Nên làm các xét nghiệm nào để chẩn đoán chảy máu do loét dạ dày

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Chảy máu dạ dày là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh lý dạ dày, gây chảy máu ở niêm mạc dạ dày dẫn đến ói ra máu, đi cầu ra máu. Nếu không phát hiện và điều trị cầm máu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

1. Đặc điểm của chảy máu do loét dạ dày

Chảy máu đường tiêu hóa trên là chảy máu đường tiêu hóa ở đường tiêu hóa trên, thường được định nghĩa là chảy máu xuất phát từ thực quản, dạ dày hoặc tá tràng. Máu có thể được quan sát thấy trong chất nôn hoặc ở dạng thay đổi như phân đen.
Chảy máu do loét dạ dày chiếm tỷ lệ từ 40- 45% trong tất cả các loại chảy máu đường tiêu hoá trên. Mặc dù đã có nhiều loại thuốc điều trị có hiệu quả, nhưng chảy máu do loét dạ dày vẫn là một trong những biến chứng thường gặp nhất của bệnh loét dạ dày.

Đặc điểm của chảy máu do loét dạ dày - tá tràng là thường gặp ở bệnh nhân trên 50 tuổi, có tiền sử loét dạ dày nhiều năm, chảy máu nhiều lần, thường xảy ra sau khi bệnh nhân uống các loại thuốc kháng viêm non steroid như: Aspirin, Voltaren...

1.1 Vị trí chảy máu thường xuất phát từ

  • Loét dạ dày, thường gặp ở bờ cong nhỏ, mặt sau dạ dày, vùng tâm vị, trong loét dạ dày có khoảng 15 - 16% có biến chứng chảy máu. Các ổ loét xơ chai, thành dày ăn thủng vào các tổ chức xung quanh và các mạch máu vùng dạ dày gây chảy máu.
  • Loét tá tràng, thường gặp nhiều hơn loét dạ dày, tổn thương chủ yếu gặp ở hành tá tràng, hiếm gặp hơn ở các đoạn tá tràng, ổ loét thường ở mặt sau, bờ trên, mặt trước, có những ổ loét xơ chai gây biến dạng cả hành tá tràng, ăn sâu vào thành tá tràng gây chảy máu, khoảng 1/4 trường hợp loét tá tràng có biến chứng chảy máu.
  • Chảy máu từ niêm mạc dạ dày, có thể có hoặc không tổn thương loét, do quá trình viêm cấp tính hoặc sau khi uống các loại thuốc kháng viêm non-steroid, hay corticoid, gây loét trợt, loại chảy máu này có thể ở một vài điểm, hoặc toàn bộ niêm mạc dạ dày.
Lưu ý khi dùng Corticoid ở trẻ em
Các loại thuốc kháng viêm có thể khiến niêm mạc dạ dày bị trợt loét

1.2 Các tổn thương thường gặp

Các tổn thương gây chảy máu thường được biểu hiện dưới các tình trạng sau:

1.2.1 Ổ loét ăn thủng vào mạch máu

Đó là những ổ loét nằm gần những động mạch lớn của dạ dày - tá tràng như ổ loét bờ cong nhỏ, mặt sau dạ dày, là những nơi gần động mạch môn vị, động mạch lách, ổ loét ở bờ trên, bờ dưới và mặt sau hành tá tràng gần động mạch vị - tá tràng ...

Những ổ loét này khi có biến chứng chảy máu thường xảy ra dữ dội, khi nội soi cấp cứu có thể thấy mạch máu đang chảy thành tia.

1.2.2 Chảy máu từ những mạch máu của đáy ổ loét

Do loét đào sâu vào thành dạ dày hoặc thành tá tràng làm tổn thương các mạch máu, tính chất chảy máu ở những tổn thương này không dữ dội thường tái phát nhiều lần.

Những lần tạm thời ổn định là do được điều trị, khi nội soi có thể thấy ổ loét đã ngừng chảy dưới đáy ổ loét có thể thấy đầu của đoạn mạch máu nhô lên.

1.2.3 Chảy máu ở mép ổ loét

Do loét tiến triển, mép niêm mạc ổ loét viêm nề rỉ máu, tính chất chảy máu ở những tổn thương dạng này thường chảy máu ít, dai dẳng có thể tự cầm, khi nội soi có thể thấy bờ ổ loét sưng nề đỏ sẫm và đang rỉ máu.

Siêu âm nội soi dạ dày, thực quản chẩn đoán bệnh lý u tụy, u dưới niêm mạc
Các tổn thương do chảy máu dạ dày đều có thể quan sát bằng phương pháp nội soi

2. Triệu chứng của chảy máu do loét dạ dày

Bệnh nhân bị chảy máu do loét dạ dày có những triệu chứng như:

  • Buồn nôn và nôn ra máu,
  • Đau bụng nhưng ít khi đau dữ dội,
  • Đại tiện phân đen xuất hiện ngay sau khi nôn ra máu, phân sền sệt, đen bóng như hắc ín, hay như bã cà phê, mùi thối khắm,
  • Bệnh nhân có cảm giác hoa mắt chóng mặt, hoặc ngất xỉu sau khi nôn ra máu, có khi bị sốc do mất máu, da xanh nhợt, vã mồ hôi, cảm giác ù và ong ong trong lỗ tai, khát nước.
Buồn nôn, ợ hơi, chướng bụng
Bệnh nhân có dấu hiệu buồn nôn hoặc nôn ra máu

3. Xét nghiệm chẩn đoán chảy máu do loét dạ dày

  • Nội soi : Là phương tiện chẩn đoán quan trọng nhất, nhờ nội soi để xác định chính xác nguyên nhân, vị trí chảy máu đồng thời qua nội soi có thể chế ngự được chảy máu bằng cách tiêm xơ, hoặc đốt điện, laser.., có thể thực hiện nội soi cấp cứu trong thời gian từ 24 - 72 giờ đầu .
  • X quang bụng: Tìm dấu hiệu liệt ruột
  • Xét nghiệm: Công thức máu, Hct, đông máu, tỷ lệ Prothrombin, tiểu cầu... để đánh giá mức độ mất màu.
  • Siêu âm : Tìm các dấu hiệu bệnh lý khác trong ổ bụng như viêm gan, xơ gan, vàng da tắc mật, trong một số trường hợp chưa rõ chảy máu do loét dạ dày - tá tràng thì siêu âm có mục đích để chẩn đoán phân biệt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: