Cách giúp phát triển chiều cao cho trẻ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú, Bác sĩ Nguyễn Hùng Tiến - Bác sĩ Nội trú Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Nhiều nghiên cứu cho rằng yếu tố di truyền chiếm tới 60 – 80% chiều cao cuối cùng của một người. Tỷ lệ phần trăm còn lại thường liên quan đến dinh dưỡng và việc luyện tập thể dục. Nhìn chung, chiều cao sẽ ngừng phát triển sau khi trẻ bước qua tuổi dậy thì. Tuy nhiên, có nhiều cách giúp trẻ đạt được tối đa tiềm năng phát triển của mình, thậm chí khi trưởng thành vẫn có thể duy trì được chiều cao và sức khoẻ tổng thể.

1. Những yếu tố nào ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ?

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Dưới đây là những yếu tố phổ biến nhất có thể ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển chiều cao của trẻ, bao gồm:

1.1. Giới tính

Theo thống kê, trẻ trai thường có xu hướng cao hơn trẻ gái

1.2. Yếu tố di truyền

Nhìn chung, chiều cao của một người sẽ có liên quan mật thiết đến các yếu tố di truyền trong gia đình. Đa phần các thành viên trong gia đình sẽ phát triển chiều cao với tốc độ tương tự nhau và có chiều cao gần như ngang bằng nhau. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cha mẹ thấp bé sẽ không thể có con cao lớn.

di truyền
Yếu tố di truyền ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ

1.3. Tình trạng sức khoẻ

Tình trạng bệnh lý ở trẻ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của chúng. Chẳng hạn, những trẻ mắc phải hội chứng Marfan – một chứng rối loạn di truyền, có thể khiến đứa trẻ đó cao hơn bất thường. Mặt khác, một số tình trạng y tế như bệnh celiac, viêm khớp và ung thư có thể khiến trẻ có chiều cao thấp hơn so với những thành viên khác trong gia đình cũng như những đứa trẻ cùng lứa tuổi. Ngoài ra, những trẻ em sử dụng một số loại thuốc như corticosteroid trong một thời gian dài cũng có thể làm hạn chế sự phát triển chiều cao của trẻ.

1.4. Dinh dưỡng

Những đứa trẻ bị thừa cân dường như cao hơn so với những trẻ khác, trong khi đó những trẻ em nhẹ cân hoặc suy dinh dưỡng thường có xu hướng thấp hơn. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng dự đoán chính xác được chiều cao cuối cùng của trẻ.

XEM THÊM: Cách tăng chiều cao tối đa trong giai đoạn dậy thì

Béo phì
Trẻ thừa cân sẽ phát triển cao hơn trẻ suy dinh dưỡng

2. Một số phương pháp giúp dự đoán chiều cao của trẻ

Hiện nay có một số công thức giúp ước tính được chiều cao của một đứa trẻ. Mặc dù, vẫn chưa có một phương pháp nào được chứng minh là có thể dự đoán chắc chắn được chiều cao của trẻ, nhưng thông qua chúng có thể giúp bạn ước tính sơ bộ. Cụ thể:

2.1. Dự đoán chiều cao theo tuổi của trẻ

Đối với bé trai, bạn hãy tăng gấp đôi chiều cao của trẻ khi chúng được hai tuổi. Đối với bé gái, bạn hãy nhân đôi chiều cao của trẻ khi bé được 18 tháng tuổi. Ví dụ, một bé gái 18 tháng tuổi cao 31 inch, khi đó chiều cao dự đoán của trẻ sẽ được nhân gấp đôi và cho ra kết quả là 62 inch, tương đương với 5 feet 2 inch.

2.2. Dự đoán theo chiều cao trung bình của bố và mẹ

Bạn có thể dự đoán chiều cao của con bằng cách lấy chiều cao của bố cộng với chiều cao của mẹ (bằng inch). Sau đó cộng tổng số vừa tính được cho 5 inch (đối với bé trai ) hoặc trừ đi 5 inch (đối với bé gái). Tiếp theo, chia kết quả này cho 2. Chẳng hạn, một bé trai có bố cao 6 feet (72 inch) và mẹ cao 5 feet 6 inch (66 inch), thì chiều cao dự đoán của cậu bé sẽ được tính như sau:

  • B1: 72 + 66 = 138 inch
  • B2: 138 + 5 inch = 143
  • B3: 143/2 = 71,5 inch.

Vậy ước tính cậu bé sẽ cao khoảng 5 feet 10 inch.

2.3. Chụp X-quang tuổi xương của trẻ

Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang bàn tay và cổ tay của trẻ để có thể thấy được các sụn tăng trưởng của xương. Khi còn nhỏ, các sụn tăng trưởng sẽ trở nên mỏng hơn. Đến khi trẻ trưởng thành, những sụn tăng trưởng này sẽ biến mất. Bác sĩ có thể áp dụng nghiên cứu tuổi xương để xác định xem liệu trẻ có thể cao thêm và dài thêm được bao nhiêu nữa.

XEM THÊM: Phát triển chiều cao cho trẻ giai đoạn dậy thì

Xquang xương bàn tay
Chụp X-quang tuổi xương của trẻ để thấy được các sụn tăng trưởng của xương

3. Khi nào con bạn sẽ ngừng phát triển chiều cao?

Hầu hết các bé trai và bé gái sẽ trải qua một sự phát triển vượt bậc về chiều cao ở độ tuổi dậy thì. Tuy nhiên, điều này sẽ xảy ra ở các độ tuổi khác nhau đối với mỗi giới tính.

Các nhà nghiên cứu cho biết, các bé gái thường bắt đầu dậy thì trong độ tuổi từ 8 – 13. Trong giai đoạn này, trẻ sẽ bắt đầu phát triển ngực và có chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên trong cuộc đời. Đối với các bé trai sẽ dậy thì muộn hơn một chút, thường bắt đầu từ 9 – 14 tuổi.

Bởi vì các bé gái có xu hướng phát triển vượt bậc về chiều cao trước tiên cho nên chúng có thể sẽ ngừng phát triển ở độ tuổi trẻ hơn, thường vào khoảng 16 tuổi. Tuy nhiên, các bé trai sẽ tiếp tục phát triển chiều cao cho đến năm 18 tuổi.

Nhìn chung, tốc độ phát triển chiều cao ở mỗi trẻ là khác nhau. Trẻ phát triển chiều cao trong bao lâu có thể phụ thuộc vào thời điểm chúng bước qua tuổi dậy thì. Nếu một đứa trẻ dậy thì muộn hơn so với những đứa trẻ khác cùng tuổi thì chúng cũng có thể phát triển chiều cao cho đến độ tuổi muộn hơn.

4. Những trường hợp nào bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ?

Nếu bạn lo lắng rằng con sẽ không thể phát triển chiều cao với tốc độ mong đợi, tốt nhất bạn nên trao đổi sớm với bác sĩ nhi khoa. Bác sĩ sẽ đánh giá mức tăng trưởng trung bình của trẻ thông qua độ tuổi và giới tính của con bạn. Nếu trẻ đột nhiên có dấu hiệu bị chậm phát triển hoặc thấp hơn nhiều so với các đường cong trung bình được biểu thị trên biểu đồ tăng trưởng thì khả năng cao có liên quan đến các yếu tố nội tiết trong cơ thể trẻ hoặc các yếu tố di truyền.

Một số yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, bao gồm:

  • Rối loạn thận
  • Vấn đề về hấp thụ thức ăn
  • Rối loạn tuyến giáp
  • Ăn quá nhiều
  • Rối loạn tim hoặc phổi
  • Rối loạn hormone tăng trưởng

Bác sĩ nội tiết có thể tiến hành xét nghiệm máu của trẻ và thực hiện thêm một số xét nghiệm khác để xác định được những yếu tố nào có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ.

XEM THÊM: Thực đơn dinh dưỡng phát triển chiều cao

Giải thích thế nào cho trẻ về béo phì?
Trẻ ăn quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

5. Những phương pháp giúp trẻ tăng chiều cao hiệu quả

Mặc dù, chiều cao của trẻ có thể phụ thuộc vào yếu tố di truyền, tuy nhiên để giúp trẻ có thể tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh thì những thói quen lành mạnh hàng ngày từ chế độ dinh dưỡng cho đến việc luyện tập thể dục chính là những “chìa khoá” vô cùng quan trọng.

Dưới đây là một số phương pháp giúp trẻ có thể tăng chiều cao một cách hiệu quả, đồng thời tăng cường được sức khoẻ tổng thể của mình:

5.1. Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng

Trong giai đoạn dậy thì, trẻ cần phải nhận được các chất dinh dưỡng mà cơ thể cần đến, vì vậy trong chế độ ăn uống của trẻ cần đảm bảo có đầy đủ các loại thực phẩm sau:

  • Rau sạch
  • Trái cây tươi
  • Các loại ngũ cốc
  • Các sản phẩm bơ sữa
  • Protein

Ngoài ra, trẻ cũng nên hạn chế hoặc tránh tiêu thụ các loại thực phẩm có chứa nhiều đường, các chất béo chuyển hóa hoặc bão hoà. Nếu tuổi tác lớn hơn hoặc một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn ảnh hưởng đến mật độ xương và khiến cho chiều cao của bạn bị giảm thì bạn nên tăng cường bổ sung canxi thông qua chế độ ăn uống hàng ngày của mình.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng nữ giới trên 50 tuổi và nam giới trên 70 tuổi nên tiêu thụ khoảng 1.200 miligam (mg) canxi mỗi ngày. Bên cạnh đó, vitamin D cũng giúp thúc đẩy đáng kể được sức khỏe của xương. Các nguồn cung cấp loại vitamin này thường bao gồm sữa tăng cường, cá ngừ và lòng đỏ trứng. Nếu cơ thể bạn không nhận được đầy đủ lượng vitamin D trong chế độ ăn uống của mình, bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng chất bổ sung để đáp ứng được lượng khuyến nghị hàng ngày.

Thực phẩm chứa nhiều vitamin D
Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin D cho cơ thể

5.2. Thận trọng khi sử dụng các chất bổ sung

Chỉ có một số trường hợp nhất định được sử dụng chất bổ sung để tăng chiều cao ở trẻ em và chống lại sự teo nhỏ ở người cao tuổi. Chẳng hạn, nếu bạn có một tình trạng y tế ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone tăng trưởng ở người lớn (HGH), bác sĩ có thể khuyến nghị bạn bổ sung thêm chất có chứa HGH tổng hợp. Ngoài ra, những người có tuổi tác cao có thể bổ sung vitamin D hoặc canxi để làm giảm nguy cơ loãng xương.

Trong hầu hết các trường hợp khác, bạn nên tránh sử dụng những chất bổ sung được quảng cáo có thể tăng chiều cao sau khi dùng. Bởi vì một khi các sụn tăng trưởng của bạn trở nên hợp nhất với nhau thì bạn sẽ không còn cơ hội để có thể tăng chiều cao của mình cho dù bạn có sử dụng bất kỳ chất bổ sung nào khác.

5.3. Ngủ đủ giấc

Thỉnh thoảng ngủ không đủ giấc sẽ không làm ảnh hưởng đến chiều cao của bạn về lâu dài. Nhưng nếu trong thời niên thiếu, bạn thường xuyên ngủ ít hơn số giờ được khuyến nghị thì nó có thể dẫn đến các biến chứng sức khoẻ không mong muốn. Điều này là do cơ thể bạn sẽ tiết ra hormone tăng trưởng HGH khi ngủ, vì vậy việc không ngủ đủ giấc có thể làm giảm nồng độ hormone này.

Dưới đây là số lượng giờ ngủ được các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến nghị đối với từng độ tuổi nhất định:

  • Trẻ sơ sinh đến 3 tháng tuổi: nên ngủ từ 14 – 17 giờ mỗi ngày
  • Trẻ sơ sinh từ 3 - 11 tháng tuổi: nên ngủ từ 12 – 17 giờ mỗi ngày
  • Trẻ mới biết đi từ 1 – 2 tuổi: nên ngủ từ 11 – 14 giờ mỗi ngày
  • Trẻ nhỏ từ 3 - 5 tuổi: nên ngủ từ 10 – 13 giờ mỗi ngày
  • Trẻ em từ 6 - 13 tuổi: nên ngủ từ 9 – 11 giờ mỗi ngày
  • Thanh thiếu niên từ 14 – 17 tuổi: nên ngủ từ 8 – 10 giờ mỗi ngày
  • Người lớn từ 18 – 64 tuổi: nên ngủ từ 7 – 9 giờ mỗi ngày
  • Người lớn từ 65 tuổi trở lên: nên ngủ từ 7 – 8 giờ mỗi ngày

Việc ngủ thêm thậm chí có thể làm tăng sản xuất hormone HGH, do đó bạn nên tiếp tục thực hiện các giấc ngủ ngắn trong ngày.

ngủ ngon
Ngủ đủ giấc sẽ có tác động tích cực đến chiều cao

5.4. Duy trì các hoạt động thể chất

Việc duy trì các hoạt động thể chất thường xuyên có thể mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với sức khỏe của cả trẻ em và người lớn. Các bài tập thể dục có thể giúp củng cố sức mạnh của các cơ và xương trong cơ thể, đồng thời thúc đẩy quá trình sản xuất hormone tăng trưởng HGH và duy trì được một cân nặng hợp lý.

Đối với trẻ em đang độ tuổi phát triển chiều cao nên tập luyện thể dục ít nhất một giờ mỗi ngày. Các bé có thể thực hiện các bài tập như chống đẩy để tăng cường sức mạnh cơ bắp, hoặc các bài tập yoga, thể dục nhịp điệu, đi xe đạp hoặc nhảy dây.

Đối với người trưởng thành, tập thể dục cũng vô cùng cần thiết. Nó không chỉ giúp nâng cao sức khoẻ tổng thể mà còn làm giảm các nguy cơ gây loãng xương thường xảy ra do xương bị giòn yếu và mất mật độ xương. Việc tập luyện thể chất, chẳng hạn như yoga hoặc chơi tennis vài lần một tuần có thể giúp bạn ngăn ngừa được một số bệnh lý nhất định.

5.5. Điều chỉnh tư thế khi ngồi

Việc ngồi sai tư thế có thể làm bạn trông thấp hơn so với chiều cao thực tế, về lâu dài nó cũng có thể ảnh hưởng đến chiều cao của bạn.

Việc giữ lưng ở tư thế chùng xuống liên tục có thể làm thay đổi những đường cong tự nhiên ở lưng nhằm giúp bạn thích nghi được với tư thế ngồi mới. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến tình trạng đau lưng và cổ.

Để không làm ảnh hưởng đến chiều cao thực tế, bạn cần chú trọng đến cách đứng, ngồi và nằm của mình mỗi ngày. Bạn có thể cải thiện tư thế của mình theo thời gian thông qua các bài tập thực hành thể chất, hoặc trao đổi với bác sĩ để tìm ra phương pháp khắc phục hiệu quả dành cho bạn.

Tư thế ngồi
Tư thế ngồi ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ

5.6. Tập yoga thường xuyên

Việc tập yoga không những giúp bạn điều chỉnh được cơ thể cân đối mà còn góp phần làm tăng cường cơ bắp. Điều này cũng giúp chiều cao thực tế của bạn trông cao hơn bình thường. Một số tư thế yoga phổ biến mà bạn có thể thực hiện, bao gồm:

  • Tư thế rắn hổ mang
  • Tư thế leo núi
  • Tư thế chiến binh II
  • Tư thế trẻ em

Chiều cao có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như tính thẩm mỹ bên ngoài. Ngoài yếu tố di truyền, cha mẹ có thể xây dựng chế độ dinh dưỡng, luyện tập để trẻ có thể phát triển chiều cao tốt nhất.

Để giupa trẻ phát triển chiều cao tốt nhất, ngoài chế độ dinh dưỡng và luyện tập, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng, phát triển toàn diện.

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan