Yếu bàn tay là tình trạng phổ biến ảnh hưởng đến khả năng cầm nắm, thực hiện các hoạt động tinh vi hay sử dụng tay một cách bình thường. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh để lại các biến chứng nguy cho tay.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Yếu bàn tay do u nang bao hoạt dịch
U nang bao hoạt dịch là các túi chứa đầy dịch, thường hình thành gần khớp hoặc gân, đặc biệt là trên mu bàn tay. Đây là loại khối u phổ biến nhất ở tay.
Mặc dù lành tính, u nang bao hoạt dịch có thể gây chèn ép lên các dây thần kinh, từ đó dẫn đến tình trạng yếu cơ, yếu bàn tay, tê bì và đau nhức. Tuy nhiên, những khối u này thường chỉ gây ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ, hiếm khi gây nên những biến chứng nghiêm trọng.
Thông thường, u nang bao hoạt dịch không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu nang gây đau, yếu bàn tay nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định một số phương pháp sau:
- Hạn chế vận động: Biện pháp giúp giảm kích thước nang và giảm áp lực lên dây thần kinh. Bác sĩ có thể khuyến nghị bệnh nhân sử dụng dụng cụ bó cổ tay để hỗ trợ.
- Hút dịch: Phương pháp này sử dụng kim để loại bỏ chất dịch ra khỏi nang. Hút dịch được áp dụng khi nang gây đau dữ dội hoặc gây yếu bàn tay nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các hoạt động của tay.
- Cắt bỏ: Bác sĩ phẫu thuật sẽ loại bỏ nang nếu các phương pháp điều trị không phẫu thuật khác không hiệu quả.
- Thuốc giảm đau: Người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn để giảm bớt cảm giác khó chịu do nang gây ra.

2. Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay xảy ra khi dây thần kinh giữa ở cổ tay bị chèn ép. Dây thần kinh này đi qua ống cổ tay và khi ống này bị sưng hoặc thu hẹp, dây thần kinh sẽ bị ảnh hưởng, gây tê bì, đau và yếu bàn tay.
Theo nghiên cứu, hội chứng ống cổ tay có thể xảy ra do các yếu tố khác nhau như hoạt động lặp đi lặp lại cổ tay, mang thai hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
Cùng với yếu bàn tay, các triệu chứng khác của hội chứng bao gồm:
- Tê bì, châm chích hoặc nóng rát ở các ngón tay, thường gặp nhất ở ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và nửa ngón nhẫn.
- Đau nhức ở cổ tay, bàn tay hoặc ngón tay, thường xuất hiện nhiều hơn vào ban đêm hoặc sáng sớm.
- Yếu bàn tay dẫn đến khó cầm nắm hoặc thao tác sử dụng các vật dụng nhỏ.
- Yếu cơ ở bàn tay khiến người bệnh dễ đánh rơi đồ vật.
Các lựa chọn điều trị cho hội chứng ống cổ tay có thể bao gồm:
- Thuốc giảm đau và thuốc chống viêm.
- Nẹp cổ tay.
- Thay đổi lối sống.
- Tiêm steroid.
- Các bài tập vật lý trị liệu.
- Phẫu thuật.

3. Hội chứng đường hầm xương trụ
Hội chứng đường hầm xương trụ xảy ra khi dây thần kinh trụ ở mặt trong khuỷu tay bị chèn ép. Dây thần kinh này kiểm soát cảm giác và vận động của một phần bàn tay. Mặc dù hội chứng này thường gây đau ở khuỷu tay nhưng các triệu chứng chủ yếu xuất hiện ở bàn tay, bao gồm:
- Đau bàn tay.
- Tê bì bàn tay hoặc ngón áp út, nặng hơn khi gập khuỷu tay.
- Yếu bàn tay, giảm lực cầm nắm của bàn tay.
- Các ngón tay khó phối hợp với nhau.
- Đau bên trong khuỷu tay.
Các lựa chọn điều trị bao gồm:
- Thuốc chống viêm.
- Nẹp hoặc dụng cụ hỗ trợ.
- Các bài tập vật lý trị liệu giúp kéo giãn, tăng cường sức mạnh cơ và cải thiện chức năng dây thần kinh.
- Phẫu thuật.
4. Yếu bàn tay do viêm lồi cầu xương cánh tay
Viêm lồi cầu xương cánh tay là tình trạng tổn thương các gân ở cẳng tay. Bệnh có hai loại chính: viêm lồi cầu trong (lồi cầu quay) và viêm lồi cầu ngoài (lồi cầu trụ).
- Viêm lồi cầu trong xương cánh tay (golfer’s elbow): Xảy ra do tổn thương gân cơ gấp cổ tay, thường gặp ở những người chơi golf, vận động viên cầu lông có tần suất sử dụng dụng cụ cầm tay nhiều.
- Viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay (tennis elbow): Xảy ra do tổn thương gân cơ duỗi cổ tay, thường gặp ở người chơi tennis, vận động viên bóng rổ đòi hỏi sử dụng lực cổ tay mạnh.
Triệu chứng của viêm lồi cầu xương cánh tay bao gồm:
- Đau nhức dai dẳng ở khuỷu tay, lan xuống cẳng tay và cổ tay.
- Cảm giác đau nhức tăng khi thực hiện các động tác liên quan đến cổ tay như: cầm nắm, vặn cổ tay, xoay cổ tay.
- Yếu bàn tay và không có lực cổ tay, đặc biệt khi cầm nắm đồ vật nặng.
- Sưng tấy nhẹ ở khu vực lồi cầu xương cánh tay.
Mục tiêu điều trị là giảm đau, giảm viêm và phục hồi chức năng cho khớp khuỷu tay cũng như cổ tay bằng cách hạn chế hoạt động, tránh dùng lực quá mạnh vào vùng bị đau để tình trạng không nặng hơn. Các phương pháp điều trị bao gồm:
- Băng cố định vùng tổn thương.
- Chườm lạnh lên vùng cánh tay hoặc bàn tay bị ảnh hưởng.
- Sử dụng thuốc chống viêm.
- Thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh cẳng tay.
- Tiêm corticosteroid (khi cần thiết).

Yếu bàn tay là tình trạng phổ biến có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, từ chấn thương, bệnh lý thần kinh cho đến các hội chứng chèn ép dây thần kinh. Việc chẩn đoán sớm và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp như thuốc, vật lý trị liệu hay phẫu thuật có thể giúp cải thiện tình trạng, phục hồi chức năng cho bàn tay và nâng cao chất lượng cuộc sống. Quan trọng nhất là lắng nghe cơ thể và tìm kiếm sự tư vấn y tế kịp thời khi gặp phải các triệu chứng kéo dài.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.