Công dụng thuốc Gabator 300

Thuốc Gabator 300 được bào chế dưới dạng viên nén với thành phần chính là Gabapentin. Thuốc Gabator 300 được sử dụng trong điều trị bệnh động kinh.

1. Thuốc Gabator 300 có công dụng là gì?

1 viên thuốc Gabator 300 có chứa 300mg Gabapentin USD và các tá dược (Lactose khan, talc, tinh bột khô).

Cơ chế chính xác của gabapentin hiện vẫn chưa rõ ràng. Chất này có cấu trúc tương tự chất dẫn truyền thần kinh GABA nhưng có cơ chế tác động khác với một số thuốc tương tác với synapse GABA. Ở các thử nghiệm với gabapentin gắn chất phóng xạ, thuốc này có thể định rõ vị trí liên kết petid mới ở mô não của chuột bao gồm hồi hải mã và tân vỏ não có liên quan đến hoạt tính chống động kinh của thuốc gabapentin và các dẫn chất có cấu trúc của nó.

Chỉ định: Thuốc Gabator 300 được sử dụng trong điều trị chứng động kinh.

Chống chỉ định: Bệnh nhân quá mẫn, dị ứng với bất cứ thành phần, tá dược nào của thuốc.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Gabator 300

Cách dùng: Sử dụng thuốc Gabator 300 bằng cách uống trực tiếp. Gabapentin có thể sử dụng cùng hoặc không cùng với thức ăn đều được

Liều dùng:

Đối với đau thần kinh:

  • Ở người lớn (độ tuổi từ 18 trở lên):
    • Liều chuẩn tối đa của thuốc Gabator 300 là 1800mg/ngày;
    • Chuẩn liều có thể tăng nhanh và kết thúc trong một vài ngày với liều 300mg/lần/ngày vào ngày thứ nhất, 300mg/lần x 2 lần/ngày ở ngày thứ hai và 300mg/lần x 3 lần/ngày vào ngày thứ ba;
    • Liều dùng sau đó có thể tăng lên 300mg/ngày chia thành 3 lần và liều tối đa lên đến 1800mg/ngày. Không nhất thiết phải chia đều liều dùng giữa mỗi lần;
    • Không cần phải thực hiện kiểm tra nồng độ gabapentin trong huyết tương để đánh giá hiệu quả điều trị của gabapentin. Khoảng cách tối đa giữa các liều sử dụng trong ngày là không quá 12 giờ;
  • Ở người già: Cần lưu ý điều chỉnh liều dùng do chức năng thận ở đối tượng này suy giảm.

Đối với bệnh động kinh:

  • Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên:
    • Hiệu quả chống động kinh của thuốc Gabator 300 phát huy tốt ở liều 900 - 1200mg/ngày;
    • Không nhất thiết phải kiểm tra nồng độ gabapentin trong huyết tương để đánh giá hiệu quả điều trị của gabapentin;
    • Hiệu quả của liều phát huy khá nhanh chóng sau một vài ngày với liều 300mg/lần/ngày vào ngày thứ nhất, 300mg/lần x 2 lần/ngày ở ngày thứ hai và 300mg/lần x 3 lần/ngày vào ngày thứ ba;
    • Sau đó, có thể tăng liều lên 300mg/ngày, chia đều và tăng tối đa lên mức 2400mg/ngày, khoảng cách tối đa giữa các liều trong ngày là không quá 12 giờ;
    • Nếu muốn ngừng dùng gabapentin hoặc điều trị thay thế bằng một loại thuốc chống động kinh khác thì nên dừng sử dụng dần với thời gian ít nhất trong 1 tuần;
  • Ở người già: Cần lưu ý phải điều chỉnh liều do chức năng thận bị suy giảm;
  • Trẻ em 6 - 12 tuổi: Liều dùng là 25 - 35mg/kg/ngày, chia thành các liều nhỏ với tần suất 3 lần/ngày. Hiệu quả liều dùng phát huy trong khoảng 3 ngày với liều 10mg/kg/ngày vào ngày đầu tiên, 20mg/kg/ngày ở ngày thứ hai và 25 - 35mg/kg/ngày ở ngày thứ ba;
  • Bệnh nhân suy thận: Thực hiện điều chỉnh liều dùng ở người bệnh suy thận dựa trên độ thanh thải thận. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để dùng thuốc an toàn và hiệu quả.

Quá liều:

  • Độc tính có thể ảnh hưởng đến tính mạng hiện không được quan sát thấy khi dùng quá liều gabapentin lên đến 49g;
  • Triệu chứng quá liều thuốc Gabator 300 bao gồm: Nhìn đôi, hoa mắt, ngủ lơ mơ, nói lung tung, tiêu chảy nhẹ tất cả đều sẽ hồi phục sau khi được điều trị;
  • Dù có thể được thải trừ bằng phương pháp thẩm tách nhưng điều này cũng không cần thiết. Ở người bệnh suy thận, việc thẩm tách khi quá liều thuốc Gabator 300 có thể được chỉ định.

Cần sử dụng thuốc Gabator 300 đúng với liều theo đối tượng được hướng dẫn, không được tự ý tăng hoặc giảm liều nếu không được bác sĩ chuyên môn chỉ định để tránh gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm.

3. Tác dụng phụ của thuốc Gabator 300

Trong quá trình sử dụng thuốc Gabator 300, bệnh nhân có thể gặp một số tác dụng phụ như:

  • Toàn thân:
    • Thường gặp: Khó chịu, phù mặt, suy nhược;
    • Ít gặp: Phù, dị ứng, cảm thấy lạnh, giảm cân;
    • Hiếm gặp: Uể oải, không dung nạp các chất chứa cồn, cồn cào, thay đổi tình cảm;
  • Tim mạch:
    • Thường gặp: Hiện tượng tăng huyết áp;
    • Ít gặp: Co thắt, giảm huyết áp, nhịp tim chậm, nhịp tim nhanh, rối loạn mạch ngoại vi, hay kêu ca, đau đầu;
    • Hiếm gặp: Suy tim, rung tâm nhĩ, huyết khối sâu, nhồi máu cơ tim, nghẽn mạch máu phổi, tai biến mạch máu não, não thất tâm thu ngoài, co tâm nhĩ sớm, nhịp tim chậm, trụy tim, tắc phổi, tăng lipid máu, tràn dịch ngoài màng tim, viêm ngoài màng tim, tăng cholesterol máu;
  • Tiêu hóa:
    • Thường gặp: Biến ăn, viêm lợi, đầy hơi;
    • Ít gặp: Chảy máu lợi, viêm lưỡi, viêm miệng, khát xuất huyết, viêm dạ dày ruột, tăng tiết nước bọt, bệnh trĩ, táo bón, đi ngoài ra máu, bệnh gan;
    • Hiếm gặp: Ợ hơi, khó nuốt, tăng tiết dịch tụy, viêm ruột kết chảy máu, loét dạ dày, xỉn răng, chảy máu miệng, perlPche, chảy máu môi, phình tuyến nước bọt, trào ngược thực quản, sa ruột, hội chứng kích thích dạ dày ruột, viêm ruột thẳng, co thắt thực quản, xuất huyết trực tràng;
  • Nội tiết:
    • Hiếm gặp: Giảm hoạt động tuyến giáp, tăng tuyến giáp, giảm estrogen, bướu cổ, suy giảm buồng trứng hoặc mào tinh hoàn, rối loạn hormone, phình to tinh hoàn;
  • Hệ huyết học và bạch huyết:
    • Thường gặp: Ban xuất huyết thường được mô tả kiểu như là vết bầm tím kết quả của các chấn thương vật lý;
    • Ít gặp: Giảm tiểu cầu, thiếu máu, giảm bạch cầu trung tính;
    • Hiếm gặp: Tăng tế bào bạch cầu, tăng đếm WBC, tăng non-Hodgkin’s lymphoma, tăng thời gian chảy máu;
  • Hệ cơ xương:
    • Thường gặp: Đau xương;
    • Ít gặp: Viêm khớp, bong gân, sưng khớp, cứng khớp, test thử kết quả dương tính với Romberg;
    • Hiếm gặp: Co cơ, viêm dịch khớp, chứng loãng xương;
  • Hệ thần kinh:
    • Thường gặp: Tăng kiềm, dị cảm, chóng mặt, tăng phản xạ, tăng hoặc không có phản xạ, thái độ thù địch, lo lắng;
    • Ít gặp: Ngất, ác mộng, u hệ thần kinh, chứng mất ngôn ngữ, xuất huyết nội sọ, tăng cảm giác, rối loạn cảm xúc, nhược trương, liệt nửa người, liệt mặt, rối loạn chức năng tiểu não, ngẩn ngơ, giảm cảm giác vị trí, tụ máu dưới khối u màng cứng, Babinski dương tính, kích động, mất nhân cách, hoang tưởng, hưng phấn, đa nghi, lo âu, muốn tự tử, loạn tâm thần;
    • Hiếm gặp: Rối loạn vận động, múa giật rung, bệnh não, rối loạn nhân cách, liệt thần kinh, tăng ham muốn tình dục, viêm màng não, tăng/giảm cảm xúc, cuồng loạn, chống đối xã hội, tự tử;
  • Hệ hô hấp:
    • Thường gặp: Viêm phổi;
    • Ít gặp: Khó thở, chảy máu cam, dừng thở;
    • Hiếm gặp: Viêm phổi, tắc thông khí, nấc, viêm niêm mạc, viêm thanh quản, tắc mũi, co thắt phế quản, tắc mũi, phù phổi, thở quá chậm;
  • Da:
    • Thường gặp: Khô da, eczema, rụng tóc, nổi mề đay, tăng tiết mồ hôi, rậm lông, u nang, tăng tiết bã nhờn, herpes;
    • Hiếm gặp: Đổi màu da, herpes zoster, tăng phản ứng mẫn cảm với ánh sáng, da mọc mụn, rụng tóc, loét chân, tróc da, bệnh vảy nến, ướt da, bệnh hắc tố, hạch dưới da, hoại tử da, sưng tại chỗ;
  • Hệ niệu sinh dục:
    • Ít gặp: Chứng khó đi tiểu, đi tiểu ra máu, đi tiểu thường xuyên, niệu duy trì, viêm bàng quang niệu, tiểu không tự chủ, vô kinh, xuất huyết âm đạo, đau bụng kinh, chứng rong kinh, không đạt được cao trào, ung thư vú, xuất tinh bất thường;
    • Hiếm gặp: Sỏi thận, đau thận, ngứa bộ phận sinh dục, khó tiểu, suy thận cấp, bệnh đái đường, đi tiểu khẩn cấp, đái mủ, đau âm đạo, đau tinh hoàn, đau vú;
  • Các giác quan:
    • Thường gặp: Tầm nhìn bất thường;
    • Ít gặp: Viêm kết mạc, đục thủy tinh thể, đau mắt, khô mắt, khuyết tật trường thị giác, sa mi mắt 1 hoặc cả 2 bên, sợ ánh sáng, viêm tuyến bã nhờn, chảy máu mắt, đau tai, ù tai, nghe kém, viêm tai giữa, nhiễm trùng trong tai, mất vị giác, vị giác bất thường, co giật mắt;
    • Hiếm gặp: Ngứa mắt, khó chịu, mất tập trung thị giác, nhạy cảm với tiếng ồn, chảy nước mắt, viêm mống mắt, rối loạn giác mạc, tăng nhãn áp, bệnh võng mạc, rối loạn chức năng tuyến lệ, mù mắt, võng mạc, thay đổi thoái hóa mắt, thu hẹp đồng tử, lác, rối loạn tai trong, viêm tai giữa, rối loạn chức năng ống Eustachian.

Bệnh nhân cần thông báo cho các bác sĩ biết về những tác dụng phụ khi dùng thuốc Gabator 300, nhất là đối với các triệu chứng nặng để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Gabator 300

Một số điều bệnh nhân cần lưu ý trước và trong khi dùng thuốc Gabator 300 là:

  • Người bệnh cần được hướng dẫn sử dụng gabapentin theo chỉ định. Họ cũng cần được biết là thuốc Gabator 300 có thể gây ngủ lơ mơ, chóng mặt và một số dấu hiệu cũng như triệu chứng suy giảm hệ thần kinh trung ương. Do đó, không nên vận hành máy móc hoặc lái xe cho tới khi trở lại trạng thái bình thường;
  • Nồng độ của thuốc gabapentin có thể tăng ở những người bệnh cần phải kết hợp điều trị với morphine. Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu suy giảm hệ thần kinh như ngủ lơ mà và cần giảm liều phù hợp;
  • Có thể kết hợp gabapentin với các loại thuốc chống động kinh khác mà không cần quan tâm đến sự thay đổi nồng độ của gabapentin trong máu hay của các loại thuốc chống động kinh khác;
  • Mặc dù hiện không có số liệu về các cơn động kinh bùng phát với gabapentin nhưng việc dừng đột ngột các loại thuốc chống co giật ở người bệnh động kinh có thể làm xuất hiện các cơn động kinh liên tục (trạng thái động kinh). Khi có chỉ định của bác sĩ chuyên môn cần phải giảm liều, dừng hoặc sử dụng một thuốc chống động kinh khác thay thế thì việc này được thực hiện trong khoảng thời gian ít nhất là 1 tuần;
  • Gabapentin không có hiệu quả trong việc điều trị các cơn động kinh vắng ý thức. Người bệnh sử dụng gabapentin là những người bị rối loạn trạng thái và hành vi. Cần lưu ý tới những bệnh nhân này;
  • Nên thận trọng khi sử dụng gabapentin ở người bệnh có tiền sử về thần kinh, khi khởi đầu liều điều trị cần lưu ý phải báo cáo ở từng giai đoạn. Hầu hết các triệu chứng sẽ hết khi ngừng sử dụng hoặc giảm liều dùng gabapentin;
  • Các ảnh hưởng đến hệ thần kinh của thuốc gabapentin đối với bệnh nhi 3 - 12 tuổi bị động kinh: Một số tác dụng phụ có thể xảy ra đối với hệ thần kinh trung ương ở đối tượng này như dễ bị xúc động (các vấn đề về mặt hành vi); thái độ thù địch, bao gồm cả hiện tượng quá khích; rối loạn ý thức, bao gồm các vấn đề về mặt tập trung và thay đổi hành vi học đường và chứng tăng động. Các phản ứng này đều tập trung ở mức nhẹ đến vừa;
  • Tai biến, tình trạng động kinh: Không nên ngừng điều trị đột ngột đối với các loại thuốc động kinh do khả năng làm tăng nguy cơ tai biến. Thuốc gabapentin có liên quan đến tình trạng động kinh với tỷ lệ cao hơn hoặc thấp hơn ở nhóm người bệnh bị động kinh không điều trị với gabapentin;
  • Thời kỳ mang thai: Tính an toàn khi dùng thuốc Gabator 300 cho phụ nữ có thai hiện vẫn chưa được xác định. Các nghiên cứu trên chuột cống, chuột cái hay thỏ với liều gấp 50, 30 và 25 lần liều hàng ngày ở người (3600mg) không cho thấy có bằng chứng suy giảm khả năng sinh sản hoặc ảnh hưởng đến bào thai khi sử dụng gabapentin. Tuy nhiên, các nghiên cứu này không tiên đoán được đáp ứng trên người nên chỉ sử dụng thuốc Gabator 300 ở phụ nữ mang thai khi thật sự cần thiết;
  • Thời kỳ cho con bú: Gabapentin có tiết vào sữa mẹ nhưng chưa rõ có tác động đến trẻ nhỏ hay không. Có khả năng xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng của thuốc Gabator 300 đến trẻ nhỏ. Do vậy, cần cân nhắc giữa nguy cơ cũng như lợi ích để quyết định có nên sử dụng thuốc Gabator 300 ở bà mẹ cho con bú hay không;
  • Trẻ nhỏ: Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của gabapentin trong bệnh đau dây thần kinh ở trẻ nhỏ. Bên cạnh đó, hiện chưa xác định được tính an toàn trong hỗ trợ điều trị tai biến mạch máu não ở trẻ dưới 3 tuổi từng bị động kinh cục bộ;
  • Người già: Nên thận trọng trong việc sử dụng thuốc Gabator 300 cho người già, nên bắt đầu từ liều thấp. Ngoài ra, hầu hết người già đều suy giảm chức năng thận nên cần thận trọng khi chọn lựa liều dùng và điều chỉnh liều phụ thuộc vào độ thanh thải creatinin ở những người bệnh này.

5. Tương tác thuốc Gabator 300

Tương tác thuốc có ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị của một vài loại thuốc, tác động tới các tác dụng phụ. Một số tương tác thuốc Gabator 300 bệnh nhân cần lưu ý gồm:

  • Gabapentin không được chuyển hóa và không can thiệp vào sự chuyển hóa của các thuốc chống động kinh kết hợp thông thường;
  • Gabapentin không ảnh hưởng đến nồng độ của huyết tương đáy ở trạng thái ổn định của phenytoin và phenytoin cũng không gây ảnh hưởng đến dược động học của gabapentin;
  • Nồng độ huyết tương đáy ở trạng thái ổn định của carbamazepine và carbamazepine 10, epoxide 11 không bị ảnh hưởng khi kết hợp sử dụng với gabapentin. Ngược lại, ảnh hưởng dược động học của gabapentin không bị thay đổi bởi carbamazepine;
  • Nồng độ đáy trung bình trong huyết thanh của valproic acid ở trạng thái ổn định không khác nhau ở trước và trong quá trình điều trị kết hợp với gabapentin; ngược lại gabapentin cũng không bị ảnh hưởng bởi valproic acid;
  • Thông số dược động học ổn định của gabapentin và phenobarbital là tương tự khi được uống kết hợp với nhau hoặc sử dụng đơn độc;
  • Uống kết hợp viên nang naproxen natri với gabapentin với liều phù hợp làm tăng lượng hấp thu của gabapentin lên 12 - 15%. Gabapentin không tác động đến các thông số dược động của naproxen. Lưu ý liều điều trị kết hợp phải thấp hơn liều điều trị đơn độc đối với cả 2 loại thuốc;
  • Gabapentin có thể làm giảm giá trị Cmax và AUC của hydrocodone; cơ chế tác động của tương tác này vẫn chưa được biết rõ nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi kết hợp các thuốc này;
  • Đã có báo cáo cho thấy khi sử dụng viên nang giải phóng có kiểm soát morphine 2 giờ trước khi sử dụng gabapentin thì AUC giảm khoảng 44% so với dùng gabapentin đơn độc. Các thông số dược động học của morphine không bị ảnh hưởng khi sử dụng gabapentin sau 2 giờ;
  • Cimetidin làm thay đổi thải từ thận của cả cimetidine và gabapentin khi kết hợp. Hiện không có đánh giá về ảnh hưởng lên cimetidine của gabapentin;
  • Thuốc tránh thai đường uống: Tương tác giữa thuốc Gabator 300 và thuốc tránh thai đường uống không mang tính lâm sàng quan trọng;
  • Antacid làm giảm khả năng sinh khả dụng của gabapentin xuống khoảng 20%, sinh khả dụng giảm nhẹ khoảng 5% khi uống gabapentin sau 2 giờ sử dụng antacid. Do đó, nên uống gabapentin tối thiểu sau 2 giờ sử dụng antacid;
  • Probenecid ức chế lên trải trừ ống thận của gabapentin. Vẫn có thể so sánh được về các thông số dược động học của gabapentin khi không hoặc có kết hợp với probenecid. Điều này cho thấy rằng gabapentin không thải trừ qua ống thận do bị ức chế bởi probenecid.

Trong quá trình sử dụng thuốc Gabator 300, bệnh nhân và người nhà cần đặc biệt lưu ý tuân thủ đúng chỉ dẫn từ phía bác sĩ chuyên môn để đảm bảo hiệu quả điều trị động kinh, phòng tránh tác dụng không mong muốn. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào, người bệnh nên xin ý kiến bác sĩ, không được tự ý thay đổi liều dùng, cách dùng hoặc thời gian dùng thuốc để tránh gặp phải các phản ứng bất lợi.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

46 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan