người uống quá nhiều rượu.
  • Đái tháo đường.
  • Người bệnh dùng thuốc chẹn bêta giao cảm trong thời gian dài.
  • Nguyên nhân gây giảm HDL-C máu:
  • Hút thuốc lá.
  • Người béo phì ( Dư thừa năng lượng).
  • Lười vận động thể lực.
  • Đái tháo đường không phụ thuộc Insulin.
  • Người bệnh tăng Triglycerid máu.
  • Người bệnh dùng thuốc chẹn bêta giao cảm trong thời gian dài.
  • Rối loạn gen chuyển hóa HDL.

2. Rối loạn chuyển hóa lipid có nguy hiểm không?

Rối loạn chuyển hóa lipid xuất hiện ở bên trong cơ thể gây ra các tình trạng bệnh như sau:

  • Xơ vữa động mạch: Rối loạn lipid máu (tăng nhiều cholesterol trong máu) là một trong những nguy cơ hàng đầu của các bệnh tim mạch, đặc biệt là xơ vữa động mạch. Khi có quá nhiều LDL, cholesterol lưu thông trong máu, lâu dần sẽ lắng đọng vào thành các mạch máu, sau đó cùng với một số chất khác hình thành nên mảng xơ vữa động mạch, từ đó gây hẹp hoặc tắc hoàn toàn lòng mạch. Tuy nhiên, rất ít trường hợp người bệnh phát hiện bệnh với biểu hiện xơ vữa động mạch đơn độc mà thường đi kèm với một vài yếu tố nguy cơ khác như tuổi, đái tháo đường hoặc hút thuốc.
  • Nhồi máu cơ tim: Rối loạn lipid máu là nguyên nhân chính gây nên xơ vữa động mạch, làm hẹp lòng mạch, hẹp nhẹ có thể gây cơn đau thắt ngực, hẹp nhiều và nứt vỡ, hình thành cục máu đông bịt kín lòng mạch, khiến động mạch cung cấp máu cho tim bị tắc nghẽn gây ra nhồi máu cơ tim. Trong trường hợp cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch nuôi nút nhịp tim gây ra rối loạn nhịp và dẫn tới tử vong.
  • Tai biến mạch máu não: Các biến chứng nguy hiểm thường gặp do rối loạn chuyển hóa lipid không thể không nhắc đến tai biến mạch máu não. Tình trạng này xảy ra khi động mạch cảnh bị xơ vữa, tắc nghẽn, máu không lưu thông được lên não gây ra tai biến mạch máu não kéo theo hệ lụy nghiêm trọng như: Mất thị lực đột ngột nếu tắc động mạch võng mạc trung tâm, liệt nửa người, thậm chí tử vong.
  • Tăng huyết áp: Người có rối loạn lipid máu, tăng cholesterol tạo mảng xơ vữa, gây hẹp lòng mạch khiến máu lưu thông kém. Do đó, tim phải làm việc nhiều hơn, tăng co bóp khiến áp lực máu lên thành mạch gia tăng dẫn đến tình trạng tăng huyết áp.
  • Nhiễm lipid võng mạc: Chỉ phát hiện khi soi đáy mắt và chủ yếu gặp ở những bệnh nhân rối loạn chuyển hóa lipid mà có hàm lượng Triglycerides quá cao.
  • Gan nhiễm mỡ: Có thể xuất hiện mỡ ở từng phân thùy gan hoặc toàn bộ. Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ chỉ định chụp cắt lớp vi tính ổ bụng hoặc siêu âm vùng ổ bụng. Tình trạng gan nhiễm mỡ thường gặp ở đối tượng rối loạn chuyển hóa lipid có Triglycerides trong máu tăng cao.
  • Viêm tụy cấp: Có thể xuất hiện ở đối tượng rối loạn chuyển hóa lipid có hàm lượng Triglycerides tăng cao. Triệu chứng điển hình là bệnh nhân đau bụng dữ dội theo từng cơn, buồn nôn và ói nhiều, đôi khi kèm theo những cơn sốt cao, có thể tụt huyết áp.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường: Bệnh đái tháo đường type 2 ( Đái tháo đường không phụ thuộc insulin) không hoàn toàn là một biến chứng rối loạn lipid máu nhưng cũng nằm trong hội chứng rối loạn chuyển hóa. Quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể đều liên quan mật thiết với nhau, do đó, rối loạn lipid máu kéo dài sẽ dễ dàng kéo theo rối loạn đường huyết gây ra đái tháo đường và ngược lại.
  • Rối loạn lipid máu ở bệnh nhân đái tháo đường làm tăng nguy cơ tử vong do đột quỵ não và bệnh lý tim mạch khác như xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim...

3. Biện pháp điều chỉnh bệnh rối loạn chuyển hóa lipid máu

Điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện là bắt buộc đối với người có rối loạn lipid máu. Dưới đây là một số phương pháp có thể tham khảo để điều trị và phòng ngừa rối loạn lipid máu:

Dùng chế độ ăn giảm cholesterol và calo ( đặc biệt ở đối tượng béo phì) gồm 2 bước:

  • Bước 1: Điều chỉnh chế độ cung cấp chất dinh dưỡng ăn hàng có lượng acid béo bão hòa <10%, tổng số các chất béo không quá 30% và lượng cholesterol phải < 300mg/ngày. Như vậy là cần tránh hoặc giảm các thịt mỡ động vật, trứng, sữa nguyên, phủ tạng động vật, các loại phomat, kem,... Tăng cường ăn hoa quả tươi, rau, và các loại ngũ cốc với lượng tinh bột chiếm khoảng 55-60% khẩu phần.
  • Bước 2: Sau khi áp dụng bước 1 trong 6-12 tuần không đạt kết quả, giảm tiếp lượng acid béo bão hòa xuống < 7% khẩu phần và lượng cholesterol < 200mg/ngày.

Thời gian điều chỉnh chế độ ăn và một số lưu ý:

  • Nếu chỉ điều chỉnh chế độ ăn theo các bước nêu trên cần thời gian ít nhất 6 tháng. Cứ mỗi 6-8 tuần nên kiểm tra lại lượng cholesterol máu.
  • Chế độ ăn sẽ phải được duy trì lâu dài cho dù có dùng thuốc hay không dùng.
  • Cần lưu ý khi dùng chế độ ăn này ở người già và phụ nữ có thai.
  • Ở người rối loạn chuyển hóa lipid tăng Triglycerid máu, cần hạn chế mỡ động vật, đường và rượu.
  • Giảm cân nặng cho những người bệnh béo phì. Nên bắt đầu giảm dần lượng calo hàng ngày, thường hạn chế ở mức 500 calo/ngày.
  • Tập thể lực là rất quan trọng, nó có thể làm giảm được LDL-C và tăng HDL-C. Tập thể lực còn làm giảm cân nặng, giảm huyết áp, giảm nguy cơ bệnh mạch vành.
  • Tránh lối sống tĩnh tại, tránh căng thẳng.
  • Tuân thủ việc dùng thuốc điều trị rối loạn lipid máu theo chỉ định của bác sĩ.

Hãy chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ và áp dụng một lối sống cùng chế độ ăn uống lành mạnh để phòng ngừa biến chứng rối loạn lipid máu càng sớm càng tốt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ