Tác dụng của thần sa là gì?

Chu sa (thần sa) là vị thuốc trong Y học Cổ truyền tác dụng thanh nhiệt, an thần, trấn tĩnh và định phách. Vị thuốc được sử dụng để chữa suy nhược thần kinh, co giật, tâm phiền, mụn nhọt ngoài da và mất ngủ. Tuy nhiên vị thuốc thần sa có chứa khoảng 13.8% thủy ngân nên sử dụng không đúng liều lượng có thể gây ngộ độc dẫn đến tử vong. Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng vị thuốc Chu sa (thần sa) qua bài viết dưới đây.

1. Thần sa là gì?

Thần sa hay chu sa có tên khoa học là Cinnabaris chứa thành phần chủ yếu là thủy ngân Sulfur (HgS). Loại cây này có cùng nguồn gốc là loại khoáng chất màu đỏ hoặc nâu hồng, hình dạng đa dạng như hình sợi, bột hoặc hình mảnh. Chu sa thường ở dạng thể bột còn thần sa ở dạng thể khối cục.

Chu sa hay thần sa tồn tại ở dạng rắn nhưng rất dễ vỡ vụn, giòn, nặng, có vị nhạt và thường không có mùi. Dược liệu không tan trong nước nhưng khi cho vào ống nghiệm đun nóng lên thì chuyển sang dạng HgS màu đen. Nếu tiếp tục đem thủy phân sẽ phân hủy thành SO2 và kim loại thủy ngân.

Chu sa là khoáng chất tự nhiên được tìm thấy ở nhiều tỉnh Hà Bắc, Tứ Xuyên, Liêu Ninh, Hồ Nam và Quý Châu...

2. Thu hoạch và sơ chế

Chu sa (thần sa) sau khi được khai thác từ tự nhiên sẽ được bào chế theo những cách sau:

  • Dùng nam châm hút hết kim loại bám trên chu sa, sau đó cho vào cối xay với nước. Sau khi xay xong, đổ thêm nước vào và lóng nhiều lần đến khi bột mịn hoàn toàn. Để chậu nước trong vài giờ cho chu sa lắng xuống đáy, sau đó gạn bỏ nước, dùng giấy bịt kín miệng chậu và đem phơi khô hoàn toàn;
  • Tán thần sa bằng chày sứ với nước cất, sau đó để lắng bột thuốc xuống và đem vứt bỏ màng nổi, gạn lấy nước đỏ. Thực hiện nhiều lần đến khi nước không còn màu đỏ, cặn chỉ còn lại sắc đen đem bỏ đi. Nước màu đỏ để trong vài giờ cho lắng lại, sau đó chắt bỏ nước trong, dùng vải bịt lại đem phơi âm can đến khi bột thuốc khô hoàn toàn.

3. Tác dụng của vị thuốc thần sa

Chu sa (thần sa) có vị ngọt, tính hàn, có độc và quy vào kinh Tâm. Tác dụng của chu sa (thần sa) như sau:

Tác dụng theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác dụng an thần, co giật mạnh;
  • Kéo dài thời gian mê do Pentothal lên 2 – 3 lần, kéo dài giấc ngủ do Barbituric lên 2 – 3 lần;
  • Ở Anh và Ấn Độ, một số hợp chất Selen trong dược liệu chu sa (thần sa) đã được ứng dụng làm thuốc an thần;
  • Chống mốc, chống thối và giải độc;
  • Dùng ngoài có tác dụng diệt khuẩn, diệt nấm và ức chế ký sinh trùng;
  • Độc tính của chu sa (thần sa) tăng lên khi sắc, nung với lửa vì lúc này thủy ngân tách ra khỏi liên kết HgS.

Tác dụng theo Y học cổ truyền:

  • Tác dụng: Thanh nhiệt, giải độc, an thần, trấn tâm và định phách;
  • Chủ trị: Mụn nhọt ngoài da, mất ngủ, hồi hộp, điên cuồng, thường mơ thấy ác mộng, ghẻ lở và kinh sợ.

4. Cách dùng thần sa

Chu sa (thần sa) có độc tính mạnh nên trong y học hiện đại hiếm khi sử dụng dược liệu này làm thuốc. Trước đây vị thuốc này được bào chế dưới dạng thuốc mỡ 10% trong điều trị bệnh giang mai.

Hiện nay khi thu hoạch chu sa thiên nhiên, người ta thường nung chảy để lấy thủy ngân và dùng thủy ngân để sản xuất nhiệt kế tích điện kế, làm đèn huỳnh quang...

Ngược lại, Y học cổ truyền sử dụng thần sa, chu sa trong nhiều bài thuốc có tác dụng trấn tĩnh, an thần. Tuy nhiên vị thuốc này có độc tính mạnh, vì vậy người bệnh chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.

Trong y học cổ truyền, chu sa thần sa thường được sử dụng ở dạng hoàn tán trong bài thuốc trấn kinh và an thần. Liều dùng khuyến cáo là 0,3 – 1g/ ngày. Ngoài ra, dược liệu này còn được sử dụng tại chỗ dạng bôi ngoài để điều trị mụn nhọt, các bệnh da liễu.

5. Một số bài thuốc chữa bệnh từ thần sa

  • Bài thuốc chữa thần kinh suy nhược, chứng di tinh, tim hồi hộp, người bứt rứt và khó ngủ: Chuẩn bị 1 lượng nhỏ chu sa và 1 quả tim lợn. Cho bột thuốc vào tim lợn, dùng chỉ buộc lại, đem nấu chín và ăn ngay khi còn nóng;
  • Bài thuốc chữa đậu độc sắp mọc hoặc mới mọc: Dùng 1g chu sa tán thành bột và hòa với mật để uống;
  • Bài thuốc trị chứng suy nhược thần kinh: Chuẩn bị 2g đương quy, 2g cam thảo, 2g sinh địa, 6g hoàng liên và 4g chu sa. Đem chu sa thủy phi, các vị thuốc còn lại tán thành bột sau đó làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 3 – 4g hoàn thuốc uống với nước âm, dùng 2 lần mỗi ngày (trong đó 1 lần dùng trước khi đi ngủ);
  • Bài thuốc trị chóng mặt, hoa mắt do mất máu ở phụ nữ sau sinh: Chuẩn bị 1,5 – 3g thần sa. Uống dược liệu với giấm nóng;
  • Bài thuốc trị sốt cao ở trẻ nhỏ dẫn đến hôn mê, nói sảng và co giật: Chuẩn bị 12g sơn chi, 15g sinh hoàng liên, 1g ngưu hoàn, 8g uất kim, 6g chu sa và 12g hoàng cầm. Các vị thuốc đem tán thành bột mịn làm hồ. Mỗi lần dùng 1 – 3g uống cùng với nước đăng tâm;
  • Bài thuốc điều trị chứng mất ngủ, khó ngủ, trằn trọc, buồn bực, chân tay nóng và rêu lưỡi đỏ: Chuẩn bị 4g chu sa, 3g cam thảo, 6g hoàng liên, 7g nhân sâm, 10g mỗi loại dược liệu gồm đan sâm, táo nhân, thiên môn đông, đương quy, bạch linh, sinh địa viễn chí, 9g cát cánh, 8g bá tử nhân và 9g huyền sâm. Hỗn hợp dược liệu đem chế thành hoàn, mỗi lần dùng 3 – 4 g uống với nước ấm. Mỗi ngày dùng 2 lần đến khi khỏi;
  • Bài thuốc điều trị lở loét niêm mạc miệng, sưng đau cổ họng, mụn nhọt sưng đau: Chuẩn bị 5g chu sa và 50g mang tiêu. Mỗi lần dùng một ít dược liệu uống với nước đun sôi để nguội;
  • Bài thuốc điều trị chứng tâm hỏa vượng (tinh thần bứt rứt, khó ngủ, đầu lưỡi đỏ, mạch tế sắc): Chuẩn bị 2g mỗi dược liệu gồm quy thân, sinh địa, chích cam thảo, 4g chu sa và 6g hoàng liên. Đem thủy phi chu sa rồi tán mịn cùng với các dược liệu còn lại làm thành hoàn. Mỗi lần dùng 4 – 12g uống với nước ấm, nên uống trước khi đi ngủ;
  • Bài thuốc điều trị mất ngủ: Chuẩn bị một lượng bằng nhau các dược liệu gồm viễn chí, chu sa, long nhãn nhục, đảng sâm, phục linh, phục thần và xương bồ lượng bằng nhau. Chu sa để riêng, các dược liệu còn lại tán thành bột mịn và đem luyện mật làm thành hoàn. Tán mịn chu sa dùng làm áo. Mỗi ngày dùng 10 – 20g uống vào buổi tối trước khi đi ngủ;
  • Bài thuốc trị chứng co giật, sốt cao, nói sảng và lưỡi đỏ: Chuẩn bị 40g mỗi vị thuốc gồm ngưu hoàng, uất kim, hùng hoàng, hoàng cầm, tê giác, chu sa, sơn chi, hoàng liên, 10g xạ hương, 20g trân châu, 10g băng phiến. Tất cả các vị thuốc đem tán thành bột mịn, luyện với mật thành viên hoàn nặng 4g. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần 1 viên;
  • Bài thuốc trị đau, sưng cổ họng, miệng loét: Chuẩn bị mang tiêu, băng phiến, chu sa và bằng sa. Hỗn hợp dược liệu đem tán thành bột, chấm vào niêm mạch bị lở loét cho đến khi chảy nước miếng thì đem nhổ đi;
  • Bài thuốc trị chứng phong nhiệt gây đau đầu, co giật: Chuẩn bị 10g mỗi loại dược liệu gồm cúc hoa, hoàng cầm, câu đằng, tang diệp, 6g cương tàm và 1g chu sa. Chu sa đem để riêng, các vị thuốc còn lại đem sắc lấy nước và để nguội. Sau đó hòa tan chu sa vào nước sắc đem uống.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thần sa

  • Thần sa, chu sa phải được dùng sống. Bởi vì khi tiếp xúc với nhiệt độ cao sẽ làm giải phóng nguyên tử Hg có thể gây ngộ độc, thậm chí là tử vong;
  • Khi sử dụng thần sa cần thủy phi, mài tán với nước để giảm độ độc;
  • Tránh dùng liều cao thần sa và tránh dùng dài ngày để giảm nguy cơ nhiễm độc;
  • Thận trọng khi dùng thần sa, chu sa ở người bệnh có chức năng gan, thận kém;
  • Không dùng thần sa cho người không có thực nhiệt;
  • Khi dùng thần sa vào thuốc thang nên sắc các dược liệu khác trước, để nước sắc nguội rồi mới cho bột thần sa vào uống.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan