Ung thư tủy xương sống được bao lâu sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh tại thời điểm được chẩn đoán, tình trạng sức khỏe tổng quát của người bệnh và khả năng đáp ứng phác đồ điều trị do bác sĩ đưa ra. Bài viết sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về tiên lượng sống đối với những người mắc ung thư tủy xương.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Định nghĩa về ung thư tủy xương và mức độ nguy hiểm
Tủy xương là các mô mềm, xốp lấp đầy phần trung tâm của xương, với nhiệm vụ chính là tạo ra các tế bào máu bao gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Khi mắc ung thư tủy, khối u ác tính sẽ xuất hiện trên các vùng khác nhau của tủy sống, bao gồm ung thư nội tủy và ngoại tủy, ảnh hưởng đến quá trình tạo ra tế bào máu.

Ung thư tủy xương có nguy cơ tử vong cao hơn so với nhiều loại ung thư khác, ảnh hưởng đến quá trình sản sinh bạch cầu, làm suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể. Do đó nhiều người sau khi tìm hiểu về bệnh muốn biết liệu ung thư tủy xương sống được bao lâu, bài viết sau sẽ nói rõ hơn về vấn đề đó.
2. Triệu chứng của ung thư tủy xương
Giai đoạn đầu của ung thư tủy xương không có nhiều triệu chứng và dấu hiệu rõ ràng, do đó rất khó để chẩn đoán chính xác. Các biểu hiện bệnh có thể bị nhầm lẫn với những bệnh lý thông thường khác. Đa số trường hợp nghi ngờ mắc ung thư tủy xương là thông qua xét nghiệm máu định kỳ cho thấy nồng độ Protein trong máu tăng.
Trong trường hợp bệnh đã bắt đầu tiến triển đến những giai đoạn muộn hơn, người bệnh sẽ có một số triệu chứng rõ ràng như:
- Thường bị đau ở vùng lưng, hông và xương sườn.
- Xương giòn, yếu và dễ gãy.
- Sốt cao không rõ nguyên nhân.
- Nồng độ canxi trong máu cao.
- Mệt mỏi và sụt cân bất thường.
- Tổn thương thận.
- Hạch bạch huyết bị sưng.
- Xuất hiện vết bầm và đốm đỏ nhỏ trên da, chảy máu bất thường.

3. Ung thư tủy xương sống được bao lâu?
Ung thư tủy xương sẽ làm tăng đột biến những tế bào máu xấu và phá hủy tế bào máu khỏe mạnh, làm người bệnh bị thiếu máu, suy yếu hệ miễn dịch dẫn tới nhiễm trùng.
Ung thư tủy xương sống được bao lâu còn phụ thuộc vào giai đoạn phát triển bệnh, tình trạng sức khỏe tổng thể, khả năng miễn dịch của cơ thể và đáp ứng điều trị,…
Nếu được phát hiện sớm, bệnh có thể chữa khỏi bằng cách tiêu diệt hoặc làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư ác tính, qua đó tăng cường hệ miễn dịch hoặc tiến hành cấy ghép tủy xương. Nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn, tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn do các tế bào ung thư đã di căn đến các cơ quan khác.
Ngoài ra, thời gian sống của bệnh nhân còn phụ thuộc vào loại ung thư mà bệnh nhân mắc phải. Nếu bệnh nhân mắc ung thư do bệnh bạch cầu sẽ có tuổi thọ như sau:
- Đối với bệnh bạch cầu mãn tính: Nếu được chẩn đoán ở giai đoạn đầu, người bệnh thường sẽ sống được khoảng 8 năm, khoảng 5,5 năm nếu chẩn đoán ở giai đoạn giữa và khi đã bước vào giai đoạn cuối thì thời gian sống là gần 4 năm.
- Đối với bệnh bạch cầu cấp tính: Tỷ lệ sống thấp hơn bệnh bạch cầu mãn tính, chỉ khoảng 20 - 40% người bệnh sống được 5 năm nếu tiến hành điều trị từ sớm.
Nếu đã bước sang giai đoạn di căn thì thời gian sống của người bệnh chỉ còn tính bằng tháng, do đó chỉ còn tiến hành điều trị giảm nhẹ.

4. Các phương pháp điều trị ung thư tủy xương
Tùy vào tình trạng phát triển bệnh lý và sức khỏe tổng quát của người bệnh mà bác sĩ sẽ có những phác đồ điều trị ung thư tủy xương khác nhau.
4.1 Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch kích thích hệ thống miễn dịch tự nhiên trong cơ thể để cản trở sự sinh trưởng của tế bào ung thư. Liệu pháp này có thể kết hợp với các lựa chọn điều trị khác để tăng độ hiệu quả.
4.2 Hóa trị
Bác sĩ sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc kháng ung thư nhằm tìm cách tiêu diệt tế bào gây bệnh, có thể truyền vào cơ thể dạng tiêm hoặc thuốc uống. Trong đa số các trường hợp, hoá trị sẽ kết hợp với xạ trị để đạt kết quả tốt hơn.
4.3 Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X và tia Gamma để tấn công, thu nhỏ các khối u, phá hủy ADN của chúng.
4.4 Thuốc nhắm trúng đích
Đây là loại thuốc đặc trị giúp xác định và tấn công các tế bào gây ung thư trong cơ thể, ít để lại tác dụng phụ hơn so với hóa trị.
4.5 Cấy ghép tế bào gốc
Phương pháp này sử dụng tế bào gốc để tạo ra những tế bào máu mới và tiêm truyền vào tĩnh mạch người bệnh sau khi tiến hành hóa trị hoặc xạ trị.
Trên đây là các thông tin chi tiết để giúp chúng ta hiểu được ung thư tủy xương sống được bao lâu. Có thể nói hầu hết người bệnh khi được chẩn đoán đều là giai đoạn muộn, có thể đã di căn, do đó tỷ lệ sống đã giảm đi nhiều. Đây là một căn bệnh nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao nên mọi người cần tìm hiểu các dấu hiệu để có thể nhận biết sớm và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.