Thay khớp gối để chữa đau đầu gối là giải pháp hiệu quả giúp chấm dứt những cơn đau dai dẳng, đặc biệt khi các phương pháp điều trị khác không còn tác dụng. Tuy nhiên, trước khi quyết định, người bệnh cần cân nhắc kỹ lưỡng về tình trạng sức khỏe, rủi ro, thời gian hồi phục và chi phí điều trị.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về tình trạng đau đầu gối
Đôi lúc, đầu gối người bệnh có thể bị đau và không thể thực hiện hoạt động sinh hoạt hằng ngày. Trong trường hợp cơn đau nặng hơn, nhiều người nghĩ đến phương pháp thay khớp gối. Đây là một giải pháp hiệu quả để giảm đau, cải thiện khả năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp đau đầu gối đều cần đến phẫu thuật. Nhiều phương pháp khác như dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc tiêm khớp có thể giúp kiểm soát tình trạng này mà không cần can thiệp phẫu thuật.

Trước khi quyết định thực hiện thay khớp gối, bệnh nhân nên áp dụng một số phương pháp điều trị khác để thuyên giảm cơn đau. Các phương pháp này bao gồm:
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Đây là một loại thuốc trị đau khớp khá phổ biến như acetaminophen.
- Thuốc chống viêm: Có thể kể đến như Ibuprofen hay naproxen natri.
- Gel bôi giảm đau: Các loại gel này có thể được bôi trực tiếp lên đầu gối.
- Tập thể dục dưới nước: Đây là bài tập giúp giảm cân hiệu quả, đồng thời giảm lực tác động lên khớp gối để hạn chế đau.
- Thực hiện các hoạt động vật lý trị liệu.
- Dùng gậy hoặc nẹp khi di chuyển.
Nếu các phương pháp điều trị vừa kể trên không đạt hiệu quả, bệnh nhân có thể cân nhắc sử dụng thuốc tiêm khớp gối (tiêm steroid). Việc tiêm thuốc có thể giúp giảm đau trong một thời gian khá dài, thường là vài tháng. Tuy nhiên, đây chỉ là một lựa chọn tạm thời cho người đau đầu gối nặng và đang cân nhắc việc thay khớp gối.

2. Khi nào cần thay khớp gối để chữa đau đầu gối?
Bệnh nhân có thể nói chuyện với bác sĩ để cân nhắc thực hiện thay khớp gối để chữa đau đầu gối nếu như đang gặp phải một số tình huống sau:
- Cứng hoặc đau gối trong phần lớn thời gian.
- Người bệnh gặp khó khăn khi đi bộ, leo cầu thang hoặc lên, xuống giường.
- Đầu gối bị đau ngay cả khi người bệnh ngủ hoặc nghỉ ngơi.
- Đầu gối bị sưng tấy, viêm nhiễm không thuyên giảm dù đã dùng thuốc hoặc nghỉ ngơi.
- Các biện pháp như dùng thuốc, tiêm thuốc hoặc vật lý trị liệu không hiệu quả.
Nhìn chung, quá trình thay khớp gối không phải chỉ áp dụng cho người cao tuổi. Bất kể người bệnh ở độ tuổi nào cũng đều có thể thực hiện phương pháp này.
Tùy thuộc vào vị trí đầu gối bị chấn thương, bệnh nhân có thể được đề nghị thay thế một phần hoặc toàn bộ đầu gối. Cụ thể:
- Phẫu thuật thay thế một phần đầu gối là lựa chọn phù hợp nếu tổn thương chỉ giới hạn ở một trong ba khu vực của đầu gối: bên trong, bên ngoài hoặc phía sau xương bánh chè. Phương pháp này giúp bảo tồn phần khớp khỏe mạnh còn lại, ít xâm lấn hơn so với thay toàn bộ đầu gối và giúp người bệnh phục hồi nhanh chóng với cảm giác vận động tự nhiên hơn.
- Thay khớp gối toàn phần là lựa chọn tối ưu nếu bệnh nhân bị tổn thương ở nhiều bề mặt của đầu gối.
Trong cả hai trường hợp, bác sĩ sẽ loại bỏ phần xương, mô bị tổn thương và thay thế bằng khớp giả làm từ nhựa hoặc kim loại. Dựa trên kết quả chụp X-quang cùng kết quả khám sức khỏe, bệnh nhân và bác sĩ có thể bàn bạc để đưa ra quyết định về loại vật liệu thay thế.

3. Quá trình phục hồi sau khi thay khớp gối
Quá trình phục hồi đã được rút ngắn đáng kể so với nhiều năm về trước. Giờ đây, bệnh nhân đã có thể rời bệnh viện chỉ sau một ngày và có một số bệnh nhân đủ khỏe mạnh để về nhà trong ngày.
Sau phẫu thuật thay khớp gối để chữa đau đầu gối, hầu hết bệnh nhân có thể bắt đầu đứng và đi lại nhẹ nhàng trên khớp gối mới ngay trong ngày đầu tiên. Trong vài tháng đầu, người bệnh có thể tự tập đi lại hoặc thực hiện các bài tập với sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu.
Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân bắt đầu vận động nhẹ nhàng từ ngày thứ hai sau phẫu thuật. Việc này giúp cải thiện tuần hoàn, giảm nguy cơ cục máu đông và tránh tình trạng cứng khớp, hỗ trợ quá trình phục hồi nhanh hơn.

Sau khoảng 3 đến 6 tuần, bệnh nhân đã có thể tự đi lại và thực hiện các công việc hàng ngày. Sau khoảng 1 tháng, bệnh nhân đã có thể quay trở lại làm việc. Đối với những người bệnh đang làm các công việc yêu cầu di chuyển nhiều, bệnh nhân có thể làm việc bình thường trở lại sau khoảng 3 tháng.
Không chỉ vậy, các khớp nhân tạo cũng có tuổi đời rất cao. Trung bình, tuổi thọ của các khớp nhân tạo có thể kéo dài từ 15 đến 25 năm hoặc hơn thế nữa.
Nhìn chung, nếu những vấn đề về đầu gối đang ngăn cản người bệnh thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và các loại thuốc men, vật lý trị liệu hay tiêm thuốc không có tác dụng, bệnh nhân có thể cân nhắc việc thay khớp gối để chữa đau đầu gối. Tuy nhiên, người bệnh cần cân nhắc kỹ và nói chuyện với các bác sĩ thật kỹ càng trước khi đưa ra sự lựa chọn cuối cùng cho bản thân mình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.