Công dụng thuốc Aminazin 25mg

Thuốc Aminazin 25mg thuộc nhóm thuốc chống loạn thần, thuốc chống nôn. Thuốc được chỉ định điều trị các thể tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực, cải thiện triệu chứng buồn nôn, nôn ói,...

1. Thuốc Aminazin 25mg có tác dụng gì?

Thuốc Aminazin 25mg được bào chế dưới dạng: Aminazin 25mg tiêmAminazin 25mg viên. Thuốc có thành phần là Clorpromazin hydroclorid, được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị mọi thể tâm thần phân liệt;
  • Điều trị giai đoạn hưng cảm của tình trạng rối loạn lưỡng cực;
  • Điều trị triệu chứng buồn nôn và nôn mửa;
  • Điều trị các chứng nấc khó chữa;
  • An thần trước phẫu thuật;
  • Điều trị bệnh porphyrin cấp gián cách;
  • Hỗ trợ điều trị bệnh uốn ván.

Chống chỉ định dùng thuốc Aminazin 25mg:

  • Người bị ngộ độc rượu, các opiat và các barbiturat;
  • Bệnh nhân có tiền sử giảm bạch cầu hạt, nhược cơ, rối loạn máu;
  • Người có nguy cơ bị glaucoma do khép góc, bí tiểu do rối loạn niệu đạo - tuyến tiền liệt.

2. Cách dùng thuốc Aminazin 25mg

Thuốc được bào chế dưới dạng tiêm truyền hoặc viên nén bao phim. Bài viết chỉ đề cập tới cách dùng Aminazin 25mg dạng tiêm truyền. Cụ thể:

  • Tiêm bắp: Pha loãng dung dịch tiêm Aminazin bằng dung dịch natri clorid tiêm hoặc/và thêm 2% procain để phòng ngừa kích ứng nơi tiêm;
  • Tiêm tĩnh mạch: Chỉ dùng trong trường hợp bị nấc nặng, khi phẫu thuật hoặc trong bệnh uốn ván. Trước khi tiêm nên pha loãng thuốc với dung dịch natri clorid tiêm.

3. Liều dùng thuốc Aminazin 25mg

3.1. Điều trị các bệnh loạn tâm thần

  • Người lớn: Tiêm bắp nếu có những rối loạn nặng. Ban đầu tiêm liều 25 - 50mg, có thể tiêm nhắc lại trong 1 giờ, sau đó cách 3 - 12 giờ/lần, có thể tăng liều nếu cần thiết. Liều dùng tối đa là 1g/ngày (đôi khi có thể tăng dần tới liều 2g/ngày hoặc hơn nếu điều trị trong thời gian ngắn);
  • Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên: Tiêm 0,55mg/kg cân nặng/lần, tiêm bắp cách 6 - 8 giờ/lần.

3.2. Điều trị buồn nôn, nôn ói

  • Người lớn: Tiêm bắp với liều đầu tiên là 25mg, sau đó có thể tiêm từ 25 - 50mg, cách nhau 3 - 4 tiếng/lần nếu cần thiết;
  • Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên: Tiêm 0,55mg/kg cân nặng/lần, tiêm bắp cách 6 - 8 giờ/lần.
  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi: Liều tiêm cưa được xác định.

3.3. An thần trước phẫu thuật

  • Người lớn: Tiêm bắp với liều 12,5- 25mg, tiêm khoảng 1 - 2 giờ trước khi phẫu thuật;
  • Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên: Tiêm 0,55mg/kg cân nặng, tiêm bắp trước khi phẫu thuật 1 - 2 tiếng.

3.4. Điều trị nấc

  • Người lớn: Uống hoặc tiêm bắp với liều 25 - 50mg/lần, 3 - 4 lần/ngày. Nếu tiêm truyền tĩnh mạch thì dùng liều 25 - 50mg, pha loãng trong 500 - 1.000ml dung dịch tiêm natri clorid, truyền chậm với tốc độ 1ml/phút. Đồng thời, cần theo dõi huyết áp sát sao;
  • Trẻ em: Liều dùng chưa được xác định.

3.4. Ðiều trị rối loạn chuyển hóa porphyrin

  • Người lớn: Tiêm bắp với liều 25mg/lần, cách mỗi 6 - 8 giờ/lần cho tới khi người bệnh có thể điều trị bằng thuốc dùng đường uống;
  • Trẻ em: Liều dùng thuốc chưa được xác định.

3.5. Ðiều trị uốn ván

  • Người lớn: Tiêm bắp với liều 25 - 50mg/lần x 3 - 4 lần/ngày. Liều dùng có thể tăng dần nếu cần thiết. Nếu tiêm truyền tĩnh mạch thì dùng liều 25 - 50mg pha loãng tới nồng độ ít nhất 1mg/ml bằng dung dịch tiêm natri clorid, truyền với tốc độ 1ml/phút;
  • Trẻ em: Tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch với liều dùng 0,55m/kg cân nặng, cách mỗi 6 - 8 giờ/lần.

4. Trường hợp quá liều và quên liều

4.1.Quá liều

Khi dùng thuốc Aminazin 25mg quá liều, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất nếu có các biểu hiện bất thường như đau đầu, buồn nôn, nôn ói, chóng mặt,...

4.2. Quên liều

Nếu quên 1 liều, người bệnh nên bổ sung ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu đã tới thời điểm gần với liều kế tiếp thì bạn hãy bỏ qua liều đã quên, tiếp tục lịch dùng thuốc như kế hoạch.

5. Tác dụng phụ của thuốc Aminazin 25mg

Các tác dụng phụ của thuốc Aminazin 25mg bao gồm:

  • Buồn ngủ, thờ ơ, bồn chồn, lo lắng, căng thẳng;
  • Đi bộ dáng kéo lê, chuyển động bất thường, đi chậm hoặc không kiểm soát được;
  • Khó ngủ hoặc gặp khó khăn trong việc duy trì giấc ngủ;
  • Thèm ăn, tăng cân, ngực to, vú tiết sữa, mất kinh, suy giảm khả năng tình dục;
  • Thay đổi màu sắc da, sưng mũi, khô miệng, khó tiểu, co hẹp hoặc bị giãn đồng tử;
  • Cảm sốt, triệu chứng giống cúm, đau họng, ớn lạnh;
  • Cứng cơ bắp, nhầm lẫn, tim đập nhanh hoặc không đều;
  • Ra nhiều mồ hôi, vàng da hoặc vàng mắt;
  • Chảy máu bất thường hoặc bầm tím trên da, đau cổ, lưỡi nhô ra khỏi miệng;
  • Nghẹt cổ họng, khó nuốt, khó thở, co giật, không kiểm soát được cử động miệng, mặt hoặc hàm;
  • Rộp da, phát ban, nổi mề đay, ngứa da;
  • Sưng mắt, mặt, miệng, lưỡi, họng, môi, cánh tay, bàn tay, bàn chân, cẳng chân, mắt cá chân;
  • Mất thị lực (đặc biệt là vào ban đêm), nhìn thấy mọi thứ có màu nâu.

Bệnh nhân nên báo ngay cho bác sĩ nếu các tác dụng phụ trở nên nghiêm trọng để được can thiệp xử trí kịp thời.

5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Aminazin 25mg

Trước khi dùng thuốc Aminazin 25mg, người bệnh cần báo cho bác sĩ nếu:

  • Bạn bị dị ứng với các loại thuốc chlorpromazine; phenothiazine như fluphenazine, perphenazine, prochlorperazine, promethazine, thioridazine, trifluoperazine, các thuốc bạn đang dùng hoặc dự định dùng;
  • Bạn có hoặc từng có bệnh hen suyễn, khí phế thũng, nhiễm trùng phổi hoặc ống phế quản, ung thư vú, tăng nhãn áp, pheochromocytoma niệu, điện não bất thường, co giật, bệnh tim, gan, thận, yếu tố ảnh hưởng tới việc sản xuất các tế bào máu của tủy xương;
  • Bạn mắc bệnh sa sút trí tuệ, có tổn thương não: Vì các thuốc có tác dụng kháng cholinergic sẽ gây tác dụng có hại tới hệ thần kinh trung ương ở những đối tượng này;
  • Phụ nữ có thai: Dùng thuốc Aminazin 25mg hay các thuốc an thần kinh khác trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể gây những tác dụng phụ tiêu cực về thần kinh cho trẻ sơ sinh. Vì vậy, nên tránh dùng thuốc ở 3 tháng cuối thai kỳ;
  • Phụ nữ cho con bú: Vì thành phần chlorpromazine trong thuốc có thể bài tiết vào sữa mẹ, gây nguy hại cho trẻ bú mẹ nên nếu người mẹ dùng thuốc Aminazin thì nên ngừng cho con bú;
  • Người cao tuổi: Giảm liều khi dùng thuốc để giảm nguy cơ gặp các tác dụng phụ, thường chỉ dùng liều bằng 25 - 50% so với liều của người trưởng thành.

6. Tương tác thuốc Aminazin 25mg

Tương tác thuốc có thể làm giảm hiệu quả hoặc tăng tác dụng phụ của thuốc. Một số tương tác thuốc của Aminazin 25mg gồm:

  • Dùng kết hợp các phenothiazin với các thuốc gây ức chế thần kinh trung ương như thuốc chống trầm cảm ba vòng, thuốc an thần gây ngủ, rượu, các opiat, thuốc kháng histamin,... làm tăng ức chế hô hấp và tăng ức chế thần kinh trung ương;
  • Các barbiturat sẽ làm tăng chuyển hóa của chlorpromazine ở gan, làm giảm nồng độ thuốc trong huyết tương dẫn đến làm giảm hiệu quả điều trị;
  • Nếu dùng thuốc đồng thời với các thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc chống Parkinson hoặc thuốc kháng histamin có thể làm tăng các tác dụng kháng cholinergic;
  • Dùng adrenalin để điều trị chứng hạ huyết áp do các phenothiazin có thể làm hạ huyết áp thêm vì các tác dụng alpha - adrenergic của adrenalin có thể bị chẹn, chỉ còn sự kích thích beta, làm hạ huyết áp trầm trọng, gây tim đập nhanh;
  • Dùng kết hợp các thuốc chống loạn thần với thuốc chống trầm cảm 3 vòng hoặc với lithium có thể làm tăng độc tính thần kinh;
  • Dùng đồng thời các thuốc chống loạn thần và thuốc chống trầm cảm 3 vòng có thể làm giảm sự chuyển hóa, tăng độc tính của cả 2 loại thuốc.

Khi sử dụng thuốc Aminazin 25mg, người bệnh nên làm theo mọi chỉ định của bác sĩ về liều dùng, cách dùng, thời gian dùng thuốc. Nếu gặp các tác dụng phụ bất lợi, bệnh nhân nên báo cho bác sĩ ngay để được hỗ trợ, xử trí kịp thời. Đồng thời, khi dùng các thuốc khác hoặc có các vấn đề sức khỏe, người bệnh cũng cần chia sẻ với bác sĩ để tránh nguy cơ tương tác thuốc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

50.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan