Tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPSCs) là một công nghệ đột phá cho phép tạo ra các tế bào gốc từ tế bào trưởng thành. Với khả năng biến thành bất kỳ loại tế bào nào, iPSCs có nhiều ưu điểm như khả năng tùy chỉnh cho từng bệnh nhân và giảm nguy cơ thải ghép. Tuy nhiên, chúng cũng gặp phải một số nhược điểm, bao gồm nguy cơ hình thành khối u và các vấn đề về an toàn.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.
1. Tổng quan về tế bào gốc vạn năng cảm ứng
Tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPSC) là loại tế bào gốc có thể biến thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể. Khác với tế bào gốc phôi, iPSC được tạo ra từ các tế bào trưởng thành đã được tái lập trình để có khả năng đa năng.
Thế nhưng, lịch sử phát triển của tế bào iPSC lại không xuất phát từ con người. Tế bào gốc vạn năng cảm ứng được sản xuất lần đầu tiên vào năm 2006 từ tế bào của chuột. Chỉ sau đó một năm, loại tế bào này đã được sản xuất từ tế bào của con người. Quá trình này là một bước tiến rất quan trọng trong nghiên cứu tế bào gốc.

Trước đó, các loại tế bào gốc chủ yếu được lấy từ phôi thai. Điều này đã gây ra một loạt tranh cãi về đạo đức và pháp lý, kỹ thuật. Tiếp theo đó vào năm 2009, các nhà khoa học đã tạo ra loại tế bào này từ protein. Cũng trong cùng năm, sản phẩm ứng dụng từ tế bào gốc này được đưa ra thị trường lần đầu tiên.
Trong suốt những năm tiếp theo, các nghiên cứu về iPSC đã tăng tốc một cách vượt bậc. Tuy nhiên, cột mốc tiếp theo của lĩnh vực này là cấy ghép iPSC vào cơ thể người. Quá trình này còn được gọi là cấy ghép tế bào gốc tự thân.
Trước đây, những thử nghiệm và nghiên cứu iPSC chỉ gói gọn trong một nhóm cụ thể. Mãi cho đến năm 2013, nghiên cứu lâm sàng của iPSC mới được khởi xướng và vào năm 2014, một bệnh nhân đầu tiên đã được điều trị bằng cách này.
Bệnh nhân này đã được cấy ghép mô võng mạc và mô này được tạo ra từ iPSC. Cụ thể, tế bào da của bệnh nhân đã được nghiên cứu và phát triển thành iPSC, rồi biến thành mô. Từ đó, các công trình nghiên cứu về iPSC đã trở nên vững chắc hơn và rộng rãi hơn.
2. Ưu và nhược điểm của tế bào gốc vạn năng cảm ứng
Trước khi tìm hiểu về ưu và nhược điểm của tế bào gốc vạn năng cảm ứng, hãy nói qua một chút về các ứng dụng của loại tế bào này.
Trong thời điểm hiện tại, có 5 phương hướng chính mà iPSC có thể được sử dụng bao gồm:
- Lưu trữ trong ngân hàng tế bào gốc: Đây là nơi lưu trữ các mẫu tế bào gốc lâu dài. Từ đó, bệnh nhân hoặc chuyên gia có thể lấy được các mẫu tế bào gốc cần thiết. Cùng với đó, khả năng hợp tác về y tế trên toàn cầu cũng được mở rộng.
- Nghiên cứu y học: Các chuyên gia có thể có nhiều cơ hội hơn để tiến hành nghiên cứu.
- Liệu pháp tế bào: iPSC có thể được dùng trong liệu pháp gen hoặc y học tái tạo. Mục đích của việc này là để đẩy lùi bệnh tật và chữa lành thương tổn.
- Sàng lọc chất độc: iPSC còn được dùng để sàng lọc chất độc. Nghĩa là, iPSC có thể đánh giá tính an toàn của thuốc hoặc các hợp chất trong tế bào sống.
- Khám phá thuốc: Tiềm năng của iPSC trong khám phá thuốc là rất lớn. Loại tế bào gốc này có khả năng giúp các chuyên gia khám phá ra các loại thuốc mới.
Không chỉ vậy, các ngân hàng tế bào gốc còn đóng vai trò là nơi cung cấp tế bào gốc vạn năng cảm ứng dồi dào. Người bệnh có thể hiến tặng loại tế bào này, dù khoẻ mạnh hay bệnh tật.
Vậy, ưu và nhược điểm của loại tế bào này là gì?
2.1 Ưu điểm
Một trong những ưu điểm lớn nhất của iPSC chính lợi thế về mặt đạo đức. Không giống như tế bào gốc phôi, iPSC là tế bào gốc không bắt nguồn từ phôi thai. Từ đó, việc nghiên cứu có thể được tài trợ một cách dễ dàng hơn.

Một ưu điểm khác là tính tuỳ biến cho từng bệnh nhân khác nhau. Tế bào gốc vạn năng cảm ứng có thể tạo ra các dòng tế bào phù hợp với mỗi người bệnh. Từ đó, mối lo ngại về tình trạng đào thải miễn dịch có thể được xoá bỏ.
2.2 Nhược điểm
Nhược điểm đáng lo ngại nhất của iPSC là sự liên quan tới ung thư. Tại sao lại như vậy? Về cơ bản, các chuyên gia sẽ dùng nhóm virus retrovirus để sản xuất iPSC. Nhóm virus này có khả năng chèn bất kì ADN nào vào bộ gen của iPSC. Từ đó, các tác nhân gây ung thư xuất phát từ ADN có thể xuất hiện.

Vì thế, cần phải hạn chế một số điểm trước khi đưa iPSC vào sử dụng ở người. Trong quá trình sản xuất, các chuyên gia cần phải đảm bảo được một số điều kiện. Cụ thể, cần phải lập trình các tế bào mà không chứa tác nhân gây ung thư. Sau đó, các yếu tố đã được lập trình cần đảm bảo sự tin cậy và nhất quán.
Hiện tại, các nhà nghiên cứu đã tiến hành sử dụng các phân tử nhỏ làm trụ cột để sản xuất iPSC. Qua đó, nguy cơ xuất hiện các tác nhân gây hại sẽ được giảm bớt. Nhìn chung, chặng đường để đưa iPSC vào sử dụng thực tiễn vẫn còn rất dài. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu mới có thể giúp rút ngắn thời gian đáng kể.
Vừa rồi là những thông tin mà Vinmec cung cấp về ưu và nhược điểm của tế bào gốc vạn năng cảm ứng. Hi vọng rằng, người bệnh đã có được những thông tin mà mình cần biết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.