Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng khớp hông bằng cách gây viêm mãn tính tại khu vực này, dẫn đến đau nhức, sưng và hạn chế vận động. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng di chuyển mà còn gây khó khăn trong các hoạt động thường ngày, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng khớp hông như thế nào?
Viêm khớp dạng thấp (RA) thường khởi phát ở các khớp nhỏ hơn theo kiểu đối xứng. Do chưa có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn, bệnh có thể tiến triển đến các vị trí khác trên cơ thể, kể cả khớp hông. Ở bệnh nhân mắc bệnh, tình trạng viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng khớp hông thường xuất hiện muộn hơn và thường gặp ở người bệnh cao tuổi.
Ban đầu, viêm khớp dạng thấp có thể gây đau hông nhẹ, không đều và thường rõ ràng hơn khi thực hiện các hoạt động gắng sức. Những hoạt động này bao gồm:

Ở giai đoạn đầu, cơn đau khớp hông khi thực hiện các hoạt động thường chỉ xuất hiện thoáng qua và nhanh chóng biến mất. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển và khớp hông bị tổn thương nghiêm trọng hơn, cơn đau trở nên dai dẳng hơn, xuất hiện thường xuyên với cường độ mạnh hơn. Thậm chí, người bệnh có thể cảm thấy đau ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc trong giấc ngủ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
2. Triệu chứng viêm khớp dạng thấp (RA) ở hông
Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng khớp hông mà còn gây đau nhức ở các khớp nhỏ như ngón tay, ngón chân. Tuy nhiên, đau hông không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp. Tình trạng này có thể liên quan đến một loại viêm khớp khác, chẳng hạn như viêm khớp vẩy nến hoặc do tình trạng bệnh lý khác như dây thần kinh bị chèn ép, co cứng cơ quanh hông và mông hoặc đơn giản là do vận động quá mức
Người bệnh thường cảm thấy đau hông và có thể gặp thêm một số triệu chứng sau:
- Đau âm ỉ quanh vùng háng, mông hoặc đùi.
- Cảm giác nóng hoặc ấm khi chạm vào vùng hông, mông, đùi và háng.
- Đau hoặc cứng khớp vào buổi sáng, tình trạng có thể giảm bớt khi vận động hoặc hoạt động thường ngày.
- Khó khăn khi đứng hoặc đi bộ do đau khớp hông.
- Đi khập khiễng, thường xảy ra sau khi RA tiến triển dẫn đến tổn thương khớp nặng thêm.
Ngoài ra, RA có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể, gây ra các triệu chứng toàn thân như:
- Mệt mỏi.
- Mất cảm giác ngon miệng.
- Thiếu máu.
- Nhiệt độ cơ thể cao.
Viêm khớp dạng thấp thường ảnh hưởng đến cả hai bên hông, gây ra các triệu chứng tương tự ở cả hai khớp.

3. Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp (RA) ở hông
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh trong cơ thể, gây viêm và tổn thương khớp. Khi ảnh hưởng đến khớp hông, RA gây viêm màng hoạt dịch – lớp mô lót bên trong khớp, vốn có vai trò tiết dịch bôi trơn giúp khớp vận động linh hoạt. Do bị viêm, màng hoạt dịch sưng lên, dày hơn và sản xuất quá mức dịch khớp. Dịch viêm này có thể bào mòn sụn và xương, gây biến dạng, cứng khớp.
Ngay cả khi bệnh đã thuyên giảm, tổn thương thoái hóa ở khớp hông vẫn có thể gây đau nhức kéo dài. Bên cạnh yếu tố tự miễn, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng khớp hông, bao gồm:
- Di truyền: Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở người có gen HLA-DR4 hoặc HLA-DRB1.
- Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới.
- Tuổi tác: Viêm khớp dạng thấp thường gặp ở ở độ tuổi 60 trở lên, tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra ở trẻ em.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc và khiến bệnh tiến triển nặng hơn.
- Béo phì: Béo phì làm tăng áp lực lên các khớp, đặc biệt là khớp hông, thúc đẩy quá trình viêm và thoái hóa khớp.

Việc chẩn đoán và điều trị sớm giúp kiểm soát bệnh hiệu quả, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Do vậy, nếu cảm thấy bản thân có bất kỳ triệu chứng đau nhức hay cứng khớp hông, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
4. Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp (RA) ở hông
Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng khớp hông thường dựa vào các xét nghiệm y tế. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe tổng quát, hỏi bệnh nhân về các triệu chứng, tiền sử bệnh lý cá nhân, gia đình.
- Kiểm tra sức khỏe: Đánh giá mức độ đau, khả năng vận động của các khớp nói chung và khớp hông nói riêng của bệnh nhân.
- Tiền sử gia đình: Nếu có người thân mắc bệnh, người đó cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp (RA) ở giai đoạn đầu thường khá phức tạp do các triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với những bệnh lý khác như lupus hoặc đau xơ cơ. Hiện nay, tuy không có một xét nghiệm duy nhất nào có thể xác định chính xác tình trạng bệnh nhưng xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện các kháng thể tự miễn và các dấu hiệu viêm, hỗ trợ bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.
Các kỹ thuật hình ảnh như X-quang, MRI hoặc siêu âm khớp cũng được sử dụng để phát hiện tình trạng viêm và tổn thương khớp.
Tóm lại, viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến khớp hông, làm suy giảm khả năng vận động và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tình trạng viêm kéo dài do hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các mô khớp dẫn đến đau nhức, sưng viêm và tổn thương nghiêm trọng ở khu vực này. Việc hiểu rõ tác động của bệnh lên khớp hông là bước quan trọng để người bệnh có thể nhận diện sớm và áp dụng các biện pháp điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.