Dấu hiệu đề kháng insulin

Đề kháng insulin là khi các tế bào trong cơ bắp, mỡ và gan của bạn không còn khả năng phản ứng tốt với insulin và giảm sử dụng glucose từ máu để chuyển hóa thành năng lượng. Để duy trì tình trạng cân bằng, tuyến tụy cần tạo ra nhiều insulin hơn trong khi theo thời gian, lượng đường trong máu của bạn tăng lên. Nói một cách khác, hội chứng đề kháng insulin là tình trạng báo hiệu cho bệnh lý đái tháo đường tuýp 2 sẽ đến trong một tương lai rất gần. Do đó, cần biết các dấu hiệu đề kháng insulin dưới đây để lập kế hoạch phòng bệnh cho bản thân.

1. Các dấu hiệu đề kháng insulin trên cơ thể

Một người được xem là có khả năng mắc phải hội chứng đề kháng insulin nếu có các đặc điểm trên vẻ bề ngoài như sau:

  • Có một chỉ số vòng eo lớn: Các chuyên gia nội tiết chuyển hóa cho biết cách tốt nhất để biết liệu bạn có nguy cơ gặp hiện tượng kháng insulin hay không là nhờ vào sợi thước dây và thời điểm quan sát chính mình trong gương ở phòng tắm. Nếu bạn trên 40 tuổi nhưng có vòng eo trên 100 cm ở nam và 90 cm ở nữ (ở người châu Á là trên 90 cm ở nam và 80 cm ở nữ) sẽ làm tăng tỷ lệ đề kháng insulin và hội chứng chuyển hóa, cũng liên quan đến tình trạng kháng insulin.
  • Huyết áp cao: Chỉ số huyết áp đo được trung bình là từ 130/85 mmHg trở lên hoặc dùng thuốc để kiểm soát huyết áp.
  • Có các mảng da tối màu: Nếu tình trạng đề kháng insulin xảy ra nghiêm trọng, bạn có thể có những thay đổi sắc tố rõ rệt trên da. Da bạn sẽ xuất hiện các mảng sẫm màu sau gáy hoặc trên khuỷu tay, đầu gối, đốt ngón tay hoặc nách.

2. Những yếu tố nguy cơ của hiện tượng kháng insulin

Các yếu tố nguy cơ sau đây sẽ khiến bạn dễ mắc phải đề kháng insulin hơn dân số nói chung, đặc biệt là những người hoàn toàn không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào:

  • Chủng tộc, nhiều khả năng hơn nếu thuộc gốc châu Phi, La tinh hoặc người Mỹ bản địa
  • Tuổi tác, khả năng sẽ tăng lên sau 45 tuổi
  • Hút thuốc lá
Dấu hiệu đề kháng insulin
Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ của hiện tượng kháng insulin

  • Béo phì, đặc biệt là sự tích tụ mỡ bụng
  • Lối sống tĩnh tại, không hoạt động hay vận động thể chất rất ít
  • Chế độ ăn nhiều carbohydrate
  • Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Bệnh tiểu đường thai kỳ
  • Tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường như cha mẹ, anh hoặc chị em ruột
  • Tiền sử bệnh tim mạch hoặc đột quỵ
  • Rối loạn nội tiết tố như hội chứng Cushing, bệnh to đầu chi
  • Sử dụng các loại thuốc như steroid, thuốc chống loạn thần và thuốc điều trị HIV
  • Nhiễm trùng kéo dài hoặc bệnh nặng
  • Vấn đề về giấc ngủ như hội chứng ngưng thở khi ngủ

Mặc dù bạn hoàn toàn không thể thay đổi các yếu tố nguy cơ mặc định như tiền căn gia đình, tuổi tác hoặc sắc tộc, bạn vẫn có thể thay đổi các yếu tố nguy cơ đến từ lối sống xung quanh như việc ăn uống, hoạt động thể chất và cân nặng. Chính những thay đổi lối sống này có thể góp phần làm giảm cơ hội phát triển hội chứng đề kháng insulin và giai đoạn tiền đái tháo đường.

3. Các xét nghiệm xác định tình trạng đề kháng insulin

3.1. Nồng độ glucose máu lúc đói

Đường huyết trong máu sẽ có khuynh hướng thấp nhất vào giữa các bữa ăn và lên cao nhất vào khoảng 2 giờ sau ăn. Chính vì glucose là nguồn dự trữ năng lượng phổ biến nhất của mọi tế bào trong cơ thể và nồng độ đường thường xuyên dao động trong máu do các bữa ăn trong ngày, việc xét nghiệm đường trong máu cần phải có các thời điểm cụ thể.Theo đó, đường huyết lúc đói được xem là con số phổ biến nhất để nhận định hiện tượng đề kháng insulin cũng như xác chẩn đái tháo đường. Cụ thể là khi nồng độ glucose lúc đói, tức ít nhất 8 giờ sau ăn, trên 100 mg/dL có thể là một dấu hiệu sớm của các bệnh lý chuyển hóa này.Hơn thế nữa, điều này cũng sẽ là mặc định nếu như bạn đang phải dùng thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu.

3.2. Nghiệm pháp dung nạp đường

Nếu như đường huyết lúc đói là phản ánh nồng độ glucose trong máu tại thời điểm sau ăn ít nhất 8 giờ, con số này sẽ không phản ánh được tình trạng các tế bào trong cơ thể bị đề kháng insulin, không hấp thu được đường lúc sau ăn 2 giờ. Chính điều này sẽ làm đường sau ăn luôn ở mức cao và đòi hỏi tuyến tụy phải tăng bài tiết insulin hơn.

Nghiệm pháp dung nạp đường
Nghiệm pháp dung nạp đường

Để khắc phục nhược điểm này, bạn cần làm nghiệm pháp dung nạp đường. Theo đó, bạn sẽ được uống một dung dịch nước đường với khối lượng glucose đã được định sẵn và sau 2 giờ bạn sẽ được kiểm tra đường huyết. Thử nghiệm dung nạp glucose đường uống sẽ cho thấy bạn có nguy cơ bị đề kháng insulin nếu có kết quả là từ 140 đến 199 mg/dL. Nếu vượt con số này thì bạn đã được xác chẩn là mắc phải đái tháo đường.

Trong thực tế, để thuận tiện cho việc tiến hành xét nghiệm, nồng độ glucose máu lúc đói và nghiệm pháp dung nạp đường sẽ thực hiện nối tiếp nhau. Bạn sẽ được hẹn lấy máu sau nhịn ăn ít nhất 8 giờ, tốt nhất là 12 giờ tức nhịn ăn qua đêm, đó là chỉ số đường huyết lúc đó. Ngay sau đó, bạn sẽ được cho uống 75 gam glucose hòa tan trong khoảng 200 ml nước và uống nhanh. Thêm một mẫu máu đem đi xét nghiệm sau 2 giờ sẽ cho kết quả về nghiệm pháp dung nạp đường.

3.3. Chỉ số HbA1C

Không giống như nồng độ đường huyết lúc đói hay nghiệm pháp dung nạp đường, tức rất dễ bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn trước đó hay thời gian người bệnh nhịn đói hoàn toàn, chỉ số HbA1C cho kết quả tương đối khách quan. Xét nghiệm HbA1C này cho thấy lượng đường trong máu trung bình của bạn trong vòng 3 tháng qua.

Nguyên lý của xét nghiệm là đếm số lượng các haemoglobin có gắn phân tử đường trong tỷ lệ các haemoglobin bình thường. Thời gian phản ánh của xét nghiệm chính là chu kỳ vòng đời của hồng cầu.

Kết quả HbA1C từ 5,7% đến 6,4% là một trong những bằng chứng xác thực của hiện tượng đề kháng insulin.

3.4. Các xét nghiệm lipid máu

Các thành phần của lipid máu thường được chỉ định trên lâm sàng là cholesterol toàn phần, triglyceride, HDL-C (cholesterol có trọng lượng phân tử cao) và LDL-C (cholesterol có trọng lượng phân tử thấp).

Tương tự như xét nghiệm đường huyết, đánh giá bilan lipid máu cũng cần được thực hiện sau khi bệnh nhân nhịn ăn hoàn toàn trong thời gian nhất định. Hiện tượng đề kháng lipid sẽ được nghĩ tới khi triglyceride cao hơn 150 mg/dL hoặc dùng thuốc để làm giảm chất béo trong máu. Đồng thời, thêm một yếu tố nữa là nồng độ HDL-C thấp, là thấp dưới 50 mg/dL đối với phụ nữ và 40 mg/dL đối với nam giới hoặc có dùng thuốc để tăng nồng độ HDL-C.

Tóm lại, dấu hiệu đề kháng insulin rất dễ nhận biết nếu chúng ta có ý thức quan tâm đến sức khỏe của chính mình cũng như thực hiện thăm khám định kỳ. Phát hiện hội chứng đề kháng insulin sớm trong ngày hôm nay và tích cực điều chỉnh, bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều bước trong việc phòng tránh bệnh lý đái tháo đường thực sự hình thành mai sau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan