Công dụng thuốc Tafurolac

Tafurolac là thuốc giảm đau, chống viêm không steroid, chứa thành phần chính là Ketorolac. Thuốc Tafurolac được chỉ định trong điều trị ngắn ngày trường hợp đau vừa tới nặng sau phẫu thuật. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về công dụng và cách dùng thuốc Tafurolac.

1. Thuốc Tafurolac có tác dụng gì?

Tafurolac là thuốc giảm đau, chống viêm không steroid, chứa thành phần chính là Ketorolac. Thuốc Tafurolac được bào chế dưới dạng viên nén với hàm lượng 10mg.

Ketorolac là dẫn xuất của acid pyrolizin carboxylic, thuốc có cấu trúc hóa học tương tự Indomethacin và Tolmetin. Ketorolac ức chế enzym cyclooxygenase (COX) làm giảm sinh tổng hợp prostaglandin, do đó thuốc có tác dụng giảm đau, chống viêm, hạ sốt nhưng tác dụng giảm đau của Ketorolac lớn hơn tác dụng chống viêm.

Ngoài ức chế enzym COX, Ketorolac còn có thể thay đổi hoạt động các tế bào lympho, ức chế hóa hướng động bạch cầu, giảm các cytokin là yếu tố tiền viêm góp phần làm giảm viêm. Khác với các thuốc Opioid khác, Ketorolac không gây nghiện hay ức chế hô hấp. Bên cạnh đó, Ketorolac có tác dụng chống viêm khi dùng thuốc tại chỗ ở mắt. Tuy nhiên, Ketorolac ức chế không chọn lọc enzym COX, do đó làm tăng nguy cơ loét dạ dày - tá tràng, chảy máu do ức chế ngưng tập tiểu cầu và gây giảm dòng máu chảy qua thận làm giảm tốc độ lọc cầu thận.

Ketorolac là thuốc không steroid, có tác dụng chống viêm vừa phải và giảm đau mạnh, được dùng thay thế cho thuốc nhóm Opioid và giảm đau không steroid trong điều trị giảm đau vừa đến nặng sau phẫu thuật, đau cơ xương cấp và các loại đau khác.

2. Chỉ định và chống chỉ định thuốc Tafurolac

Thuốc Tafurolac được chỉ định trong điều trị ngắn ngày đau vừa tới nặng sau phẫu thuật, dùng thay thế chế phẩm Opioid.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Tafurolac trong các trường hợp sau:

  • Dị ứng hoặc quá mẫn với Ketorolac hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc Tafurolac, quá mẫn với thuốc chống viêm steroid khác hoặc chất ức chế tổng hợp Prostaglandin, Aspirin.
  • Tiền sử viêm loét dạ dày, xuất huyết đường tiêu hóa.
  • Xuất huyết não hoặc nghi ngờ xuất huyết não.
  • Cơ địa chảy máu, có rối loạn đông máu.
  • Bệnh nhân phải phẫu thuật, có nguy cơ cao chảy máu hoặc cầm máu không hoàn toàn. Bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông.
  • Polyp mũi, co thắt phế quản, phù mạch.
  • Giảm thể tích máu lưu thông do mất nước hoặc bất kỳ nguyên nhân nào.

3. Cách dùng thuốc Tafurolac

Cẩn thận xem xét lợi ích và nguy cơ có thể của Tafurolac và lựa chọn điều trị khác trước khi quyết định dùng Tafurolac.

Dùng liều Tafurolac thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất phù hợp với mục đích điều trị của từng bệnh nhân.

Ở người lớn, kết hợp quá trình điều trị bằng liều tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp Ketorolac với việc dùng đường uống không quá 5 ngày. Ở người lớn, dùng Tafurolac đường uống chỉ được chỉ định như liệu pháp để tiếp tục điều trị sau khi đã tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp Ketorolac.

Chuyển tiếp liều tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp Ketorolac (đơn liều hoặc đa liều) sang liều Tafurolac uống (đa liều):

  • Bệnh nhân 17 – 64 tuổi: uống 20mg/lần, sau đó uống liều 10mg cách 4-6 giờ, không quá 40mg/ngày.
  • Người bệnh >= 65 tuổi: chức năng thận suy giảm và/hoặc trọng lượng < 50kg: uống 10mg một lần sau đó uống liều 10mg cách 4-6 giờ, không quá 40mg/ngày.

Quá liều thuốc Tafurolac và xử trí:

  • Triệu chứng: dùng quá liều Tafurolac có thể gây đau bụng và loét đường tiêu hóa, triệu chứng thường khỏi sau khi ngừng sử dụng thuốc.
  • Xử trí: Cần theo dõi bệnh nhân cẩn thận và điều trị triệu chứng. Nếu suy thận xảy ra, có thể cần thẩm tách máu. Tuy nhiên, thẩm tách máu không chắc đã loại được Ketorolac ra khỏi cơ thể sau khi dùng quá liều. Đã có thông báo ở bệnh nhân đang thẩm tách, có giảm độ thanh thải và kéo dài nửa đời của thuốc Ketorolac.

Quên một liều thuốc Tafurolac và xử trí:

  • Nếu bạn quên dùng một liều thuốc Tafurolac, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều thuốc Tafurolac kế tiếp, bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch điều trị. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

4. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Tafurolac

Hầu hết tác dụng không mong muốn của thuốc Tafurolac xuất hiện ở hệ thần kinh trung ương như đau đầu, chóng mặt và buồn ngủ. Ngoài ra, thường gặp phản ứng ở đường tiêu hóa như khó tiêu, buồn nôn và kích ứng. Lưu ý bệnh nhân điều trị bằng thuốc kháng viêm không steroid như Ketorolac có thể bị suy thận cấp, tăng kali máu hoặc cả hai. Đặc biệt thận trọng ở bệnh nhân đã bị suy thận trước đó.

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Toàn thân: đau đầu, chóng mặt, phù.
  • Hệ thần kinh trung ương: mệt mỏi, ra mồ hôi.
  • Tiêu hóa: đau bụng, buồn nôn, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón.

Tác dụng phụ ít gặp:

  • Toàn thân: suy nhược, xanh xao.
  • Hệ thần kinh trung ương: trầm cảm, phấn kích, khó tập trung tư tưởng, mất ngủ, tình trạng kích động, dị cảm.
  • Tiêu hóa: đi cầu phân đen, nôn, viêm miệng, loét dạ dày, táo bón, đầy hơi, xuất huyết trực tràng.
  • Da: ngứa, mày đay, ban xuất huyết, nổi ban.
  • Hô hấp: hen, khó thở.
  • Cơ xương: đau cơ.
  • Tiết niệu: tiểu nhiều, bí tiểu, thiểu niệu.
  • Mắt: rối loạn thị giác.
  • Một số tác dụng phụ khác: khát, khô miệng, thay đổi vị giác.

Tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Toàn thân: phản ứng quá mẫn hoặc phản vệ, bao gồm phù thanh quản, co thắt phế quản, nổi ban da, tăng huyết áp, phù phổi, tăng enzym gan.
  • Máu: ức chế ngưng tập tiểu cầu, thiếu máu, kéo dài thời gian chảy máu.
  • Hệ thần kinh trung ương: mê sảng, ảo giác.
  • Da: hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell, ban da dát sần, viêm da tróc vảy.
  • Tiết niệu: suy thận cấp, viêm thận kẽ, tiểu ra máu, ure niệu cao.

Trong thời gian sử dụng thuốc Tafurolac, nếu xuất hiện bất cứ tác dụng không mong muốn nào, cần thông báo cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.

5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Tafurolac

  • Không kết hợp Tafurolac với các thuốc kháng viêm không steroid khác, Aspirin và Corticosteroid.
  • Bệnh nhân suy thận, suy tim, bệnh lý gan, đặc biệt trong trường hợp dùng đồng thời với thuốc lợi tiểu, sử dụng thuốc Tafurolac có nguy cơ giữ nước và làm chức năng thận xấu hơn.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Tafurolac cho người lớn tuổi do Ketorolac có thể thải trừ chậm, nhạy cảm hơn với tác dụng độc với thận và phản ứng có hại ở đường tiêu hóa.
  • Thuốc Tafurolac có chứa tá dược là lactose. Bệnh nhân có một số vấn đề như không dung nạp được galactose, thiếu men lactase hoặc khó hấp thu glucose-galactose không nên dùng thuốc này.
  • Tafurolac không thể thay thế cho corticosteroid hoặc dùng trong điều trị thiếu hụt corticosteroid.
  • Tác dụng dược lý của Tafurolac là làm giảm viêm có thể che lấp dấu hiệu chẩn đoán trong việc phát hiện các biến chứng của các ca chẩn đoán đau không do nhiễm trùng.
  • Khả ngăng lái xe và vận hành máy móc: chóng mặt và buồn ngủ có thể xuất hiện khi dùng thuốc. Không nên lái xe, vận hành máy móc hoặc làm các công việc cần sự tỉnh táo nếu xuất hiện các tác dụng phụ này.
  • Tafurolac nên được dùng thận trọng ở bệnh nhân suy gan hoặc tiền sử mắc bệnh lý về gan. Sự gia tăng giới hạn của một hoặc nhiều các xét nghiệm gan có thể xảy ra với tỷ lệ đến 15% ở bệnh nhân dùng thuốc kháng viêm không steroid, bao gồm Tafurolac. Các bất thường xét nghiệm này có thể tiến triển, không thay đổi hoặc thoáng qua khi tiếp tục điều trị.Sự gia tăng đáng kể men ALT và AST (cao hơn giới hạn trên bình thường khoảng 3 lần hoặc hơn) đã được báo cáo ở khoảng 1% bệnh nhân trong các thử nghiệm lâm sàng sử dụng thuốc kháng viêm không steroid. Bên cạnh đó, đã có báo cáo về các phản ứng gan nghiêm trọng hiếm gặp, bao gồm vàng da hoặc viêm gan cấp gây tử vong, hoại tử gan và suy gan. Bệnh nhân có triệu chứng rối loạn chức năng gan, có xét nghiệm gan bất thường cần được xem xét để đánh giá sự phát triển của phản ứng gan nặng hơn khi điều trị với thuốc Tafurolac. Nếu có triệu chứng lâm sàng hoặc dấu hiệu liên quan đến bệnh gan xảy ra, nên ngừng sử dụng thuốc Tafurolac.
  • Thiếu máu thỉnh thoảng có thể gặp ở bệnh nhân sử dụng thuốc kháng viêm không steroid, bao gồm cả Tafurolac. Điều này có thể do mất máu qua đường tiêu hoá tiềm ẩn hay toàn bộ hoặc ảnh hưởng không hoàn toàn đến việc tạo hồng cầu. Bệnh nhân sử dụng thuốc Tafurolac trong thời gian dài nên kiểm tra công thức máu hoặc tỷ lệ hồng cầu nếu có bất kỳ triệu chứng thiếu máu nào. Thuốc kháng viêm đã được chứng minh có thể kéo dài thời gian chảy máu ở một số bệnh nhân, tuy nhiên thuốc ảnh hưởng lên số lượng tiểu cầu ít hơn và có thể phục hồi so với Aspirin. Bệnh nhân đang sử dụng thuốc Tafurolac với khả năng bị ảnh hưởng bất lợi do thay đổi chức năng tiểu cầu như bị rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông, cần được theo dõi cẩn thận khi sử dụng thuốc.
  • Bệnh nhân hen phế quản có thể có hen do nhạy cảm với Aspirin. Dùng Aspirin ở bệnh nhân hen nhạy cảm với Aspirin có liên quan đến chứng co thắt phế quản nặng có thể gây tử vong. Vì có phản ứng chéo, bao gồm co thắt phế quản, giữa Aspirin và thuốc kháng viêm không streroid khác đã được báo cáo ở bệnh nhân nhạy cảm với Aspirin, Tafurolac không nên dùng cho bệnh nhân nhạy cảm với Aspirin và thận trọng ở bệnh nhân có tiền sử hen phế quản.
  • Thuốc kháng viêm không steroid khi dùng đường toàn thân có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện biến cố huyết khối tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ và có thể dẫn đến tử vong. Nguy cơ này có thể xuất hiện sớm trong vài tuần đầu dùng thuốc và có thể tăng lên theo thời gian. Nguy cơ huyết khối tim mạch thường được ghi nhận khi sử dụng thuốc kháng viêm không steroid khi dùng liều cao. Cần đánh giá định kỳ sự xuất hiện của các biến cố tim mạch, ngay cả khi bệnh nhân không có các triệu chứng tim mạch trước đó. Thông báo cho bệnh nhân về các triệu chứng của biến cố tim mạch nghiêm trọng và cần thăm khám bác sĩ ngay khi xuất hiện các triệu chứng này. Để giảm nguy cơ xuất hiện các biến cố tim mạch bất lợi, cần sử dụng thuốc Tafurolac ở liều hằng ngày thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể.
  • Do những ảnh hưởng đã biết của các thuốc kháng viêm không steroid trên tim mạch thai nhi (đóng ống động mạch), tránh dùng thuốc Tafurolac trong khi mang thai (đặc biệt cuối thai kỳ).
  • Sử dụng thuốc Tafurolac (thuốc gây ức chế tổng hợp cyclooxygenase/prostaglandin) có thể làm giảm khả năng sinh sản và không được khuyến cáo sử dụng thuốc ở phụ nữ đang cố gắng để thụ thai. Phụ nữ đang điều trị vô sinh hoặc đang gặp khó khăn trong việc thụ thai, xem xét ngưng sử dụng thuốc Tafurolac.
  • Nghiên cứu cho thấy Ketorolac có thể bài tiết vào sữa mẹ. Thận trọng khi sử dụng thuốc Tafurolac ở phụ nữ đang cho con bú.

6. Tương tác thuốc

Hầu hết tương tác với một số thuốc sau đây chưa được thông báo đối với Ketorolac, nhưng đã có thông báo đối với thuốc kháng viêm không steroid khác, cần cân nhắc và thận trọng khi dùng đồng thời với Ketorolac, đặc biệt khi điều trị thuốc dài ngày.

  • Thuốc lợi tiểu: Dùng đồng thời với thuốc chống viêm không steroid có thể làm tăng nguy cơ suy thận thứ phát do giảm dòng máu qua thận.
  • Probenecid: Làm giảm độ thanh thải, tăng nồng độ trong huyết tương, tăng diện tích dưới đường cong (AUC) toàn phần và tăng thời gian bán huỷ của Ketorolac.
  • Thuốc chống đông máu, thuốc chống ngưng tập tiểu cầu, Pentoxifylin: dùng đồng thời với Ketorolac sẽ kéo dài thời gian chảy máu.
  • Thuốc ức chế enzym chuyển angiotensin, chẹn thụ thể angiotensin II, thuốc lợi niệu, chẹn thụ thể beta, thuốc chống co giật, Salicylat, Hydralazin: Ketorolac có thể làm giảm nồng độ hoặc tác dụng của các thuốc này.
  • Ketorolac làm tăng nồng độ hoặc độc tính của một số thuốc sau: kháng sinh nhóm Aminosid, Vancomycin, Cyclosporin, Lithi, thuốc ức chế thần kinh cơ loại không khử cực, thuốc tiêu Fibrin.
  • Thuốc chống trầm cảm, corticoid dùng đường toàn thân: các thuốc này làm giảm nồng độ hoặc tác dụng của Ketorolac.
  • Aspirin: không khuyến cáo dùng đồng thời Ketorolac và Aspirin vì có khả năng tăng các tác dụng phụ.
  • Thuốc chống động kinh: Một số trường hợp động kinh đã được báo cáo khi dùng đồng thời Tafurolac với thuốc chống động kinh như Phenytoin, Carbamazepin.
  • Thuốc tác dụng lên thần kinh trung ương: Ảo giác đã được báo cáo khi sử dụng Tafurolac ở bệnh nhân đang dùng thuốc tác dụng lên hệ thần kinh trung ương (Fluoxetin, Thiothixen, Alprazolam).

Trên đây là toàn bộ thông tin về thuốc Tafurolac, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc Tafurolac điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

21 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan