Già đi một cách khỏe mạnh: Hãy chăm sóc răng của bạn

Lão hóa là một phần quy luật của tự nhiên mà không ai có thể tránh khỏi. Khi tuổi tác ngày càng cao, nguy cơ mắc các bệnh lý càng tăng, đặc biệt là các vấn đề về răng miệng. Nếu không chăm sóc răng miệng một cách chu đáo, những người lớn tuổi có thể gặp phải các tình trạng như sâu răng, mòn men răng hoặc bệnh nướu răng.

1. Răng thay đổi như thế nào theo tuổi tác?

Răng của chúng ta thực sự chắc khỏe một cách đáng kinh ngạc. Nghiên cứu đã cho thấy, răng hàm có khả năng chịu đựng được áp lực lên đến 200 pound. Tuy nhiên, theo thời gian, lớp men cứng bên ngoài của răng có thể bị mài mòn khi chúng ta liên tục nhai thức ăn. Ngoài ra, bề mặt răng cũng có thể bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với các loại thực phẩm có tính axit cao, chẳng hạn như đồ uống có ga hoặc trái cây họ cam quýt, khiến làm tan lớp men bảo vệ răng.

Một khi men răng của bạn bị suy yếu sẽ tạo tiền đề phát triển các vấn đề nghiêm trọng về răng miệng. Chỉ cần một vết nứt hoặc vỡ ở bề mặt ngoài của răng cũng có thể khiến cho các mô tủy mỏng manh dễ bị kích ứng và viêm nhiễm. Nếu các dây thần kinh ở lõi răng bị mất đi độ nhạy cảm theo tuổi tác, các vấn đề răng miệng có thể tiến triển trước khi bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng hay cơn đau nào xảy ra. Trong trường hợp tình trạng nhiễm trùng phát triển ở răng, bạn có thể phải thực hiện phẫu thuật lấy tủy răng hoặc thậm chí bị mất răng hoàn toàn.

Nhiều cuộc nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ sâu răng ở những người trên 65 tuổi hiện nay cao hơn so với tỷ lệ sâu răng ở lứa trẻ. Tình trạng sâu răng ở người lớn tuổi thường xảy ra chủ yếu ở xung quanh cổ răng, nơi tiếp giáp với đường viền nướu. Mô nướu tự nhiên sẽ rút đi theo tuổi tác, do đó mô mềm của chân răng sẽ bị lộ ra ngoài.

Mặc dù, bạn không thể làm gì nhiều để ngăn chặn sự bào mòn tự nhiên của bề mặt răng, tuy nhiên một số biện pháp như đánh răng, dùng chỉ nha khoa và vệ sinh răng miệng thường xuyên tại phòng khám nha sĩ có thể giúp ngăn ngừa phần nào tình trạng này đối với mọi lứa tuổi. Hiện nay, các sản phẩm kem đánh răng và nước súc miệng đều chứa florua, một chất giúp xây dựng lại các tinh thể khoáng tạo nên men răng, đồng thời ức chế các mảng bám chứa đầy vi khuẩn bám vào răng.

XEM THÊM: Bao lâu nên đi khám răng một lần?

Chăm sóc răng cho người cao tuổi
Chăm sóc răng cho người già là điều vô cùng cần thiết, đem lại cuộc sống chất lượng

2. Một số cách chăm sóc răng miệng cho người cao tuổi

Để ngăn ngừa tình trạng sâu răng và giữ gìn sức khỏe cho răng miệng do lão hóa, những người lớn tuổi có thể thực hiện theo một số biện pháp sau đây, bao gồm:

2.1. Giữ cho nướu luôn khỏe mạnh

Các mảng cao răng chứa đầy vi khuẩn luôn hình thành trên răng của bạn. Nếu không sớm loại bỏ chúng, các mảng bám này sẽ gây đau nhức, sưng tấy và chảy máu ở nướu răng. Thậm chí, có thể dẫn đến nhiễm trùng và làm tổn thương xương bên dưới. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh nướu răng, hay còn được gọi là viêm nha chu. Nếu bạn không điều trị bệnh sớm, nó có thể gây hại cho nướu và xương răng, khiến bạn buộc phải nhổ răng.

Một số dấu hiệu phổ biến của bệnh nướu răng thường bao gồm:

  • Nướu bị thụt vào hoặc lùi ra khỏi răng
  • Chảy máu khi bạn đánh răng
  • Hôi miệng
  • Răng lung lay

Cách tốt nhất để giữ cho nướu răng không bị thay đổi hình dạng là chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng. Bạn nên đánh răng hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa vào mỗi ngày. Ngoài ra, bạn cũng nên đi khám nha khoa thường xuyên để kiểm tra và làm sạch răng. Nếu bạn có thói quen hút thuốc lá, hãy cố gắng cai thuốc càng sớm càng tốt.

2.2. Không để miệng bị khô

Nước bọt có tác dụng làm sạch răng và bảo vệ răng không bị sâu. Nhưng khi tuổi tác ngày càng cao, miệng của bạn có xu hướng trở nên khô hơn và tăng khả năng bị sâu răng. Một số loại thuốc mà bạn đang sử dụng có thể là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khô miệng. Để ngăn ngừa điều này, những người lớn tuổi nên cố gắng uống nước thường xuyên hơn và nên ngậm nước trong miệng khoảng vài giây trước khi nuốt chúng. Ngoài ra, bạn cũng có thể ngậm kẹo hoặc nhai kẹo cao su không đường để tăng tiết nước bọt, giúp giảm thiểu tình trạng khô miệng.

Khô miệng
Khô miệng là một trong những nguyên nhân gây sâu răng

2.3. Chăm sóc cẩn thận răng nhạy cảm

Mòn men răng, sâu răng và các vấn đề về nướu đều có thể khiến răng bạn nhạy cảm hơn. Bạn có thể cảm thấy đau buốt khi uống đồ uống nóng hoặc lạnh, thậm chí khi bạn đánh răng quá mạnh. Vì vậy, chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng là cách phòng ngừa tốt nhất. Bạn nên đánh răng, dùng chỉ nha khoa và khám nha sĩ thường xuyên. Nếu bạn có răng nhạy cảm, nha sĩ có thể giới thiệu một số loại kem đánh răng hoặc phương pháp điều trị phù hợp tại phòng khám để giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn.

XEM THÊM: 8 cách giữ cho miệng của bạn luôn sạch sẽ, khỏe mạnh

2.4. Hạn chế ăn những loại thực phẩm có tính axit

Hầu hết các loại đồ uống có ga và nước ép trái cây có múi đều chứa axit. Ngoài ra, khi bạn tiêu thụ những loại thực phẩm có đường và tinh bột có thể khiến miệng bạn tạo ra axit – một chất dễ làm mài mòn lớp men răng.

Sau khi uống các loại đồ uống có tính axit, bạn có thể uống thêm sữa để “khử” axit. Theo đó, bạn chỉ nên ăn các thực phẩm có đường và tinh bột trong bữa ăn chính. Đây là lúc miệng bạn tiết ra nhiều nước bọt nhất để rửa sạch axit.

2.6. Ngăn ngừa bệnh ung thư

Những người tuổi tác càng lớn sẽ có nguy cơ cao mắc các bệnh ung thư miệng, cổ họng, lưỡi hoặc môi. Cách tốt nhất để ngăn chặn điều này là ngừng hút thuốc lá và chỉ nên uống rượu ở mức độ vừa phải. Ngoài ra, bạn cũng nên sử dụng son dưỡng môi cùng với kem chống nắng bất cứ khi nào khi đi ra ngoài.

Các triệu chứng đau không phải là dấu hiệu sớm của bệnh, do đó bạn nên đi khám nha sĩ thường xuyên để kiểm tra sức khỏe răng miệng. Việc tìm kiếm và phát hiện bệnh sớm sẽ giúp bạn đạt được hiệu quả điều trị cao. Một số dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về răng miệng, bao gồm vết loét, mảng đỏ hoặc trắng và bất kỳ sự thay đổi lâu dài nào trong miệng bạn.

Ung thư miệng
Người cao tuổi tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng

3. Làm thế nào để già đi một cách khỏe mạnh?

Hoạt động thể chất có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bạn trong suốt cuộc đời. Ngay cả khi tuổi càng cao, việc tăng cường mức độ hoạt động thể chất cũng có thể giúp bạn cải thiện được tuổi thọ và tăng số năm không bị bệnh tật hay tàn tật của mình. Hoạt động thể chất có thể mang lại một số lợi ích sau đây:

  • Tăng tuổi thọ
  • Duy trì cảm giác thèm ăn
  • Bảo vệ và chống lại bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường, trầm cảm, sa sút trí tuệ và một số bệnh ung thư
  • Giảm tình trạng cứng khớp và đau do viêm khớp
  • Giảm tình trạng mất xương và tăng cường cơ bắp, giảm nguy cơ ngã và gãy xương
  • Cải thiện tâm trạng

Kể cả người trẻ và người lớn tuổi đều cần hoạt động thể chất ít nhất 150 phút vào mỗi tuần, mỗi đợt kéo dài từ 10 phút trở lên. Cách tốt nhất để đạt được điều này là thực hiện 30 phút cho mỗi bài tập thể dục và duy trì liên tục trong 5 ngày mỗi tuần.

Hoạt động thể chất không cần quá vất vả để đạt được lợi ích sức khỏe, điều quan trọng là bạn phải đưa nó vào thói quen thường xuyên của mình. Ngay cả những sự thay đổi nhỏ vào mỗi ngày cũng có thể giúp ích cho sức khỏe của bạn, chẳng hạn như đi cầu thang bộ thay vì đi thang máy hoặc đi dạo gần nhà. Nói chung, bạn càng hoạt động thể chất, tập thể dục nhiều thì lợi ích càng lớn. Tuy nhiên, nếu trước đây bạn không hoạt động nhiều, bạn nên bắt đầu dần dần và tăng cường số lượng hoạt động để giảm thiểu nguy cơ chấn thương.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: health.harvard.edu, nutrition.org.uk, webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan