Các tác dụng của ô dược

Ô dược là một dược liệu phổ biến ở miền Trung bộ Việt Nam. Cây ô dược từ lâu đã được xem là một cây thuốc Y Học Cổ Truyền và được sử dụng rộng rãi trong nhiều bài thuốc Đông y để chữa trị nhiều loại bệnh. Vậy ô dược có tác dụng gì?

1. Ô dược là cây gì?

Cây ô dược có tên khoa học là Lindera myrrha Merr, thuộc họ long não (Lauraceae). Ngoài ra, ô dược còn có tên dân gian là cây dầu đắng, ô dược nam hoặc một số tên khác như thiên thai ô dược, bàng tỵ, bàng kỳ, kết cốt hương, bạch diệp sài, thai ô dược, thổ mộc hương, tức ngư khương,...

Một số đặc điểm giúp nhận biết cây ô dược:

  • Thuộc loại cây thân gỗ, chiều cao dao động từ 1 đến 15 mét. Trên thân bao gồm nhiều cành nhỏ màu đen nhạt. Đặc trưng của ô dược là cây có vị đắng, tỏa ra mùi thơm dễ chịu và rất đặc trưng;
  • Rễ cây ô dược hình thoi, hơi cong và nhọn ở 2 đầu. Phần rễ ở giữa phình to ra, đường kính khoảng 1 - 2cm, chiều dài khoảng 10 - 13cm. Rễ có phần vỏ ngoài màu nâu vàng, gồm nhiều nếp nhăn dọc và vết nứt ở ngang thân rễ. Đặc biệt, rễ ô dược rất cứng, khó bẻ gãy;
  • ô dược hình bầu dục, rộng 2cm, dài 6cm, bao gồm 1 gân chính và 2 gân phụ. Mặt trên lá cây ô dược bóng, hơi lõm còn mặt dưới phủ lông, hơi lồi;
  • Hoa mọc thành các tán nhỏ với đường kính khoảng 3 - 4mm, màu hồng nhạt;
  • Quả mọng, hình trứng, khi chín màu đen hoặc đỏ và bên trong chỉ bao gồm 1 hạt duy nhất.
Cây ô dược
Quả của cây ô dược khi chín thường có màu đen hoặc đỏ

2. Phân biệt cây ô dược với các loài cây cùng tên

Trong tự nhiên cũng có rất nhiều loài cây có tên ô dược nhưng chúng không được dùng làm thuốc. Do đó, chúng ta cần phân biệt dược liệu ô dược với các loài cây đó để tránh nhầm lẫn:

  • Ở miền Nam có một loại cây cũng được gọi là cây ô dược. Tuy nhiên nó không có tác dụng trong việc làm thuốc chữa bệnh. Loại này có một số đặc điểm đặc trưng như thân cao, nhiều nhựa nên thường sử dụng làm hương nhang hoặc trộn hồ trong xây dựng;
  • Ở Trung Quốc và một số địa phương tại Việt Nam có cây tên là Vệ châu ô dược hay Hoành châu ô dược, có tên khoa học là Cocculus Laurifolius DC, thuộc họ tiết dê (Menispermaceae). Loài này thuộc họ dây leo, có màu xanh nhạt và đặc điểm tương tự lá quế;
  • Một số địa phương nhầm lẫn cây ô dược làm thuốc là cây sim rừng, tuy nhiên 2 loại cây này hoàn toàn khác nhau nên cần lưu ý tránh nhẫn lần khi sử dụng trong các bài thuốc chữa bệnh.

3. Cách thu hái, sơ chế và bảo quản cây ô dược

Cây ô dược có thể được thu hái cả năm, nhưng thời điểm tốt nhất là mùa thu đông hay đầu mùa xuân. Bộ phận thường dùng để làm thuốc chính là phần rễ cây. Kinh nghiệm của người dân cho biết không nên thu hái phần rễ ô dược già, quá cứng, vì không có tác dụng chữa bệnh. Thay vào đó hãy chọn phần rễ khô, chắc, có mùi thơm, phần vỏ màu nâu trơn nhẵn, phần thịt màu vàng nhạt hoặc nâu hồng, ở giữa có màu đậm hơn và có các vân tròn hoặc hình hoa cúc.

Rễ cây ô dược sau khi đào về, thì tiến hành loại bỏ phần rễ con và đem đi rửa sạch. Sau đó người dân có thể sơ chế bằng các cách sau:

  • Bóc sạch vỏ, chỉ lấy phần lõi bên trong, sau đó đem đi sao vàng hoặc mài mỏng;
  • Phơi khô, sau đó ngâm liên tục trong nước khoảng 24 giờ thì vớt ra đem ủ cho đến khi mềm. Cuối cùng thái thành nhiều lát mỏng và phơi khô lại;
  • Rửa sạch, sau đó đem đi ủ mềm rồi thái lát, đem phơi/sấy khô hoặc tán thành bột mịn.

Dược liệu ô dược rất dễ bị mốc hay mối mọt ăn, vì vậy cần phải bảo quản nơi khô ráo, thoáng gió, tránh nơi ẩm ướt để mối mọt không xâm nhập.

Dược liệu ô dược
Dược liệu ô dược cần được sơ chế cẩn thận trước khi đưa vào sử dụng

4. Ô dược có tác dụng gì?

Có rất nhiều sách cổ về Y Học Cổ Truyền nhắc đến loại dược liệu này. Theo đó, cây ô dược có vị cay, hơi đắng, tính ôn, không độc và quy vào các kinh như Tỳ, Vị, Phế, Thận và Bàng quang.

Tác dụng của ô dược bao gồm hành khí, chỉ thống, khai uất, kiện vị tiêu thực, khứ hàn, thuận khí, ôn thận tán hàn. Các tác dụng của ô dược tương tự với một số dược liệu như hương phụ, mộc hương.

Cây ô dược chủ trị các chứng như:

  • Đau chướng bụng, đầy bụng, ăn không tiêu;
  • Nôn mửa sau ăn;
  • Đau vùng bụng dưới do bàng quang bị lạnh;
  • Đau bụng kinh;
  • Tiểu nhiều lần do bàng quang hư hàn, nhiễm khí lạnh;
  • Trẻ bị giun sán;
  • Chứng sung huyết;
  • Chứng đái són, đái dầm, đái đêm...

Thành phần hóa học bên trong cây ô dược bao gồm tinh dầu và các alcaloid như Bomeol, Lindane, Lindera Lactone, Isolinderalactone, Linderatrenolide, Linderene, Lindenene, Lindenenone, Lindestrene, Linderene acetate, Isolinderoxide, Linderaic acid, Linder Azulene, Chamazulene, Laurolitsine...

Theo Y Học Hiện Đại, một số tác dụng của ô dược như:

  • Tăng chuyển hóa: Nghiên cứu cho chuột ăn cây ô dược thời gian dài cho thấy mức độ tăng trọng cao hơn so với bình thường;
  • Nhuận tràng: Một thí nghiệm trên chó cho thấy dược liệu ô dược và mộc hương đều kích thích tăng nhu động ruột, chữa chứng đầy hơi khó tiêu;
  • Bên cạnh đó, ô dược cho thấy tác dụng đối lập trên cơ trơn dạ dày và ruột thừa: Vừa làm tăng nhu động, tăng tiết dịch tiêu hóa, bài khí tốt hơn nhưng đồng thời lại làm giảm trương lực cơ;
  • Bột dược liệu ô dược khô có khả năng rút ngắn thời gian tái canxi hóa huyết tương và thời gian đông máu. Do đó giúp cầm máu nhanh chóng.

5. Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây ô dược

  • Chữa đau bụng dưới đau do hàn sán

Nguyên liệu: Ô dược, cao lương khương, hồi hương mỗi vị 6g và thanh bì 8g.

Thực hiện: Đem tất cả nguyên liệu đi sắc lấy nước uống.

  • Chữa đau bụng kinh và khí trệ do trúng khí hàn

Chuẩn bị 6g cam thảo, sinh khương 6g, đảng sâm 10g, ô dược 10g và trầm hương 2g, đem tất cả các nguyên liệu đi sắc nước uống, mỗi ngày dùng 1 thang.

Nguyên liệu: Ô dược và hương phụ số lượng bằng nhau đem tán thành bột mịn. Mỗi lần uống từ 2 - 8g cùng với nước gừng sắc, 2 lần/ngày.

  • Chữa chứng bàng quang hư hàn, thận dương bất túc

Chuẩn bị: Sơn dược và ích trí nhân mỗi vị 16g, ô dược 10g.

Thực hiện: Đem các nguyên liệu tiến hành sắc lấy nước uống trong ngày.

  • Trị đau bụng kinh do khí huyết ngưng trệ

Chuẩn bị: Ô dược 10h, mộc hương và hương phụ mỗi vị 8g, đương quy 12g.

Thực hiện: Sắc các nguyên liệu trên lấy nước uống trong ngày.

Chuẩn bị: Ô dược đã sao vàng với cám số lượng vừa đủ.

Thực hiện: Đem ô dược tán thành bột mịn, mỗi lần sử dụng khoảng 3 - 5g uống với nước cơm, 2 - 3 lần/ngày và tốt nhất uống trước ăn khoảng 90 phút.

  • Bài thuốc trị chứng cam tích ở trẻ nhỏ

Chuẩn bị: Bạch truật, ô dược và màng mề gà sao cám, hoài sơn sao vàng và ý dĩ mỗi thứ 10 - 12g, đem tán tất cả nguyên liệu trên thành bột mịn, mỗi lần dùng 5 - 9g uống cùng nước đun sôi để nguội, 3 lần/ngày liên tục trong 2 - 3 tuần. Trẻ cần sử dụng bài thuốc này nhiều đợt để trị dứt điểm bệnh.

  • Trị chứng đau bụng kinh ở phụ nữ

Nguyên liệu: Mộc hương và ô dược mỗi vị 12g, sa nhân 3g, cam thảo 5g, huyền hồ 12g và sinh khương 4g.

Thực hiện: Đem nguyên liệu sắc lấy nước uống 2 lần trong ngày. Nên uống trước ăn, sử dụng liên tục trong 17 - 21 ngày và tốt nhất là sau khi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt.

6. Những lưu ý khi sử dụng cây ô dược

  • Không dùng cây ô dược trị bệnh cho người khí huyết hư kèm theo nội nhiệt;
  • Tác dụng của ô dược tương tự với dược liệu hương phụ và mộc hương;
  • Một số nơi bán ô dược giả (thường dùng rễ cây sim rừng) nên cần lưu ý tránh nhầm lẫn;

Tóm lại, Ô dược là vị thuốc quý giúp điều trị nhiều bệnh lý. Tuy nhiên, việc sử dụng chúng tùy tiện có thể dẫn đến một số tác dụng không mong muốn. Vì vậy, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ nếu muốn sử dụng các bài thuốc từ dược liệu này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • cây mộc hương
    Cây mộc hương có tác dụng gì?

    Tinh dầu cây mộc hương được sử dụng làm chất định hình, tạo mùi thơm trong mỹ phẩm, hoặc trong thực phẩm và đồ uống như chất tạo hương vị. Ngoài những công dụng trên, cây mộc hương còn thường ...

    Đọc thêm
  • Đông y chữa viêm phế quản
    Đông y chữa viêm phế quản

    Viêm phế quản có thể xảy ra bất kỳ độ tuổi nào, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người lớn tuổi. Tình trạng khó thở, ho dai dẳng, tức ngực là triệu chứng điển hình nhất của viêm phế ...

    Đọc thêm
  • cam thảo phiến
    Công dụng của Cam thảo phiến

    Cam thảo còn có tên gọi khác là Cam thảo bắc, Lộ thảo. Cam thảo là một vị thuốc được sử dụng trong cả Đông y và Tây y, ngoài ra nó còn được dùng trong công nghệ sản xuất ...

    Đọc thêm
  • Cây cam thảo
    Tương tác giữa cam thảo và thuốc

    Cam thảo có nhiều lợi ích đối với sức khỏe như giúp bồi bổ, giải độc, bảo vệ gan, tăng sức đề kháng,... Tuy nhiên, khi uống cam thảo cần hết sức thận trọng, người bệnh không nên dùng dài ...

    Đọc thêm
  • Rinoflam
    Công dụng thuốc Rinoflam

    Thuốc Rinoflam thuộc nhóm có nguồn gốc thảo được, động vật được bào chế ở dạng viên nang cứng. Thành phần của thuốc Rinoflam bao gồm ý dĩ, cam thảo... được chỉ định điều tê thấp chân tay co rút, ...

    Đọc thêm