Có nên bôi thuốc mỡ Tetracyclin sau khi xăm môi?

Việc chăm sóc đúng cách sau khi phun xăm môi là điều cần thiết để đạt được kết quả tốt nhất. Để đảm bảo đôi môi lành lại đúng cách và tránh được biến chứng, người thực hiện cần tuân thủ quy trình chăm sóc môi sau khi xăm, đồng thời tham vấn ý kiến bác sĩ nên xăm môi bao lâu thì bôi thuốc mỡ hay bôi thuốc mỡ gì sau khi xăm môi một cách phù hợp.

1. Cách chăm sóc khi xăm môi trong những ngày đầu tiên

Mục tiêu của việc chăm sóc khi xăm môi trong những ngày đầu tiên là giữ cho lớp vảy tồn tại càng lâu càng tốt bằng cách để môi luôn sạch sẽ, khô ráo và dưỡng ẩm nhẹ.

Trong hầu hết các trường hợp, ngay sau khi xăm môi, khu vực này sẽ có cảm giác hơi mềm và sẽ khá tối màu và rõ nét. Ngày hôm sau, đôi môi sẽ có màu đỏ, sau đó vảy sẽ chuyển sang màu sẫm và làm cho hình xăm dày hơn so với trước đây. Tùy thuộc vào làn da của mỗi người, sau khi phun xăm môi thường mất khoảng từ 7-14 ngày để hết bong vảy.

Như vậy, từ ngày thực hiện, việc loại bỏ lớp da khô trên bề mặt môi để tránh đóng vảy nhiều là rất quan trọng. Quy trình làm sạch môi bằng bông ẩm sau mỗi 30 phút cần duy trì cho đến khi đi ngủ. Trước khi ngủ nếu môi vẫn còn khô thì nên rửa môi bằng nước ấm nhẹ nhàng để loại bỏ lớp da khô, vỗ nhẹ cho ráo và thoa kem dưỡng môi hay thuốc mỡ. Tốt nhất là nên chọn loại nhẹ nhàng để giảm thiểu rủi ro bị kích ứng. Đôi khi đôi môi có thể bị bầm tím ngay sau khi làm thủ thuật, đừng lo lắng, vết bầm tím sẽ biến mất trong vòng vài giờ sau đó.

Đến ngày kế tiếp, đôi môi cũng có thể trông như bị sưng vù. Tuy nhiên, đừng làm lạnh da môi mà phải luôn giữ ẩm, không để môi bị khô. Tương tự như vậy trong ngày thứ 3, tiếp tục thoa thuốc mỡ khi cần thiết, có nghĩa là ngay khi môi bắt đầu cảm thấy khô.

Trong những ngày này, bạn hãy nhớ những điều sau đây:

  • Tránh tiếp xúc nước, mỹ phẩm trang điểm, đổ mồ hôi nhiều, xông hơi, tắm hồ bơi, tắm nắng.
  • Không tích cực làm sạch vảy vì có thể gây sẹo.
  • Không bôi bất cứ thứ gì ngoài thuốc mỡ mà bác sĩ chỉ định.
  • Không sử dụng các loại kem có chứa axit hoặc các thành phần làm sáng da hay tẩy tế bào chết cho da.

2. Cách chăm sóc khi xăm môi trong những ngày bong vảy

Một khi các lớp vảy bong ra, điều đó có nghĩa là lớp da môi đã thay mới và sẵn sàng bộc lộ ra. Đồng thời, có thể bắt đầu trang điểm trên khu vực sau khi vảy đã rụng hoàn toàn. Quá trình lành hoàn toàn này thường mất khoảng 6 tuần và lúc đó hình xăm phun môi mới lên màu thực sự. Tuy nhiên, nên lưu ý rằng hình xăm lúc này sẽ nhạt hơn ban đầu và không còn sắc nét sau khi lành.

Ngược lại với cách chăm sóc khi xăm môi trong những ngày đầu tiên, bây giờ bạn cần làm sạch đôi môi một cách kỹ lưỡng để tránh tích tụ quá nhiều tế bào da chết. Sự tích tụ này sẽ làm cho sắc tố môi có màu xám kém thẩm mỹ.

Tại thời điểm này, bạn nên tái khám lại để bác sĩ đánh giá. Dù vậy, kết quả thu nhận được sẽ khác nhau tùy theo mỗi cá nhân và phụ thuộc rất nhiều vào tình trạng da, cách cơ thể chữa lành vết thương hay cách chăm sóc sau đó.

Một số trường hợp có thể mắc phải biến chứng nhiễm trùng vết thương sau phun xăm. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định bôi thuốc mỡ Tetracyclin sau khi xăm môi để tiêu diệt vi trùng, giúp môi lành sẹo tốt. Tuy nhiên, việc tự ý bôi thuốc mỡ Tetracyclin sau khi xăm môi là không khuyến khích vì toàn bộ thủ thuật là vô trùng; mặt khác, lạm dụng thuốc bôi kháng sinh sẽ tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh.

3. Cách chăm sóc môi sau khi đã lành hoàn toàn

Dù cho đôi môi sau khi phun xăm đã được chữa lành hoàn toàn thì bạn cũng cần tránh dùng các sản phẩm có chứa thành phần là Benzoyl peroxide, Hydrogen peroxide, axit glycolic, giấm táo, vitamin E và C hay Retinols.

Các thành phần này thường có thể được tìm thấy trong mỹ phẩm chống lão hóa, làm sáng da, ngăn ngừa mụn. Việc tránh tiếp xúc các thành phần này vì nguy cơ làm xấu đi sắc tố phun xăm, dẫn đến một vùng môi bị tẩy trắng và không đều màu.

Thay vào đó, cần nhớ luôn dùng kem chống nắng. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời theo thời gian có thể làm cho sắc tố bị phai màu sớm và mất màu. Vì vậy, luôn đeo kính râm lớn và đội mũ để bảo vệ thêm cho đôi môi.

Nếu cần tái tạo bề mặt bằng laser hoặc tẩy lông bằng laser sau khi phun xăm môi đã lành, người thực hiện cần thông báo cho kỹ thuật viên laser. Năng lượng từ các thủ thuật laser có thể làm tối đi, sáng hơn hoặc đổi màu đôi môi được phun xăm.

Tóm lại, giống như với bất kỳ phương pháp trang điểm vĩnh viễn nào, phun xăm môi đòi hỏi cần chăm sóc đặc biệt để lành lại đúng cách. Vì quy trình này được thực hiện bằng cách dùng kim điện xuyên qua da môi nhiều lần, vấn đề xăm môi bao lâu thì bôi thuốc mỡ hay bôi thuốc mỡ gì sau khi xăm môi luôn cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan