Công dụng thuốc Panto Denk 20

Thuốc Panto Denk 20 bào chế dạng viên nén bao tan trong ruột, có chứa Pantoprazole 20mg. Thuốc được sử dụng để điều trị trào ngược dạ dày - thực quản, phòng ngừa tái phát viêm thực quản trào ngược,...

1. Thuốc Panto Denk 20 có công dụng gì?

Thành phần thuốc Panto Denk 20 là Pantoprazol 20mg. Đây là một dẫn chất Benzimidazol, có khả năng ức chế sự bài tiết acid dạ dày (nhờ phản ứng chuyên biệt với bơm proton của tế bào vách). Khả năng ức chế của thuốc phụ thuộc vào liều dùng và cơ chế. Ở hầu hết bệnh nhân, thuốc Panto Denk 20 gây tác dụng giảm nhẹ triệu chứng sau khoảng 2 tuần điều trị.

Chỉ định thuốc Panto Denk 20 trong các trường hợp sau:

  • Điều trị trào ngược nhẹ và các triệu chứng liên quan gồm: Ợ nóng, ợ chua, mất tiếng,...;
  • Điều trị dài ngày, đề phòng tái phát viêm thực quản trào ngược;
  • Đề phòng loét dạ dày ruột kết gây ra bởi thuốc NSAID (thuốc kháng viêm không steroid) trên các bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh do điều trị liên tục với NSAID.

2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Panto Denk 20

Cách dùng: Thuốc dùng đường uống. Nên nuốt cả viên thuốc Panto Denk 20 với một ít nước, không nhai hoặc nghiền viên thuốc.

Liều dùng:

  • Với người lớn và trẻ từ 12 tuổi trở lên:
    • Bệnh trào ngược và các triệu chứng liên quan: Dùng Panto Denk 20 với liều 1 viên/lần/ngày. Các triệu chứng được cải thiện trong vòng 2 - 4 tuần điều trị. Với bệnh viêm thực quản, dùng liều 1 viên/lần/ngày. Các triệu chứng được cải thiện trong vòng 4 tuần điều trị. Nếu chưa đạt hiệu quả như mong muốn thì dùng thêm 4 tuần. Khi triệu chứng giảm nhẹ thì dùng 1 viên/ngày;
    • Điều trị dài hạn, phòng ngừa tái phát viêm thực quản trào ngược: Liều duy trì Panto Denk 20 là 1 viên/ngày. Có thể tăng liều tới 2 viên/ngày trong trường hợp tái phát. Sau 1 đợt điều trị với liều 2 viên/ngày, có thể giảm liều còn 1 viên/ngày. Khi điều trị dài hạn, nếu trị liệu quá 1 năm thì cần được bác sĩ cho phép;
  • Người lớn: Đề phòng loét dạ dày ruột kết do NSAID: Dùng Panto Denk 20 liều 1 viên/ngày;
  • Bệnh nhân suy gan: Liều dùng Panto Denk 20 không quá 1 viên/ngày;
  • Bệnh nhân suy thận và người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều;
  • Trẻ em dưới 12 tuổi: Không dùng thuốc Panto Denk 20.

Lưu ý: Liều dùng thuốc Panto Denk 20 chỉ mang tính chất tham khảo. Bác sĩ sẽ căn cứ vào thể trạng và mức độ diễn tiến bệnh của người bệnh để đưa ra chỉ định phù hợp nhất.

Quá liều: Khi dùng thuốc Panto Denk 20 quá liều, bệnh nhân được rửa dạ dày, dùng than hoạt tính và điều trị triệu chứng. Đồng thời, cần theo dõi hoạt động của tim, huyết áp; nếu bị nôn kéo dài cần theo dõi tình trạng nước và điện giải.

Quên liều: Khi quên 1 liều thuốc Panto Denk 20, người bệnh nên dùng ngay khi nhớ ra. Nếu thời gian quá gần với liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên, dùng liều kế tiếp như kế hoạch.

3. Tác dụng phụ của thuốc Panto Denk 20

Khi sử dụng thuốc Panto Denk 20, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Thường gặp: Mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, ban da, mày đay, khô miệng, buồn nôn, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, táo bón, đau cơ, đau khớp,...;
  • Ít gặp: Suy nhược, chóng mặt, mất ngủ, choáng váng, ngứa da, tăng enzyme gan,...

Khi gặp các tác dụng phụ do sử dụng thuốc Panto Denk 20, người bệnh nên ngưng dùng thuốc và báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, điều trị sớm.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Panto Denk 20

Chống chỉ định sử dụng thuốc Panto Denk 20 cho các trường hợp sau:

  • Quá mẫn với các hoạt chất, đậu phộng, đậu nành hoặc tá dược của thuốc;
  • Không dùng đồng thời với atazanavir.

Thận trọng khi sử dụng thuốc Panto Denk 20:

  • Bệnh nhân suy gan cần kiểm tra enzyme gan trong quá trình điều trị với thuốc Panto Denk 20, đặc biệt là khi điều trị dài hạn. Trong trường hợp tăng enzyme gan, cần ngưng điều trị với thuốc này;
  • Sử dụng Panto Denk 20 để phòng ngừa loét dạ dày ruột kết gây ra bởi NSAID cần giới hạn đối với các bệnh nhân điều trị NSAID liên tục và những bệnh nhân có nguy cơ cao gặp biến chứng dạ dày ruột non. Cần đánh giá rủi ro trên cơ thể các yếu tố như tuổi cao (trên 65 tuổi), tiền sử loét dạ dày ruột kết, chảy máu trong đường tiêu hóa,...;
  • Sử dụng thuốc Panto Denk 20 có thể gây kém hấp thu vitamin B12. Cần xem xét vấn đề này, đặc biệt là những bệnh nhân điều trị dài hạn có yếu tố rủi ro kém hấp thu vitamin B12 hoặc lượng dự trữ vitamin B12 bị giảm đi;
  • Cần loại trừ khả năng xuất hiện u ác tính dựa trên các dấu hiệu cảnh báo nghi ngờ hoặc có loét dạ dày vì việc dùng thuốc có thể che lấp các triệu chứng, trì hoãn việc chẩn đoán;
  • Nếu triệu chứng kéo dài dai dẳng mà đã điều trị thích hợp thì cần xem xét kiểm tra các vấn đề sức khỏe khác. Cần theo dõi đều đặn ở những bệnh nhân điều trị với thuốc Panto Denk 20 quá 1 năm. Cần kiểm tra ở những người bệnh không đáp ứng với điều trị sau 4 tuần;
  • Đối với bệnh nhân sử dụng thuốc, nguy cơ thiếu magie máu có thể xảy ra. Bác sĩ cần kiểm tra nồng độ magie trước khi bắt đầu điều trị và kiểm tra định kỳ trong quá trình dùng thuốc;
  • Dùng thuốc Panto Denk 20 liều cao và trong thời gian dài (trên 1 năm) có thể tăng nguy cơ làm gãy xương hông, xương sống, xương cổ tay (phần lớn ở người già hoặc có nhiều yếu tố rủi ro). Vì vậy, bệnh nhân có nguy cơ loãng xương cần được chăm sóc thận trọng, cần dùng vitamin D và canxi với liều lượng thích hợp;
  • Thuốc chứa maltitol nên bệnh nhân mắc vấn đề di truyền không dung nạp fructose sẽ không dùng được;
  • Một số tác dụng phụ như nhìn mờ, chóng mặt khi dùng thuốc Panto Denk 20 có thể gây ảnh hưởng tới khả năng lái xe và vận hành máy móc;
  • Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc Panto Denk 20 ở phụ nữ có thai và đang cho con bú.

5. Tương tác thuốc Panto Denk 20

Một số tương tác thuốc của Panto Denk 20 gồm:

  • Thuốc làm giảm sự hấp thụ các thuốc có sinh khả dụng phụ thuộc vào pH: Ketoconazol, itraconazole, atazanavir;
  • Thuốc tác động lên hệ thống men gan. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng cho thấy không có tương tác có ý nghĩa quan trọng giữa thuốc Panto Denk 20 và các thuốc chuyển hóa qua cùng isoenzyme;
  • Có khả năng tăng chỉ số INR và thời gian prothrombin khi dùng đồng thời thuốc Panto Denk 20 và warfarin. Có nguy cơ chảy máu bất thường và tử vong nên cần theo dõi các chỉ số trên khi dùng 2 loại thuốc;
  • Sucralfat có thể làm chậm hấp thu và giảm sinh khả dụng của Panto Denk 20. Vì vậy, nên dùng thuốc Panto Denk 20 ít nhất 30 phút trước khi sử dụng Sucralfat.

Việc sử dụng thuốc Panto Denk 20 cần tuân thủ nghiêm ngặt mọi chỉ định của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm tối đa nguy cơ xảy ra những biến chứng nguy hiểm.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan