Vì sao uống kháng sinh có thể gây tiêu chảy?

Kháng sinh là loại thuốc ưu tiên trong điều trị nhiễm khuẩn. Giống như những loại thuốc khác, kháng sinh cũng có các tác dụng phụ không mong muốn. Một trong những tác dụng phụ hay gặp nhất là tiêu chảy do dùng kháng sinh, chiếm tới gần 20% số người đang phải dùng kháng sinh để điều trị.

1. Tình trạng tiêu chảy do uống kháng sinh là gì?

Tình trạng tiêu chảy do uống kháng sinh được mô tả là tiêu chảy thường xuyên, đi tiêu lỏng xảy ra do các phản ứng với thuốc điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn.

Tình trạng tiêu chảy có liên quan đến việc uống kháng sinh là một trong những tác dụng ngoài ý muốn khá phổ biến của hầu hết các loại kháng sinh, chủ yếu là do tác động của kháng sinh gây rối loạn đường ruột.

Khi uống kháng sinh gây tiêu chảy nhẹ có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, trong trường hợp nghiêm trọng hơn liên quan đến việc uống kháng sinh gây tiêu chảy, bạn có thể yêu cầu dừng, chuyển đổi thuốc kháng sinh khác.

Tiêu chảy do kháng sinh có thể sẽ bắt đầu khoảng 5 đến 10 ngày sau khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh. Đôi khi, tiêu chảy và các triệu chứng khác có thể không xuất hiện trong những ngày điều trị mà có thể xuất hiện sau khi đã hoàn tất điều trị kháng sinh. Các dấu hiệu và triệu chứng từ nhẹ đến nặng như:

  • Phân sống, mủ trong phân, phân có máu.
  • Đi ngoài thường xuyên.
  • Đau bụng và rút bụng.
  • Sốt, buồn nôn, chán ăn.

2. Nguyên nhân uống kháng sinh gây tiêu chảy

Nguyên nhân uống kháng sinh gây tiêu chảy là do trong hệ tiêu hóa tồn tại vi khuẩn với rất nhiều chủng khác nhau, trong đó có vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. quá trình tồn tại, nhóm vi khuẩn có lợi nếu phát triển mạnh và đầy đủ sẽ kiềm chế không cho nhóm vi khuẩn có hại phát triển gây bệnh. Tuy nhiên, khi dùng kháng sinh kéo dài, một số chủng vi khuẩn có lợi sẽ bị ảnh hưởng, các vi khuẩn có hại lại ít bị ảnh hưởng.

Vì vậy cân bằng giữa hai nhóm vi khuẩn bị phá vỡ, nhóm vi khuẩn có hại phát triển tràn lan trong đường tiêu hóa, tiết ra độc tố gây tổn thương niêm mạc ruột, kích hoạt quá trình viêm nhiễm, phù nề, xuất tiết, xuất huyết trong lòng ruột và hội chứng tiêu chảy do dùng kháng sinh.

Tiêu chảy
Tiêu chảy do sử dụng thuốc kháng sinh

3. Các biến chứng tiêu chảy do dùng kháng sinh

Biến chứng nghiêm trọng nhất liên quan đến việc uống kháng sinh gây tiêu chảy là người bệnh bị viêm đại tràng giả, biến chứng này có thể dẫn đến nguy hiểm tính mạng, bao gồm:

  • Mất nước: Tiêu chảy nặng có thể dẫn đến mất quá nhiều nước và chất điện giải, chủ yếu các chất như natri và kali. Tình trạng mất nước quá nhiều và lâu ngày có thể gây biến chứng nghiêm trọng. Các dấu hiệu và triệu chứng của mất nước bao gồm khô miệng, khát nước dữ dội, đi tiểu ít hoặc không có và suy nhược cùng cực.
  • Thủng ruột: Tổn thương niêm mạc ruột già có thể dẫn đến lỗ thủng trên thành đường ruột khi tiêu chảy quá nhiều lần do dùng kháng sinh.
  • Phình to đại tràng (megacolon): Nguyên nhân là do đại tràng trở nên không thể trục xuất khí và phân, nên đại tràng ngày càng to. Các dấu hiệu và triệu chứng của phình to đại tràng bao gồm: đau bụng và chướng bụng, sốt và suy nhược. Đây là một biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc vỡ nên cần phải điều trị tích cực.
Dịch truyền
Người bệnh có thể gặp biến chứng mất nước

4. Làm gì khi bị tiêu chảy do uống kháng sinh?

Dùng kháng sinh chỉ khi cần thiết: Không sử dụng thuốc kháng sinh trừ khi bác sĩ cảm thấy cần sử dụng thuốc. Kháng sinh có thể điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn nhưng sẽ không giúp ích trong việc điều trị nhiễm virus chẳng hạn như cảm lạnh và cúm.

Uống đủ nước: Khi mất nước do tiêu chảy liên quan đến dùng kháng sinh thì bạn cần đủ nước. Nếu mất nước nặng nề, bạn nên uống các dịch có chứa nước, đường và muối hoặc nước trái cây. Tránh các đồ uống có quá nhiều chất đường hoặc chứa cồn hoặc caffeine như cà phê, trà và cola, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em bị tiêu chảy, bạn hãy hỏi bác sĩ về việc sử dụng giải pháp bù nước bằng đường uống để bổ sung nước và chất điện giải;

Chế độ ăn phù hợp: Chọn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, bao gồm táo, chuối và cơm. Tránh các thức ăn nhiều chất xơ như đậu, các loại hạt và rau quả. Ăn uống bình thường khi các triệu chứng tiêu chảy đã hết hoàn toàn.

Dùng men vi sinh vật: giúp khôi phục lại sự cân bằng lành mạnh cho đường ruột, tăng cường lượng vi khuẩn tốt. Men vi sinh vật có sẵn trong viên nang hoặc dạng lỏng hay trong một số loại thực phẩm chẳng hạn như sữa chua.

Chế độ ăn sau sỏi túi mật
Người bệnh cần có chế độ ăn hợp lý

Dùng thuốc trị tiêu chảy: Trong một số trường hợp tiêu chảy liên quan đến kháng sinh nhẹ, bác sĩ có thể khuyên nên dùng thuốc chống tiêu chảy như loperamide. Tuy nhiên, bạn phải hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc chống tiêu chảy vì chúng có thể cản trở khả năng loại bỏ các độc tố của cơ thể và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng.

Báo cho bác sĩ nếu bạn đã từng uống kháng sinh gây tiêu chảy trước đây. Nếu bạn đã từng mắc bệnh tiêu chảy liên quan đến kháng sinh thì sẽ có nguy cơ bị tái phát. Lúc đó, bác sĩ có thể chọn một loại kháng sinh khác phù hợp cho bạn hơn.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

XEM THÊM

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

81.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan