Tắc ruột ở bệnh nhân ung thư là một biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt trong giai đoạn tiến triển của bệnh. Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và khả năng hấp thụ dinh dưỡng của người bệnh. Bài viết này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về dấu hiệu nhận biết tắc ruột ở người mắc ung thư và điều trị phù hợp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tình trạng tắc ruột ở bệnh nhân ung thư
Tắc ruột là tình trạng các chất trong ruột (ruột non, đại tràng) bị ứ đọng do tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn. Trong đó, tắc ruột ác tính là trường hợp nghiêm trọng hơn, thường là biến chứng của khối u trong hoặc ngoài đường tiêu hóa hoặc do liệt ruột, làm giảm khả năng di chuyển và tiêu hóa thức ăn, dẫn đến tắc nghẽn.
Ngoài ra, tắc ruột còn có thể do nhiều yếu tố phức tạp khác, bao gồm:
- Tiền sử phẫu thuật vùng bụng hoặc phụ khoa.
- Mất nước mãn tính hoặc giảm lượng dịch nạp vào cơ thể.
- Sử dụng thuốc giảm đau opioid.
- Tác dụng phụ của xạ trị.
- Di căn trong ổ bụng (bàng quang, trực tràng…).
Tắc ống tiêu hóa thường gặp ở bệnh nhân mắc các loại ung thư như ung thư thực quản, đại trực tràng, dạ dày, buồng trứng, tụy... Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể xảy ra ở các loại ung thư khác nhưng ít phổ biến hơn.
Theo nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn cuối giảm đáng kể khi kèm theo tắc ruột ác tính. Vì vậy, việc điều trị tắc ruột ở bệnh nhân ung thư chủ yếu tập trung vào giảm nhẹ triệu chứng thay vì điều trị triệt để nguyên nhân.
2. Triệu chứng tắc ruột ở bệnh nhân ung thư
Các triệu chứng tắc ruột ở bệnh nhân ung thư có thể dễ bị bỏ qua do quá trình điều trị hoặc tác dụng của nhiều loại thuốc. Những dấu hiệu thường gặp nhất của tắc ruột ác tính bao gồm:
- Buồn nôn, đặc biệt sau khi ăn hoặc dùng thuốc.
- Đau quặn bụng, cảm giác khó chịu ở vùng bụng.
- Đầy bụng sau khi ăn.
- Không thể đi đại tiện, chỉ có thể đánh hơi.

Các triệu chứng của tắc ruột ác tính thường không tự biến mất mà sẽ tiếp tục tiến triển nếu không có biện pháp can thiệp giảm nhẹ. Vì vậy, người bệnh nên thông báo cho đội ngũ y tế về bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện bao gồm cả triệu chứng mới hoặc sự thay đổi của triệu chứng cũ.
Để xác định tắc ruột có phải do biến chứng của khối u hay không, bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang bụng, chụp cắt lớp vi tính (CT) và đánh giá tiến trình ung thư nhằm đưa ra chẩn đoán chính xác.
3. Định hướng điều trị và giảm nhẹ triệu chứng
Phẫu thuật ruột là phương pháp điều trị ban đầu cho tắc ruột do khối u ác tính. Tuy nhiên, ở bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến triển, hiệu quả của phẫu thuật phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu người bệnh mong muốn can thiệp phẫu thuật để loại bỏ tắc nghẽn, bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố sau:
- Mức độ tiến triển của ung thư và tình trạng di căn trong ổ bụng.
- Độ tuổi và sức khỏe tổng quát của bệnh nhân.
- Các bệnh lý đi kèm (như tiểu đường, bệnh tim…).
- Khả năng phục hồi sau phẫu thuật lớn.
Ngoài phẫu thuật, bệnh nhân có thể lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhằm giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống. Chẳng hạn, bệnh nhân có thể được đặt ống nội khí quản kết hợp với thiết bị hút liên tục để loại bỏ axit dư thừa trong dạ dày, giúp giảm buồn nôn và nôn. Bác sĩ cũng có thể kê thuốc giảm đau, giảm co thắt bụng và chống buồn nôn.

Bệnh nhân có thể được cung cấp dinh dưỡng qua truyền tĩnh mạch hoặc ăn qua ống nuôi dưỡng. Ngoài ra, dịch có thể được truyền dưới da để duy trì độ ẩm và tạo sự thoải mái, tùy theo nhu cầu và lượng dịch cơ thể đào thải. Một số người vẫn chọn ăn uống theo chế độ riêng phù hợp với tình trạng của mình.
Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm, do đó quyết định điều trị cuối cùng thuộc về bệnh nhân, chỉ cần người bệnh cảm thấy thoải mái nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.