Triglyceride tăng cao gây viêm tuỵ cấp

Tăng Triglyceride máu có thể gây ra rất nhiều bệnh lý nguy hiểm, trong đó có tình trạng viêm tụy cấp. Tình trạng này có thể làm tụy bị viêm phù nề cấp tính, nguy cơ dẫn đến hoại tử nặng nề và tỉ lệ tử vong cao. Cùng tìm hiểu những thông tin về tình trạng tăng Triglyceride ở người bị viêm tụy cấp, từ đó đưa ra được các điều trị và xử lý phù hợp.

1. Triglyceride là gì ?

Triglyceride là một dạng chất béo trung tính có vai trò dự trữ năng lượng cho cơ thể và cung cấp cho cơ thể nguồn năng lượng này khi cần thiết. Triglyceride là sự kết hợp của 3 loại axit béo là chất béo không bão hòa, chất béo bão hòa hoặc cả hai cùng với đường đơn Glucose. Triglyceride có thể được cung cấp từ 2 nguồn khác nhau là ngoại sinh do hấp thu từ thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày và nội sinh do các tế bào gan tổng hợp và dự trữ.

Cholesterol khác với Triglyceride về cấu tạo cũng như chức năng. Cholesterol được sử dụng để tạo màng tế bào, tham gia sản xuất một số loại hormone và hỗ trợ trong quá trình hoạt động của tế bào sợi thần kinh.

Nồng độ Triglyceride tăng cao đơn độc hoặc kết hợp với Cholesterol tăng cao có thể làm tăng nguy cơ tim mạch, đột quỵ và đặc biệt là viêm tụy cấp. Các chuyên gia dinh dưỡng cũng như bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân điều chỉnh chế độ ăn uống cùng với lối sống lành mạnh để có thể giúp duy trì nồng độ Triglyceride huyết thanh ở mức bình thường.

2. Vì sao Triglyceride tăng cao gây viêm tuỵ cấp ?

Viêm tụy cấp do tăng nồng độ Triglyceride thường xảy ra ở bệnh nhân khi nồng độ hoạt chất này đạt mức trên 20 mmol/l trong huyết thanh. Bên cạnh đó, khi chỉ số Triglyceride tăng ở mức độ nhẹ và trung bình thì nó lại đóng vai trò chính trong pha đầu gây ra quá trình viêm tại tụy. Tuy nhiên trên thực tế, nồng độ Triglyceride có thể tăng nhanh sau những bữa ăn nhiều chất béo nên chỉ có khoảng 10% số người bệnh được chẩn đoán viêm tụy cấp khi xét nghiệm nồng độ Triglyceride huyết thanh trên 20 mmol/l và nồng độ này cũng giảm rất nhanh sau khoảng 3 ngày điều trị. Chính vì thế, xét nghiệm nồng độ Triglyceride trong máu có thể giúp phát hiện tình trạng viêm tụy cấp do tăng Triglyceride và từ đó đưa ra hướng điều trị kịp thời.

Cho đến thời điểm hiện tại, cơ chế của việc nồng độ Triglyceride tăng cao gây viêm tuỵ cấp hiện vẫn chưa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, một số chuyên ra chỉ ra rằng quá trình hình thành viêm tụy cấp có thể hoạt động với 2 cơ chế chính sau:

  • Do có sự gia tăng nồng độ Chylomicrons trong huyết thanh bệnh nhân: Chylomicrons là hợp chất được tạo thành sau khoảng 1 - 2 giờ khi ăn và tăng cao nhất sau khoảng 4 - 5 giờ, rồi sau đó 8 giờ thì chúng sẽ biến mất hoàn toàn trong máu. Tuy nhiên, khi có sự bất thường về men lipoprotein lipase và cấu trúc lipoprotein ở cơ thể thì sẽ làm tăng nồng độ Chylomicrons trong máu. Đến khi nồng độ tăng Triglyceride vượt quá 1000mg/dL (11,3 mmol/L) thì hợp chất Chylomicrons sẽ xuất hiện thường xuyên hơn trong các mao mạch tụy, chúng có kích thước rất lớn nên sẽ gây tắc nghẽn các mao mạch tụy và dẫn đến thiếu máu, toan hóa máu và gây hoại tử tụy. Trong môi trường toan, các acid béo tự do sẽ gây hoạt hóa Trypsinogen dẫn đến quá trình tự tiêu mô tụy và gây ra viêm tụy cấp.
  • Quá trình phân hủy Triglyceride thành acid béo tự do: Khi nồng độ Chylomicron tăng cao trong huyết thành sẽ làm cho Triglyceride tiếp xúc nhiều hơn với men lipase của tụy và tạo thành acid béo tự do với nồng độ cao. Các acid béo tự do này sẽ gây ra tổn thương nhiễm độc tế bào tuyến tụy, đồng thời làm tăng các gốc tự do và những chất trung gian gây phản ứng viêm. Cuối cùng là biểu hiện ra bên ngoài với các dấu hiệu của tình trạng viêm tụy cấp.

3. Triệu chứng của viêm tụy cấp tăng Triglyceride

Triệu chứng lâm sàng của viêm tụy cấp do tăng nồng độ Triglyceride cũng tương tự viêm tụy cấp thông thường bao gồm đau bụng đột ngột và dữ dội vùng thượng vị, lan ra sau lưng, cơn đau có thể kéo dài nhiều giờ, kèm với buồn nôn, nôn, sau nôn không giảm đau, liệt ruột cơ năng gây bí trung đại tiện.

Bệnh nhân có thể thấy đau và đề kháng thượng vị hoặc căng đau khắp bụng, bụng chướng, sờ vào sườn lưng trái thấy đau. Xuất huyết dưới da quanh rốn hay hông lưng...

Ngoài ra còn có thể xuất hiện động thời các dấu hiệu của tình trạng tăng Triglyceride ở người bị viêm tụy cấp như máu đục như sữa, màu vàng, xuất hiện u vàng ở bề mặt của mông, tay, chân và lưng. Khi bác sĩ thăm khám có thể thấy gan lách lớn. Tình trạng nhiễm lipid ở võng mạc có thể xuất hiện ở những bệnh nhân khi nồng độ Triglyceride huyết thanh vượt quá 4000 mg/dl (22,6 mmol/l).

Bệnh nhân viêm tụy cấp do tăng Triglyceride thường có những dấu hiệu của viêm tụy nặng hơn và có nguy cơ bị suy tạng hơn khi so với các nguyên nhân khác, ngoài ra tỷ lệ tử vong của viêm tụy do nguyên nhân này thường ở mức 20 - 30% khi bệnh nhân bị suy cơ quan kéo dài.

4. Phương tiện phát hiện bệnh

Tình trạng viêm tụy cấp do tăng nồng độ Triglyceride huyết thanh có thể được phát hiện qua các thông số xét nghiệm và hình ảnh học như:

4.1. Sinh hóa máu

  • Xét nghiệm lipid máu: Triglyceride tăng ≥ 500 mg/dl (5,7 mmol/l), nồng độ Cholesterol tăng hoặc bình thường, nồng độ LDL-C tăng và HDL-C giảm.
  • Amylase: Nồng độ Amylase có thể bình thường hoặc có khi tăng trên 3 lần, kết hợp với lâm sàng gợi ý chẩn đoán viêm tụy cấp. Amylase huyết thanh có thể tăng sau triệu chứng đau 1 – 2 giờ và tăng cao sau 24 giờ, rồi sau đó trở về bình thường sau khoảng 2 – 3 ngày.
  • Lipase: Nồng Lipase ít bị ảnh hưởng trong viêm tụy cấp, tuy nhiên nồng độ Lipase trong máu tăng cao có giá trị chẩn đoán viêm tụy cấp hơn là Amylase. Hơn nữa, Lipase tăng trong máu với thời gian kéo dài hơn Amylase nên nó được xem là một xét nghiệm để chẩn đoán viêm tụy cấp tốt hơn.
  • Canxi: Canxi huyết thanh tăng trong viêm tụy cấp nặng có thể là do giảm Albumin máu.
  • Bilirubin: Bilirubin có thể tăng khi có tắc nghẽn hoặc viêm phù nề đầu tụy.
  • LDH: LDH huyết thanh tăng > 350 UI có ý nghĩa tiên lượng nặng.

4.2. Huyết học

  • Số lượng bạch cầu và số lượng bạch cầu đa nhân trung tính tăng.
  • Hematocrit tăng do tình trạng cô đặc máu. Ở thể nặng có thể xuất hiện hiện tượng đông máu rải rác lòng mạch.

4.3. Chẩn đoán hình ảnh

  • Siêu âm bụng: Có thể thấy hình ảnh phù nề, hoại tử mô tụy, hình ảnh cổ trướng xuất hiện trong áp xe tụy hay nang giả tụy. Ngoài ra siêu âm còn giúp thăm dò đường mật, phát hiện hình ảnh giun chui ống mật, sỏi đường mật, giun chui ống tụy...
  • Chụp cắt lớp vi tính: Đây là phương pháp có giá trị trong chẩn đoán cũng như trong tiên lượng tình trạng viêm tụy cấp. Nó cho biết rõ hình ảnh mức độ tổn thương ở tụy và xung quanh bụng.

5. Điều trị viêm tụy cấp tăng Triglyceride

Nguyên tắc điều trị trong điều trị viêm tụy cấp tăng Triglyceride bao gồm điều trị viêm tụy cấp và giảm Triglyceride huyết thanh với mục tiêu để dự phòng hoại tử tụy và suy đa tạng. Các biện pháp điều trị bao gồm:

5.1. Thay huyết tương

Thay huyết tương là một kỹ thuật tách huyết tương sử dụng máy siêu lọc và màng lọc tách thông qua vòng tuần hoàn ngoài cơ thể để tiến hành tách bỏ huyết tương có chứa một lượng lớn nồng độ Triglyceride gây viêm tụy cấp. Mặc dù thay huyết tương có thể làm hạ nhanh Triglyceride nhưng đây là biện pháp xâm lấn và đắt tiền. Phương pháp này thường được chỉ định cho các bệnh nhân không đáp ứng chế độ ăn hạn chế mỡ, điều trị bằng Insulin hoặc các thuốc như axit béo omega-3, fibrate. Thay huyết tương được chỉ định khi nồng độ Triglyceride > 1000 mg/dl (11,3 mmol/L).

5.2. Sử dụng Insulin

Insulin là một biện pháp giúp hạ Triglyceride huyết thanh được sử dụng thậm chí ở các bệnh nhân không bị đái tháo đường. Liều insulin khuyến cáo là 0,1 - 0,3 UI/kg/giờ. Nên ngừng truyền Insulin khi nồng độ Triglyceride máu < 500mg/dl.

5.3. Các phương pháp điều trị khác

  • Giảm 25- 30% lượng Lipid trong chế độ ăn so với nhu cầu cơ bản, giảm các acid béo bão hòa < 10%. Tránh sử dụng thực phẩm chứa mỡ động vật, phủ tạng động vật, trứng, sữa nguyên chất, các loại pho mát, kem, đường, rượu. Ăn tăng cường các loại hoa quả tươi, rau xanh và ngũ cốc.
  • Sử dụng các thuốc uống hạ lipid máu như nhóm fibrate ví dụ Gemfibrozil, nhóm Niacin, nhóm statin, Omega 3, Orlistat.

Viêm tụy cấp do tăng nồng độ Triglyceride trong máu là một tình trạng nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Khi phát hiện ra những dấu hiệu của tình trạng này, bệnh nhân và người thân nên liên hệ với bác sĩ hoặc đến ngay các cơ sở khám chữa bệnh để được xử trí kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan