Lưu ý dùng thuốc điều trị tăng huyết áp cho người suy thận

Suy thận là một bệnh lý mạn tính có thể là nguyên nhân gây tăng huyết áp hoặc ngược lại là biến chứng của tăng huyết áp. Việc sử dụng bất kỳ thuốc nào trên đối tượng này cũng cần lưu ý, trong đó dùng thuốc hạ huyết áp cũng cần đặc thận trọng.

1. Mối liên quan giữa tăng huyết áp và suy thận

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính gây ra những tổn thương trên tim mạch và thận. Ngược lại, suy thận cũng là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra tình trạng tăng huyết áp thứ phát, tăng huyết áp do suy thận là tình trạng bệnh xuất hiện sau khi được phát hiện suy thận.

Suy thận được chia thành 5 mức độ khác nhau, phụ thuộc vào mức lọc cầu thận, với mỗi mức độ thì nguy cơ gây tăng huyết áp khác nhau. Theo nghiên cứu người ta nhận thấy tỷ lệ những bệnh nhân bị tăng huyết áp ở bệnh nhân bị bệnh thận mạn cao và số lượng tăng theo mức độ nặng của bệnh thận mạn. Ước tính ở Mỹ, tăng huyết áp xảy ra ở khoảng 23,3% ở những người không có bệnh thận mạn, 35,8% ở bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn 1; 48,1% ở giai đoạn 2; 59,9% ở giai đoạn 3 và xảy ra tới 84,1% ở bệnh nhân bệnh suy thận giai đoạn 4 và 5.

Nguyên nhân có mối liên quan giữa người mắc bệnh suy thận và tăng huyết áp là do thận đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp. Khi chức năng thận suy giảm sẽ làm việc đào thải nước và các chất điện giải không cần thiết trong cơ thể bị ảnh hưởng, dẫn tới nguy cơ tăng huyết áp, suy thận tăng huyết áp liên quan tới hoạt động của hệ thống renin- angiotensin và aldosteron trong bệnh suy thận cũng tham gia vào việc tăng huyết áp.

Xem ngay: Suy thận và tăng huyết áp liên quan đến nhau thế nào?

2. Lưu ý khi dùng thuốc điều trị tăng huyết áp cho người suy thận

2.1 Lưu ý về việc chọn thuốc điều trị tăng huyết áp cho người suy thận

Các loại thuốc điều trị không chỉ làm hạ huyết áp mà còn làm giảm protein niệu được khuyến cáo là lựa chọn đầu tiên cho phần lớn bệnh nhân suy thận và bị tăng huyết áp. Bởi vì các nghiên cứu cho thấy lợi ích lâu dài trên tim mạch và trên thận khi chỉ số protein niệu giảm.

  • Lựa chọn ưu tiên là các loại thuốc tác động lên hệ renin- angiotesin-aldosterone (RAAS) như ức chế men chuyển (ACEI) hoặc ức chế thụ thể AT1 của angiotensin (ARB) được khuyến cáo là lựa chọn đầu tiên cho những bệnh nhân suy thận. Thuốc ACEI hoặc ARB theo các nghiên cứu cho thấy có tác dụng dự phòng tình trạng suy giảm chức năng thận hơn các nhóm thuốc khác. Kết quả này thể hiện đầu tiên ở những bệnh nhân protein niệu, trong khi hiệu quả của thuốc thấp hơn ở bệnh nhân không có protein niệu. Dựa vào kết quả này mà khuyến cáo sử dụng ACEI hoặc ARB như là lựa chọn đầu tiên ở bệnh nhân bệnh thận có đái tháo đường hoặc bệnh thận không do đái tháo đường nhưng có tăng huyết áp và có protein niệu. Lưu ý việc điều trị kết hợp cả ACEI và ARB không được khuyến cáo vì sự kết hợp như thế này cho thấy có thể làm xấu đi chức năng thận và sự kết hợp giữa ACEI và ARB không làm giảm các biến cố hay tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch khi so sánh liệu pháp đơn trị liệu với ACEI. Cả hai thuốc ACEI và ARB đều dung nạp tốt. ACEI có thể gây ra tác dụng phụ ho khan, đôi khi phải thay đổi liệu pháp điều trị. ARBs không liên quan đến ho khan và phù mạch do thuốc này rất hiếm xảy ra.
  • Lợi tiểu Thiazid và lợi tiểu quai: Đối với bệnh nhân không có sự xuất hiện của protein niệu, liệu pháp lựa chọn như thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể Angiotensin không được thiết lập, do đó những thuốc khác như lợi tiểu Thiazid có thể được lựa chọn sử dụng. Bệnh nhân suy thận và tăng huyết áp thường có biểu hiện giữ nước hoặc quá tải dịch thì nên chọn lợi tiểu, vì đây là cần thiết trong phác đồ điều trị các trường hợp như vậy. Thiazide được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn 1 - 3 (Mức lọc cầu thận ≥ 30 ml/ph) và nó đã được chứng minh là có hiệu quả trong giảm huyết áp và nguy cơ tim mạch. Lợi tiểu quai furosemid được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn 4 - 5 (Mức lọc cầu thận < 30 ml/ph), được chứng minh là có hiệu quả làm giảm thể tích dịch ngoại bào ở bệnh nhân có mức lọc cầu thận giảm nặng. Tuy nhiên hiệu quả lâu dài của thuốc lợi tiểu quai đối với lợi ích tim mạch chưa được chứng minh. Cả thiazid và lợi tiểu quai đều làm tăng chỉ số acid uric máu, ngoài ra sử dụng lợi tiểu có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải. Cho nên những bệnh nhân sử dụng thuốc này phải được theo dõi chỉ số điện giải và chắc chắn rằng họ không gặp phải vấn đề bất thường điện giải như tăng kali máu, hạ magie máu.
  • Chẹn kênh Canxi: Các thuốc nhóm chẹn kênh canxi (CCBs) được khuyến cáo là lựa chọn thứ hai hoặc lựa chọn thứ ba trong điều trị tăng huyết áp ở bệnh nhân suy thân. Không có sự khác biệt về hiệu quả hạ huyết áp giữa nhóm thuốc nondihhydropyridine (ND-CCBs ví dụ: Diltiazem, verapamil) và dihhydropyridine CCBs (amlodipine, nifedipine). Vì hiệu quả làm giảm protein niệu nên ND-CCBs được khuyến cáo như là lựa chọn thứ hai hoặc thứ ba ở bệnh nhân suy thận do đái tháo đường hoặc suy thận không do đái tháo đường nhưng có protein niệu. Dihhydropyridine CCBs có thể được khuyến cáo là lựa chọn thứ hai cho bệnh nhân suy thận không do đái tháo đường và không có protein niệu. Tác dụng phụ thường gặp bao gồm phù và táo bón, nhịp nhanh.
  • Nhóm thuốc kháng Aldosterone: Aldosterone là một chất đóng một vai trò quan trọng trong sự tiến triển của bệnh thận. Kháng thụ thể aldosterone (ví dụ: Spironolactone, eplerenone) có thể là quan trọng trong liệu pháp điều trị suy thận khi mà huyết áp mục tiêu không đạt được với các thuốc thuộc lựa chọn thứ nhất và thứ hai. Kháng aldosterone đã được chứng minh là làm giảm protein niệu khi kết hợp với thuốc ức chế men chuyển (ACEI) hoặc ức chế thụ thể (ARB).

Các thuốc khác không được liệt lê thường ít khi được lựa chọn và không được cho là ưu tiên dùng trong bệnh nhân suy thận.

2.2 Lưu ý về liều dùng thuốc huyết áp cho bệnh nhân suy thận

Liều dùng với mỗi đối tượng có thể có sự khác nhau. Đối với bệnh nhân suy thận việc dùng một số loại thuốc hạ huyết áp cần phải chỉnh liều.

Liều lượng được điều chỉnh tùy theo độ thanh thải creatinin. Cho nên, cần theo dõi chỉ số này trước khi quyết định liều thuốc, vì nó làm giảm thời gian đào thải thuốc và làm tăng hiệu quả của thuốc điều trị gây hạ huyết áp quá mức, tăng độc tính của thuốc.

2.3 Mức huyết áp mục tiêu

Đây là điều khá quan trọng cần lưu ý khi dùng thuốc huyết áp. Vì với mỗi người bệnh lại có mức huyết áp mục tiêu khác nhau. Việc phối hợp hay dùng thuốc cần đảm bảo đưa được huyết áp về mức mục tiêu.

Mức huyết áp mục tiêu ở bệnh nhân dưới 65 tuổi có bệnh nền tốt nhất là nhỏ hơn 130/80 mmHg. Đối với bệnh nhân trên 65 tuổi có bệnh lý về thận thì mức huyết áp mục tiêu là dưới 140/90mmHg tối ưu là giảm 20/10mmHg. Nói chung mức huyết áp mục tiêu này còn tùy thuộc vào từ đối tượng, tùy theo giá trị huyết áp nền của người bệnh và mức độ suy yếu của người bênh, bởi vì nếu hạ quá mức sẽ khiến bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt hoặc ngất.

2.4 Phối hợp thuốc điều trị tăng huyết áp cho người suy thận

Cũng giống như các trước hợp khác, khi dùng đơn độc một thuốc không đạt hiệu quả thì cần phải phối hợp các thuốc với nhau để đưa huyết áp về mức mục tiêu. Nên phối hợp các thuốc theo thứ tự lựa chọn ưu tiên và chỉnh liều tăng dần để có thể đáp ứng mục tiêu điều trị. Tránh phối hợp nhóm ức chế men chuyển và ức chế thụ thể Angiotensin với nhau.

2.5 Thay đổi chế độ sinh hoạt và ăn uống

Chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng rất cần thiết để đảm bảo được huyết áp mục tiêu ở bệnh nhân suy thận bị tăng huyết áp.

  • Nên có chế độ ăn giảm muối theo mức độ suy thận, tránh bổ sung kali vì có nguy cơ tăng kali máu.
  • Giảm ăn thức ăn có nhiều mỡ động vật, hạn chế đường và tinh bột. Tăng cường rau xanh và trái cây.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng tùy theo tình trạng sức khoẻ.
  • Bỏ hút thuốc lá và hạn chế rượu bia.
  • Ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, nên sắp xếp công việc và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Theo dõi chức năng thận và huyết áp thường xuyên để có thể đánh giá được hiệu quả của thuốc điều trị.

Trên đây là một số lưu ý khi dùng thuốc điều trị tăng huyết áp cho người suy thận. Quan trọng là việc lựa chọn thuốc, liều lượng và phối hợp thuốc để làm sao đưa được huyết áp về mức mục tiêu đề ra.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan