Công dụng thuốc Carbadac

Thuốc Carbadac được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Carbamazepine. Thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh động kinh, cơn hưng cảm, hội chứng cai rượu,...

1. Thuốc Carbadac công dụng là gì?

1 viên thuốc Carbadac có thành phần chính là Carbamazepine hàm lượng 200mg. Carbamazepine là thuốc chống động kinh, có liên quan với các thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Carbamazepine có tác dụng chống co giật liên quan tới giảm tính kích thích nơron và chẹn synap. Ngoài ra, Carbamazepine cũng có tác dụng chống các cơn đau kịch phát ở bệnh nhân đau dây thần kinh tam thoa, người bị động kinh, người đang cai rượu. Đồng thời, Carbamazepine làm tăng ngưỡng động kinh, làm giảm nguy cơ co cứng, giảm các triệu chứng cai rượu.

Chỉ định sử dụng thuốc Carbadac:

  • Điều trị bệnh động kinh cục bộ có triệu chứng phức tạp (động kinh tâm thần vận động, động kinh thùy thái dương);
  • Điều trị cơn hưng cảm cấp, điều trị duy trì các rối loạn cảm xúc lưỡng cực nhằm phòng ngừa hoặc giảm tái phát;
  • Điều trị hội chứng cai rượu;
  • Điều trị đau dây thần kinh sinh 3 tự phát, đau dây thần kinh sinh 3 do bệnh xơ cứng rải rác;
  • Điều trị bệnh thần kinh do đái tháo đường gây đau;
  • Điều trị đái tháo nhạt trung ương, đa niệu và khát nhiều có nguồn gốc hormone thần kinh.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Carbadac:

  • Bệnh nhân quá mẫn với Carbamazepine, thuốc chống trầm cảm 3 vòng;
  • Người bệnh suy tủy;
  • Sử dụng chung với thuốc IMAO (nên ngưng dùng thuốc IMAO ít nhất 14 ngày trước đó).

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Carbadac

Cách dùng: Đường uống.

Liều dùng: Việc điều trị cần bắt đầu với liều thấp nhất, sau đó tăng từ từ cho tới khi đạt tác dụng tối đa. Khi cơn động kinh đã được kiểm soát tốt thì có thể giảm dần tới liều dùng có tác dụng thấp nhất. Có thể hữu ích nếu xác định được nồng độ của thuốc trong máu khi giữ mức liều dùng tối ưu. Trường hợp thuốc Carbadac được bổ sung cho 1 thuốc chống động kinh khác thì thuốc cần phải đưa vào dần dần trong khi điều trị duy trì hoặc nếu cần điều chỉnh lại liều dùng của loại thuốc kia.

Liều dùng cụ thể cho từng nhóm bệnh, đối tượng bệnh nhân như sau:

Điều trị động kinh:

  • Người lớn: Bắt đầu điều trị với liều dùng 100 - 200mg/lần x 1 - 2 lần/ngày, nên tăng liều dần dần tới khi đạt được liều tối đa (400mg/lần x 2 - 3 lần/ngày). Có thể dùng tới liều 1600mg/ngày hoặc thậm chí 2000mg/ngày cho một vài bệnh nhân;
  • Trẻ em: Dùng liều 10 - 20mg/kg cân nặng hằng ngày. Cụ thể:
    • Trẻ ≤ 1 tuổi: Dùng liều 100 - 200mg/ngày;
    • Trẻ 1 - 5 tuổi: Dùng liều 200 - 400mg/ngày;
    • Trẻ 6 - 10 tuổi: Dùng liều 400 - 600mg/ngày;
    • Trẻ 11 - 15 tuổi: Dùng liều 1000mg/ngày;
    • Ở trẻ dưới 4 tuổi, nên bắt đầu điều trị với liều 20 - 60mg/ngày, tăng liều từ 20 - 60mg/ngày. Với trẻ trên 4 tuổi, nên điều trị bắt đầu với liều 100mg/ngày, tăng liều 100mg/tuần. Nếu điều trị thay thế bằng viên đặt trực tràng thì liều lượng cần được tăng 25% ở mức đã đề cập ở trên, liều tối đa không quá 1000mg.

Điều trị đau dây thần kinh V:

  • Liều khởi đầu: 200 - 400mg/ngày. Cần tăng liều từ từ cho tới khi hết triệu chứng đau (thường với liều 200mg/lần x 3 - 4 lần/ngày). Sau đó, nên giảm liều thuốc Carbadac dần dần cho tới liều duy trì thấp nhất có thể;
  • Liều khởi đầu 100mg/lần x 2 lần/ngày có thể áp dụng cho người lớn tuổi.

Điều trị hội chứng cai nghiện rượu:

  • Liều trung bình: 200mg/lần x 3 - 4 lần/ngày. Trong các trường hợp nặng, nên tăng liều dùng trong những ngày đầu (tới 400mg/lần x 3 lần/ngày);
  • Bắt đầu điều trị trong các ca nặng nên phối hợp thuốc Carbamazepine với thuốc an thần/thuốc ngủ (như clomethiazol, chlordiazepoxide). Khi qua giai đoạn cấp tính, thuốc Carbamazepine được tiếp tục sử dụng đơn trị liệu.

Điều trị cơn hưng cảm và phòng ngừa trạng thái hưng - trầm cảm (rối loạn lưỡng cực):

  • Dùng liều khoảng 400 - 1600mg/ngày. Liều dùng nên là 400 - 600mg/ngày, chia làm 2 - 3 lần;
  • Nên tăng nhanh liều dùng trong cơn hưng cảm cấp tính, tăng liều ít một nếu điều trị phòng ngừa rối loạn cảm xúc lưỡng cực để đạt sự dung nạp tốt nhất.

Quên liều: Nếu quên dùng 1 liều thuốc Carbadac, người bệnh nên uống ngay khi nhớ ra. Nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bệnh nhân có thể bỏ qua liều đã quên, tiếp tục lịch dùng thuốc như kế hoạch, không cần dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã quên.

Quá liều: Khi sử dụng thuốc Carbadac quá liều, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng về thần kinh trung ương, đường hô hấp và hệ tim mạch. Cụ thể:

  • Thần kinh trung ương: Mất định hướng, buồn ngủ, ức chế thần kinh, kích động, mù màu, ảo giác, hôn mê, nói ngọng, rung giật nhãn cầu, loạn vận ngôn, trước tăng phản xạ - sau giảm phản xạ, rung giật cơ, co giật, rối loạn tâm thần vận động, hạ thân nhiệt;
  • Đường hô hấp: Phù phổi, suy hô hấp;
  • Hệ tuần hoàn: Hạ huyết áp, đôi khi tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, ngất kèm theo ngừng tim, rối loạn phức bộ QRS;
  • Hệ tiêu hóa: Giảm nhu động ruột, nôn, chậm tiết dịch dạ dày;
  • Tiết niệu - sinh dục: Thiểu niệu, bí tiểu, giữ nước, ngộ độc nước (giống tác dụng của ADH);
  • Xét nghiệm: Toan chuyển hóa, hạ natri máu, có thể tăng đường huyết, tăng creatinin phosphokinase cơ.

Hiện chưa có thuốc giải độc đặc hiệu khi sử dụng thuốc Carbamazepine quá liều. Việc xử trí ban đầu tùy theo tình trạng của từng bệnh nhân: Chuyển tới bệnh viện -> xác định nồng độ thuốc trong máu để xác minh tình trạng ngộ độc Carbamazepine và mức độ quá liều -> Hút, rửa dạ dày, dùng than hoạt tính. Người bệnh cần được chăm sóc sức khỏe đặc biệt, theo dõi chặt chẽ về tim mạch và cân bằng điện giải. Một số hướng dẫn cụ thể gồm:

  • Hạ huyết áp: Sử dụng thuốc dopamine hoặc dobutamine đường tĩnh mạch;
  • Loạn nhịp tim: Xử trí tùy theo từng trường hợp cụ thể;
  • Co giật: Sử dụng thuốc benzodiazepine (như diazepam) hoặc 1 thuốc chống động kinh khác như phenobarbital (thận trọng vì có thể làm tăng suy hô hấp) hoặc dùng paraldehyde;
  • Hạ natri máu (ngộ độc nước): Nên hạn chế đưa nước vào cơ thể và truyền chậm, thận trọng khi sử dụng dung dịch NaCl 0,9% đường tĩnh mạch. Các biện pháp này có thể hữu ích trong việc phòng ngừa nguy cơ tổn thương não. Truyền máu qua cột than, tăng bài niệu, thẩm phân máu và thẩm phân phúc mạc cũng có hiệu quả;
  • Cần lưu ý các triệu chứng tái phát hoặc nặng thêm có thể xuất hiện trong ngày thứ 2 và thứ 3 sau khi dùng thuốc quá liều do tác dụng hấp thu chậm.

3. Tác dụng phụ của thuốc Carbadac

Khi sử dụng thuốc Carbadac, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như sau:

  • Hệ thần kinh trung ương và ngoại vi:
    • Thường gặp: Chóng mặt, mệt mỏi, ngủ gà, mất điều hòa, đau đầu, rối loạn thị trường (mù màu), song thị;
    • Hiếm gặp: Cử động vô thức (loạn giữ tư thế, run, múa giật, loạn vận động miệng - mặt, máy cơ, loạn trương lực cơ), rung giật nhãn cầu;
    • Rất hiếm gặp: Rối loạn vận nhãn, viêm dây thần kinh ngoại vi, rối loạn ngôn từ (loạn vận ngôn, nói lắp), dị cảm;
  • Tâm thần: Ảo giác (thị giác, thính giác), ăn mất ngon, trầm cảm, bồn chồn, kích động, hành vi kích thích, lý lẫn, kích hoạt các rối loạn tâm thần;
  • Da:
    • Thường gặp: Phản ứng dị ứng da, nổi mày đay (có thể nặng hơn);
    • Hiếm gặp: Hội chứng lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Stevens - Johnson, viêm da tróc vảy và đỏ da;
    • Rất hiếm gặp: Phản ứng quá mẫn với ánh sáng, ban xuất huyết, nhiễm độc hoại tử biểu bì, hồng ban đa dạng và ban nổi cục, trứng cá, ngứa da, thay đổi sắc tố da, rụng tóc, đổ nhiều mồ hôi, rậm lông (nữ);
  • Máu:
    • Thường gặp: Giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin;
    • Hiếm gặp: Bệnh hạch bạch huyết, tăng bạch cầu;
    • Rất hiếm gặp: Thiếu máu bất sản tủy, thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ, mất bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản dòng hồng cầu, chứng tăng hồng cầu, cơn rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp, thiếu máu huyết tán, thiếu hụt acid folic;
  • Gan:
    • Thường gặp: Tăng GGT (do giảm enzyme gan), tăng phosphatase kiềm;
    • Hiếm gặp: Tăng transaminase, ứ mật, vàng da, viêm nhu mô tế bào gan, viêm gan hỗn hợp;
    • Rất hiếm gặp: Viêm gan u hạt;
  • Tiêu hóa:
    • Thường gặp: Buồn nôn, ói mửa, khô miệng;
    • Hiếm gặp: Tiêu chảy, táo bón;
    • Rất hiếm gặp: Đau bụng, viêm miệng, viêm lưỡi, kích thích đại tràng, phản ứng quá mẫn;
  • Quá mẫn:
    • Hiếm gặp: Quá mẫn muộn của các cơ quan với biểu hiện sốt, viêm mạch, nổi ban, bệnh hạch bạch huyết, đau khớp, rối loạn giống u lympho, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu ưa eosin, xét nghiệm ban không bình thường, gan lách to,...;
    • Rất hiếm gặp: Phản ứng phản vệ, viêm màng não vô trùng, rung giật cơ và tăng bạch cầu ưa eosin ở ngoại biên. Nên ngưng dùng thuốc nếu các triệu chứng quá mẫn này xuất hiện;
  • Tim mạch:
    • Hiếm gặp: Rối loạn dẫn truyền nhịp tim;
    • Rất hiếm gặp: Nhịp tim chậm, loạn nhịp tim, trụy mạch, block nhĩ - thất với triệu chứng ngất, hạ huyết áp hoặc tăng huyết áp, suy tim sung huyết, suy vành, bệnh huyết khối tắc mạch, viêm huyết khối tĩnh mạch;
  • Nội tiết và chuyển hóa:
    • Thường gặp: Phù, tăng cân, giữ nước, giảm natri huyết và giảm nồng độ dịch do tác dụng giống ADH, nhiễm độc nước, nôn, đau đầu, ngủ lịm, lú lẫn, các rối loạn thần kinh;
    • Hiếm gặp: Chứng vú to hoặc tiết sữa ở nam giới, xét nghiệm chức năng tuyến giáp bất thường (giảm L-thyroxine (FT4, T4, T3) và tăng TSH), rối loạn chuyển hóa ở xương, nhuyễn xương tăng cholesterol;
  • Tiết niệu - sinh dục: Viêm thận kẽ, suy thận, các dấu hiệu suy giảm chức năng thận (tiểu máu, thiểu niệu, albumin niệu, tăng ure máu BUN), tiểu rắt, bí tiểu, rối loạn tình dục/bất lực;
  • Giác quan: Rối loạn vị giác, ù tai, viêm kết mạc, đục thủy tinh thể, hạ thấp ngưỡng nghe;
  • Cơ xương: Chuột rút, đau cơ, đau khớp;
  • Hô hấp: Quá mẫn ở phổi với biểu hiện khó thở, sốt, viêm phổi khu trú/viêm phổi.

Khi gặp bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc Carbadac, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ để nhận được sự tư vấn về cách xử trí, ứng phó sao cho phù hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Carbadac

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Carbadac:

  • Thận trọng khi dùng thuốc Carbadac ở bệnh nhân tăng nhãn áp, suy tim, suy gan và suy thận;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Carbadac ở trẻ dưới 6 tuổi;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Carbadac ở phụ nữ có thai và đang cho con bú, người lái xe hoặc vận hành máy móc;
  • Tránh dùng đồng thời thuốc Carbadac với thuốc ức chế IMAO. Ít nhất phải sau 14 ngày ngừng điều trị IMAO thì bệnh nhân mới được sử dụng Carbamazepine;
  • Thận trọng khi ngưng liệu pháp Carbamazepine ở bệnh nhân động kinh;
  • Không nên ăn bưởi hoặc uống nước ép bưởi trong thời gian dùng thuốc Carbadac.

5. Tương tác thuốc Carbadac

Thuốc Carbadac có thể tương tác với các loại thuốc khác, dẫn tới làm ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của thuốc hoặc gây gia tăng tác dụng phụ,... Một số tương tác thuốc của Carbadac gồm:

  • Do tác động tới hệ enzyme gan mono-oxygenase nên thuốc Carbamazepine có thể làm hạ thấp nồng độ hoặc làm mất tác dụng của một số loại thuốc chuyển hóa qua hệ này. Do đó, có thể cần thay đổi liều lượng của các loại thuốc dưới đây để phù hợp với các yêu cầu về lâm sàng: Clobazam, clonazepam, ethosuximide, acid valproic, primidone, alprazolam; corticosteroid (như prednisolone, dexamethasone); thuốc tránh thai đường uống (cần lựa chọn các phương pháp tránh thai thích hợp); cyclosporin, doxycycline, felodipine, digoxin, haloperidol, imipramine, methadone; theophylline; thuốc chống đông đường uống (phenprocoumon, warfarin, dicoumarol);
  • Thuốc Carbamazepine có thể làm tăng và giảm nồng độ của mephenytoin;
  • Các thuốc có thể làm tăng nồng độ của Carbamazepine gồm: Erythromycin, troleandomycin, josamycin, isoniazid, fluoxetine,verapamil, diltiazem, dextropropoxyphene, viloxazine, danazol, cimetidin, acetazolamide, desipramine và nicotinamide (ở người lớn, và chỉ với liều cao). Tình trạng tăng nồng độ của Carbamazepine trong máu có thể dẫn tới các phản ứng phụ như mất điều hòa, choáng váng, ngủ gà, song thị,... nên cần điều chỉnh liều dùng thuốc Carbadac cho phù hợp hoặc theo dõi nồng độ thuốc trong máu;
  • Tăng khả năng nhiễm độc gan do isoniazid nếu dùng kết hợp Carbamazepine với isoniazid;
  • Sử dụng phối hợp Carbamazepine với lithium, metoclopramide hoặc với các thuốc an thần kinh (như haloperidol, thioridazine) có thể làm gia tăng các phản ứng về thần kinh;
  • Nồng độ thuốc Carbamazepine có thể bị giảm do phenytoin, primidone, phenobarbital, progabide, theophylline và có thể do clonazepam, acid valproic, valpromide. Có thể điều chỉnh liều dùng thuốc Carbamazepine nếu cần thiết;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Carbamazepine với các thuốc lợi tiểu như hydrochlorothiazide, furosemide có thể dẫn tới giảm natri huyết;
  • Thuốc Carbamazepine có thể có tác dụng đối kháng với các thuốc giãn cơ không gây khử cực như pancuronium. Do đó, có thể cần dùng các thuốc này với liều cao hơn, kết hợp với theo dõi chặt chẽ sức khỏe của bệnh nhân;
  • Thuốc Isotretinoin có thể làm thay đổi sinh khả dụng và sự thanh thải của Carbamazepine. Nên theo dõi nồng độ Carbamazepine khi phối hợp sử dụng với Isotretinoin;
  • Thuốc Carbamazepine có thể làm giảm sự dung nạp rượu nên bệnh nhân không nên uống rượu trong quá trình dùng thuốc.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Carbadac, người bệnh cần dùng thuốc đúng theo mọi hướng dẫn của bác sĩ. Bệnh nhân không được tự ý thay đổi liều dùng, thời gian dùng, cách dùng thuốc,... khi chưa được bác sĩ cho phép để tránh gặp phải những phản ứng bất lợi nguy hiểm.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

51 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan