Kháng thể kháng HLA là một trong những rào cản lớn nhất trong ghép tạng. Loại kháng thể này được sản sinh khi cơ thể nhận thấy có kháng nguyên HLA lạ, gây ra phản ứng thải ghép. Vì vậy, việc xét nghiệm loại kháng thể này trước khi ghép là vô cùng quan trọng để lựa chọn người cho phù hợp và tăng khả năng thành công của ca ghép.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sỹ thuộc Trung tâm Công nghệ cao Vinmec.
1. Kháng thể kháng HLA là gì?
Khi cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên HLA lạ, các kháng thể kháng HLA (anti-HLA antibodies) sẽ được tạo ra. Những người có nguy cơ cao hình thành kháng thể này bao gồm phụ nữ mang thai nhiều lần, bệnh nhân đã truyền máu nhiều lần và những người có tiền sử ghép tạng.

Sự hiện diện của kháng thể kháng HLA đặc hiệu với kháng nguyên HLA người cho ở người nhận có thể gây ra hiện tượng thải ghép. Chính vì vậy, bệnh nhân chuẩn bị ghép cần tiến hành xét nghiệm sàng lọc kháng thể chống để phát hiện tình trạng tiền mẫn cảm và lựa chọn người cho tương thích.
2. Xét nghiệm kiểm tra được tiến hành khi nào?
Khi thực hiện sàng lọc trước ghép, ngoài việc kiểm tra mức độ hòa hợp kiểu gene HLA, một yếu tố khác cần được đánh giá là sự có mặt của các kháng thể chống HLA trong cơ thể người nhận.
Các kháng thể này do hệ miễn dịch tạo ra nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải thích khoa học rõ ràng về nguyên nhân khiến một số người phát sinh kháng thể chống HLA. Các nguyên nhân liên quan đến sự xuất hiện của loại kháng thể này thường bao gồm phản ứng sau khi ghép, sau quá trình mang thai hoặc truyền máu.

Chỉ số PRA (Percent Reactive Antibody) được dùng để đo mức độ biểu hiện của kháng thể chống trong huyết thanh. PRA được xác định bằng cách thử huyết thanh của bệnh nhân với bảng khoảng 60 loại HLA khác nhau.
Ví dụ, nếu huyết thanh của bệnh nhân phản ứng với 30 trong số 60 loại HLA thì PRA của bệnh nhân là 50% (tức là 1/2 của 60). Chỉ số PRA cao đồng nghĩa với khả năng thải ghép lớn hơn.
Trong khi HLA typing là một yếu tố không thay đổi và chỉ cần thực hiện một lần thì kháng thể chống HLA trong huyết thanh lại có chỉ số thay đổi theo thời gian, tùy thuộc vào tình trạng bệnh, lịch sử truyền máu và các yếu tố khác như thai kỳ.
Ngoài ra trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể có các kháng thể giả mạo HLA antibody. Các nghiên cứu cho thấy, ngay cả khi nhiễm trùng họng do liên cầu khuẩn, cơ thể cũng có thể sản sinh ra những kháng thể giống HLA và dễ bị nhầm lẫn với HLA antibody.
Mặc dù các kháng thể này không gây hại gì cho bộ phận ghép mới, nhưng có thể khiến kết quả xét nghiệm trước ghép không chính xác.
Vì vậy, để đảm bảo tính an toàn, bệnh nhân nên kiểm tra mẫu huyết thanh định kỳ là tốt nhất, từ đó có những đánh giá chính xác hơn về tình trạng của bệnh nhân trước và sau khi ghép, cũng như tìm hiểu xem những yếu tố nào như nhiễm trùng, thuốc men có thể ảnh hưởng đến việc cơ thể sản sinh ra các kháng thể này.
Thông thường, xét nghiệm HLA typing được thực hiện mà không phụ thuộc vào thời gian ghép, trong khi đó xét nghiệm phát hiện kháng thể kháng HLA phải được tiến hành ngay trước khi ghép và thực hiện đồng thời với xét nghiệm đọ chéo Crossmatch.
Ngoài xác định mức độ PRA cao hay thấp, việc xác định tính đặc hiệu của kháng thể đối với từng HLA cụ thể cũng rất quan trọng. Ví dụ, khi nhận tạng ghép từ một người hiến có HLA-A2, cơ thể có thể sinh ra kháng thể kháng lại A2 - đây chính là đặc hiệu của kháng thể.
Một bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều loại kháng thể đặc hiệu. Sau ghép, sự hiện diện của các kháng thể đặc hiệu chống lại HLA là một dấu hiệu quan trọng để giám sát nguy cơ thải ghép.
Để ca ghép thành công, sàng lọc trước ghép đóng vai trò không thể thiếu. Một yếu tố quan trọng trong quá trình này là việc xác định mức độ hòa hợp của cặp ghép, thông qua các xét nghiệm kiểu gene HLA và xác định kháng thể chống HLA.

Tóm lại, kháng thể kháng HLA đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định sự thành công của ca ghép tạng. Việc xét nghiệm sàng lọc kháng thể này trước ghép là một bước không thể thiếu để đánh giá nguy cơ thải ghép và lựa chọn người cho phù hợp. Qua đó, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị tối ưu, tăng khả năng sống sót của bệnh nhân.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.