Thuốc trị đau khớp gối cho người già là một giải pháp quan trọng giúp giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều điều cần lưu ý khi dùng thuốc để tránh trường hợp trị không đúng loại bệnh và gây tổn thương đến sức khỏe người bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tình trạng đau khớp gối ở người già
Khi về già, người bệnh rất dễ mắc các bệnh xương khớp như thoái hoá sụn khớp, đốt sống, thoái hoá khớp gối hay loãng xương,... vì chất lượng xương sẽ giảm đi theo thời gian. Cùng với đó, sụn khớp cũng dần bị mài mòn, độ linh hoạt của khớp cũng giảm. Tình trạng này sẽ khiến cho việc di chuyển của người bệnh gặp nhiều khó khăn.
Không những thế, phụ nữ cũng dễ bị loãng xương khi về già hơn so với nam giới. Nguyên nhân là do sự suy giảm nội tiết tố nữ sau khi mãn kinh. Đặc biệt, những người từng gặp chấn thương về xương khớp, các bệnh chuyển hoá hay béo phì cũng bị ảnh hưởng về xương.

Các dấu hiệu xương khớp sẽ xuất hiện nhiều hơn kể từ thời điểm 50 tuổi trở đi. Các cơn co cứng khớp, đau khớp hay nhức mỏi sẽ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Vì thế, việc điều trị sớm các bệnh này sẽ là một điều vô cùng cần thiết.
Nếu không được điều trị sớm, các bệnh sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ và sinh hoạt của người bệnh. Từ đó, nhiều biến chứng khác cũng sẽ chực chờ xuất hiện. Do đó, việc tìm hiểu các loại thuốc điều trị là một ưu tiên quan trọng. Dưới đây là một số loại thuốc điều trị mà người bệnh có thể tham khảo.
2. Các loại thuốc trị đau khớp gối cho người già
Đau khớp gối ở người lớn tuổi có thể do hai nguyên nhân chính: Loãng xương và thoái hoá khớp. Vì vậy, người bệnh có thể tham khảo các loại thuốc điều trị những tình trạng này.
2.1 Thuốc trị loãng xương
Có thể kể đến hai loại thuốc phổ biến trị loãng xương cho người già như sau:
- Calci, Vitamin D: Người bệnh trên 50 tuổi có thể dùng với liều lượng vitamin D 800 - 1.000 IU/ngày, Calci 1000-1200mg/ ngày Vitamin D giúp cơ thể tăng khả năng hấp thụ canxi từ các nguồn khác nhau.
- Bisphosphonate: Thuốc này có tác dụng làm chậm quá trình hủy xương. Bao gồm các thuốc đường uống như Fosamax plus 70mg /2800UI, Fosamax plus 70 mg /5600UI hoặc Jointmemo 150mg hoặc thuốc đường truyền tĩnh mạch như Aclasta 5mg/100ml.
2.2 Thuốc điều trị thoái hoá khớp
- Thuốc giảm đau: Phổ biến nhất có thể kể đến acetaminophen.
- Thuốc chống viêm không steroid: Thuốc này có thể được sử dụng nhưng cần hạn chế sử dụng. Một số loại thuốc thuộc nhóm này có thể kể đến như diclofenac, meloxicam và celecoxib.
- Thuốc chống thoái hóa tác dụng chậm: Phổ biến nhất là Glucosamin sulphat và Chrondoitin, chiết xuất cao toàn phần từ bơ và đậu nành không xà phòng hóa ( Piascledine 300mg) hoặc thuốc ức chế IL-1 (Diacerin).

2.3 Thuốc tiêm
Các loại thuốc này có thể được tiêm thẳng vào khớp của người bệnh, bao gồm các loại thuốc sau đây:
- Corticosteroid: Tiêm corticosteroid thẳng vào gối có thể giảm các triệu chứng viêm khớp. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng dùng thuốc này.
- Axit hyaluronic: Đây là một chất lỏng đặc biệt, tương tự như dịch bôi trơn khớp. Các bác sĩ sẽ tiêm vào khớp gối của bệnh nhân để giảm đau, tăng khả năng vận động. Tác dụng của chất này có thể kéo dài tới sáu tháng trong mỗi lần tiêm.
- Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): Chất này có khả năng giảm viêm, tăng quá trình lành vết thương. Một số nghiên cứu còn phát hiện ra rằng PRP có hiệu quả với bệnh viêm xương khớp.
3. Các phương pháp khác
Nếu thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả, các bác sĩ có thể đề xuất một số phương pháp khác có thể kể đến như sau:
3.1 Vật lý trị liệu
Việc tăng sức mạnh cho các cơ xung quanh đầu gối sẽ giúp bệnh nhân ổn định hơn. Bác sĩ có thể đề xuất thực hiện vật lý trị liệu hoặc các bài tập khác cho người bệnh. Phương pháp được áp dụng sẽ phụ thuộc vào tình trạng của người bệnh.
Nếu người bệnh luyện tập một môn thể thao nhất định, có thể thực hiện thêm các bài tập khác. Việc này sẽ giúp ổn định toàn bộ cơ trong cơ thể, tránh ảnh hưởng nặng đến khớp gối. Các bài tập thăng bằng cũng rất quan trọng đối với người già.
Trong một vài trường hợp nhất định, nẹp cũng có thể được áp dụng trong điều trị. Các loại nẹp khác nhau sẽ giúp ổn định khớp gối và bảo vệ khớp này tốt nhất.
3.2 Phẫu thuật
Nếu gặp chấn thương nghiêm trọng, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, không nhất thiết phải phẫu thuật ngay lập tức. Người bệnh cần cân nhắc ưu và nhược điểm của việc phẫu thuật trước khi tiến hành. Nếu quyết định phẫu thuật, dưới đây là các lựa chọn phổ biến nhất.
- Phẫu thuật nội soi khớp: Đây là phương pháp phẫu thuật được áp dụng nhiều nhất. Các bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ dài, hẹp, đưa vào khớp qua một vết rạch ở đầu gối. Lúc này, các tác nhân gây hại sẽ được loại bỏ. Các bác sĩ cũng có thể chữa trị các khu vực bị tổn thương bằng nội soi. Không những vậy, dây chằng bị rách cũng có thể được nối lại.
- Phẫu thuật thay một phần đầu gối: Các bộ phận thay thế bằng kim loại hoặc nhựa sẽ thế chỗ các bộ phận bị hỏng. Phẫu thuật này có thể giúp người bệnh lành vết thương khá nhanh. Vì về cơ bản, cuộc phẫu thuật được tiến hành thông qua các vết mổ nhỏ.
- Phẫu thuật thay thế toàn bộ khớp gối: Các bác sĩ sẽ cắt bỏ xương, sụn bị tổn thương. Sau đó, các bộ phận này sẽ được thay thế bằng các loại khớp nhân tạo. Các khớp nhân tạo được cấu thành từ kim loại, nhựa cao cấp và polyme.
- Cắt xương: Một phần của xương sẽ bị loại bỏ để giảm tình trạng đau và viêm. Phẫu thuật này có thể giúp bệnh nhân trì hoãn hoặc tránh phải phẫu thuật toàn bộ đầu gối.
3.3 Thay đổi trong ăn uống & sinh hoạt
Bên cạnh thuốc trị đau khớp gối cho người già, việc vận động và ăn uống lành mạnh cũng rất cần thiết. Các bài tập nhẹ nhàng có thể duy trì sự dẻo dai và linh hoạt của các khớp. Qua đó, hạn chế được tình trạng cứng khớp và thoái hoá khớp.

Một chế độ ăn uống lành mạnh cũng sẽ được các bác sĩ yêu cầu người bệnh thực hiện như bổ sung Canxi, omega-3 - những chất có thể được hấp thu qua các thực phẩm hàng ngày. Cùng với đó, các loại vitamin như A và D cũng được nhiều chuyên gia khuyến nghị sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.