Công dụng của thuốc Caplyta

Thuốc Caplyta là thuốc chống loạn thần được bào chế dưới dạng viên nang chứa thành phần chính là hoạt chất Lumateperone. Sản phẩm này được sử dụng để điều trị tâm thần phân liệt hoặc giai đoạn trầm của của rối loạn lưỡng cực. Vậy việc sử dụng thuốc Caplyta cần lưu ý và tuân thủ những vấn đề gì?

1. Caplyta là thuốc gì?

Thuốc Caplyta dạng viên nang chứa thành phần chính là hoạt chất Lumateperone, một thuốc chống loạn thần. Vậy thuốc Caplyta có tác dụng gì?

Thuốc Caplyta được sử dụng 1 lần mỗi ngày để kiểm soát các triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt ở người lớn. Mặc dù nguyên nhân thực thể của bệnh tâm thần phân liệt chưa được biết rõ, nhưng các chuyên gia cho rằng bệnh lý này xuất phát từ tình trạng mất cân bằng các chất dẫn truyền hóa học, như Dopamine, Serotonin và Glutamate trong não bộ. Cách thức hoạt động chính xác của thuốc Caplyta vẫn chưa được xác định nhưng Lumateperone được cho là có thể tác động đến sự cân bằng của các chất trung gian hóa học truyền tín hiệu trong não, qua đó giúp kiểm soát các triệu chứng tâm thần phân liệt.

Thuốc Caplyta cũng được sử dụng đơn trị hoặc kết hợp với Lithium hoặc Valproate để điều trị các giai đoạn trầm cảm xảy ra trong rối loạn lưỡng cực I hoặc lưỡng cực II (hay còn gọi là trầm cảm lưỡng cực).

2. Một số lưu ý trước khi dùng thuốc Caplyta

Những bệnh nhân trầm cảm hoặc tâm thần phân liệt có thể xuất hiện ý nghĩ về việc tự tử. Một số bệnh nhân trẻ tuổi có thể có ý định tự tử khi mới bắt đầu dùng các thuốc điều trị trầm cảm như thuốc Caplyta. Do đó, bệnh nhân hãy cho bác sĩ điều trị biết ngay lập tức nếu có bất kỳ thay đổi đột ngột nào về tâm trạng hoặc hành vi, hoặc xuất hiện suy nghĩ muốn tự tử.

Bệnh nhân không nên sử dụng thuốc Caplyta nếu có cơ địa hoặc tiền sử dị ứng với Lumateperone.

Thuốc Caplyta có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân lớn tuổi bị rối loạn tâm thần liên quan đến lú lẫn hoặc sa sút trí tuệ, do đó sản phẩm này không được chấp thuận điều trị tình trạng này.

Để đảm bảo thuốc Caplyta an toàn, bệnh nhân hãy trao đổi với bác sĩ nếu có những vấn đề sau:

Sử dụng thuốc chống loạn thần (như thuốc Caplyta) trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, khó bú hoặc các triệu chứng cai thuốc ở trẻ sơ sinh. Nếu có thai, bệnh nhân hãy thông báo với bác sĩ ngay lập tức, không nên ngừng sử dụng thuốc Caplyta khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Nếu đang mang thai, bà bầu sẽ được theo dõi chặt chẽ những ảnh hưởng của Lumateperone lên thai nhi.

Bệnh nhân không nên cho con bú trong thời gian sử dụng thuốc Caplyta.

Thuốc Caplyta có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, bao gồm cả đàn ông và phụ nữ.

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Caplyta

Bệnh nhân hãy uống thuốc Caplyta chính xác theo quy định của bác sĩ, đồng thời tuân thủ theo tất cả các hướng dẫn sử dụng thuốc của nhà sản xuất.

Liều khuyến cáo của thuốc Caplyta là 1 viên nang hàm lượng 42mg uống một lần mỗi ngày cùng với thức ăn hoặc không. Quá trình điều trị bằng thuốc Caplyta bệnh nhân sẽ cần kiểm tra y tế thường xuyên.

Một số yếu tố có thể khiến huyết áp của bệnh nhân dùng thuốc Caplyta hạ quá thấp, bao gồm nôn ói, tiêu chảy hoặc đổ mồ hôi nhiều.

4. Những việc cần tránh khi dùng thuốc Caplyta

  • Trong thời gian dùng thuốc Caplyta, bệnh nhân có thể nhạy cảm hơn với thời tiết nóng bức. Bệnh nhân cần bảo vệ cơ thể khỏi thời tiết quá nóng hoặc dự phòng mất nước bằng cách uống nhiều nước, đặc biệt là khi nhiệt độ ngoài trời quá cao hoặc khi tập thể dục.
  • Tránh lái xe hoặc làm các công việc nguy hiểm cho đến khi đảm bảo thuốc Caplyta không ảnh hưởng ngoại ý đến người bệnh. Những tác dụng phụ như chóng mặt hoặc buồn ngủ có thể gây té ngã, tai nạn hoặc chấn thương nặng.
  • Bưởi có thể tương tác với Lumateperone và dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn, do đó tránh sử dụng thuốc Caplyta chung với các sản phẩm làm từ bưởi.

5. Tác dụng phụ của thuốc Caplyta

Bệnh nhân cần được can thiệp y tế khẩn cấp nếu có các dấu hiệu của phản ứng dị ứng với thuốc Caplyta như nổi mày đay, khó thở, sưng phù mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng.

Bệnh nhân sử dụng thuốc Caplyta hoặc dùng trong thời gian dài có thể gặp tình trạng rối loạn vận động nghiêm trọng không thể hồi phục. Bệnh nhân sử dụng thuốc Caplyta càng lâu càng có nhiều khả năng phát triển chứng rối loạn này, đặc biệt nếu là ở phụ nữ hoặc người lớn tuổi.

Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc Caplyta cần gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu có những vấn đề sau:

  • Cảm thấy không vững, cảm giác như sắp bị ngất xỉu;
  • Cử động cơ mặt không kiểm soát được, bao gồm các động tác bất thường như nhai, nhếch môi, cau mày, cử động lưỡi, chớp mắt hoặc chuyển động mắt;
  • Đau thắt vùng cổ hoặc họng, khó nuốt;
  • Khó thở hoặc nói khó;
  • Lên cơn động kinh;
  • Tăng đường huyết với các triệu chứng như khát nước, tiểu nhiều, khô miệng hoặc hơi thở có mùi trái cây;
  • Giảm số lượng bạch cầu thấp gây sốt, ớn lạnh, lở miệng, loét da, đau họng, ho, khó thở;
  • Phản ứng nghiêm trọng của hệ thần kinh như cứng cơ, sốt cao, vã mồ hôi, lú lẫn, nhịp tim nhanh hoặc không đều, run rẩy, cảm giác sắp ngất xỉu.

Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc Caplyta có thể bao gồm:

  • Tăng cân;
  • Buồn nôn;
  • Chóng mặt;
  • Buồn ngủ;
  • Khô miệng.

6. Tương tác của thuốc Caplyta

Bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ điều trị về tất cả các loại thuốc đang sử dụng, do nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng đến thuốc Caplyta, đặc biệt là:

  • Các kháng sinh, thuốc chống nấm hoặc kháng virus;
  • Thuốc điều trị tăng huyết áp;
  • Thuốc chữa hen, giãn phế quản;
  • Thuốc trị bệnh cảm hoặc chống dị ứng;
  • Các thuốc điều trị trầm cảm, giảm lo âu, điều trị rối loạn tâm trạng hoặc tâm thần;
  • Thuốc điều trị chứng bàng quang hoạt động quá mức;
  • Thuốc điều trị Parkinson;
  • Thuốc điều trị các vấn đề về dạ dày, chống say tàu xe hoặc điều trị hội chứng ruột kích thích;
  • Thuốc chống co giật.

Thuốc Caplyta là thuốc chống loạn thần được bào chế dưới dạng viên nang chứa thành phần chính là hoạt chất Lumateperone. Sản phẩm này được sử dụng để điều trị tâm thần phân liệt hoặc giai đoạn trầm của của rối loạn lưỡng cực. Để đảm bảo hiệu quả sử dụng thuốc Caplyta người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, đồng thời tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn, không tự ý sử dụng, thay đổi liều lượng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Nguồn tham khảo: drugs.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

320 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan