Ung thư đường tiêu hóa có chữa được không là câu hỏi khiến nhiều người lo lắng khi đối mặt với căn bệnh nguy hiểm này. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, ung thư đường tiêu hóa có thể được điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm và áp dụng phác đồ điều trị phù hợp, mang lại hy vọng cho nhiều bệnh nhân.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Ung thư đường tiêu hóa là gì?
Trước khi trả lời câu hỏi liệu ung thư đường tiêu hóa có chữa được không, hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh này.
Ung thư đường tiêu hóa là loại ung thư ác tính hình thành ở các bộ phận trong hệ tiêu hóa như dạ dày, thực quản, khoang miệng, đại tràng và các cơ quan liên quan khác. Những loại ung thư này bao gồm ung thư dạ dày, ung thư thực quản, ung thư đại tràng và các bệnh ung thư khác trong hệ tiêu hóa.
Việc phát hiện ung thư tiêu hóa ở giai đoạn sớm sẽ giúp quá trình điều trị dễ dàng và hiệu quả với khả năng chữa khỏi bệnh cao. Tuy nhiên, triệu chứng của bệnh thường mờ nhạt và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, mặc dù khối u có thể đã và đang phát triển mạnh trong hệ tiêu hóa. Chính vì vậy, việc tầm soát ung thư đường tiêu hóa định kỳ rất quan trọng để phát hiện bệnh sớm, ngăn ngừa khối u phát triển và cải thiện cơ hội điều trị bệnh thành công.

2. Triệu chứng ung thư đường tiêu hoá
Ung thư đường tiêu hóa cũng giống như nhiều loại ung thư khác, thường phát triển một cách âm thầm và không có những triệu chứng rõ rệt, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Điều này khiến việc phát hiện bệnh bị chậm trễ.
Lúc này ung thư đã tiến vào giai đoạn nghiêm trọng hơn với khối u lớn hơn, những triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Tùy thuộc vào từng loại ung thư tiêu hóa, bệnh nhân có thể gặp phải những dấu hiệu đặc trưng khác nhau. Do đó, việc phát hiện bệnh sớm rất quan trọng để gia tăng hiệu quả điều trị.
Ung thư tiêu hóa trên bao gồm các loại ung thư như ung thư thực quản, dạ dày, tuyến tụy, gan, đường mật và ruột non. Những bệnh này thường có các triệu chứng phổ biến như:
- Đầy hơi hoặc khó chịu ở vùng bụng.
- Mệt mỏi, thường do cơ thể bị suy kiệt hoặc thiếu máu.
- Khó tiêu và đau bụng, gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa.
- Nôn hoặc thậm chí nôn ra máu, dấu hiệu của tổn thương nghiêm trọng trong đường tiêu hóa.
- Sụt cân đột ngột không rõ nguyên nhân - một triệu chứng điển hình của nhiều loại ung thư.
- Trong khi đó, ung thư tiêu hóa dưới bao gồm ung thư đại tràng, trực tràng và hậu môn, thường gây ra các vấn đề về đại tiện như táo bón, tiêu chảy, hoặc phân có lẫn nhầy và máu.
Vì các dấu hiệu phổ biến của ung thư đường tiêu hóa dễ nhầm lẫn với các bệnh lý dạ dày, đại tràng khác nên khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, mọi người nên đi khám để thực hiện các xét nghiệm và kiểm tra cần thiết. Việc này giúp chẩn đoán chính xác bệnh và điều trị kịp thời.

3. Nguyên nhân dẫn đến ung thư đường tiêu hoá
Ung thư tiêu hóa thường hình thành do sự kết hợp của nhiều yếu tố chứ không chỉ do một nguyên nhân duy nhất. Một số yếu tố như di truyền và độ tuổi, là những yếu tố không thể thay đổi. Tuy nhiên, cũng có những yếu tố khác liên quan đến chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt mà chúng ta có thể kiểm soát, thay đổi để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Một số thói quen và yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tiêu hóa bao gồm:
- Người ăn nhiều muối, hút thuốc hoặc tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn chứa nitrosamines - một loại hóa chất có thể làm thay đổi cấu trúc gen trong biểu mô dạ dày.
- Hút thuốc có thể góp phần gây ung thư thực quản, dạ dày và tụy. Uống rượu nhiều cũng có liên quan đến ung thư gan và tụy vì rượu gây tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa.
- Các bệnh lý như viêm gan, viêm tụy mạn tính hay các viêm nhiễm đường ruột cũng là yếu tố nguy cơ cho ung thư tiêu hóa.
- Đặc biệt, nguy cơ ung thư tiêu hóa thường tăng mạnh sau tuổi 50.
- Những nhóm người có nguy cơ cao bao gồm người có tiền sử gia đình bị ung thư đường tiêu hóa, mắc bệnh viêm loét đại tràng mạn tính, đa polyp đại tràng hoặc viêm loét dạ dày lâu dài, đặc biệt là viêm loét ở bờ cong nhỏ dạ dày.
4. Chẩn đoán ung thư tiêu hoá
Để duy trì sức khỏe tốt và đảm bảo chất lượng cuộc sống, mọi người nên thực hiện khám sàng lọc và chẩn đoán ung thư tiêu hóa, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao dưới đây:
- Người có người thân từng mắc ung thư tiêu hóa.
- Chế độ sinh hoạt và ăn uống không khoa học: Thường xuyên ăn đồ mặn, cay nóng, uống rượu bia, ăn đồ ăn nhanh và ít ăn rau xanh.
- Người có bệnh lý liên quan đến hệ tiêu hóa.
Các phương pháp tầm soát và chẩn đoán ung thư tiêu hóa phổ biến hiện nay bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Đo chỉ số CEA, xét nghiệm, CA 72-4, CA 19-9 giúp phát hiện dấu hiệu ung thư tiêu hóa nói chung và ung thư dạ dày, thực quản nói riêng.
- Siêu âm: Giúp xác định kích thước và vị trí của khối u trong hệ tiêu hóa.
- Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân là một phương pháp quan trọng trong việc tầm soát ung thư tiêu hóa, đặc biệt là giúp phát hiện sớm polyp đại tràng.
- Nội soi đường tiêu hóa: Phương pháp này cung cấp hình ảnh chi tiết của các cơ quan trong hệ tiêu hóa, giúp bác sĩ quan sát và phân tích sự hiện diện của tế bào ung thư. Nếu phát hiện polyp, bác sĩ sẽ chỉ định làm sinh thiết để kiểm tra thêm.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp X-quang, siêu âm hoặc chụp PET/CT để xác định mức độ xâm lấn của bệnh và xác định giai đoạn cụ thể của ung thư. Vậy nếu được chẩn đoán mắc bệnh, liệu ung thư đường tiêu hoá có chữa được không?
5. Ung thư đường tiêu hóa có chữa được không?
Ung thư tiêu hóa là một trong những căn bệnh nguy hiểm có thể đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân khi ung thư được phát hiện ở giai đoạn đầu có thể lên đến 90%. Trong khi đó, nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn, tỷ lệ sống chỉ còn khoảng 10%.
Tầm soát và khám sàng lọc ung thư tiêu hóa ngay cả khi chưa có triệu chứng là cách hiệu quả để phát hiện bệnh sớm, ngay khi khối u bắt đầu hình thành. Khi phát hiện sớm, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chính xác và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với từng giai đoạn bệnh cũng như từng bệnh nhân. Việc phát hiện bệnh sớm không chỉ giúp kéo dài tuổi thọ mà còn tăng khả năng chữa khỏi bệnh.

6. Phòng ngừa, ngăn chặn ung thư tiêu hóa
Để giảm nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa, chúng ta có thể thay đổi lối sống cùng chế độ ăn uống sao cho khoa học và lành mạnh. Dưới đây là những cách giúp phòng ngừa bệnh:
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Nên ăn nhiều rau xanh và trái cây, giảm lượng chất béo trong khẩu phần, hạn chế đồ ăn chua, cay, nóng, thực phẩm chế biến sẵn và đồ uống có cồn. Việc bỏ hút thuốc lá cũng rất quan trọng để giảm nguy cơ ung thư đường hóa và các bệnh liên quan.
- Tập thể dục đều đặn: Việc duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày giúp nâng cao sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh, bao gồm ung thư tiêu hóa.
- Khám sức khỏe khi có triệu chứng bất thường: Nếu có các triệu chứng như chán ăn, đầy bụng, giảm cân đột ngột, phân nhỏ dẹt, có máu trong phân hoặc thay đổi trong thói quen đại tiện (táo bón hoặc tiêu chảy), cần đi khám ngay để phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu của bệnh ung thư tiêu hóa.
- Tầm soát ung thư định kỳ: Nên thực hiện tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín, ngay cả khi chưa có triệu chứng. Các phương pháp tầm soát có thể bao gồm xét nghiệm tế bào, siêu âm, nội soi hoặc chụp hình ảnh công nghệ cao để phát hiện và điều trị ung thư từ giai đoạn đầu.
Qua bài viết trên, chúng ta đã có câu trả lời về ung thư đường tiêu hoá có chữa được không. Tuy nhiên, để nhận được những lời tư vấn chính xác và chi tiết hơn, người bệnh nên tìm đến các bác sĩ và bệnh viện uy tín để được hỗ trợ tốt nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.