Thoái hóa võng mạc là một trong những nguyên nhân gây suy giảm nghiêm trọng thị lực và có thể dẫn đến mù lòa. Tuy nhiên, nhờ vào những tiến bộ y học gần đây, các phương pháp điều trị mới như sử dụng tế bào gốc trong điều trị thoái hóa ở võng mạc đã được nghiên cứu và phát triển, mang lại hy vọng cho hàng triệu người bệnh mắc phải tình trạng này trên khắp thế giới.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.
1. Thoái hóa võng mạc là bệnh gì?
Võng mạc là một lớp màng mỏng bao gồm các tế bào thần kinh nằm ngay phía sau nhãn cầu, có chức năng chính là cảm nhận ánh sáng và chuyển đổi các tín hiệu này thành tín hiệu thần kinh để gửi lên não. Nhờ đó, não có thể xử lý và cho phép chúng ta nhìn thấy các hình ảnh rõ ràng của thế giới xung quanh.
Có thể so sánh võng mạc với phim của máy ảnh, nơi ánh sáng từ các vật thể được khúc xạ qua giác mạc và thủy tinh thể của mắt, sau đó tập trung trên võng mạc. Tại đây, ánh sáng được chuyển hóa thành tín hiệu điện và được truyền tới não qua đường thần kinh thị giác.
Thoái hóa võng mạc xảy ra khi các tế bào của võng mạc bị tổn thương vì nhiều lý do khác nhau, từ lão hóa, di truyền cho đến các yếu tố môi trường và bệnh lý khác. Khi các tế bào này không còn hoạt động hiệu quả, chúng không thể chuyển hóa ánh sáng thành tín hiệu thần kinh một cách chính xác, dẫn đến sự suy giảm thị lực và có thể gây mù lòa. Tình trạng này ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

2. Các biện pháp điều trị bệnh thoái hóa võng mạc
Việc điều trị thoái hóa võng mạc tập trung vào việc khắc phục nguyên nhân gây bệnh cũng như giảm thiểu các triệu chứng. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Liệu pháp quang đông laser: Đây là một trong những phương pháp điều trị chuẩn cho nhiều dạng thoái hóa võng mạc. Liệu pháp này đã được chứng minh là an toàn và có khả năng cải thiện thị lực cho bệnh nhân bị thoái hóa ở võng mạc liên quan đến các bệnh như hồng cầu hình liềm và bệnh võng mạc do tiểu đường.
- Thuốc kháng yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF): Phương pháp này đã trở nên phổ biến trong những năm gần đây, nhằm kiểm soát sự phát triển của các mạch máu bất thường. Các thuốc như bevacizumab hoặc pegaptanib đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm tăng sinh mạch máu, đặc biệt khi được kết hợp với liệu pháp laser, mang lại kết quả điều trị tốt hơn đối với bệnh võng mạc do sinh non.

3. Tế bào gốc mang lại hy vọng cho bệnh thoái hóa võng mạc
Thoái hóa võng mạc, bao gồm các bệnh lý như thoái hóa điểm vàng và thoái hóa võng mạc chu biên, đang gia tăng về số lượng và xuất hiện ở những đối tượng ngày càng trẻ tuổi. Các phương pháp điều trị hiện tại chủ yếu tập trung vào việc làm chậm quá trình phát triển của bệnh mà không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Gần đây, liệu pháp sử dụng tế bào gốc đã mở ra một hướng điều trị mới đầy hứa hẹn cho bệnh nhân thoái hóa ở võng mạc trên toàn cầu. Qua liệu pháp này, các tế bào gốc có thể được dùng để thay thế các tế bào bị tổn thương hoặc mất đi trong võng mạc. Chúng không chỉ hỗ trợ phục hồi các tổn thương tế bào thần kinh mà còn bảo vệ các tế bào thần kinh võng mạc hiện có khỏi sự suy giảm. Đồng thời, tế bào gốc còn khuyến khích sự hình thành các tế bào thần kinh mới, từ đó có thể cải thiện thị lực và chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.

Trong điều trị thoái hóa ở võng mạc, các tế bào gốc như tế bào gốc phôi (ESC), tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPSC), và tế bào gốc trung mô (MSC) đang mở ra những hướng tiếp cận mới. Các tế bào ESC và iPSC được biết đến với khả năng thay thế các tế bào bị tổn thương trong võng mạc, đặc biệt là các tế bào cảm nhận ánh sáng và tế bào sắc tố võng mạc. Bên cạnh đó, tế bào MSC có vai trò trong việc tiết ra các yếu tố bảo vệ và kích thích sự tái tạo của các tế bào thần kinh trong võng mạc.
Các thử nghiệm lâm sàng về việc sử dụng tế bào gốc trong điều trị thoái hóa võng mạc đã được tiến hành ở nhiều quốc gia. Năm 2018, các bác sĩ tại Anh đã đạt được một bước tiến đáng kể khi lần đầu tiên áp dụng phương pháp này để điều trị thành công cho hai bệnh nhân bị thoái hóa điểm vàng.
Trong quá trình phẫu thuật kéo dài khoảng hai giờ, các bác sĩ đã cấy ghép miếng dán chứa tế bào gốc vào võng mạc bệnh nhân. Miếng dán này bao gồm các tế bào đa dạng từ biểu mô võng mạc và được phủ một hợp chất tổng hợp giúp cố định chúng tại chỗ. Kết quả sau phẫu thuật là rất khả quan, thị lực của bệnh nhân đã cải thiện đáng kể, cho phép họ đọc sách và thực hiện các công việc hàng ngày một cách dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, để liệu pháp tế bào gốc có thể được áp dụng rộng rãi trong điều trị thoái hóa ở võng mạc, phương pháp cần trải qua nhiều thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn hơn và phải được các cơ quan chức năng phê duyệt.
Mặc dù vậy, những kết quả thành công ban đầu đã mở ra hy vọng rằng phương pháp này sẽ sớm trở thành một giải pháp hiệu quả trong điều trị thoái hóa võng mạc trong tương lai gần.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.