Triệu chứng bệnh van tim hậu thấp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Quốc Việt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh van tim hậu thấp rất phổ biến ở các nước nghèo và đang phát triển, nếu không được điều trị có thể dẫn tới bệnh suy tim, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

1. Bệnh van tim hậu thấp

Bệnh van tim hậu thấp là một do hệ miễn dịch cơ thể: tình trạng viêm họng do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A là trạng thái khởi phát. Lúc này, cơ thể người bệnh sẽ phản ứng bằng cách tạo ra các kháng thể để chống lại vi khuẩn. Tuy nhiên, do cấu tạo của cơ tim và van tim ở cơ thể con người gần giống với tế bào vi khuẩn dẫn đến bị các kháng thể tấn công nhầm. Hậu quả gây nên các tổn thương tại các van tim, khiến cho các lá van tim dày lên và dính lại với nhau kết hợp với lắng đọng canxi làm cứng lá van, dẫn tới tình trạng hở, hẹp van tim.

2. Triệu chứng bệnh van tim hậu thấp

Triệu chứng ban đầu của bệnh van tim hậu thấp thường là khó thở hoạt động gắng sức hay khi làm việc nặng. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ nặng lên, và mức độ khó thở sẽ dần tăng lên, người bệnh cảm thấy khó thở ngay trong các hoạt động nhẹ nhàng thường ngày, thậm chí khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi.

Bên cạnh đó, tình trạng hẹp và hở van tim còn gây ra triệu chứng ho có lẫn một chút máu. Những dấu hiệu này thường dễ khiến cho bệnh nhân cũng như bác sĩ nhầm lẫn với những bệnh lý đường hô hấp khác. Vì thế, đa phần người bệnh phát hiện ra vấn đề tại tim khi bệnh tiến triển ở giai đoạn nặng và dẫn tới nhiều hậu quả nặng nề.

triệu chứng van tim hậu thấp
Van tim hậu thấp khiến người bệnh thường xuyên khó thở

3. Điều trị bệnh van tim hậu thấp

Điều trị bệnh van tim hậu thấp rất khó để chữa khỏi hoàn toàn tình trạng hẹp, hở van do thấp tim. Mặc dù người bệnh đã phẫu thuật thay van tim thì sau đó vẫn cần phải sử dụng thuốc để dự phòng huyết khối và các rủi ro biến chứng có thể gặp phải. Chính vì thế, mục tiêu chính trong điều trị bệnh van tim hậu thấp là cải thiện các triệu chứng, ngăn bệnh tiến triển và phòng tránh suy tim.

3.1 Điều trị nội khoa bằng thuốc

Tùy theo mức độ hẹp, hở van tim và các biểu hiện triệu chứng của từng người bệnh mà bác sĩ sẽ có phương pháp phối hợp các loại thuốc phù hợp. Một số nhóm thuốc thường dùng bao gồm:

  • Thuốc lợi tiểu: Loại bỏ chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, làm giảm các triệu chứng ho, phù, khó thở
  • Thuốc chống loạn nhịp: giúp kiểm soát nhịp tim, giảm hồi hộp và đánh trống ngực.
  • Thuốc ức chế men chuyển ACE: thư giãn mạch máu, hạ huyết áp, giảm áp lực của máu lên van tim.
  • Thuốc chẹn beta: điều trị huyết áp cao, giúp tim đập chậm hơn và nhẹ nhàng hơn.
  • Thuốc chống đông máu: Giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông trên van tim, cục máu đông có thể gây rách van và di chuyển vào mạch máu gây tắc mạch.

3.2 Can thiệp ngoại khoa phẫu thuật van tim

Nếu van tim chỉ bị hẹp đơn thuần, bệnh nhân có thể được thực hiện phẫu thuật nong van tim. Hiện nay có một phương pháp là nong van bằng can thiệp mạch qua da với chi phí thấp và độ an toàn cao hơn phương pháp mổ mở truyền thống.

Thực hiện nong van tim bằng can thiệp qua da, bác sĩ sẽ sử dụng một ống thông luồn trong lòng mạch máu từ tĩnh mạch đùi ở bẹn tới van tim. Đầu ống thông có một quả bóng, khi bơm căng bóng sẽ nong rộng lỗ van. Với phương pháp này, người bệnh không phải phẫu thuật, và rút ngắn được thời gian nằm viện.

Tuy nhiên, nếu trường hợp van tim bị tổn thương nặng nề hoặc vừa hẹp vừa hở thì cần phải phẫu thuật sửa hoặc thay van tim.

Đối với trường hợp lá van dày, vôi hóa nhiều, dây chằng lá van tim co rút nặng thì phải thay van nhân tạo. Nếu như lá van tim còn mềm mại, và dây chằng chưa thương tổn nặng thì nên sửa van.

thay van tim
Tùy vào tình trạng lá van tim để có biện pháp điều trị hợp lý

3.3 Chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh

Để giảm thiểu các yếu tố nguy cơ khiến cho bệnh van tim tiến triển nặng hơn, cần duy trì một lối sống khoa học, sinh hoạt lành mạnh, hơn nữa giúp nâng cao sức khỏe cho người bệnh. Vì vậy, nên:

  • Tăng cường ăn các loại rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi, các loại thịt trắng như thịt gà, cá tươi,...
  • Hạn chế những thực phẩm chứa nhiều chất béo như: thịt mỡ, đồ chiên xào, đồ ăn nhanh,...
  • Ăn nhạt, giảm mặn giảm mặn
  • Thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao mỗi ngày với các hoạt động vừa sức, và phù hợp với tình trạng sức khỏe ví dụ như: đạp xe, đi bộ, bơi lội, và tập yoga,...

Tóm lại, bệnh van tim hậu thấp là một bệnh lý do hệ miễn dịch của cơ thể, với triệu chứng đầu tiên là ho, khó thở khi gắng sức. Có thể điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa tùy vào tình trạng của bệnh. Nếu van tim hậu thấp không được điều trị thì có thể dẫn đến suy tim, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Do đó, khi thấy có biểu hiệu và những triệu chứng của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và được can thiệp kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan