Công dụng thuốc Metazrel

Thuốc Metazrel được chỉ định trong điều trị và phòng ngừa cơn đau thắt ngực, điều trị thương tổn mạch máu ở võng mạc và các chứng chóng mặt do vận mạch, ù tai, hội chứng Méniere... Cùng tìm hiểu về công dụng, các lưu ý khi sử dụng thuốc Metazrel qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Metazrel

Thuốc Metazrel chứa hoạt chất Trimetazidine dihydroclorid 20mg bào chế dưới dạng viên nén bao phim. Thuốc Metazrel công dụng như sau:

  • Trong tim mạch: Phòng ngừa cơn đau thắt ngực;
  • Trong khoa mắt: Điều trị thương tổn mạch máu tại võng mạc;
  • Trong khoa tai mũi họng: Điều trị các chứng chóng mặt do vận mạch, ù tai, hội chứng Méniera.

2. Cơ chế tác dụng

Hoạt chất Trimetazidine thuộc nhóm thuốc điều trị triệu chứng đau thắt ngực, chống thiếu máu cục bộ mà không gây ra bất kỳ thay đổi huyết động nào. Trimetazidine còn có tác dụng cải thiện tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ, tác dụng điều trị đau thắt ngực thông qua cơ chế tác động trực tiếp giúp bảo vệ tế bào cơ tim. Vì vậy, Trimetazidine giúp tránh được các tác dụng ngoại ý như giãn mạch ngoại biến quá mức, thiểu năng tâm thất trái và các bất lợi quá mức khi điều trị bằng thuốc trị chứng đau thắt ngực.

Trimetazidine tác dụng giữ ổn định năng lượng tế bào trong tình trạng thiếu máu cục bộ hoặc giảm oxy huyết toàn thân. Thuốc giúp ngăn chặn các triệu chứng điện sinh lý của thiếu máu cục bộ, giảm sự gia tăng đoạn ST trong điện tâm đồ khi nghiên cứu trên chó bị nhồi máu cơ tim.

Sự hiện diện của Trimetazidine giúp sự nhiễm toan trong tế bào gây bởi thiếu máu cục bộ giảm đáng kể và trở lại bình thường nhanh chóng. Các nghiên cứu khoa học cho thấy Trimetazidine có các tác dụng sau: Ngăn ngừa sự sụt giảm dự trữ ATP và AMP vòng trong tế bào não, ngăn ngừa sự sụt giảm năng lượng cung cấp ATP trong tế bào cơ tim, duy trì hoạt động chức năng của enzym ty lạp thể. Trimetazidine tác dụng làm giảm độc tính của gốc tự do được oxy hóa trong tình trạng thiếu máu cục bộ tế bào, nhờ vậy thuốc có tác dụng bảo vệ tế bào chống lại sự giảm oxy mô.

3. Liều dùng của thuốc Metazrel

Metazrel thuộc nhóm thuốc kê đơn, vì vậy liều thuốc sử dụng cần được chỉ định bởi bác sĩ dựa vào độ tuổi, tình trạng người bệnh. Thuốc nên được uống vào đầu các bữa ăn. Một số khuyến cáo về liều thuốc Metazrel như sau:

  • Trong khoa tai – mắt: Liều thuốc khuyến cáo là 40 – 60mg/ngày chia làm 2 – 3 lần uống;
  • Điều trị đau thắt ngực, suy mạch vành: Liều thuốc khuyến cáo là 20mg/lần x 3 lần/ngày, liều thuốc sau đó có thể giảm xuống còn 20mg/lần x 2 lần/ngày;
  • Người bệnh cao tuổi: Độ nhạy cảm của Trimetazidine ở các đối tượng này cao hơn so với bình thường. Vì vậy cần thận trọng khi điều trị bằng Trimetazidine ở người cao tuổi.

4. Tác dụng phụ của thuốc Metazrel

Thuốc Metazrel có thể gây ra một số tác dụng phụ như sau:

  • Thường gặp: Tiêu chảy, chóng mặt, đau bụng, đau đầu, khó tiêu, nôn, buồn nôn, suy nhược, mẩn ngứa, mày đay;
  • Hiếm gặp: Ngoại tâm thu, đánh trống ngực, hồi hộp, tim đập nhanh, hạ huyết áp tư thế, hạ huyết áp động mạch, chóng mặt hoặc ngã, nguy cơ tăng cao ở người bệnh đang điều trị bằng thuốc điều trị tăng huyết áp;
  • Không xác định được tần suất: Rối loạn giấc ngủ, triệu chứng Parkinson (tăng trương lực cơ, run, vận động chậm), hội chứng chân không nghỉ, dáng đi không vững, rối loạn vận động có liên quan khác, táo bón, mất bạch cầu hạt, viêm gan, giảm tiểu cầu, ngoại ban mưng mủ cấp tính.

Người bệnh cần thông báo với bác sĩ nếu gặp phải tác dụng không mong muốn trong thời gian điều trị bằng thuốc Metazrel.

5. Chống chỉ định của thuốc Metazrel

  • Người bệnh mẫn cảm với Trimetazidine hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc Metazrel.
  • Người bệnh Parkinson hoặc có các triệu chứng của Parkinson như hội chứng chân không nghỉ, run, rối loạn vận động có liên quan.
  • Người bệnh suy thận nặng (Độ thanh thải creatin < 30ml/phút).

6. Lưu ý khi sử dụng thuốc Metazrel

Trong quá trình sử dụng thuốc Metazrel, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề sau đây:

  • Trimetazidine có thể gây ra triệu chứng Parkinson hoặc làm nặng thêm triệu chứng bệnh Parkinson (vận động chậm, run, tăng trương lực cơ). Vì vậy người bệnh (đặc biệt là người cao tuổi) cần được kiểm tra, theo dõi thường xuyên. Trường hợp gặp phải các triệu chứng rối loạn vận động, dáng đi không vững, hội chứng chân bứt rứt cần ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức.
  • Các triệu chứng Parkinson do Trimetazidine gây ra ít xảy ra và thường hồi phục sau khi ngừng thuốc. Phần lớn người bệnh sẽ hồi phục sau khi ngưng dùng thuốc khoảng 4 tháng. Nếu các triệu chứng Parkinson tiếp tục xảy ra quá 4 tháng sau khi ngưng dùng thuốc, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ chuyên khoa thần kinh.
  • Người bệnh đang điều trị bằng thuốc chống tăng huyết áp có thể gặp triệu chứng dáng đi không vững, ngã, tụt huyết áp.
  • Thận trọng khi kê đơn Trimetazidine ở người bệnh suy thận trung bình, người bệnh cao tuổi.
  • Đối với phụ nữ đang mang thai: Hiện chưa có đủ bằng chứng lâm sàng chứng minh độ an toàn khi điều trị bằng Trimetazidine ở phụ nữ đang mang thai.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Hiện chưa có bằng chứng về khả năng bài tiết qua sữa mẹ của Trimetazidine, vì vậy khuyến cáo không dùng thuốc ở phụ nữ đang cho con bú.
  • Đối với người lái xe, vận hành máy móc: Trimerazidine có thể gây ra các triệu chứng như lơ mơ, chóng mặt nên có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe, vận hành máy móc của người bệnh.

7. Tương tác thuốc

  • Sử dụng đồng thời Trimetazidine và Metoclopramide làm tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc Metoclopramide.
  • Hiệu quả điều trị của Trimetazidine giảm khi dùng kết hợp với sáng chế Blue.
  • Trimetazidine không gây cảm ức hoặc ức chế enzyme gan, vì vậy thuốc ít gây tương tác với các thuốc dùng cùng.

Tương tác thuốc xảy ra làm tăng nguy cơ gặp tác dụng và giảm tác dụng điều trị của Metazrel, vì vậy để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong điều trị người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các loại thuốc, thực phẩm đang sử dụng trước khi dùng thuốc Metazrel.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

829 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan