Công dụng thuốc Clacef

Thuốc Clacef được bào chế dưới dạng bột pha tiêm với thành phần chính là Cefotaxime. Thuốc được sử dụng trong điều trị trong điều trị một số bệnh nhiễm trùng.

1. Clacef là thuốc gì?

Trong mỗi lọ thuốc bột pha tiêm Clacef có chứa Cefotaxim sodium tương đương với 1g Cefotaxim. Cefotaxim là một loại kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 ức chế sinh tổng hợp mucopeptide ở màng tế bào vi khuẩn. Cefotaxim có phổ kháng khuẩn rộng, bao gồm các vi khuẩn gram dương, vi khuẩn gram âm và vi khuẩn yếm khí.

Chỉ định: Thuốc Clacef được sử dụng để điều trị các loại nhiễm trùng gây ra bởi những chủng vi khuẩn nhạy cảm như:

  • Nhiễm trùng da và mô mềm;
  • Nhiễm trùng đường hô hấp dưới (bao gồm pneumonia);
  • Nhiễm trùng xương và khớp;
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu;
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa;
  • Nhiễm trùng cơ quan sinh dục;
  • Nhiễm trùng huyết;
  • Viêm màng não;
  • Ở những trường hợp nặng, nhiễm trùng có thể đe dọa đến tính mạng, có thể chỉ định phối hợp Cefotaxim và các loại kháng sinh nhóm aminoglycosides mà không cần phải chờ kết quả kháng sinh đồ. 2 loại kháng sinh này nên được sử dụng riêng biệt, không nên dùng chung trong cùng 1 bơm tiêm.

Chống chỉ định: Không sử dụng thuốc Clacef cho những người bệnh mẫn cảm với kháng sinh nhóm cephalosporin; có thể xảy ra phản ứng chéo với những người bệnh dị ứng với penicillin.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Clacef

Cách dùng: Sử dụng thuốc Clacef bằng cách tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch.

Chuẩn bị dung dịch tiêm Cefotaxim: Tiêm tĩnh mạch hay tiêm bắp, hòa tan trong 4ml nước cất để tiêm. Để giảm đau khi tiêm bắp, có thể thực hiện hòa thuốc Clacef 1g với 4ml dung dịch Lidocain 1%. Nên sử dụng đường tiêm tĩnh mạch nếu liều hàng ngày > 2g hoặc liều 1g Clacef tiêm trên 2 lần/ngày.

Liều dùng:

Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên:

  • Liều thông thường: 1g mỗi 12h. Với những loại nhiễm trùng trung bình hay nặng: Dùng liều 1 - 2g mỗi 6 - 8 giờ. Những loại nhiễm trùng nặng và đe dọa đến tính mạng: Dùng liều 2g mỗi 4h. Chú ý liều tối đa hằng ngày là 12g;
  • Phòng ngừa nhiễm trùng trong phẫu thuật: Dùng liều 1g tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch trong vòng 30 - 90 phút trước khi tiến hành phẫu thuật;
  • Phẫu thuật mổ lấy thai: Dùng liều 1g tiêm tĩnh mạch ngay khi dây rốn được kép, sau đó sử dụng thêm 1g tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch trong khoảng thời gian 6 - 12 giờ sau liều đầu tiên;
  • Bệnh lậu: Dùng liều duy nhất 1g tiêm bắp. Đối với nhiễm trùng lậu cầu không xảy ra biến chứng: Dùng liều 2g (1g trong mỗi 12h tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp) hoặc 1g Cefotaxim liều duy nhất tiêm bắp. Đối với nhiễm trùng mức độ trung bình đến nặng: Dùng liều 3 - 6g (1 - 2g trong mỗi 8h tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp). Một vài nhiễm trùng đòi hỏi liều cao có thể dùng liều 6 - 8g (2g trong mỗi 6 - 8 giờ và tiêm tĩnh mạch). Đối với nhiễm trùng đe dọa đến tính mạng: Có thể dùng liều đến 12g (2g trong mỗi 4 giờ và tiêm tĩnh mạch);
  • Đối với những loại vi khuẩn kém nhạy cảm: Liều sử dụng có thể được tăng lên;
  • Người bệnh nên được tiến hành kiểm tra giang mai trước khi sử dụng cefotaxim;

Trẻ em:

  • Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 12 tuổi: Có thể sử dụng 50 - 100 mg/kg cân nặng/ngày, nên chia đều nhiều lần từ 6 - 12h;
  • Nhiễm trùng nặng đe dọa đến tính mạng: Liều hằng ngày có thể sử dụng là 150 - 200 mg/kg cân nặng;
  • Liều hàng ngày ở trẻ trên 12 tuổi: Không nên sử dụng quá 50 mg/kg cân nặng vì độ thanh thải của thận ở đối tượng này chưa phát triển hoàn toàn;

Bệnh nhân suy giảm chức năng thận:

  • Độ thanh thải Creatinin ≥ 20 ml/phút/1,73m2: Không cần thiết phải điều chỉnh liều;
  • Độ thanh thải Creatinin < 20 ml/phút/ 1,73m2: Cần giảm liều bằng 1⁄2 liều bình thường, và việc sử dụng thuốc phụ thuộc vào mức độ suy giảm chức năng thận;
  • Đang trong quá trình thẩm phân máu: Dùng liều 0,5 - 2g hằng ngày như liều duy nhất và liều tiếp theo được sử dụng sau mỗi lần thẩm phân.

Thời gian điều trị: Thời gian điều trị bằng thuốc Clacef phụ thuộc vào từng loại nhiễm trùng. Nhìn chung, việc điều trị nên kéo dài thêm từ 48 - 72 giờ sau khi hết nhiễm trùng hoặc sốt. Đối với nhiễm trùng do Beta - haemolytic streptococcus nhóm A, việc điều trị cần phải được tiếp tục duy trì thêm 10 ngày để giảm nguy cơ bệnh thấp cấp tính hoặc viêm thận tiểu cầu.

Quá liều: Khi gặp quá liều thuốc Clacef, ngoài việc ngừng thuốc thì cần phải thực hiện các phương pháp để tăng thải trừ thuốc. Cefotaxim có thể thẩm tách khỏi máu.

  • Triệu chứng quá liều thuốc Clacef: Nếu sử dụng liều rất cao, tình trạng kích thích hệ thần kinh trung ương có thể xảy ra như chứng giật rung cơ và chuột rút có thể xảy ra. Nguy cơ xuất hiện những biểu hiện không mong muốn này tăng ở người bệnh suy thận nặng, viêm màng não hoặc động kinh;
  • Các biện pháp cấp cứu: Chứng chuột rút do thần kinh trung ương có thể xử lý bằng diazepam hoặc phenobarbital, tuy nhiên không sử dụng phenytoin. Với các phản ứng sốc phản vệ thì có thể áp dụng các biện pháp cấp cứu.

Lưu ý: Cần tuân thủ nghiêm ngặt liều dùng đối với từng đối tượng cụ thể, không được tự ý tăng liều hay giảm liều mà không có ý kiến tư vấn từ bác sĩ chuyên môn bởi điều này có thể làm gia tăng nguy cơ phát sinh nhiều sự cố khó lường.

3. Tác dụng phụ của thuốc Clacef

Trong quá trình sử dụng thuốc Clacef, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

  • Tiêu hóa: Chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy và viêm kết tràng. Có thể xảy ra hiện tượng viêm ruột khi sử dụng Cefotaxim. Khi đó, người bệnh cần phải dừng việc dùng thuốc ngay và áp dụng các biện pháp cần thiết khác. Cần tránh sử dụng các thuốc có thể làm tăng nhu động ruột;
  • Thay đổi trên hệ tạo máu: Giảm bạch cầu hạt, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu ưa acid. Nếu điều trị trên 10 ngày, bệnh nhân cần được thực hiện xét nghiệm công thức máu;
  • Phản ứng tăng nhạy cảm: Ngứa (đỏ da hoặc mẩn), giảm bạch cầu ưa acid, sốt. Viêm ống thận, các phản ứng sốc phản vệ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp đó, cần cấp cứu khẩn cấp;
  • Tác dụng tại chỗ: Sử dụng tiêm tĩnh mạch có thể gây viêm tĩnh mạch huyết khối và viêm tĩnh mạch mô mềm. Tiêm bắp có thể gây ra đau tại chỗ và viêm cơ tại vị trí tiêm;
  • Tác dụng trên thận: Tăng creatine và ure huyết, tăng alanine aminopeptidase nước tiểu (dấu hiệu nhận biết ống thận tổn thương);
  • Một số tác dụng phụ khác: Tăng SGPT, SGOT, LDH, bilirubin và photphat kiềm máu;
  • Thần kinh: Kích thích, lẫn lộn, đau đầu, mệt mỏi, ra mồ hôi vào buổi đêm,...

Bạn cần thông báo cho các bác sĩ chuyên môn biết về các tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Clacef để được hướng dẫn xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Clacef

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi sử dụng thuốc Clacef như sau:

  • Tương tự các kháng sinh nhóm cephalosporin khác, Cefotaxim có thể gây ra phản ứng dị ứng;
  • Việc điều trị kéo dài có thể dẫn đến sự phát triển của những loại vi sinh vật không nhạy cảm với Cefotaxim, đặc biệt là Pseudomonas và nấm Candida. Tình trạng viêm âm hộ và âm đạo cũng được ghi nhận ở một số bệnh nhân;
  • Trong quá trình điều trị bằng Cefotaxim, có thể có một vài chủng kháng lại cefotaxim, đặc biệt là Enterobacter, Serratia, Pseudomonas. Nếu bội nhiễm xảy ra thì cần áp dụng liệu pháp điều trị thích hợp;
  • Cefotaxim có thể gây viêm kết tràng nếu sử dụng cho người bệnh có tiền sử rối loạn tiêu hóa;
  • Như các loại kháng sinh nhóm cephalosporin khác, Cefotaxim có thể gây ra kết quả dương tính giả với xét nghiệm glucose nước tiểu, gây tăng creatinin trong máu, test globulin dương tính;
  • Nên kiểm tra chức năng thận nếu phối hợp Cefotaxim với kháng sinh nhóm aminoglycoside;
  • Sử dụng cho trẻ em: Nếu cần dùng liều lớn hơn thì dùng liều 2g để truyền; với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trẻ em sử dụng 0,5g truyền;
  • Trong lọ thuốc của nhà sản xuất, dung dịch duy trì sự ổn định đặc tính lý hóa trong vòng 19h ở nhiệt độ phòng thông thường (hay 14 ngày ở nhiệt độ < 5°C). Dung dịch nên sử dụng ngay sau khi pha; màu của dung dịch có thể là vàng nhạt hay hơi đỏ (màu phụ thuộc vào nồng độ và thời gian bảo quản). Sự thay đổi màu sắc cho thấy công dụng của thuốc có thể bị giảm đi;
  • Thời kỳ mang thai: Tính an toàn của thuốc Clacef với người mang thai hiện chưa được xác định. Thuốc có thể đi qua nhau thai trong 3 tháng giữa thai kỳ. Do đó, tốt nhất không nên sử dụng thuốc Clacef ở bà mẹ mang thai, trừ khi lợi ích lớn hơn nguy cơ và đã được bác sĩ cho phép;
  • Thời kỳ cho con bú: Có thể sử dụng Cefotaxim đối với người cho con bú nhưng cần phải quan tâm khi trẻ bị ỉa chảy, nổi ban, tưa, nếu tránh sử dụng được thì càng tốt. Cefotaxim có trong sữa mẹ ở nồng độ thấp. Tuy nồng độ của thuốc Clacef trong sữa thấp nhưng vẫn có 3 vấn đề được đặt ra đối với trẻ đang bú là: Tác dụng trực tiếp lên trẻ, làm thay đổi vi khuẩn chí đường ruột và ảnh hưởng đến kết quả nuôi cấy vi khuẩn khi trẻ bị sốt;
  • Ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc: Hiện không có các bằng chứng chứng minh Cefotaxim làm suy giảm khả năng vận hành máy móc và lái xe. Liều sử dụng Cao cefotaxim, đặc biệt là ở người bệnh suy thận có thể gây ra các loại bệnh về não (như co giật bất thường, suy giảm nhận thức, vận động). Người bệnh không nên lái xe hay vận hành máy móc nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra để bảo đảm an toàn.

5. Tương tác thuốc Clacef

Một số tương tác thuốc Clacef mà người dùng cần chú ý là:

  • Sử dụng phối hợp các loại kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin như Clacef với colistin (kháng sinh polymyxin) có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận;
  • Bệnh nhân bị suy thận có thể mắc bệnh về não và bị cơn động kinh cục bộ nếu sử dụng Cefotaxim đồng thời với azlocillin;
  • Sử dụng đồng thời Cefotaxim và các ureido - penicillin (azlocillin hay mezlocillin) sẽ làm giảm độ thanh thải Cefotaxim ở bệnh nhân có chức năng thận bình thường cũng như ở bệnh nhân bị suy thận. Cần phải giảm liều Cefotaxim nếu sử dụng phối hợp các loại thuốc đó;
  • Cefotaxim được ghi nhận làm tăng tác dụng gây độc đối với thận của cyclosporin

Trong quá trình sử dụng thuốc Clacef, bệnh nhân và người nhà cần đặc biệt lưu ý lắng nghe các chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để đạt được hiệu quả trị liệu cao, hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

41 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Gramotax
    Công dụng thuốc Gramotax

    Gramotax thuộc nhóm thuốc trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm, được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng máu, nhiễm trùng xương khớp, nhiễm khuẩn da, mô mềm, dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật,... ...

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp hỗ trợ điều trị và dự phòng xơ vữa động mạch

    Nattokinase trong sản phẩm vừa có tác dụng phân giải cục máu đông, vừa có tác dụng kích hoạt các enzyme

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Nawotax
    Công dụng thuốc Nawotax

    Nawotax chứa thành phần chính là Cefotaxime, một kháng sinh cephalosporin đường tiêm thế hệ 3 diệt khuẩn phổ rộng. Cùng tìm hiểu cách dùng và thuốc nawotax 1g có tác dụng gì qua bài viết dưới đây.

    Đọc thêm
  • fabaclinc
    Công dụng thuốc Fabaclinc

    Thuốc Fabaclinc với thành phần chính là Clindamycin, thuộc nhóm thuốc điều trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn, kháng virus, kháng nấm. Vậy thuốc Fabaclin là gì và liều dùng thuốc như nào? Tìm hiểu thêm thông tin về ...

    Đọc thêm
  • loviza 500
    Công dụng thuốc Loviza 500

    Loviza 500 với thành phần chính là levofloxacin với phổ tác dụng rộng được sử dụng để tiêm truyền tĩnh mạch trong những trường hợp nhiễm khuẩn. Vậy thuốc Loviza 500 là thuốc gì? Thuốc Loviza 500 có tác dụng ...

    Đọc thêm
  • Công dụng thuốc Bigunat
    Công dụng thuốc Bigunat

    Bigunat với thành phần chủ yếu là Cefotaxime là một loại kháng sinh được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra như bệnh nhiễm trùng khớp, bệnh viêm vùng chậu, viêm màng não,... ...

    Đọc thêm