Viêm gan B ở trẻ sơ sinh là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm do virus viêm gan B (HBV) gây ra có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm gan B sơ sinh sẽ dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm gan mãn tính và ung thư gan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mỹ Linh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Viêm gan B là bệnh gì?
Viêm gan B (hay viêm gan siêu vi B) là một bệnh nhiễm trùng gan do virus viêm gan B (HBV) gây ra. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh lý này có thể dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng cho gan và kéo theo những biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
2. Dấu hiệu bệnh viêm gan B
2.1 Viêm gan B cấp tính
Viêm gan B cấp tính thường không gây ra triệu chứng rõ ràng ở đa số trẻ em dưới 5 tuổi hoặc những người có hệ thống miễn dịch yếu. Tuy nhiên, đối với các nhóm còn lại như trẻ em lớn tuổi hơn, thanh thiếu niên và người trưởng thành thì khoảng 30 – 50% sẽ xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu, bao gồm:
- Nước tiểu đậm màu.
- Phân nhạt màu.
- Đau khớp.
- Vàng da.
- Sốt.
- Mệt mỏi.
- Chán ăn, ăn mất ngon.
- Buồn nôn và nôn.
- Đau bụng.
Sau khi tiếp xúc với virus, các triệu chứng nhiễm trùng cấp tính sẽ xuất hiện trong khoảng 60 – 150 ngày và có thể kéo dài từ vài tuần đến 6 tháng. Các triệu chứng này thường trở nên nghiêm trọng hơn ở những người trên 60 tuổi.
2.2 Viêm gan B mạn tính
Trong nhiều năm, hầu hết người bị viêm gan B mãn tính không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào. Khi có, các triệu chứng sẽ giống như những triệu chứng của nhiễm trùng cấp tính.
Nếu triệu chứng viêm gan B chỉ mới xuất hiện sau thời gian dài mắc bệnh thì khả năng cao đây là dấu hiệu của các biến chứng nguy hiểm như ung thư gan hoặc xơ gan thay vì chỉ là viêm gan thông thường.

3. Nguyên nhân gây viêm gan B ở trẻ sơ sinh
Theo thống kê tại Việt Nam, khoảng 10 - 13% phụ nữ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B - đây là một tỷ lệ rất lớn. Việc lây truyền virus HBV từ mẹ sang con trong quá trình mang thai vô cùng nguy hiểm và thường cũng là nguyên nhân chính dẫn đến viêm gan ở trẻ sơ sinh.
Tùy vào giai đoạn mang thai, mức độ nguy hiểm sẽ khác nhau. Nếu bệnh xảy ra trong ba tháng đầu của thai kỳ, tỷ lệ truyền mầm bệnh từ mẹ sang con chỉ khoảng 1%. Tuy nhiên, nếu bệnh xuất hiện vào ba tháng giữa, tỷ lệ này có thể lên đến 10%. Đặc biệt, vào ba tháng cuối, con số này có thể lên đến 60 - 70%.
Phương pháp thông thường để đánh giá sự phát triển của virus HBV trong cơ thể người nhiễm bệnh là xác định HBsAg và HBeAg.
Ngoài ra, các thống kê cho thấy khi xét nghiệm máu của người mẹ mang thai trong ba tháng cuối, nếu cả hai chỉ số HBsAg và HBeAg đều dương tính thì tỷ lệ truyền bệnh từ mẹ sang con lên tới 90 - 100%. Tuy nhiên, nếu chỉ có HBsAg dương tính trong khi HBeAg âm tính thì tỷ lệ lây truyền bệnh viêm gan sơ sinh cho con của mẹ sẽ thấp hơn rất nhiều, chỉ khoảng 20%.
4. Viêm gan B ở trẻ sơ sinh nguy hiểm thế nào?
Trong công tác điều trị bệnh, viêm gan ở trẻ sơ sinh do lây nhiễm virus HBV từ mẹ là một vấn đề phức tạp. Viêm gan sơ sinh cấp tính thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng mà thay vào đó là các dấu hiệu mờ nhạt như vàng da, nước tiểu vàng và bú kém. Khi tiến hành xét nghiệm máu sẽ thấy men gan và bilirubin máu tăng rất cao.
Thống kê chỉ ra rằng khoảng 80 – 90% trẻ em bị nhiễm virus HBV trong năm đầu đời và 30 – 50% trẻ nhiễm virus HBV trước 6 tuổi sẽ mắc phải viêm gan mạn tính sau này. Ngoài ra, tất cả các ca ung thư gan ở trẻ em đều là do viêm gan B gây ra.
5. Phòng bệnh viêm gan B sơ sinh
- Phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế có đủ điều kiện xét nghiệm khi nghi ngờ trẻ sinh ra bị viêm gan B. Sau khi xác định được bệnh viêm gan B ở trẻ sơ sinh, phụ huynh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và cho đến khi thấy triệu chứng vàng da của trẻ đã thuyên giảm hoặc không còn, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám định kỳ hàng tháng trong khoảng 6 tháng.
- Nhiều phụ huynh thắc mắc có nên tiêm viêm gan B cho trẻ sơ sinh không và tiêm khi nào? Thực tế, nếu trẻ không mắc viêm gan sơ sinh thì vắc-xin viêm gan B mũi 1 cần được tiêm cho trẻ trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Mũi thứ 2 sẽ được tiêm sau mũi đầu tiên 1 tháng và mũi thứ 3 khi trẻ tròn 2 tháng tuổi.
- Phụ nữ cần tiêm vắc-xin ngay sau khi xét nghiệm nếu kết quả cho thấy không bị nhiễm virus viêm gan B. Nếu phụ nữ mang virus và có ý định mang thai, việc tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa là rất quan trọng.
- Phụ nữ mang thai bị viêm gan B, đặc biệt là từ tháng thứ 3 trở đi mà chưa được tiêm phòng vắc-xin cần tham vấn bác sĩ chuyên khoa để nhận được tư vấn về cách xử trí phù hợp.
- Để đảm bảo an toàn khi người vợ mang thai, các cặp vợ chồng chưa bị nhiễm virus viêm gan B nên tiêm phòng. Nếu một trong hai người bị nhiễm virus, người còn lại cần nhanh chóng tiêm phòng vắc-xin.

Khi trẻ sơ sinh mắc viêm gan B, các hậu quả nghiêm trọng có thể kéo dài đến khi trẻ trưởng thành. Vì vậy, trước khi mang thai, các bậc phụ huynh cần kiểm tra để phát hiện bệnh từ sớm và đưa ra quyết định về việc có mang thai hay không. Nếu viêm gan B chỉ được phát hiện khi đã mang thai, tiên lượng của trẻ sẽ rất khó lường.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.